Sức mạnh của lời hiệu triệu trong những ngày tháng 9 lịch sử
Bài diễn văn ấy do cô giáo Nguyễn Ngọc Phượng, con gái lương y Nguyễn Văn Hinh đọc trong một đêm trăng bên bờ sông Chợ Đệm… Chính ông là người đã đứng phía sau giúp sức cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kỹ sư Kha Vạn Cân thành lập và phát triển phong trào Thanh niên Tiền phong ở khắp các tỉnh, thành Nam Bộ, chuẩn bị lực lượng giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở Nam Bộ.
Ngày 25/8/1945, ông Trần Văn Giàu cùng với các đồng chí trong Xứ ủy lãnh đạo giành chính quyền thắng lợi ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ. Ông được cử làm Chủ tịch Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ. Ngay trong những ngày dòng thác cách mạng dâng cao cuồn cuộn, ông Trần Văn Giàu có cái nhìn rất biện chứng, sâu thẳm: "Một trong những nguyên nhân thành công của Nam Bộ ngày 24, 25 tháng 8/1945, bắt nguồn từ kinh nghiệm thất bại của Nam Kỳ khởi nghĩa tháng 11/1940. Người đi trước lấy thân mình lót đường cho người tới sau là thế. Thất bại - mẹ thành công là thế…".
Đồng bào Sài Gòn vừa được sống trong bầu không khí độc lập chưa tròn một tháng đã phải chống lại quân xâm lược. Ngay trong ngày 2/9, đứng lên lễ đài đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn), đọc diễn văn mừng Cách mạng Tháng Tám thành công, trong sự hưởng ứng nồng nhiệt của hơn 1 triệu dân Sài Gòn-Gia Định, ông Trần Văn Giàu hiểu, sớm muộn gì bọn Pháp cũng sẽ quay trở lại. Đúng như sự nhận định của ông, quá trưa ngày 2/9, khi rừng người, rừng cờ hừng hực khí thế, chuẩn bị chuyển sang tuần hành thì bất ngờ, từ lầu cao bên cạnh nhà thờ Đức Bà, quân Pháp chĩa súng bắn vào đoàn biểu tình, làm 47 người chết và bị thương.
Căm thù trước hành động khiêu khích của quân Pháp, hàng trăm người tay không lập tức tỏa ra, trèo lên các tòa lầu truy lùng và tước khí giới hàng trăm người Pháp. Quân Pháp gây xung đột, cố ý làm cho người Việt Nam giết lầm người Anh, rồi vin vào cớ đó, quân Anh can thiệp, phá chính quyền cách mạng còn non trẻ của ta.
Hôm đó, quân Pháp có 7 người chết và gần 1.000 người bị bắt. Không có người Anh nào thiệt mạng. Cuộc biểu tình vẫn được tiếp tục, chìm ngập trong tiếng hoan hô của nhân dân mừng Cách mạng thành công…
Nhớ lại cuộc biểu tình lịch sử vào ngày 2/9/1945, được tổ chức trọng thể giữa lòng thành phố Sài Gòn năm 2002, Giáo sư Trần Văn Giàu chân thành nói: "Khi địch nổ súng, phải nói là những người đứng trên lễ đài diễn thuyết cũng rất sợ… trúng đạn. Nhưng khí thế của hơn triệu đồng bào khiến chúng tôi có thêm sức mạnh đứng trên lễ đài cho đến giây phút cuối cùng. Đồng bào còn nghe, chúng tôi còn ở lại…".
Cố Giáo sư Trần Văn Giàu. |
Pháp ráo riết chuẩn bị đánh chiếm Sài Gòn và Nam Bộ. Đến ngày 21/9, ở Sài Gòn đã có 10.000 quân gồm: 1 tiểu đoàn biệt kích Pháp thuộc Trung đoàn Bộ binh thuộc địa số 5, tù binh Pháp tái vũ trang thuộc Trung đoàn Bộ binh thuộc địa số 11, Pháp kiều có vũ trang, 1 lữ đoàn quân đội Hoàng gia Anh và 7 tiểu đoàn Nhật… Đại quân của Leclerc thì trên đường gần tới Sài Gòn. Trước ngày "hạ thủ", phái đoàn Pháp mời ông Trần Văn Giàu và Phạm Ngọc Thạch đến trụ sở dinh Thống đốc Nam Kỳ dự một bữa "tiệc công tác".
