50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (2-1969 – 2-2019):

Suy ngẫm về một bài báo Đảng của Bác Hồ

Thứ Ba, 05/02/2019, 07:04
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng sự nghiệp cách mạng của chúng ta là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, nhiều thử thách, hy sinh, cho nên đội ngũ cán bộ đảng viên đi tiên phong cần có bản lĩnh, năng lực và đặc biệt là phải rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức để có thể làm tròn trách nhiệm và đảm đương tốt vai trò lãnh đạo.

Đối với bản thân mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”(1). Vì thế, Người không ngừng tự hoàn thiện mình và trở thành một nhà đạo đức mẫu mực, một tấm gương sáng ngời của đạo đức cách mạng và trong cuộc sống hằng ngày.

Là Chủ tịch nước, Người vẫn giữ phong cách sống như những người dân bình thường. Trên núi rừng Việt Bắc, nơi ở của Người là những lán tranh, vách nứa đơn sơ. Trở về Hà Nội, Người ở trong ngôi nhà nhỏ của người thợ điện, được xây từ những năm đầu thế kỷ XX.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Sở Công an Hà Nội dịp tết Quý Mão 1963.

Khi ở nhà sàn trong Khu Phủ Chủ tịch thì cũng chỉ là nơi vỏn vẹn vài ba phòng với những vật dụng rất thông thường, rất cần thiết. Bữa ăn hằng ngày của Người gồm 3-4 món quê hương như cà dầm tương, canh riêu, cá kho lá gừng...  Trang phục của Người cũng vô cùng giản dị: áo chàm, áo lính khi ở chiến khu, áo gụ, dép cao su, guốc mộc, ở nhà sàn, chăm cá, trồng cây.

Bình dị mà vĩ đại như thế nên: “Hồ Chí Minh là hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp nhất của nhân dân Việt Nam và giá trị của toàn nhân loại, đó là trí tuệ và tính khiêm tốn, tài năng và tính giản dị ”(2).

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức thể hiện bằng hiệu quả hành động, đồng thời Người cũng coi trọng giáo dục đạo đức bằng tự phê bình, phê bình, định hướng, chỉ dạy, uốn nắn, tuyên truyền... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều tác phẩm, bài báo về đạo đức và tư cách đạo đức của người cán bộ đảng viên như: “Đường kách mệnh” (1927); “Sửa đổi lối làm việc” (1947); “Cần kiệm liêm chính” (1949); “Đạo đức công dân”, “Người cán bộ cách mạng” (1955); “Đạo đức cách mạng” (1958); “Di chúc” (1969).

Đặc biệt là nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Thành lập Đảng, ngày 26-1-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý nội dung cho Ban Tuyên huấn Trung ương chuẩn bị một bài báo về đạo đức cách mạng để đăng Báo Nhân dân đúng vào ngày 3-2-1969. Khi Ban Tuyên huấn gửi bài sang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sửa kỹ nội dung và đặt tựa đề là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” rồi Người cho đánh máy và chuyển bản thảo bài viết tới từng đồng chí trong Bộ Chính trị xem, góp ý kiến cho nội dung trước khi đăng báo.

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa bản thảo bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” tháng 1-1969.

Các đồng chí trong Bộ Chính trị đều có ý kiến và chuyển cho Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem lại và lấy bản có ý kiến của đồng chí Trường Chinh làm bản gốc vì có nhiều ý thiết thực nhất. Ngày 30-1-1969, Người làm việc với Trưởng Ban Tuyên huấn Tố Hữu. Đồng chí Tố Hữu đề nghị: “Thưa Bác, cán bộ Đảng ta nói chung là tốt, chỉ có một số ít thoái hóa biến chất. Bác đặt đầu đề như vậy thì mạnh quá! Xin phép được đưa vế “Nâng cao đạo đức cách mạng lên trước”, vế “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ra sau”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quay sang hỏi đồng chí thư ký. Đồng chí Vũ Kỳ cũng tán thành ý kiến này. Người bèn phân tích: “Các chú nói có lý nhưng chưa hợp lý. Bác muốn hỏi điều này: Gia đình các chú tiết kiệm mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới. Vậy trước khi kê vào phòng, các chú có khênh đồ cũ ra và quét dọn sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu mà kê bộ bàn ghế, giường tủ mới vào?”.

Hai đồng chí còn đang lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì Người nói tiếp: “Vì các chú là đa số, Bác đồng ý nhượng bộ, đổi lại đầu đề là: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” nhưng ở trong bài dứt khoát phải để nguyên ý: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”(3).

Bài báo số 5409 ký bút danh T.L. đã thẳng thắn phê phán những đảng viên đạo đức thấp kém, chỉ ra những hệ lụy sai trái, những hậu quả khôn lường của chủ nghĩa cá nhân: “Việc gì cũng nghĩ đến mình trước hết. Họ không lo mình vì mọi người mà chỉ muốn mọi người vì mình. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.

Đồng thời, bài báo cũng kêu gọi: “Mỗi cán bộ đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật. Phải đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”(4).

Đạo đức cách mạng là đạo đức của chủ nghĩa tập thể, vì tập thể, do tập thể và kiên quyết loại bỏ chủ nghĩa cá nhân. Đảng ta là một đảng cầm quyền, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề bảo vệ Đảng, giữ gìn uy tín của Đảng và chỉnh đốn Đảng trở nên vô cùng cấp thiết, đó là điều kiện sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và kể từ đó đến nay cuộc chiến đấu chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thoái hóa trong tổ chức Đảng diễn ra quyết liệt, nóng hổi, đạt được những kết quả đáng ghi nhận làm cho quần chúng nhân dân hồ hởi, phấn khởi, ủng hộ, dõi theo từng ngày và qua đó đã củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 1-1959.

Trước tình hình đó, trọng trách của người đảng viên càng nặng nề hơn. Mỗi người từ kinh nghiệm cá nhân trong công việc cần phải rút ra những bài học thực tế cho bản thân, tiếp tục tu dưỡng đạo đức người đảng viên bằng những hành động cụ thể:

- Nhận thức tư tưởng đúng đắn: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(5). Vì vậy, đã tình nguyện vào Đảng thì phải thực hiện đúng và làm tốt vai trò, trách nhiệm của người đảng viên đối với nhân dân, với Tổ quốc và với Đảng;

- Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức, tẩy chay bất kỳ hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích gia đình, địa phương hay lợi ích quan hệ;

- Thực hành cần-kiệm-liêm-chính, chí công vô tư trong công việc và đời sống hằng ngày;

- Cần phải dựa vào nhân dân để củng cố và xây dựng Đảng. Triệt để thực hành tự phê bình và phê bình;

- Phải giữ vững và thi hành nghiêm khắc kỷ luật của Đảng. Đánh giá đúng, khách quan, rõ ràng giữa cống hiến và sai phạm, công và tội. Đảng viên cần phải nêu gương trước tiên, từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến chi bộ cơ sở.

Để xứng đáng là một người đảng viên chân chính, mỗi cán bộ đảng viên luôn luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hành trong cuộc sống: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(6). n

-----------------------------------------

Chú thích:

1, 4, 5, 6 - “Hồ Chí Minh toàn tập” - NXB Chính trị quốc gia (2011).

2 - “Hồ Chí Minh trong ký ức bạn bè quốc tế” - NXB Chính trị quốc gia (2009), tr 120.

3 - “Thư ký Bác Hồ kể chuyện” - NXB Chính trị quốc gia (2008), tr 106-107.

Đỗ Hoàng Linh - PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
.
.