St. Petersburg – Leningrad: Thành phố anh hùng “đi trước về sau”

Thứ Bảy, 15/11/2014, 11:45

Ngay sau đòn bất ngờ tấn công Liên bang Xôviết vào đầu tháng 6/1941, trùm phát xít Hitler cùng bộ sậu tham mưu lệnh ngay cho các cánh quân phía đông bắt đầu tiến hành kế hoạch Barbarossa với mục tiêu chiến lược là thành phố Leningrad. Nếu chiếm được nó, ngoài mưu đồ làm giảm sút đáng kể khả năng phòng thủ của Liên Xô, Đức Quốc xã sẽ ngạo nghễ cắm lá cờ chữ thập ngoặc trên chiếc nôi của cuộc Cách mạng Tháng Mười.

Từ ngày đầu Cách mạng Tháng Mười cho đến giai đoạn cuối của chiến tranh vệ quốc, tức khi Thế chiến II  sắp kết thúc, thành phố này luôn vững vàng “đi trước về sau”.

Điện Smolny - Cột mốc đầu tiên của Cách mạng Tháng Mười

Không phải chờ đến lúc nổ ra Thế chiến lần II, St. Petersburg mới hiểu rõ được chân tướng của kẻ thù mà ngay trong giai đoạn đầu của Thế chiến lần I vào tháng 8-1914, nhà cầm quyền thủ phủ Đế chế Nga đã đổi tên gọi St. Petersburg mang hơi hướm theo phiên âm tiếng Đức bằng một từ nghe có vẻ thuần Nga hơn - Petrograd. Mọi lực lượng của quốc gia được huy động để kháng cự quân Đức. Hầu hết các công xưởng của thành phố phải hoạt động hết công suất để cung cấp vũ khí, khí tài cho cuộc chiến.

Rất nhiều tòa nhà của Petrograd, kể cả một phần khá rộng trong Cung điện Mùa Đông cũng được sử dụng làm bệnh viện chữa thương cho sĩ quan quân đội Nga hoàng.

Toàn bộ các công trình xây dựng trong thành phố đều phải dừng lại.

Nằm ở phía tây bắc của Đế chế Nga, Petrograd được cung cấp lương thực thông qua hệ thống đường sắt. Hệ thống này do phải hứng chịu những trận tàn phá dữ dội nên việc cung cấp lương thực dự trữ cho thành phố ngày càng gặp khó khăn. Tình hình ngày càng trầm trọng, lương thực để cung cấp cho thủ phủ của nước Nga bị giảm đi rõ rệt vào thời gian gần cuối năm 1916. Người dân thành phố Petrograd bước sang năm 1917 với tâm trạng đầy âu lo và công phẫn, họ phải xếp thành hàng dài dường như vô tận để mua lương thực với giá cắt cổ trước các cửa hiệu thực phẩm.

Ngoài mặt trận, quân đội của Nga hoàng thất bại nặng nề trước liên quân Đức-Áo-Hung với 60.000 binh lính Nga bị giết và bị bắt làm tù binh. Tin thất bại càng gây sự căm phẫn trong nhân dân Nga.

Ngày 3/7/1917, hơn 500.000 người dân Petrograd xuống đường biểu tình đòi chuyển giao chính quyền về tay Xôviết nhưng Chính phủ tư sản lâm thời đã từ chối và ra lệnh cho binh lính bắn vào đoàn biểu tình. Các đảng viên Bolshevik bị truy nã gắt gao, đặc biệt là lãnh tụ V. I. Lênin.

Ngày 31/8, Xôviết Petrograd và sau đó ngày 5/9, Xôviết Moskva đã thông qua các nghị quyết của đảng Bolshevik chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành lại chính quyền. Sang tháng 10, làn sóng cách mạng lan rộng khắp nước Nga. Ngày 7/10, V. I. Lênin từ Phần Lan trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.

Ngày 10/10, Ban chấp hành Trung ương họp quyết định sẽ khởi nghĩa vũ trang vào ngày 25/10 với người lãnh đạo tối cao là Lênin. Tuy nhiên, một số ủy viên không tán thành kế hoạch khởi nghĩa nên ngày 18/10 họ đã bày tỏ ý kiến của mình trên tờ báo "Đời sống mới", hành động này vô tình giúp Chính phủ lâm thời biết được kế hoạch khởi nghĩa nên chuẩn bị đề phòng. Do đó Lênin đã quyết định khởi nghĩa sớm 1 ngày - ngày 24/10 theo lịch Nga.

Lô cốt bằng gỗ được người dân Leningrad xây dựng để bảo vệ bức tượng đồng Piotr Đại đế trong những ngày thành phố bị phong tỏa.

Đến đây, xin có vài dòng về điện Smolny, trụ sở Bộ tham mưu của Cách mạng Tháng Mười. Năm 1764, Nữ hoàng Ekatherina vĩ đại đã ra lệnh biến cung điện này thành Học viện Smolny chuyên đào tạo thiếu nữ là con các gia đình quý tộc Nga trở thành những cô gái có học vấn, đảm đang và tài năng hoàn thiện theo kiểu tinh thông "cầm, kỳ, thi, họa".

