Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2009):

Sân khấu trên tuyến lửa

Thứ Sáu, 22/05/2009, 15:20
Mùa hè 1966, Bộ Văn hóa cử Đoàn Kịch nói Nam Bộ vào phục vụ tuyến lửa Quảng Bình, địa đầu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ ra miền Bắc. Lãnh đạo chuẩn bị tư tưởng cho anh chị em vào "thực địa" trong ấy sẽ hành quân bộ, yêu cầu mọi thứ gọn nhẹ, hậu đài, cảnh trí chia nhau mang vác.

Chỉ mang đi các vở ngắn, ai đóng nhân vật nào giữ phục trang đó cùng với tư trang cá nhân. Những gì nặng nhọc thanh niên "bao giàn". Các nữ diễn viên phải tính toán sắp xếp "phụ tùng riêng" mang theo không làm ảnh hưởng sức khỏe hành quân biểu diễn. Bộ Văn hóa cấp riêng cho đoàn chiếc xe mới cứng chở diễn viên và hành lý - dụng cụ sân khấu trên mui lên đường, tạm biệt Hà Nội vào một buổi sớm mai.

Đến ngày thứ hai, quá nửa đêm ôtô đổ đèo Lý Hòa (địa phận Quảng Bình) thì, ầm ầm ào ào máy bay gầm rú trên đầu. Xe đột ngột dừng lại. Nghe tiếng hét "xuống xe chạy mau tránh xa mặt đường!”, mọi người nháo nhào nhảy xuống đất, chạy thục mạng về phía tây có rặng phi lao mờ mờ... 

Pháo sáng bung lơ lửng giữa trời đêm chụp xuống không gian lộ rõ một vệt đen ngoằn ngoèo - những đoàn xe nối đuôi nhau trên Quốc lộ 1A. Bom nổ từng đợt ở góc trời, tiếp theo là rốckét vút ngang đầu. Các nữ diễn viên níu tay nhau cắm đầu chạy về phía hàng phi lao. Không còn nghe tiếng máy bay chỉ có tiếng réo nhau thất thanh trong đêm. Tập trung điểm danh quân số đầy đủ, ai nấy nghe tiếng "có" mừng rơn trong thời khắc sinh tử.

Trưởng đoàn động viên anh chị em: “Thằng Mỹ đánh phủ đầu nhưng ta bảo toàn được "sinh lực" là thắng nó một điểm rồi!”. Có tiếng lo lắng trong đêm: "Nhưng mất hết gạo rồi, làm sao đây?", (ngày đó cán bộ đi công tác mà không có sổ gạo kèm theo coi như đói). "Yên chí, Tỉnh ủy Quảng Bình đã được tin đoàn ta vào phục vụ, sẽ  không để cho ta đói đâu". 

Đoàn kịch Nam Bộ vào Trường Sơn.

Hành quân bằng đôi chân mang dép cao su chưa quen, ngường ngượng bước đi cứ chập chờn. Một người chọc cười bảo với nữ diễn viên thường hát bài "Bánh xe lăn" bây giờ xe cháy rồi, phải đổi lời "xe tôi cứ lăn đi" thành "chân tôi cứ lê đi" mới hấp dẫn, làm mọi người cười ồ lên.

May thay, cán bộ Ty Thông tin đến đón, cho biết một đạo diễn đoàn cử vào đây tháng trước đang huấn luyện ở Lệ Thủy cho Văn công Quảng Bình vừa mới thành lập trong "ni", còn Ty Văn hóa đã lên kế hoạch bố trí Đoàn kịch Nam Bộ phục vụ các huyện.

Tập thể họp nhanh, bàn đi tính lại cả tỉnh Quảng Bình và các đơn vị bộ đội ở phía tây Trường Sơn, khối lượng khán giả quá lớn, tán thành nên chia đoàn thành hai bộ phận quân số bằng nhau, cùng diễn những tiết mục ngắn mới có thể hoàn thành kế hoạch biểu diễn trong thời gian 3 tháng. Giang Thuận, diễn viên phụ trách cánh Bắc sông Gianh, Lê An chỉ huy cánh Nam sông Gianh, Giám đốc Nhà hát kịch - đạo diễn Bích Lâm chỉ đạo chung.

Bắc hay Nam sông Gianh đều có những suất diễn khó quên với những kiểu sân khấu "ứng biến" không giống bất kỳ sân khấu nào trên thế giới, đặc biệt là lớp khán giả "đội bom" để xem diễn kịch!

Trên trời ngày cũng như đêm, địch tăng cường giám sát chặt các trục đường giao thông, nhất là những bến phà hầu hết vận hành thủ công, còn vài bến phà "ưu tiên'" có canô "dẫn" cũng hoạt động rất hạn chế phòng máy bay "tìm nhiệt" đến trút bom. Mà bến phà nào cũng nằm trong "tọa độ", từ Hà Nội xuôi theo Quốc lộ 1A: Hàm Rồng (Thanh Hóa), Bến Thủy (Vinh), Ròn (sông Gianh).

