Ý tưởng liều lĩnh về sân bay trực thăng di động trong chiến tranh Việt Nam

Thứ Sáu, 10/07/2015, 18:00
Tháng 8/1961, lần đầu tiên 2 trực thăng H21C Piasecki của quân đội Mỹ (mà dân miền Nam vẫn hay gọi là trực thăng sâu rọm hoặc trực thăng quả chuối) đã đến Sài Gòn nhằm thử nghiệm việc vận chuyển quân đội vào những vùng đang xảy ra chiến sự, cũng như triệt thoái binh lính nếu bị đối phương bao vây. Cuộc thử nghiệm diễn ra - một ở Tân Biên, Tây Ninh và một ở Trà Bồng, Quảng Nam.

Chiến thuật trực thăng vận

Ngay từ đầu năm 1961, trước khi Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết về cuộc "Chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam thì các nhà hoạch định chiến lược trong quân đội Mỹ đã đề ra nhiều phương án nhằm "đánh bại lực lượng du kích Cộng sản chỉ trong 18 tháng".

Về chính trị, với sự cố vấn của chuyên gia chống du kích người Anh là Sir Robert Thompson, họ lập ra đề án chi tiết về "Ấp chiến lược", "Khu dinh điền", "Khu trù mật"…, nhằm "tách cá ra khỏi nước". Về quân sự, các nhóm cố vấn, biệt kích Mũ nồi xanh lặng lẽ đến Sài Gòn, mở những khóa huấn luyện chống nổi dậy cho quân đội Việt Nam Cộng hòa đồng thời trang bị cho đội quân này thêm nhiều loại vũ khí.

Theo nhận định của các chuyên gia quân sự Mỹ, yếu tố thành công cốt lõi của chiến tranh du kích là "xuất hiện bất ngờ, tiến công chớp nhoáng và rút lui nhanh" nên để chống lại chiến thuật ấy, lực lượng ứng cứu hoặc đánh phủ đầu phải có mặt kịp thời, trang bị hỏa lực thật hùng hậu. Theo cuốn sách "UH1-Huey in Vietnam War - Máy bay trực thăng UH1 trong chiến tranh Việt Nam", tác giả Mark Morisson viết: "Vì vậy, các chuyên gia quân sự Mỹ đều đồng ý rằng việc vận chuyển quân đội bằng trực thăng đến nơi xảy ra chiến sự hoặc những khu vực cần phải đánh chặn là phương pháp tối ưu nhất…".

Và thế là, chiến thuật "trực thăng vận" ra đời.

Trực thăng thả khung thép xuống ngọn cây làm bãi đáp.

Tháng 12/1962, số lượng máy bay trực thăng của Mỹ ở miền Nam Việt Nam mới chỉ có khoảng 50 chiếc, gồm trực thăng H13 - chuyên bay trinh sát và tải thương, H19, H21, H34 chở quân, tiếp tế lương thực đạn dược…, thì cuối năm 1964, con số này đã lên đến hơn 300 chiếc với những loại tối tân hơn như UH1-A, UH1-B, H37, CH47, CH53, CH54…

Với tính năng kỹ thuật cất hạ cánh theo chiều thẳng đứng, chỉ cần một khoảng trống chứ không cần sân bay và tùy theo từng loại, mỗi trực thăng có thể chở được 12 hoặc 46 lính vũ trang đầy đủ, chưa kể có loại còn cẩu được pháo 105mm, xe vận tải hoặc xe bọc thép hạng nhẹ. So với việc chuyển quân bằng các phương tiện đường bộ, đường thủy thì khả năng cơ động của trực thăng nhanh hơn rõ rệt, lại có thể tránh được các chướng ngại về địa hình nên dễ đạt được yếu tố bất ngờ về chiến thuật. Thiếu tướng Clifton F. Von Kann, Tư lệnh Sư đoàn Kị binh bay số 1 của Mỹ, ở miền Nam Việt Nam từ tháng 10-1962 đến tháng 6-1963 đã khẳng định: "Đề cập đến tính cơ động thì không thể không nói đến máy bay trực thăng".

