Sự biến mất bí ẩn của Phi đội 19

Thứ Tư, 19/09/2018, 07:15
2 giờ 10 phút chiều ngày 5-12-1945, Phi đội 19 gồm 5 máy bay ném bom ngư lôi Avenger với các số hiệu FT-28, FT-36, FT-3, Ft-117 và FT-81 của Hải quân Mỹ, cất cánh từ sân bay Lauderdale, bang Florida để thực hiện bài tập chống tàu ngầm kéo dài trong 3 tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên sau khi hoàn tất công tác, 14 người gồm 10 phi công Hải quân, 4 phi công Thủy quân Lục chiến cùng 5 máy bay không quay về căn cứ. Một chiếc thủy phi cơ Catalina số hiệu 59225 với phi hành đoàn 13 người được cử đi tìm họ cũng biến mất.

Cho đến nay, đây vẫn được xem là vụ mất tích tập thể bí ẩn nhất trong lịch sử hàng không thế giới nếu không kể đến vụ việc chiếc MH 370 của Hãng Hàng không Malaysia gần đây…

Chuyến bay định mệnh

Nó chẳng khác gì những chuyến bay huấn luyện thường lệ của lực lượng Không quân thuộc Hải quân Mỹ khi 10 phi công thuộc Phi đội 19 do trung úy Charles C. Taylor là phi đội trưởng cùng 4 phi công Thủy quân lục chiến ngồi vào khoang lái của 5 chiếc máy bay chống tàu ngầm Avenger tại sân bay Lauderdale, bang Florida.

Các phi công thuộc phi đội 19 (hàng đứng) trước ngày mất tích.

Thời tiết hôm ấy được đài kiểm soát không lưu thông báo là tốt, ít mây, gió thổi nhẹ. Theo kế hoạch, Phi đội 19 sau khi xuất phát sẽ bay về hướng đông. Lúc đến vùng biển có mật danh là "Gà mái và Gà con", họ sẽ tiến hành các bài tập thả ngư lôi chống tàu ngầm rồi bay về hướng bắc. Cuối cùng, họ sẽ chuyển sang hướng tây nam để trở về căn cứ Lauderdale.

2 giờ 10 phút chiều ngày 5-12-1945, 5 chiếc Avenger lần lượt cất cánh. Williams Collins, sĩ quan chỉ huy đài không lưu Lauderdale cho biết trung úy Charles C. Taylor là một phi công dày dạn kinh nghiệm với 2.500 giờ bay. Những phi công còn lại, người ít nhất cũng có 360 giờ trên loại máy bay Avenger nên Trung tâm huấn luyện tin rằng họ đủ khả năng để xử lý nếu gặp sự cố.

Williams Collins nói: "18 ngày trước, trung úy Taylor cũng đã hướng dẫn Phi đội 19 thực hành bài tập ném bom ở vùng biển "Gà mái và Gà con" rồi trở về an toàn. Vì vậy, khi ông giơ hai ngón tay chào tôi từ buồng lái, tôi chào lại ông qua microphone của máy truyền tin: "Chúc bình an".

2 trong 5 chiếc Avenger số hiệu 36 và 81 trong một lần bay huấn luyện.

3 giờ 20 phút, 5 chiếc Avenger đến địa điểm thực tập. Sau khi ném hết 20 quả ngư lôi, trung úy Taylor ra lệnh cho phi đội bay theo ông, chuyển hướng về phía bắc. Được khoảng 30 phút, Taylor cảm thấy có điều gì đó bất bình thường. Những cuộc điện đàm được đài kiểm soát không lưu Lauderdale ghi lại cho thấy Taylor đã gọi đại úy George W. Stivers, phi công điều khiển chiếc Avenger số hiệu FT-117: "117. Hình như la bàn của tôi có vấn đề. Có lẽ tôi đã bay sai hướng".

Đúng lúc ấy, 5 chiếc Avenger lao vào một cơn mưa với gió mạnh và những tầng mây xám đen, dày đặc. Vẫn theo những cuộc điện đàm được ghi lại, Taylor gọi cho đài kiểm soát không lưu Lauderdale: "Chúng tôi không biết mình đang ở đâu. Hình như đã bị lạc". Williams Collins, chỉ huy đài không lưu Lauderdale cho biết trên màn hình radar ở Lauderdale, chẳng ai nhìn thấy tín hiệu của 5 chiếc Avenger nên họ không biết làm cách nào để hướng dẫn các phi công quay về căn cứ. Trung úy Robert F. Cox, một phi công Hải quân đang bay gần bờ biển Florida nghe được cuộc điện đàm nên lập tức, ông liên lạc với Taylor để hỏi xem họ có cần hỗ trợ không.

Taylor trả lời, giọng bối rối: "La bàn của tôi không chính xác. Tôi biết là tôi đang ở trên vịnh Florida Keys nhưng tôi không biết hướng nào để quay về sân bay Lauderdale". Robert F. Cox nói: "Vậy anh hãy bay về phía tây. Hướng tây là hướng đất liền". Taylor có vẻ cáu: "Nhưng hướng tây là hướng nào? Trước mặt, sau lưng, bên trái hay bên phải tôi? Nói như thế thà đừng nói…".

