Số phận 3 chiếc “xuồng bay” trong chiến tranh Việt Nam (bài 2)

Thứ Tư, 18/01/2017, 15:05
Từ tháng 12-1967 cho đến tháng 8-1970, biệt đội Task Force 116 với 3 chiếc xuồng bay SK-5 đã thực hiện hàng trăm cuộc hành quân chớp nhoáng, từ Rừng Sác, Nhà Bè, Sài Gòn đến Đồng Tháp Mười.

Các báo cáo ban đầu về hoạt động của 3 chiếc xuồng này đều mang tính tích cực nên Phái bộ cố vấn quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam (MACV)  đã đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ cấp thêm 12 chiếc - trong đó có 2 chiếc SK-6, trang bị súng không giật 75mm, đại bác 20mm, đại liên GAU-2 minigun 6 nòng và tên lửa chống tàu vỏ sắt để hình thành một lực lượng mạnh hơn, phạm vi hoạt động kéo dài xuống tận mũi Cà Mau…

Trực thăng CH54 cẩu xuồng bay đến khu vực hành quân.

TrỞ lại với cuộc hành quân "Lướt gió", phải thừa nhận là những chiếc xuồng bay rõ ràng có ưu thế trước địa hình ngập nước. Nó lướt qua những đám cỏ lác, cỏ năn, những bụi ô rô, cóc kèn và những đám cây nhỏ một cách nhẹ nhàng trong lúc bình thường, nếu muốn di chuyển thì chỉ có một cách duy nhất là dùng xuồng ba lá với một cây sào dài, chống đẩy bằng tay.

Theo tài liệu của Hãng Bell Helicopter - là hãng đã chế tạo ra loại trực thăng UH, họ mua bằng phát minh xuồng bay Saunders-Roe SR.N5 từ Công ty Hovercraft Corporation, Anh quốc, rồi cải tiến lại thành chiếc SK-5, giá thành mỗi chiếc 1 triệu USD.

Nếu như ở nguyên bản, chiếc Saunders-Roe SR.N5 có boong hình cong thì ở chiếc SK-5, mặt boong được làm phẳng để lính dễ di chuyển đồng thời gắn thêm radar, tháp pháo súng 12,7mm, trung liên M60 và súng phóng lựu liên thanh M79. Khi ký hợp đồng bán cho Bộ Quốc phòng Mỹ, Hãng Bell muốn nhân cơ hội này, đánh giá khả năng hoạt động và tác chiến của xuồng bay để rút kinh nghiệm trước khi sản xuất hàng loạt những phiên bản dành cho cả quân sự lẫn dân sự.

Sau gần 20 phút quần đảo, 3 chiếc xuồng bay không phát hiện ra điều gì bất thường. Trung sĩ Andrews kể: "Đột ngột, tôi nhìn thấy ở phía bên trái, cách tôi chừng 200m, trong đám cỏ lác cao tới ngang bụng, có hai người đàn ông mặc áo bà ba đen, đầu đội nón lá, một người tay cầm cái ống dài, đang lom khom làm cái gì đó…". Nghi ngờ du kích đặt thủy lôi, Andrews báo cho xuồng trưởng, xin phép khai hỏa rồi xả gần nửa thùng đạn 12,7mm. Ở sau đuôi, Collin Ashley cũng bồi thêm 6 quả M79.

Tiếng súng vừa dứt, xuồng 902 áp sát mục tiêu cho lính biệt động nhảy xuống. Trước mắt họ là hai cái xác nát bét vì đạn 12,7mm, cạnh đó là chiếc xuồng ba lá lỗ chỗ mảnh phóng lựu M79, trong lòng xuồng có mấy con cá lóc to bằng bắp chân. Một lính biệt động cầm "cái ống dài" lên - thực chất chỉ là một đoạn gỗ, ở đầu buộc cái chĩa ba bằng sắt, chửi thề: "Mẹ! Hai thằng nông dân đi soi cá chứ Việt cộng khỉ khô gì".