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người có công xây dựng lực lượng Thanh niên Tiền phong - một lực lượng nòng cốt cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám gặp Chủ tịch Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ Trần Văn Giàu bày tỏ nỗi ưu tư. Và cuộc đối thoại lịch sử, đầy kịch tính đã diễn ra…
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch:
- De Gaulle có gửi sang một đề nghị. Họ đòi ta trở lại đội ngũ… Còn ta thì đòi chúng phải thừa nhận độc lập cho Việt Nam. Họ gửi giấy mời chúng ta dự tiệc, vào lúc 19 giờ tối nay… Đi không ông Giàu?
Ông Trần Văn Giàu không trả lời ngay câu hỏi của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, trầm ngâm một lúc hỏi lại:
- Đi không ông Thạch?
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch:
- Nên quá đi chứ!
Mới 5 giờ chiều, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã "đóng bộ" tề chỉnh, cravate thít chặt cổ, đến trụ sở của Ủy ban Hành chánh Nam Bộ gọi cửa. Vị chủ tịch bước ra, cũng ăn mặc rất lịch sự, dường như trong tư thế sẵn sàng đến dự "hội yến". Nhưng thay vì tiến lên, bước ra cửa, ông ngồi xuống ghế, bình thản nói:
- Đã chuẩn bị rồi nhưng… cuối cùng, mình không đi.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trợn tròn mắt:
- Bộ trẻ con sao mà hứa với người ta rồi lại không đi?!
Vị chủ tịch chậm rãi, từ tốn:
- Không phải trẻ con đâu, người lớn đó. Người lớn mới suy nghĩ như vậy. Thạch ơi, chẳng lẽ ông không biết ý đồ của Cédille (đại diện của Cộng hòa Pháp). Mình bên quân sự, ông bên ngoại giao… cùng một lúc kéo đến hang ổ đối phương, tự chui mình vào rọ… Ông thực tình không biết là Cédille gài bẫy chúng ta hay sao?!
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vẫn còn chưa hiểu ra… Ông Giàu nói:
- Chúng đang giăng bẫy bắt chúng ta đó - ngay trong buổi tiệc chiều nay. Có thể truyện Tây anh đọc nhiều nhưng truyện Tàu anh không thấm hơn tôi đâu. Sau khi chia tay ở đây, anh không nên về nhà mà tìm cách lánh ngay đi nơi khác…
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cau mày nghĩ ngợi, chợt hiểu ra tình thế trở nên rất nghiêm trọng. Ngay buổi chiều hôm ấy, thay vì đi "dự tiệc" với "quan lớn" Pháp, mỗi thành viên trong Ủy ban Hành chánh Nam Bộ đều phân tán đi khắp nơi. Ông Trần Văn Giàu đi về Chợ Lớn…
Và đêm ấy, đúng như phán đoán của ông Giàu, bọn Pháp nổ súng chiếm lại Sài Gòn. Đó là đêm 22 rạng 23/9/1945 lần lượt các cơ quan trọng yếu như Ủy ban nhân dân Nam Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc, Đài phát thanh, Nhà bưu điện, Nhà đèn, Khám lớn… rơi vào tay bọn Pháp. Các chiến sĩ của ta dũng cảm chống trả nhưng do thiếu vũ khí nên được lệnh rút lui…
Sáng ngày 23/9, trong lúc tiếng súng xâm lược của quân Pháp còn nổ ran quanh các khu vực trọng yếu, thì tại ngôi nhà số 269, đường Cây Mai, Chợ Lớn diễn ra cuộc họp khẩn cấp của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Trong thời điểm nước sôi lửa bỏng ấy, có nhiều ý kiến trái ngược nhau giữa chủ trương "đánh" và "chờ". Phe "chờ" đưa ra lý: "Đây là chuyện đại sự. Ta phải chờ ý kiến chỉ đạo của Trung ương".
Dân quân cứu quốc Nam Bộ trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, tháng 9/1945. Ảnh tư liệu. |
Chính kiến của phe "đánh" cho rằng Trung ương ở xa, giặc đang đánh vào "biên cương", phàm là tướng cầm quân phải đánh lại. Đánh trước rồi chờ ý kiến của Trung ương sau. Nếu Trung ương không đồng ý, có bắt tội cũng cam lòng. Nhưng tận đáy lòng phe "đánh" tin rằng Trung ương sẽ tán thành quyết định hợp lòng dân này. Bên ngoài, nhiều người tụ tập chờ đợi quyết định của hội nghị, tiếng la hét "xin cho đánh" dội vào phòng họp. Cuối cùng phe "đánh" chiếm được đa số…
Hội nghị đi đến quyết định: một mặt điện báo gấp ra Trung ương và Hồ Chủ tịch xin chỉ thị, mặt khác phát động ngay cuộc kháng chiến. Rất khẩn trương, Hội nghị thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ và Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ lớn. Sáng hôm ấy, ông Trần Văn Giàu với vai trò Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ viết lời hiệu triệu, kêu gọi đồng bào Nam Bộ đứng lên chống lại quân xâm lược.
