Kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10-1947 – 10-2017)

Tầm nhìn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 01/11/2017, 10:47
Cuối tháng 9-1947, từ 6h sáng đến 1-2h khuya, Chủ tịch Hồ Chí Minh miệt mài viết, sửa, lách cách đánh máy rồi gạch chân, đánh dấu vào một tập tài liệu trên chiếc bàn ghép bằng cây vầu đặt phía sau nhà. Người liên tục làm việc, tập trung tinh thần cao độ, nhiều khi quên cả bữa ăn, đó chính là thời gian Người gấp rút viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”...

Cuộc sống kháng chiến ở Điềm Mạc

Sau cuộc gặp với Paul Mus – đặc phái viên của Cao ủy Đông Dương tại thị xã Thái Nguyên, ngày 20-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển chỗ làm việc từ làng Xảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đến đồi Khau Tý, thôn Điềm Mạc, xã Thanh Định, huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại Điềm Mạc lâu nhất trong những năm kháng chiến: 4 tháng 22 ngày.

Nơi ở và làm việc của Người là căn nhà lợp lá, nép bên cây cổ thụ giữa khu rừng nứa. Cách căn nhà khoảng 10m là một cái sân đất, có dựng xà đơn, xà kép và căn hầm tránh máy bay. Tiện nghi của một vị Chủ tịch nước là mấy vật dụng thường dùng: chiếc áo the, khăn xếp, chiếc ô đen để Người cải trang giữ bí mật và 2 chiếc valy đựng tài liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp đọc báo tại ATK năm 1947.

Trong thời gian ở Điềm Mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đi họp và tham dự những hoạt động của Hội đồng Chính phủ (HĐCP) tại nhiều địa điểm khác nhau trong An toàn khu (ATK). Ngày 1-6, HĐCP họp trong cái hang mà năm 1945 đã tổ chức Hội nghị đại biểu cử ra Chính phủ lâm thời, nhưng vì trời mưa chỉ có Hồ Chủ tịch và đồng chí Võ Nguyên Giáp đến trước giờ họp. 23h mọi người mới đến đủ, ai nấy đều ướt hết, nên vào ngồi quanh bếp lửa để sưởi, hong khô quần áo và ăn cháo cho đỡ mệt. 1h sáng ngày 2-6, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc phiên họp, đến 3h thì cuộc họp tạm nghỉ để mọi người ngủ vài tiếng rồi lại tiếp tục đến 12h trưa thì kết thúc.

Ngày 17-6, tại ATK Tân Trào, từ 14h đến 18h, Người dự họp Đảng đoàn Chính phủ. Từ 20h đến 1h sáng hôm sau, Người chủ tọa phiên họp HĐCP bàn về việc kỷ niệm 6 tháng kháng chiến và thảo luận tình hình quân sự. Ngày 5/7, cũng tại Tân Trào, nước lũ lên to, nhưng Người điện báo không hoãn họp. 15h, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nơi, sau bữa cơm chiều, khoảng 20h Người khai mạc và chủ tọa phiên họp HĐCP để nghe báo cáo của các Bộ về hoạt động 6 tháng qua. Đến 5h sáng, mọi người nghỉ vài giờ. Đúng 8h, sau bữa cháo điểm tâm, cuộc họp lại tiếp tục đến 11h.

Ngày 25-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đội mưa đi bộ 20km đến địa điểm họp HĐCP ở Hồng Thái, Tân Trào nhưng trời mưa to, các Bộ trưởng chưa đến đủ nên Người quyết định hoãn cuộc họp đến hôm sau và tranh thủ cùng 8 Bộ trưởng có mặt trao đổi trước mấy vấn đề khẩn cấp, quan trọng là việc cải tổ, mở rộng thành phần tham gia Chính phủ để tránh âm mưu chia rẽ của Pháp và tranh thủ ảnh hưởng với quốc tế.