Biểu diễn cho bộ đội xem ở chiến trường thì đủ kiểu sáng tạo sân khấu "dã chiến", nghĩa là không gian nào cũng ứng biến để biểu diễn. Một chiều xế bóng đang hành quân đến nghỉ đêm trong "rú" theo kế hoạch, bất ngờ gặp đơn vị chuẩn bị lên đường. Thủ trưởng người Nam Bộ, dân Bến Tre bất chợt đề nghị với đoàn và cán bộ Ty Văn hóa, diễn cho đơn vị mình được làm quen giọng miền Nam trước khi rời đất Bắc...

Trung đoàn trưởng tha thiết: Tập kết ra Bắc, có dịp về học tập ở thủ đô Hà Nội, tôi được xem các anh chị diễn "Lu Ba", "Câu chuyện Iếc cút" và "Trương Định", bây giờ đơn vị tôi được xem văn nghệ trước khi lên đường thì như được bồi dưỡng một lớp "ngoại khóa" động viên hết sức lớn để "vượt tuyến" về Nam...  Thế là văn công tranh thủ "diễn liền" kẻo mặt trời khuất núi.

Đơn vị truyền lệnh: Bộ đội tập họp, ngồi dọc theo hàng cây ngụy trang ở mí rừng để xem biểu diễn. Sân khấu là lõm đất trống sát bìa rừng. Trong khi chờ đợi diễn viên hóa trang, tranh thủ phụ diễn "ca nhạc", tuy là tiết mục phụ nhưng ca sĩ hát rất khí thế, còn bộ đội hào hứng chú ý nghe giọng phương Nam. Hát sô-lô, song ca, tốp ca, hát giữa trời không có "tăng âm" mà khu rừng như lặng im thưởng thức.

Nhạc "Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ..." trỗi lên kết thúc trong tiếng vỗ tay của chiến sĩ, còn các diễn viên mặt sạm đen bởi khói muội của dầu mazút... Đoàn xe "Zin" nổ máy rền, bộ đội trên xe ngoắc tay gọi  nhắn văn công: "Cám ơn Kịch nói Nam Bộ cho xem "thích quá!”.  Đoàn xe chuyển bánh và diễn viên tíu tít vẫy chào bộ đội trong cảnh hoàng hôn mờ ảo của núi rừng...   

Theo liên lạc về "Hợp tác xã" đãi diễn viên ăn bữa cơm chiều dọn ở giữa sân gạch, nhưng phải "ăn mò", phòng máy bay. Món ăn Quảng Bình đặc biệt mặn mà, "món mô cũng cay chi mà cay lạ rứa hè".

Sáng sớm, đoàn hành quân đến phục vụ "Hợp tác xã Đại Phong" đầu đàn. Ông chủ nhiệm đón đoàn ở vệ đường, vồn vã: “Bầy tui chuẩn bị từ hôm qua để xem diễn... chừ, xin mời các "en", các "o" diễn viên xuống hầm, ta sẽ diễn vài suất liền cho bà con thay phiên nhau xem...”.  

Theo bậc thang tụt xuống hầm đã thấy khán giả vài chục người ngồi kín "khán phòng" dài độ mươi mét, bề ngang bằng nửa chiều dài. Ở cuối đường hầm có khoảng trống - diện tích thật nhỏ dành cho sân khấu... Chẳng ai bảo ai phải "sân khấu hóa" ở mọi địa hình đáp ứng tình cảm bà con mong đợi.

Ca nhạc bắt đầu, diễn viên kịch ngồi bệt xuống đất hóa trang. Hết 15 phút ca nhạc, bắt đầu diễn kịch ngắn. Các vở "Đâu có giặc là ta cứ đi", "Lá cờ", kèm chương trình ca nhạc thành một suất diễn. Khán giả xem xong một suất, trật tự giải tán nhường chỗ cho suất tiếp theo. Y như các rạp hát ở  thủ đô Hà Nội, hết  suất này đến suất khác, trật tự và rất đúng giờ. Giữa 2 suất hát là ấm nước chè xanh và rổ khoai lang nóng hổi bồi dưỡng diễn viên tại chỗ.

