Taliban bắn rơi máy bay Mỹ - Đòn giáng mạnh vào uy tín Obama

Thứ Ba, 16/08/2011, 11:15

Các tay súng Taliban tại tỉnh Wardak (Afghanistan) đã bắn rơi một chiếc trực thăng vận tải - đổ bộ CH-47 Chinook vào đêm 5/8 vừa qua, làm thiệt mạng hơn 30 quân nhân Mỹ và Afghanistan, phần lớn trong số này là các tay súng thuộc “Team 6” đặc nhiệm Hải quân Mỹ, từng trực tiếp tham gia vào chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh Osama bin Laden tại Pakistan hồi tháng 5 vừa qua.

Vụ việc được đánh giá là tổn thất lớn nhất của quân đội Mỹ tại Afghanistan kể từ năm 2001 này đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của Tổng thống Barack Obama, người đã tuyên bố về kế hoạch tái cơ cấu Afghanistan bằng một dự án địa chính trị mới đầy tham vọng. Ngoài ra, đây cũng có thể coi là một “đòn trả thù” hoàn hảo của Taliban giúp những người anh em Al-Qaeda của mình sau cái chết của Bin Laden.

Những thông tin đầu tiên từ hiện trường cho biết, có tổng cộng 31 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong thảm họa này. Kênh truyền hình CNN dựa trên một số nguồn tin còn khẳng định, trong số những người thiệt mạng có cả các tay súng từ đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ SEAL của Hải quân Mỹ, nổi tiếng với cái tên "Những con sư tử biển". Tính chung, số nạn nhân thiệt mạng trên chiếc máy bay bị rơi còn lớn hơn: ngoài các tay súng Mỹ còn có 7 lính đặc nhiệm Afghanistan và một phiên dịch dân sự. Phong trào Taliban ngay lập tức đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ bắn rơi chiếc máy bay trên. Thông tin về cái chết của các tay súng đặc nhiệm SEAL cũng lần lượt được Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, và tiếp sau đó là Tổng thống Barack Obama thừa nhận. 

Chính quyền Afghanistan ngay lập tức đã bắt tay vào điều tra vụ tổn thất nghiêm trọng này, một vài kết quả đầu tiên cũng được giới báo chí khai thác. Theo như một nguồn tin cao cấp tại Kabul kể cho các phóng viên, chiếc CH-47 bị bắn hạ không phải do một quả tên lửa tình cờ, mà thực ra là nạn nhân của một chiến dịch được chuẩn bị chi tiết từ trước đó của quân Taliban.

Thậm chí, Hãng tin Agence France Presse còn nêu tên của kẻ tổ chức vụ tấn công - một chỉ huy chiến trường có tên Qari Tahir - cùng với 4 tay súng trực tiếp tham gia tới từ Pakistan.

Hiện trường nơi chiếc CH-47 chở các tay súng đặc nhiệm Seal bị bắn rơi tại tỉnh Wardak.

Theo các kết quả điều tra sơ bộ, phiến quân đã cố tình "tiết lộ" một căn cứ của mình tại thung lũng Tangi, là nơi sắp tới sẽ diễn ra một cuộc họp mặt của nhiều chỉ huy chiến trường có ảnh hưởng của Taliban. Một đội biệt kích của Mỹ đã được tung vào địa điểm này, đụng độ với lực lượng vượt trội của đối phương, nên phải kêu gọi hỗ trợ. Chiếc trực thăng của SEAL đang tuần tiễu gần đó đã nhanh chóng tăng viện. Các tay súng SEAL khi tới nơi đã thành công trong việc dập tắt ổ kháng cự tại đây, trước khi quay trở lại máy bay để trở về. Tuy nhiên, có nhiều binh sĩ Taliban có vũ trang đầy đủ đã đợi sẵn chiếc trực thăng trên các ngọn núi bao quanh thung lũng. Kết quả là chiếc CH-47 bị bắn hạ bằng hỏa lực của tên lửa vác vai cùng nhiều vũ khí tự động khác.  