Thời gian đầu, chiến thuật trực thăng vận tỏ ra khá hiệu quả, và đã gây cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam không ít tổn thất, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi có địa hình rộng rãi và bằng phẳng. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới và thời điểm 1962 - 1963, ở miền Nam rừng bao phủ gần 60% diện tích đất đai, chủ yếu từ Đông Nam Bộ kéo dài lên Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải đến Vĩ tuyến 17. Mà rừng rậm với du kích Quân Giải phóng là "nơi che bộ đội, nơi vây quân thù".

Trung úy McCoy, lái chính của chiếc trực thăng UH1-A thuộc Sư đoàn Bộ binh số 4 của Mỹ, cho biết: "Khi đổ quân xuống vùng Buprăng thuộc quận Đức Lập, tỉnh Đắk Lắk (nay là huyện Đắk Min, tỉnh Đăk Nông), tôi không nhìn thấy một khoảng đất trống nào khả dĩ có thể cho trực thăng bay treo để binh lính nhảy xuống mặc dù không quân và pháo binh đã bắn dọn bãi. Cuối cùng tôi phải thả họ xuống mục tiêu cách đó gần 1km để họ lội bộ vào". Dic Harmmer, hạ sĩ thuộc Sư đoàn này cho biết thêm: "Do đổ quân khá xa nên khi chúng tôi vào đến nơi, Việt Cộng đã rút hết, để lại vô số hầm chông và mìn bẫy".

Bãi đáp trực thăng trên ngọn cây

Có thể nói, người Mỹ quả là những người "nhìn xa trông rộng". Năm 1960 - nghĩa là trước khi Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết về cuộc "Chiến tranh đặc biệt", cũng như chiến thuật "trực thăng vận" vẫn còn nằm ở… tít mù xa thì các chuyên gia phân tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhận định rằng việc đổ quân bằng máy bay trực thăng ở miền Nam Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn vì rừng rậm.

Kỹ thuật viên cố định bãi đáp vào những thân cây.

Tháng 8/1961, lần đầu tiên 2 trực thăng H21C Piasecki của quân đội Mỹ (mà dân miền Nam vẫn hay gọi là trực thăng sâu rọm hoặc trực thăng quả chuối) đã đến Sài Gòn nhằm thử nghiệm việc vận chuyển quân đội vào những vùng đang xảy ra chiến sự, cũng như triệt thoái binh lính nếu bị đối phương bao vây. Cuộc thử nghiệm diễn ra - một ở Tân Biên, Tây Ninh và một ở Trà Bồng, Quảng Nam.

Báo cáo đánh giá kết quả viết: "Chỉ trong 32 phút, hai chiếc H21 đã vận chuyển thành công 40 người lính với đầy đủ vũ khí từ Tam Kỳ đến Trà Bồng trong lúc nếu đi bằng đường bộ thì phải mất tối thiểu 2 giờ đồng hồ". Bên cạnh đó, báo cáo cũng nói rõ: "Môi trường rừng rậm có thể vô hiệu hóa lợi thế quân sự của các quốc gia sử dụng công nghệ hiện đại trong quá trình tham chiến, nhưng rừng rậm cũng sẽ trở thành có ích nếu quốc gia tham chiến dùng ngay chính những khu rừng ấy để triển khai các kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ chiến tranh".

Để triển khai các kỹ thuật hiện đại với phương châm "đổ quân nhanh, tiêu diệt gọn, triệt thoái an toàn", Phòng thí nghiệm chiến tranh hạn chế (Limited War Laboratory - viết tắt là LWL) của quân đội Mỹ ở bang Maryland đã nhanh chóng triệu tập những chuyên gia về lĩnh vực này, và một trong những đơn vị là "Army Concept Team - Đội xây dựng quân sự", trụ sở tại bang California đã đề xuất một phương án rất táo bạo và liều lĩnh.