Trong bộ đồng phục màu trắng tinh khiết như những thánh nữ, các cô gái trước hết được dạy tri thức, thi ca, học khiêu vũ, học đàn và cả thêu thùa may vá… tóm lại là nhiều thứ để trở thành người phụ nữ hoàn hảo trong gia đình và cả ngoài xã hội. Bên cạnh việc học tri thức, phong thái, cách ăn uống cũng là nội dung đào tạo quan trọng dành cho các thiếu nữ. Để thực hành những bài học đã được dạy, Học viện Smolny thường tổ chức cho học sinh có các cuộc nói chuyện với nam giới…

Năm 1905, triều đại phong kiến suy vong cùng những biến động xã hội khiến điện Smolny dần lạnh lẽo, nhưng từ cuối năm 1916, Xôviết thành phố Petrograd dần làm chủ tòa cung điện này. Chiều ngày 24/10, Lênin cải trang đến điện Smolny để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Tin Lênin trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nhanh chóng được báo tới khắp các trung đoàn và nhà máy. Tòa cung điện màu trắng chiều hôm ấy trên các cửa sổ đều có đốt lửa, phía ngoài là xe thiết giáp cùng binh sĩ vũ trang đi lại tấp nập.

Ngay trong đêm 7/11/1917 (25/10 theo lịch Nga), Đại hội Xôviết toàn Nga lần thứ hai tuyên bố khai mạc tại điện Smolny và tuyên bố thành lập chính quyền Xôviết do Lênin đứng đầu. Các sắc lệnh đầu tiên của chính quyền Xôviết được thông qua là Sắc lệnh hòa bình và Sắc lệnh ruộng đất…

Điện Smolny là nơi Lênin đọc diễn văn đầu tiên về Cách mạng Tháng Mười. Năm 1918, thủ đô nước Nga Xôviết dời về Moskva. Chỉ có hơn 350 ngày Lênin ở đây, nhưng cung điện này đã đi vào lịch sử. Ngày nay, Smolny là một trong những trường đại học lớn của nước Nga, phòng ở và làm việc của Lênin được bảo tồn như những ngày đầu tiên của Cách mạng Tháng Mười.

Can trường thành phố của Lênin

Năm 1924, thành phố Petrograd được đổi tên thành Leningrad. Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), điện Smolny một lần nữa trở thành trung tâm cuộc phòng thủ huyền thoại của quân và dân thành phố Leningrad trong suốt 871 ngày đêm bị phát xít Đức phong tỏa hòng tiêu diệt ý chí bất khuất của thành phố này.

Đây là cuộc phong tỏa quân sự dài nhất của quân đội Đức Quốc xã đối với thành phố Leningrad, đồng thời từ khi bị quân đội Đức Quốc xã bao vây bắt đầu từ tháng 9/1941 đến khi được Hồng quân Liên Xô giải phóng vào ngày 27/1/1944, trận Leningrad thực sự là bản hùng ca về sức chịu đựng, ý chí bất khuất của nhân dân Xôviết trước mưu đồ tận diệt của chế độ Quốc Xã.

Buổi học khiêu vũ của các thiếu nữ quý tộc Nga tại Cung điện Smolny.

Ngày 27/6/1941, cùng với việc động viên 96.000 tân binh, Hội đồng thành phố Leningrad quyết định huy động hơn nửa triệu người cho việc thiết lập các công sự phòng thủ quanh thành phố. Một trong các công sự kéo dài từ cửa sông Luga đến Chudovo, Gatchina, Uritsk, Pulkovo và cuối cùng là sông Neva. Công sự phòng thủ sau khi hoàn thành dài tổng cộng 190km bằng gỗ, 630km hàng rào thép, 700km hào chống tăng, 5.000 công sự bằng gỗ và bê tông, hơn 25.000km hào đã được công nhân thành phố xây dựng.

Các loại súng trang bị cho chiến hạm Rạng Đông được dời lên cụm cao điểm Pulkovskiye ở phía nam của thành phố Leningrad. Đầu mùa đông năm 1941, hiểm họa khan hiếm lương thực thực phẩm đã xuất hiện.

Do mặt hồ Ladoga bắt đầu đóng băng, các trận bão tuyết hoành hành khiến cho tuyến tiếp tế đường thủy phải ngừng hoạt động. Để cầm cự nạn đói, từ ngày 20/11, khẩu phần thực phẩm của quân đội và dân thường đã phải rút xuống dần: Mỗi công nhân chỉ được 250g bánh mì/ngày; người sống nương nhờ và trẻ em được 125g bánh mì/ngày; những người lính trên tuyến 1 và trên các tàu chiến được nhận mỗi ngày 300g bánh mì và 100g bánh quy.