Về sau công chúng mới biết được, trong số 22 tay súng SEAL bị thiệt mạng cùng chiếc trực thăng, có 15 người thuộc thành phần "Team 6", một đơn vị tinh nhuệ nhất của SEAL từng tham gia chiến dịch tiêu diệt Bin Laden hồi tháng 5-2011. Washington đã vội vàng giải thích rằng, không có binh sĩ nào từng trực tiếp tham gia tiêu diệt Bin Laden đã thiệt mạng trong vụ máy bay vừa qua. Dù thực hư thế nào, nhiều người Afghanistan vẫn coi đây là một kế hoạch trả thù hoàn hảo cho thủ lĩnh Al-Qaeda. Hơn nữa, vụ chiếc CH-47 bị bắn rơi mới đây đã được coi là tổn thất nhân mạng lớn nhất của quân đội Mỹ trong lịch sử 10 năm cuộc chiến Afghanistan.

Trước sự kiện này, vụ tổn thất được đánh giá là lớn nhất của quân Mỹ đã xảy ra hồi mùa hè năm 2005, khi một chiếc CH-47 khác bị Taliban bắn hạ tại tỉnh Kunar. Hậu quả là 8 binh sĩ thuộc Trung đoàn 160 đặc nhiệm không quân và 8 tay súng SEAL bị thiệt mạng. Chưa kể 3 tay súng đặc nhiệm hải quân khác cũng trên máy bay rơi bị quân Taliban bắn chết trong quá trình đọ súng sau đó dưới mặt đất.

Nhiều người vẫn còn nhớ, việc các tay súng "Team-6" tham gia chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden thành công từng đem lại một tâm trạng lạc quan cho người dân Mỹ nói chung và giúp làm tăng vọt uy tín của Tổng thống Obama nói riêng (mới chỉ trong tháng 4 trước đó, chỉ số uy tín của ông Obama đã tụt xuống mức thấp kỷ lục 41%). Chính vì vậy, cái chết của một loạt những "người hùng" trong chiến dịch tiêu diệt Bin Laden chắc chắn chỉ có tác dụng ngược lại đối với uy tín của Tổng thống Mỹ.

Ông Obama đã có một bài phát biểu ghi nhận "những tổn thất đặc biệt của các quân nhân Mỹ và gia đình của họ trong cuộc chiến vì một tương lai hòa bình và tươi sáng của Afghanistan" nhân sự kiện bi kịch này. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta về phần mình cũng cam kết, Mỹ sẽ tiếp tục sứ mạng của mình tại Afghanistan và sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. 

Nhiều nhà quan sát đang tập trung tranh luận về việc, liệu có những hậu quả lâu dài nào từ bi kịch vừa qua đối với Tổng thống Obama và chiến dịch Afghanistan của ông. Về cơ bản đều cho rằng, Obama đang lâm vào tình thế hết sức bất lợi, khi bất cứ một quyết định nào của ông ta đều có thể lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, nhiều người đã hình dung về một làn sóng phản chiến mới tại Mỹ với yêu cầu nhanh chóng rút hết quân khỏi Afghanistan. Trong khi bản thân Tổng thống Mỹ cũng đang phải đương đầu với thực tại ngặt nghèo của nền kinh tế, đang đòi hỏi nhanh chóng phải có biện pháp giảm bớt thâm hụt ngân sách. Obama cũng không thể cho phép mình chạy trốn trong nhục nhã khỏi Afghanistan, một chủ đề hiện đang là mục tiêu của một làn sóng chỉ trích gay gắt từ phe Cộng hòa.

Nói đơn giản hơn, sinh mạng chính trị của Obama trong cuộc bầu cử năm 2012 sẽ phụ thuộc vào tình hình Afghanistan cũng như thực trạng nền kinh tế Mỹ trong vòng nửa năm sắp tới

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.