"… Tất cả đồng bào: già, trẻ, gái, trai hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược; không làm việc, không đi lính cho Pháp, không đưa đường, không báo tin, không bán lương thực cho Pháp. Hãy tìm thực dân Pháp mà diệt. Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa tiệm…
Hỡi đồng bào! Từ giờ phút này nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng.
Hỡi anh em binh sĩ, dân quân tự vệ hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước! Cuộc chiến đấu bắt đầu".
Nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ đã hưởng ứng lời hiệu triệu của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ với quyết tâm chiến đấu chưa từng có. Người dân Sài Gòn đã đánh giặc bằng tất cả mọi thứ vũ khí có được. Thiếu súng, các chiến sĩ của ta đánh giặc bằng diêm quẹt, bằng bùi nhùi, bằng vài lít xăng để đốt… Quân Pháp chiếm được đất nhưng không chiếm được lòng dân. Và Sài Gòn chúng có trong tay là một thành phố không điện, không nước, không cửa hàng, chợ búa… Trên những con đường chính ngổn ngang bàn tủ, cột đèn bị hạ… để ngăn đường tiến quân của quân giặc.
Gần một tháng trời, Sài Gòn chìm trong tăm tối vì nhà máy điện bị phá. Bọn Pháp phải giết cả chó berger để có cái ăn. Ngày 30/9, Hãng thông tấn Reuters (của Anh) đã miêu tả: "Sau 7 ngày tình thế càng nghiêm trọng hơn. Chúng tôi ở Sài Gòn rất nguy hiểm về lương thực, vì trên bộ, quân và dân Việt Nam phong tỏa. Các kho gạo của quân đội Nhật trước đây đều bị người Việt Nam đốt phá hết nơi này đến nơi khác… Càng ngày càng khó kiếm thức ăn và nước uống.
Trấn giữ "biên cương" Nam Bộ, ông Trần Văn Giàu và phe "đánh" đã rơi nước mắt vì xúc động khi qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, giọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền đến đồng bào Nam Bộ với lời động viên, khẳng định: "Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập nước nhà".
Buổi sáng mùa thu năm 2002, Giáo sư Trần Văn Giàu nói với các thế hệ con cháu: "Ngày 23/9/1945, bắt đầu cho cuộc Kháng chiến Nam Bộ. Bài hát: "Mùa thu rồi, ngày 23, ta đi theo tiếng kêu Sơn Hà nguy biến…" với âm điệu hào hùng, thúc giục cũng bắt nguồn từ cuộc kháng chiến thần thánh ấy. Các cháu ơi, đó là một giai đoạn lịch sử "Nhà nghèo con có hiếu"…
"Những người con nhà nghèo có hiếu" ấy là những chiến sĩ chống lại quân xâm lăng bằng tất cả mọi thứ vũ khí, trở thành nỗi khiếp đảm cho bọn Pháp ngay trong hang ổ của chúng, như tờ Tạp chí Quân sự Guerilla của Pháp đã miêu tả: "Họ mặc thường phục, trang bị súng ngắn, lựu đạn, dao găm, lúc ẩn, lúc hiện, bất ngờ tấn công vào câu lạc bộ sĩ quan không quân Pháp, vào những nơi hội họp, vui chơi, giải trí của Pháp… rồi tan biến như một làn sương, không để lại một dấu vết nào"…
Giữa lúc toàn quốc đang đi vào cuộc kháng chiến với quyết tâm sắt đá giành lại nền độc lập, ông Trần Văn Giàu được lệnh của Trung ương điều sang giúp bạn xây dựng lực lượng kháng chiến ở Campuchia. Năm 1949, sau khi hoàn thành xuất sắc sứ mệnh nặng nề được Đảng và Nhà nước giao phó, ông về nước được cử làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin…
Năm 1954, ông được cử làm Khoa trưởng Khoa Văn - Sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Do những đóng góp to lớn của ông trên các lĩnh vực triết học, sử học và văn học, ông được phong hàm Giáo sư trong lớp giáo sư đầu tiên của nước ta.