Vincent L. Ulery, tác giả của phương án ấy kể lại: "Tôi nêu ra ý tưởng thiết kế  một bãi đáp ngay trên những ngọn cây, nơi máy bay trực thăng có thể hạ xuống để thả quân, thả các đồ tiếp liệu hoặc di chuyển thương binh về tuyến sau. Bên cạnh đó, bãi đáp còn có thể được dùng làm trạm thu thập thông tin tình báo qua sóng vô tuyến hoặc trạm cảnh giới từ xa".

Ý tưởng của Ulery nhanh chóng được LWL chấp thuận và Công ty Geometrics được chọn để tiến hành xây dựng "hệ thống nền tảng làm bãi đáp trên vòm cây rừng - Jungle Canopy Platform System". Thành phần chính của hệ thống này gồm 2 tấm lưới thép được dùng làm sàn cho trực thăng hạ cánh và một bộ khung hình lục giác, là bệ đỡ cho 2 tấm lưới thép. Ulery nói: "Nếu bãi đáp nằm trong khu vực có nhiều luồng gió mạnh thì các thân cây sẽ được buộc lại thành một bó bằng những sợi cáp. Điều đó giúp cho sàn không bị lắc lư".

Tiến hành thử nghiệm tại một khu rừng ở Aberdeen Proving Ground, bang Maryland và khu rừng gần Hilo, bang Hawaii vào năm 1967, bộ khung hình lục giác được trực thăng thả xuống trước cùng với những kỹ thuật viên làm nhiệm vụ cố định nó vào những thân cây. Tiếp theo, 2 tấm lưới thép được trực thăng đặt vào khung và cuối cùng là một sàn hạ cánh bằng nhôm. Hệ thống thang dây, lồng cứu thương sẽ được thòng xuống đất để binh lính có thể trèo lên hoặc kéo lồng lên bằng một chiếc "tời". Khi không cần thiết, tất cả mọi chi tiết của bãi đáp sẽ được tháo ra, vận chuyển đến nơi khác để dựng một bãi đáp mới.

Theo tính toán của các kỹ sư thuộc Army Concept Team, bãi đáp di động ấy có thể chịu được sức nặng lên đến 4.530kg. Ngoài máy bay trực thăng và một thùng chứa xăng bằng cao su tổng hợp để giúp trực thăng có đủ nhiên liệu bay về, bãi đáp còn có thể chứa được cả một trạm mã thám với đầy đủ thiết bị thu tin vô tuyến gồm 9 người cùng một súng cối 106,7mm với khẩu đội 4 người để chống lại những cuộc tấn công.

Dưới đất, còn có một trung đội bộ binh làm nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ việc đổ quân hoặc tải thương. Phi công hải quân Alex Duncan, người đầu tiên lái chiếc UH1A hạ cánh xuống sân bay di động ở Hilo, bang Hawaii cho biết: "Mức độ chòng chành của bãi đáp cũng tương tự như việc hạ cánh xuống tàu sân bay trong điều kiện gió cấp 3".

Tuy nhiên, các thử nghiệm cũng phát hiện một số nhược điểm. Đó là máy phát điện dùng cho hệ thống tời nổ khá lớn, súng cối bắn không ổn định, lồng chứa thương binh lại quá phức tạp, có thể làm nặng thêm vết thương cho những người lính bị thương. David Shane, một thợ kỹ thuật làm nhiệm vụ cố định 2 tấm lưới thép nói: "Do không có các hàng rào bảo vệ, người đứng trên sàn có thể bị sức gió từ cánh quạt trực thăng thổi ngã hoặc rơi xuống đất".