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, khi mà lực lượng vũ trang Quân Giải phóng bất ngờ tập kích vào các mục tiêu quân sự, chính trị của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ở 6 thành phố lớn, 44 thị xã cùng hàng trăm quận lỵ, làng xóm, giải phóng một số nơi thì bộ phận kỹ thuật của Lữ đoàn 39 giang thuyền xung kích Mỹ cũng bắt đầu cải tiến 3 chiếc xuồng bay 901, 902, 903.

Trung úy George E. Rogers, chỉ huy xuồng 902 nói: "Đầu tiên, họ bọc thép buồng lái và tháp radar để chịu được đạn 12,7mm nếu bị bắn ở khoảng cách 100m, mở rộng thêm tất cả các cửa để lính có thể nhảy ra nhanh chóng, cánh quạt phản lực của xuồng được bọc trong một cái lồng bằng lưới thép vì đã có một thủy thủ chết khi vô tình trượt chân ngã vào lúc nó đang quay, động cơ 650 mã lực được thay bằng 800 mã lực. Riêng bộ phận phao - là thứ giúp cho xuồng nổi hẳn lên mặt nước, các kỹ sư của Lữ đoàn 39 lắp thêm một cái yếm bằng cao su, cắt thành những giải tua, bọc xung quanh phao. Cái yếm này đã hạn chế nhược điểm một luồng bụi nước trắng đục, kéo dài 3m tạo ra khi xuồng chạy".

Xuồng 903 trên sông Tiền trước ngày trúng thủy lôi.

Trong suốt năm 1969, đội xuồng bay Task Force 116 đã tiến hành hàng chục cuộc hàng quân chớp nhoáng, phần lớn nhắm vào vùng Đồng Tháp Mười, nơi có những tuyến đường thủy đưa Quân Giải phóng từ Campuchia sang, đồng thời cũng là vựa lúa, vựa cá, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Giai đoạn này, du kích địa phương đã gặp phải một số thiệt hại - chủ yếu do bất ngờ.

Theo kinh nghiệm, mỗi khi đang di chuyển bằng xuồng trên những vùng đất ngập nước mà nghe tiếng trực thăng đến gần, du kích Quân Giải phóng nhanh chóng lật úp xuồng, kéo cành lá phủ lên ngụy trang rồi rút ra xa, gọi là "chém vè". Nhằm tránh bị phát hiện, mỗi người đều mang theo một ống sậy. Họ dùng ống này như một loại "ống thở" để lặn xuống nước và có người đã từng ngậm "ống thở" lặn hơn nửa giờ đồng hồ. Nếu trực thăng phát hiện chiếc xuồng, nó sẽ sà thấp xuống, dùng sức gió của cánh quạt, quạt tung lên để xem có "Việt cộng" ẩn náu quanh đó không. Nếu không, trực thăng bắn nát xuồng rồi rút.

Nhưng với những chiếc Hovercraft, khi phát hiện ghe, xuồng khả nghi, nó thường quần đảo nhiều vòng rồi vãi đạn phá hủy, còn lính thì vừa bắn vào những bụi cây, đám cỏ xung quanh xuồng, vừa ném lựu đạn xuống nước. Ông Trần Văn Bảy, nguyên là du kích xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa nhớ lại: "Đánh xuồng bay rất khó vì nó chạy nhanh, hỏa lực mạnh trong lúc phần lớn địa hình vùng Đồng Tháp Mười lại không thể đào hầm bí mật hoặc xây dựng công sự chiến đấu vì ngay cả những vùng đất gò, đào xuống chưa được 1 mét là gặp nước".

Vẫn theo ông Bảy, trước năm 1969, khi đánh các loại tàu quân sự vũ trang như Monitor, PCF, PBR hoặc tàu đổ quân LCU, du kích thường giăng một sợi dây cáp to cỡ ngón tay út ngang mặt kinh, rạch, và tùy theo muốn đánh loại tàu nào mà dây cáp được đặt chìm dưới nước từ 30 đến 50cm. Hai bên bờ, mỗi bên bố trí 1 hoặc 2 quả mìn định hướng DH10. Còn với những con sông nhỏ, ngoài mìn định hướng du kích gài thêm 2 quả thủy lôi.