Nửa tiếng nữa trôi qua, vẫn theo những gì được đài không lưu Lauderdale ghi lại, Taylor tin rằng phi đội 19 của ông vì một lý do nào đó, đã bay lạc hàng trăm dặm ngoài khơi Đại Tây Dương vì ông nhìn thấy đảo Bahamas dưới chân mình. Thông thường, bản chỉ dẫn của Hải quân Mỹ đã nêu rất rõ: Phi công nếu bay lạc trên vùng biển bang Florida thì chỉ cần điều khiển máy bay về phía mặt trời lặn là sẽ gặp đất liền thuộc các bang Florida hoặc California.

Tuy nhiên, Taylor lại cho rằng phi đội của ông đang ở trên vùng biển Mexico nên ông ra lệnh cho các phi công bay theo ông về hướng đông bắc. Williams Collins, sĩ quan đài không lưu Lauderdale cho biết ông nghe thấy phi công Forrest J. Gerber trên chiếc Avenger số hiệu FT-81 hỏi Taylor: "Chỉ huy! Ông có sai không? Sao lại bay về hướng đông bắc? Chết tiệt!"

Cuối cùng, các phi công thuộc Phi đội 19 cũng thuyết phục được Taylor bay về phía tây nhưng đến 6 giờ chiều, một lần nữa Taylor lại đổi ý: "Chúng ta vẫn còn ở trong vịnh Florida. Vì thế hãy đổi hướng về phía đông". Một số phi công nêu ý kiến và thậm chí có lúc nó đã biến thành một cuộc tranh cãi nhưng rồi họ vẫn phải chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy. Williams Collins, sĩ quan đài không lưu Lauderdale kể lại: "Không lâu sau đó, tín hiệu vô tuyến yếu dần, chứng tỏ rằng họ đã bay lạc rất xa. Câu cuối cùng mà tôi nghe được là của Taylor. Ông ấy nói: "Nhiên liệu gần cạn rồi. Chúng ta phải chuẩn bị hạ cánh xuống biển. Khi nào mức nhiên liệu chỉ còn 10 gallons thì tất cả cùng xuống”.

Tai họa nối tiếp tai họa

Thông tin về việc 5 chiếc Avenger thuộc Phi đội 19 phải hạ cánh xuống biển lập tức được đài không lưu Lauderdale báo cho Trung tâm chỉ huy Hải quân Florida. 6 giờ 10 phút chiều, một thủy phi cơ Catalina số hiệu 59225 cất cánh từ bờ biển phía bắc Lauderdale với phi hành đoàn 13 người lên đường cứu nạn.

Chiếc thủy phi cơ Catalina lúc chuẩn bị đi tìm Phi đội 19.

Thế nhưng chỉ mới 20 phút kể từ khi xuất phát, nó biến mất khỏi màn hình radar mà không hề có một tín hiệu thông báo khẩn cấp nào. Tất cả mọi cuộc điện đàm liên lạc với nó đều vô vọng. Thủy thủ của chiếc tàu chở dầu SS Gainer Mills đi ngang vùng biển này cho biết họ đã nhìn thấy một quả cầu lửa và một tiếng nổ lớn trên không trung rồi sau đó là nhiều vệt dầu loang trên mặt biển.

Phía hải quân nhận định có lẽ đó là chiếc Catalina vì loại máy bay ấy thùng xăng được đặt ngay trên cánh, sát với động cơ và trong quá khứ, đã từng xảy ra vài vụ nổ do nhiệt độ cao của động cơ khi vận hành đã khiến thùng xăng bốc cháy. Theo trung tá O'Connor, chỉ huy phó Trung tâm huấn luyện Không quân thuộc Hải quân Mỹ ở Florida, ông đã đề nghị tàu chở dầu SS Gainer Mills quay lại, tìm kiếm và cứu vớt những người sống sót.

Sáng sớm hôm sau - ngày 6-12, Hải quân Mỹ huy động hơn 300 tàu thuyền và máy bay để tìm kiếm Phi đội 19 cùng chiếc Catalina. Trải qua 5 ngày lùng sục trên một vùng biển rộng hơn 500.000 km2 nhưng tất cả chỉ là con số 0.

Xác chiếc Avenger dưới đáy biển ban đầu được cho là của Phi đội 19.

Trung úy Hải quân David White, một thành viên trong đội tìm kiếm nói: "Họ đã biến mất. Ngay cả thông tin của các thủy thủ trên chiếc tàu chở dầu về vụ nổ mà họ nhìn thấy cũng không có chứng cứ. Chúng tôi chẳng nhìn thấy bất kỳ một thi thể, một mảnh vỡ hoặc một vết dầu loang nào".  Matt Dootier, thợ lặn của hải quân Mỹ nói thêm: "Dưới đáy biển có nhiều vật rất đáng nghi ngờ nhưng không vật nào là của những chiếc Avenger hoặc chiếc Catalina. Họ như đã tan vào không khí".