Sân khấu dưới lòng đất gây "ấn tượng" sâu sắc trong đời diễn viên chưa bao giờ hình dung tới một đợt biểu diễn liền bốn suất cho gần trăm khán giả được xem ưu tiên do thành tích sản xuất - chiến đấu. --PageBreak--

"Bữa ni đoàn ta sẽ vượt qua quả đồi phía tây để đến một lán thương bệnh binh ở triền núi... Cái đồi nay không còn hình dáng cũ mà thành cái túi bom ngày đêm của giặc lái bay vào đánh phá các nơi,  lúc quay về trút bom đạn cày xới tơi tả xuống "nớ" từ năm 1965 đến nay (năm 1966)". Cán bộ địa phương "rao vắn tắt", chuẩn bị tinh thần cho diễn viên lên đường từ lúc gà gáy sáng để kịp vượt qua ngọn đồi 37 trước giờ máy bay xuất hiện.

Cái kẹp rút dép cao su được nhắc nhở trước lúc hành quân, là bảo bối cá nhân không thể thiếu trên địa hình "tử thần" khi quai dép bị tuột, không thể lội bừa bằng đôi chân trần của diễn viên vốn quen giày vớ.

Tờ mờ sáng, đoàn dừng lại quanh một cái hố rộng cùng Trưởng đoàn Bích Lâm bốc nắm đất, cúi đầu mặc niệm chiến sĩ "Đồi 37 anh hùng" - mảnh đất này đã hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn của giặc. Vào đến khe núi gặp  một đơn vị điều dưỡng, thương binh nằm rải rác trong hang nên kế hoạch biểu diễn phân tán từng nhóm vài diễn viên biểu diễn ca nhạc, ngâm thơ phục vụ thương binh.

Trong buổi chiêu đãi đoàn tại Tỉnh ủy Quảng Bình, đồng chí Đặng Tất, Trưởng ban Tuyên giáo phát biểu chân tình: "Đoàn kịch nói Nam Bộ đã đặt chân đến "Đồi 37 anh hùng" xứng đáng được thưởng huân chương rồi"!

Trên những cung đường Trường Sơn từ Hà Tĩnh rẽ lên Hương Khê theo đường 15, diễn viên lần lượt in sâu những cái tên - địa danh lịch sử khốc liệt: 12A gắn liền tên liệt sĩ anh hùng Nguyễn Viết Xuân, vượt qua Khe Ve là con đường độc đạo dài trên 40 cây số không có tiếng chim, chỉ có tiếng bom thường trực và trận địa pháo mặt đất rát rạt bảo vệ những đoàn xe hậu phương ra tiền tuyến, gồm loại xe bọ hung - "Zin" ba cầu hoặc xe bánh xích. 

Các nữ diễn viên Đoàn kịch nói Nam Bộ ở miền Bắc.

Luồn qua Khe Ve, đến đèo Mụ Giạ nối đuôi nhau bò lom khom từng đoạn thở dốc lấy sức để phục vụ một suất hát hi hữu: diễn cho một khán giả duy nhất, chiến sĩ trên lưng chừng đồi đứng cảnh giới báo động máy bay từ xa. Vũ khí của người lính là một lưỡi lê gỉ sét làm cán dùi gõ liên hồi vào cái kẻng bằng mảnh sắt tây treo lủng lẳng vào một nhánh cây dại để báo động khi thấy máy bay các hướng tây (Thái Lan) hướng biển đông (Hạm đội 7) đến.

Phiên trực của người lính gác máy bay thường là một ngày - đêm với cơm vắt và bi đông nước uống, đôi khi trục trặc nhân sự, phiên gác kéo dài chờ người đến thay phải nhịn đói làm nhiệm vụ. "Bữa ni" - cán bộ địa phương bảo chiến sĩ, kịch diễn cho mỗi mình "en" xem, sướng hỉ!".

Vài phút đầu khán giả độc nhất còn e ngại, nhưng rồi kịch cuốn hút anh, thỉnh thoảng thói quen nghề nghiệp gác máy bay, anh đảo mắt nhanh các hướng với cái dùi sắt lăm lăm trong tay sẵn sàng gõ kẻng báo động rồi trên gương mặt măng tơ bỗng cười hích hích, hồn nhiên như nhân vật cũng đang cười trước mặt...

Buổi diễn kết thúc, diễn viên đến bắt tay khán giả thân thiết, và bất ngờ anh khóc...  Hỏi vì sao khóc, anh ngập ngừng: "Vì đoàn phải trèo lên tận đây để diễn cho mỗi mình xem, anh cảm động quá", rồi anh mở balô rút ra tấm vải dù pháo sáng làm mền đắp, trao cho diễn viên: "Tui tặng đoàn làm kỷ niệm...  lên đèo Mụ Giạ hí!".

Buổi biểu diễn và hình ảnh khán giả, người chiến sĩ gác máy bay đeo đẳng theo đoàn, các diễn viên nghĩ không may anh chiến sĩ nọ hy sinh hoặc bị tai họa gì đó làm sao biết để kịp cấp cứu? Không ai giải đáp thỏa đáng mà kết luận đó là sự hy sinh của người lính.