Ông Bảy nói: "Khi những chiếc PCF, PBR chạy tới chỗ du kích giăng dây cáp, mũi tàu sẽ vướng vào cáp nên cho dù tàu giảm tốc độ, lực quán tính vẫn khiến tàu trôi ngang theo sợi dây về bên trái hoặc bên phải. Nhưng dẫu có trôi về phía nào chăng nữa thì khi vừa đến tầm sát thương của mìn định hướng, du kích sẽ bấm kíp điện kích nổ, phá hủy tàu. Nếu mặt sông rộng, tàu trôi ngang hết trớn, chậm lại, mìn định hướng không tác dụng thì du kích sẽ cho nổ thủy lôi, trên bờ bắn bồi thêm mấy quả B40, B41 nữa.

Bằng cách này, năm 1969, toàn vùng Đồng Tháp Mười tiêu diệt và đánh hư hỏng nặng gần 150 tàu địch các loại nhưng xuồng bay thì chưa hạ được chiếc nào vì khi gặp dây cáp, mũi nó bằng cao su trơn láng nên nó lướt qua luôn chứ không vướng lại như những tàu khác".

Chính vì thế, đội xuồng bay Task Force 116 càng lúc càng chủ quan. Thiếu tá Edward R. Szeman, chỉ huy Task Force 116  trong giai đoạn này rất tự hào. Phát biểu với kênh truyền hình NBC vào đầu năm 1970, ông ta nói: "Tháng 8-1969, Sư đoàn Bộ binh số 9 và Lữ đoàn 2 Thủy quân lục chiến Mỹ rút về nước để thay quân.

Trong 4 tháng tiếp theo, mặc dù chỉ còn có sự yểm trợ của Lữ đoàn 39 giang thuyền xung kích và máy bay nhưng Task Force 116 vẫn tung ra 12 cuộc hành quân, tiêu diệt nhiều Việt cộng. Bằng cách sử dụng trực thăng "cần cẩu bay" CH54, cẩu xuồng lên rồi thả gần mục tiêu, chúng tôi xuất hiện chớp nhoáng, tấn công chớp nhoáng khiến quân địch không trở tay kịp.

Đặc biệt hơn nữa, để chống lại chiến thuật "dây cáp + mìn định hướng +  thủy lôi", chúng tôi cho đặt một móc thép ở đuôi xuồng. Khi xuồng lướt qua, nếu gặp dây cáp thì nó sẽ vướng vào móc và chúng tôi chỉ cần báo hiệu cho những chiếc tàu đi sau biết mà phòng tránh…".

Về phía Quân Giải phóng, đã có nhiều cách đánh xuồng bay được đưa ra thảo luận, dựa vào quy luật hoạt động của loại phương tiện tối tân này. Đó là sau khi bắn phá mục tiêu, nó thường áp sát để lính Mũ nồi xanh hoặc Biệt động quân nhảy xuống, tiêu diệt những người còn sống sót, lục tìm vũ khí, tài liệu. Vẫn theo quy luật, khi áp sát mục tiêu, xuồng bay thường chọn những nơi mà mặt nước ít bị cỏ cây che phủ để dễ phát hiện và vô hiệu hóa những loại thủy lôi, mìn bẫy.

Ngày 6-1-1970, một cơ sở cách mạng, là nội tuyến ở căn cứ Đồng Tâm báo ra cho biết ngày 9-1, sẽ có 2 chiếc xuồng bay chở theo 2 tiểu đội Mũ nồi xanh Mỹ, hành quân càn quét ở khu vực kênh Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp Mười, gần biên giới Campuchia.