Vụ mất tích của Phi đội 19 và của chiếc thủy phi cơ Catalina lập tức tạo ra một làm sóng hoang mang trong dư luận Mỹ với nhiều giả thuyết, chẳng hạn như họ đã bị người ngoài hành tin bắt cóc khi họ bay lạc vào "Tam giác quỷ Bermuda". Hoặc một thế lực siêu hình nào đó đã khiến họ mất khả năng nhận thức bởi lẽ cho đến lúc biến mất, không một phi công nào của Phi đội 19 sử dụng tần số radio cấp cứu hoặc máy thu phát ZBX đặt trên máy bay.

Nếu họ sử dụng máy ZBX, nó sẽ giúp họ định hướng đài phát sóng của Hải quân ở đất liền và họ rất dễ dàng để quay về bằng cách bay theo tần số phát sóng. Một tờ báo tiết lộ thông tin rằng chiều ngày 5-12, trung úy Taylor, phi đội trưởng đến sân bay muộn 19 phút nên ông đã đề nghị Trung tâm chỉ huy cho ông được miễn bay vì đã vi phạm kỷ luật về giờ giấc. Tờ báo cho biết có thể do linh cảm nên Taylor nói với sĩ quan chỉ huy: "Tôi không muốn bay".

Vậy thì sự thật là chuyện gì đã xảy ra cho 14 phi công trên 5 chiếc Avenger và phi hành đoàn 13 người trên chiếc Catalina? Sau hơn 3 tháng điều tra, Hải quân Mỹ tạm kết luận rằng do Phi đội trưởng Taylor bay lạc vì la bàn bị hỏng, đã dẫn dắt cả phi đội bay lạc theo ông. Việc ông nhìn thấy những hòn đảo nhỏ đã khiến ông nhầm lẫn rằng nó là quần đảo Bahamas nên ông đã ra lệnh cho phi đội bay về hướng đông bắc trong lúc một số phi công khác biết được vị trí gần đúng của họ nên mới xảy ra tranh cãi về việc bay về hướng tây.

Thêm vào đó, cơn mưa lớn đã làm cả phi đội mất phương hướng cho đến lúc hết nhiên liệu, họ buộc phải hạ cánh xuống biển. Với chiếc Catalina, Hải quân Mỹ cho rằng nó đã nổ tung vì lý do kỹ thuật sau khi cất cánh được 20 phút. Và bởi vì những mảnh vỡ của nó rơi vào dòng hải lưu chảy lên phía bắc nên đã bị cuốn đi mất tích, còn những thi thể thì nhiều khả năng bị cá mập ăn thịt vì vùng biển ngoài khơi Florida là nơi sinh sống của loài cá mập trắng.

Năm 1986, trong quá trình tìm kiếm những mảnh vỡ của tàu con thoi Challenger, Hải quân Mỹ nhặt được một tấm kim loại được cho là của máy bay Avenger nhưng qua xác minh, chiếc máy bay ấy rơi năm 1960 - nghĩa là 5 năm sau thảm kịch của Phi đội 19. Năm 1991, một nhóm thợ săn kho báu trong những xác tàu đắm dưới đáy biển, do Graham Hawker dẫn đầu tuyên bố rằng họ đã tìm thấy 5 chiếc Avenger ở độ sâu 600m ngoài khơi Fort Lauderdale, bang Florida.

Thông tin này đã làm dấy lên niềm hy vọng cho câu trả lời về sự mất tích bí ẩn của Phi đội 19 và của cả gia đình các phi công. Tuy nhiên, sau gần nửa tháng tiến hành khảo sát, trục vớt, Hải quân Mỹ cho biết xác những chiếc Avenger được tìm thấy có số serial không trùng khớp với số serial của 5 chiếc Avenger mất tích.

Năm 2004, một lần nữa Graham Hawker lại tuyên bố trong một chuyến lặn tìm tài sản của một chiếc tàu đắm, ông đã nhìn thấy vài xác máy bay nhưng không dám khẳng định nó có phải là Phi đội 19 hay không. Tuy vậy, Lầu Năm Góc cũng tiến hành một đợt khảo sát rồi kết luận những chiếc máy bay ấy bị rơi hồi tháng 10-1943, trước Phi đội 19 hai năm. Gần đây nhất, năm 2015, Hải quân Mỹ báo cáo đã trục vớt được 2 bộ phận của một chiếc máy bay ở vùng biển Sebastian, bang Florida. Ban đầu, họ cho rằng đó là một phần của chiếc Avenger trong Phi đội 19 nhưng 2 bộ phận ấy lại không chứa đựng đủ thông tin để xác định.

Cũng cần nói thêm rằng theo báo cáo của Hải quân Mỹ, từ năm 1942 đến 1945, đã có 42 máy bay các loại mất tích ở vùng biển nơi Phi đội 19 gặp nạn, cướp đi sinh mạng của 95 thành viên phi hành đoàn.

Vũ Cao (theo History)
.
.