Những nơi đoàn đi qua phản ánh tinh thần đó: Các gia đình hy sinh ngôi nhà, dỡ cột kèo cửa nẻo, ván nằm bằng gỗ quý đem lót đường chống lầy, đồng tâm "xe chưa qua nhà không tiếc"... Nam nữ thanh niên xung phong làm cọc tiêu di động, dẫn xe cơ giới, máy chuyên dụng hạng nặng gầm gừ bò đi trong đêm bằng chính con người họ khoác mảnh dù trắng. 

Lại nghe chuyện kể về một đơn vị nữ TNXP, chịu trách nhiệm một cung đường trong khu rừng đặc biệt toàn "tiên nữ" lao động sinh hoạt nhằm tiết kiệm quân trang (gửi về giúp gia đình) và quanh năm "thèm" nghe được tiếng nói các "en". Các đơn vị hay cá nhân nào có giấy phép xuyên qua đoạn rừng này phải đến trạm gác các "o" ở đầu bìa rừng trình giấy công tác để "o" trực ban phân công một "o" mặc quân phục lành lặn đến dẫn đường. 

Rất tiếc kế hoạch bị thay đổi, đoàn theo liên lạc ra bờ biển phục vụ cho đơn vị "nữ pháo binh Ngư Thủy". Thế là từ phía tây Trường Sơn văn công ngoặt ngược phía đông, giữa trưa đội nắng gió Lào rát ràn rạt, băng qua Quốc lộ 1, mỗi diễn viên cầm nhánh phi lao chạy ù trên bãi cát nóng một đoạn ngắn rồi dừng lại dập dập cho mát lòng bàn chân, lại tiếp tục chạy đến "mục tiêu" - trận địa pháo.

Gần đến đích nghe tiếng vỗ tay reo hò của các "o"  pháo thủ đón chào, bỗng nghe tiếng kêu "máy bay tề...  xuống công sự...". Phải một chập ầm ầm giữa cụm pháo phòng không gần đó quần nhau với giặc lái trên trời  đi xa, các "o" pháo thủ ào đến các hố cá nhân kéo diễn viên lên, pha trò: "Chẳng việc gì mô, giặc lái muốn xem văn nghệ nhưng bầy tui không ưng, đuổi cổ chúng đi rồi tề".

Những gương mặt rất trẻ sạm nắng đứng quanh một góc phi lao chăm chăm nghe hát như nuốt lời ca điệu bộ diễn viên, cùng lúc vỗ tay nhảy lên đắc chí khi tiết mục kết thúc. Cuộc chia tay trao quà kỷ niệm cũng độc đáo bằng một "bọc cát trắng" dúi vào tay nữ văn công "đi mô cũng nhớ về pháo binh Ngư Thủy Quảng Bình tề"!

Đoàn kịch về nghỉ đêm ở một kho hợp tác xã có nhiều hàng cột để giăng võng, bên dưới có sẵn hố cá nhân hễ nghe tiếng máy bay là tụt ngay xuống hầm. Khổ cho các nữ diễn viên hoạt động ở bờ nam sông Gianh, vào mùa khô thiếu nước sinh hoạt phải dùng lon sữa bò nối dây làm gàu kéo nước từ giếng sâu lên đổ vào chậu nhôm lẫn lộn sình non, rồi "lọc" bằng vải mùng để vệ sinh thân thể. 

Lục đục cơm mước "ăn mò" xong, lên võng nằm đu đưa ru giấc ngủ thì nghe tiếng rít trên không, lại tụt xuống hầm. Máy bay đi xa nhưng pháo sáng lơ lửng trên không tỏa xuống có lúc sáng hơn ánh trăng làm chị em mất ngủ, xoay qua tâm sự nỗi nhớ con nhỏ, thằng cu gửi cho dì, cho ông bà, cho tập thể nghĩ đến con nửa đêm giật mình gọi mẹ không có, chắc khóc dữ lắm như mẹ chúng đang chảy nước mắt cồn cào ruột gan...

Cuối năm 1971, Trưởng đoàn Nguyễn Ngọc Bạch chọn trên chục diễn viên có sức khỏe bảo đảm phục vụ khi có điều kiện "vượt tuyến". Mọi người hăm hở lên đường. Đi vào cửa ngõ Trường Sơn, trình diễn cho "Đoàn 559" xem các chương trình được khen và đưa vào kế hoạch "tiến quân". 

Đường Trường Sơn hôm nay được xây dựng xứng tầm hiện đại sau ngày toàn thắng 30/4/1975. Kỷ niệm đời diễn viên trong kháng chiến chống Mỹ, nam nữ viên Đoàn Kịch nói Nam Bộ tự hào đã có những ngày đội bom đạn trong đoàn quân "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"

Minh Trị (Đoàn Kịch nói Nam Bộ)
.
.