Bị khai tử khi còn trong trứng nước

Dù gặp phải những nhược điểm như thế, nhưng LWL vẫn quyết tâm đưa nó vào áp dụng thực tế trên chiến trường. Một số phi công trực thăng được triệu tập để học cất cánh, hạ cánh  trên sân bay di động. Thế nhưng, khi Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam (MACV) phổ biến kỹ thuật này cho các đơn vị lính Mỹ đang tham chiến thì hầu hết các cấp chỉ huy đều lơ là, chỉ có Sư đoàn Kị binh bay số 1 và Sư đoàn Bộ binh số 4 yêu cầu được thử nghiệm, nhưng họ muốn bãi đáp di động phải chứa được trực thăng Chinook CH47.

Hạ cánh xuống sân bay di động.

Và thế là LWL phải thiết kế lại. Đầu năm 1969, LWL gửi một phiên bản sân bay mới, đủ sức chịu tải trực thăng CH47 cùng các kỹ sư đến miền Nam Việt Nam, đồng thời đổi tên dự án "hệ thống nền tảng làm bãi đáp trên vòm cây rừng - Jungle Canopy Platform System" thành "căn cứ trực thăng di động ở mọi địa hình - All Terrain Portable Heliport", rồi sau đó là "Nền tảng, vận chuyển hàng không - Platform, Air Transportable" nhưng nó vẫn… chết yểu. Thiếu tá Richard Domm, lái chiếc CH47 hạ cánh xuống sân bay di động thử nghiệm ở một khu rừng thuộc quận Bồng Sơn, Bình Định kể: "Chiếc máy bay vừa hạ xuống mặt sàn thì tấm sàn nghiêng hẳn về một bên. Lập tức, tôi phải tăng tốc cho máy bay bốc lên chứ nếu không, cả bãi đáp lẫn trực thăng sẽ lăn hết xuống đất".

Cuối năm 1969, Lầu Năm Góc quyết định khai tử "bãi đáp di động" và thay thế bằng các loại bom phát quang như bom M121, bom BLU82 (hay còn gọi là "Người cắt hoa cúc - Daisy cutters"). Mỗi quả BLU82 có khả năng san phẳng tất cả mọi cây cối trong bán kính 25m, đủ để cho các loại trực thăng hạ cánh. Bên cạnh đó, lực lượng biệt kích Mũ nồi xanh còn được trang bị một hệ thống thoát hiểm gồm một quả bóng chỉ nhỉnh hơn quả bóng đá một chút với bình khí nén Heli nối liền với một sợi dây cáp. Khi cần triệt thoái khỏi vùng chiến sự, họ mở chốt bình khí nén cho bong bóng bay lên, lôi theo sợi dây cáp. Một trực thăng chờ sẵn trên đầu sẽ dùng thiết bị móc vào quả bóng, kéo biệt kích lên.

Về phía Quân Giải phóng, chỉ một thời gian ngắn sau khi người Mỹ áp dụng chiến thuật "trực thăng vận", họ đã tìm ra cách đối phó. Khuya ngày 1-1-1963, 3 tiểu đoàn của Sư đoàn 7 Bộ binh, 2 đại đội biệt động quân, 4 đại đội bảo an, 3 đại đội dân vệ, 1 tiểu đoàn dù, 3 tàu đổ bộ, 13 xe bọc thép M113, 2 máy bay ném bom B26, 6 máy bay khu trục AD1, 4 máy bay trinh sát L19, 14 máy bay thả dù C47, 20 trực thăng chở quân gồm 10 chiếc H21, 5 chiếc H34, 5 chiếc HU1A cùng hàng chục pháo 105mm của quân đội Sài Gòn dưới sự cố vấn trực tiếp của thiếu tá John Paul Vann, đã mở cuộc hành quân vào Ấp Bắc, Mỹ Tho.

Thế nhưng chỉ trong 5 phút đầu tiên của cuộc chiến, du kích Ấp Bắc đã bắn rơi 3 trực thăng H21, 2 chiếc UH1A, mở đầu cho chiến thuật diệt "trực thăng vận" về sau này…

Cao Trí (theo “UH1-Huey in Vietnam War”)
.
.