Tại nhiều điểm phân phát lương thực trong thành phố, người ta đã phải dùng đến cân tiểu ly để cân chính xác từng gam cho một khẩu phần bánh mì mà vào những ngày đó đã quý hơn vàng. Việc sử dụng đèn điện bị cấm ở mọi nơi, ngoại trừ Bộ tham mưu đóng tại điện Smolny (hay còn gọi là Sở chỉ huy của Hội đồng Phòng thủ Leningrad và Văn phòng của Xôviết thành phố cùng các cơ quan đầu não khác). Hầu hết các văn phòng làm việc phải làm việc không có ánh sáng điện trong suốt những đêm dài mùa đông. Lò sưởi trung tâm không được sử dụng tại các căn hộ, văn phòng và nhà ở, còn tại nhà máy thì lò sưởi trung tâm được thay bằng các bếp lò đốt bằng củi.

Do thiếu điện, hầu hết nhà máy phải đóng cửa hoặc sử dụng những phương pháp sơ đẳng nhất để làm máy chạy được, như quay pêđan xe đạp để phát điện. Xe điện mặt đất giảm hoạt động đột ngột từ tháng 10, và tới tháng 11 chúng ngưng chạy hoàn toàn. Không thực phẩm, không ánh sáng, không hệ thống sưởi ấm, và trên hết là các cuộc không kích, pháo kích liên tục của quân Đức - đó là cuộc sống tại Leningrad mùa đông năm 1941-1942.

Dự tính việc phá vỡ vòng phong tỏa sẽ là cuộc chiến trường kỳ, do đó, từ ngày 9/9, Hội đồng Phòng thủ Leningrad quyết định cho xây một bến cảng trong vịnh nhỏ tại Osinovets trên bờ tây của hồ Ladoga gần cuối tuyến đường sắt ngoại ô. Bằng con đường này có thể sơ tán một số thiết bị quan trọng khỏi Leningrad, và thực phẩm cùng các hàng hóa khác có thể tiếp tế cho thành phố. Nhưng quân Đức chỉ cách Osinovets khoảng 25 dặm về phía nam, máy bay của chúng không chỉ thường xuyên theo dõi bến cảng mới mà còn theo dõi cả bến cảng thô sơ nhỏ bé Novaya Ladoga trên bờ nam của hồ mà qua đó các hàng tiếp tế được chuyển tới, cũng như theo dõi bất cứ chuyến hàng nào chuyển qua hồ giữa hai điểm này.

Khẩu phần bánh mỳ trộn mùn cưa của chiến sĩ và người dân Leningrad trong những ngày bị quân đội Đức quốc xã bao vây (hiện vật tại bảo tàng).

Rất nhiều tàu kéo và bè bị đánh chìm trong những tuần đầu tiên của "Tuyến đường cứu sinh Ladoga", cùng với nhiều phụ nữ và trẻ em được sơ tán khỏi Leningrad. Trong thời gian vây hãm Leningrad, 250.000 quả đại bác và trái bom của địch đã trút xuống đây cùng hơn 100.000 quả bom cháy. Hơn 3.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn và 7.000 ngôi nhà bị hư hại nặng.

Người dân Leningrad đã dựng những lô cốt để bảo vệ các công trình kiến trúc và nghệ thuật quan trọng của thành phố. Trả giá cho cuộc đương đầu ngoan cường là sự hy sinh và tổn thất nặng nề; chỉ riêng tại nghĩa trang Piskarevskoe, trong đó có những ngôi mộ tập thể chôn cất gần nửa triệu người dân Leningrad chết vì đói rét và bị sát hại bởi bom đạn quân xâm lược.

Trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy, nếu tồn tại được đã là một chiến công. Nhưng thành phố của Lênin vẫn can trường đến ngày thoát khỏi cuộc phong tỏa. Trong gần 900 ngày đêm ấy, 200.000 người dân Leningrad đã gia nhập đội dân binh, 40.000 người được bổ sung vào quân đội chủ lực, nửa triệu nam phụ lão ấu đã tham gia xây dựng công sự dưới hỏa lực của quân thù.

Để bảo vệ thành phố thân yêu của mình, công nhân Leningrad đã cho xuất xưởng 2.000 xe tăng, 1.500 động cơ máy bay, hàng nghìn khẩu pháo... Việc sửa chữa lại vũ khí, phương tiện quân sự bị hư hỏng cũng được tiến hành song song với sản xuất. Các nhà máy quân sự ở Leningrad là một trong những cơ sở đầu tiên sản xuất loại pháo phản lực Katyusha.

Ngày nay, St.Peterburg là thành phố trung tâm của kinh tế, văn hóa và khoa học, chỉ đứng sau thủ đô Moskva, nhưng trên phương diện tham quan du lịch thì thành phố này hơn cả Moskva cổ kính. Vì vậy Tổ chức UNESCO đã công nhận đây là thành phố du lịch hấp dẫn thứ 8 của thế giới. Du lịch trở thành nền kinh tế chính của St.Peterburg. Các điểm đến du lịch hấp dẫn như Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè... lộng lẫy giữa phương Bắc lạnh giá của nước Nga đã khiến thành phố này còn được mệnh danh là "Thành Venice của phương Bắc"…

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.