Trung sĩ Andrews, xạ thủ đại liên 12,7mm trên chiếc 902, người tận mắt chứng kiến chiếc 901 nổ tung thành từng mảnh kể lại: "Việt Cộng gài bẫy chúng tôi. Trong một đám cỏ rậm rạp, họ dựng 2 cái giá hình chữ X làm bằng mấy thân cây, nhô lên khỏi mặt nước khoảng 0,5m. Giữa hai chữ X này, họ gác một quả tên lửa tự chế rồi nối dây điện kích nổ, rải xa cách đó gần 150m. Phải công nhận rằng người nào cầm kíp điện phải là người vô cùng dũng cảm vì giữa cánh đồng mênh mông nước với những lùm cây, bụi cỏ cao không quá bụng, bấm kíp kích nổ xong, khó mà chạy thoát được…".

10 giờ sáng ngày 9-1-1970, hai chiếc xuồng bay 901, 902 tiến vào khu vực ngập nước thuộc địa bàn xã Tân Hộ Cơ. Chiếc 901 đi đầu và khi nó vừa vượt qua những bụi rậm lớn thì bất ngờ ở phía trước mặt, cách xuồng 901 khoảng 600m, một vật màu xanh lè như thân cây chuối, đột ngột bay vọt lên, phía đuôi xịt ra một luồng khói đen kịt. Andrew kể tiếp: "Khi còn cách xuồng 901 chừng 100m, quả tên lửa hết đà, rơi xuồng nước, nổ cái đùng. Một cột nước dựng lên, trắng xóa".

Ngay lập tức, tất cả các loại súng trên hai chiếc 901 lẫn 902 đều đồng loạt khai hỏa. Vừa bắn, chiếc 901 vừa thận trọng tiến tới chỗ xuất phát quả tên lửa với tốc độ 10km/giờ. Để tránh vướng phải thủy lôi vì khu vực này, nước chỉ sâu 1,4m, Thiếu tá xuồng trưởng Duane Butt cho xuồng lách vào vùng nước quang đãng. Khi còn cách chỗ đặt giá phóng tên lửa chừng 50m thì bỗng có một tiếng nổ long trời lở đất, chiếc 901 bay tung lên, tan thành từng mảnh.

Thủy thủ đoàn gồm 10 người kể cả xuồng trưởng và 12 lính Mũ nồi xanh không ai sống sót. Andrew nói: "Quả tên lửa chỉ là kế nghi binh để dụ chúng tôi vào bẫy. Khi Lữ đoàn 39 cho trực thăng đổ quân cứu hộ và qua quan sát các mảnh vỡ, mới biết Việt cộng dùng một quả bom MK82 225kg do máy bay Mỹ ném nhưng không nổ. Họ đặt kíp nổ vào quả bom, thả chìm xuống nước rồi lấy bùn phủ lên. Vì vậy, xuồng 901 không thấy được".

Ngày 31-8-1970, đến lượt chiếc 903 vướng phải một quả thủy lôi trên sông Tiền, đoạn gần xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự. Thiếu tá Barry Francis Graham, xuồng trưởng cùng tất cả mọi người đi trên xuồng thiệt mạng. Biệt đội Task Force 116 chỉ còn lại duy nhất xuồng 902, do Trung úy George E. Rogers chỉ huy.

Đầu tháng 9-1970, Bộ Quốc phòng Mỹ ra lệnh rút xuồng 902 về Mỹ và hiện tại, nó được trưng bày ở Bảo tàng Giao thông Vận tải của quân đội Mỹ ở Fort Eustis, bang Virginia. Cũng cuối năm đó, Hãng Bell ngừng chương trình chế tạo xuồng bay phục vụ cho mục đích quân sự.

Mãi đến năm 1980, những chiếc xuồng bay kích thước lớn hơn, công suất động cơ mạnh hơn mới được tái sản xuất nhưng cũng từ đó, nó chỉ dùng để chở quân, xe vận tải, xe bọc thép hạng nhẹ từ tàu mẹ ngoài biển vào bờ…

Cao Trí
.
.