Ngày 26-7, buổi sáng, HĐCP thảo luận về các thay đổi nhân sự. Buổi chiều, tiếp tục họp Đảng đoàn Chính phủ. Ngày 17-8, Người đến một địa điểm gần đèo Khế lúc 3h sáng để họp Việt Minh đoàn, tuy các thành viên không đến đủ nhưng Người vẫn khai mạc hội nghị để bàn về dư luận quốc tế, nhất là dư luận Pháp; công tác tuyên truyền, việc kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám; vấn đề giúp đỡ đồng bào Việt Bắc; lương của cán bộ.

Lúc 18h cuộc họp kết thúc, Người khai mạc phiên họp HĐCP lúc 19h30. Lần họp này vắng mặt một số người vì bận công tác hoặc ốm và có thêm 3 người mới nhưng các thủ tục vẫn tiến hành: mặc niệm các liệt sỹ; các Bộ trưởng, Thứ trưởng mới tuyên thệ trước Quốc hội và Chính phủ rồi bàn các chương trình nghị sự đến 2h sáng hôm sau.

Ngày 31-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ khai mạc và huấn thị cho lớp bổ túc 83 cán bộ trung cấp toàn quân tại xã La Bằng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Ngày 12-9, tại một địa điểm gần Đại Từ, 19h, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp HĐCP bàn về tuyên bố mới nhất của Cao ủy Bollaert và kế hoạch đề phòng cuộc tấn công mùa đông của Pháp; vấn đề tuyên dương công trạng quân nhân; việc hưởng ứng cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”; một số vấn đề liên quan đến Bộ Thương binh, Bộ Canh nông và vấn đề ân xá trong dịp Quốc khánh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Việt Bắc tháng 10 năm 1947.

Ngày 13-9, Người tiếp tục cuộc họp liên Bộ kháng chiến đến 12h trưa để giải quyết những vấn đề còn chưa kịp bàn trong cuộc họp HĐCP, đặc biệt là chế độ doanh nghiệp quốc gia và chính sách tài chính. Ngày 23-9, 20h, Người chủ tọa phiên họp bất thường của HĐCP tới 3h sáng để bàn về chương trình hành động kỷ niệm ngày 23-9, dư luận thế giới và cuộc kháng chiến của ta.

Đến cuối mùa hè, cuộc sống kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh tương đối ổn định, quanh nơi ở đã có vườn rau, giàn mướp, đàn gà, sân bóng chuyền...

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều thư điện, lời kêu gọi động viên nhân dân ta đang sản xuất, kháng chiến và vạch trần âm mưu dùng vũ lực cướp nước ta cho nhân dân tiến bộ Pháp biết.

Người gửi lời kêu gọi tới nhân dân thế giới để mong: Các bạn lên tiếng ủng hộ hòa bình, ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ dân chủ, ủng hộ Việt Nam. Người cũng viết thư gửi Thủ tướng Pháp, giục ông ta: Làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này, làm thế nào để lập lại hòa bình.

Người còn kêu gọi tướng Salan, kẻ đang chuẩn bị kế hoạch quân sự tấn công lên Việt Bắc rằng: Vì tình thương yêu con người, lòng nhân đạo và nhân danh tình bạn của chúng ta, tôi yêu cầu ngài nghiêm cấm binh lính Pháp sát hại dân lành, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc và phá hỏng nhà thờ, đền miếu như họ vẫn làm từ trước tới nay. Thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, khích lệ, động viên, khen thưởng tới các tập thể, cá nhân là nông dân, công nhân, chiến sĩ, trí thức, thanh thiếu niên nhi đồng,...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt không quên những liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, những người đã cống hiến một phần xương máu vì nhân dân nên Người đã đề nghị chọn một ngày trong năm làm ngày: Toàn dân giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sỹ. Và Ngày Thương binh, liệt sỹ 27-7-1947 đã ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Hội nghị Dân quân tự vệ, du kích toàn quốc lần thứ nhất những việc làm cụ thể của mỗi chiến sĩ đối với nhân dân, công việc và kẻ địch; Người cũng nhắc cán bộ làm công tác tuyên truyền phải hiểu rõ: Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm.

Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại; Người chủ trương giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên theo 5 điều: Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Liêm; Người viết bài đăng trên Báo Sự thật để nhấn mạnh tầm quan trọng công tác cán bộ của Đảng và khẳng định: Cán bộ mà lên mặt làm quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì việc gì cũng mỹ mãn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rằng nhiệm vụ của Đảng ta đối với Tổ quốc và dân tộc vô cùng nặng nề nên vấn đề cán bộ của Đảng giữ vai trò quyết định đến sự tồn vong của sự nghiệp cách mạng. Người rất quan tâm, chú trọng sâu sắc đến công tác lựa chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ bởi: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Đảng ta phải chăm sóc vun trồng những cán bộ tốt và kiên quyết loại bỏ những phần tử xấu, mà muốn thực hiện được việc này thì trước hết cần sửa đổi lối làm việc của Đảng.

Cuối tháng 9-1947, từ 6h sáng đến 1-2h khuya, Chủ tịch Hồ Chí Minh miệt mài viết, sửa, lách cách đánh máy rồi gạch chân, đánh dấu vào một tập tài liệu trên chiếc bàn ghép bằng cây vầu đặt phía sau nhà. Người liên tục làm việc, tập trung tinh thần cao độ, nhiều khi quên cả bữa ăn, đó chính là thời gian Người gấp rút viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.

Sau khi hoàn thành bản sơ thảo, buổi tối trước khi đi ngủ, Người mời 8 anh em trong đội cận vệ là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi cùng đồng chí cấp dưỡng tổ chức đọc sách tập thể để cùng thảo luận, học tập. Vì bản thảo tài liệu của Người sửa chữa bằng bút chì xanh, đỏ, tẩy xóa nhiều nên Người tự đọc to, rõ ràng và sau mỗi phần lại giục anh chị em phát biểu ý kiến xem nghe có hiểu không, có cần thay đổi câu chữ nào không và nội dung có thiết thực không.

Bìa cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” được xuất bản lần đầu tiên năm 1948.

Cuốn “Sửa đổi lối làm việc” nêu lên 6 vấn đề chính xác, thực tế, vừa mang tính lý luận, vừa đúc kết từ kinh nghiệm hoạt động cách mạng của tác giả và bài học sinh động của cuộc sống, đó là: Tư cách đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Phê bình và sửa chữa; Chống thói ba hoa và Mấy điều kinh nghiệm. Bằng cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, đi thẳng vào bản chất vấn đề, nội dung cuốn “Sửa đổi lối làm việc” đã thu hút sự chú ý của người đọc, từ cán bộ cấp cao đến người đảng viên bình thường, ai cũng thấy như Chủ tịch Hồ Chí Minh đang trực tiếp nói chuyện, phê bình, khuyên bảo chân tình để giúp đỡ tất cả cùng tiến bộ.

Đầu tháng 10-1947, Pháp tập trung 2 vạn quân tinh nhuệ bao gồm hải, lục, không quân mở chiến dịch tổng lực tấn công lên Vịêt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Ngày 7-10, lính dù Pháp bất ngờ đổ bộ xuống thị xã Bắc Kạn, nơi tập trung một số cơ quan nòng cốt của ta như: Ty Ngân khố, cơ sở in tiền, Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, một bộ phận Đài Tiếng nói Việt Nam và một số nhà máy, kho tàng quốc phòng.

Đêm 7-10, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng hội ý, nhận định tình hình và đề ra chủ trương đối phó với địch. Người khẳng định: Dù địch có huy động 2 vạn quân vào cuộc tiến công này thì với địa bàn rừng núi hiểm trở của Việt Bắc, với tinh thần cách mạng của đồng bào các dân tộc ở căn cứ địa cũng không có gì đáng ngại.

Ngày 8-10, địch bắt đầu lùng sục vào những nơi mà chúng đoán rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở. Có lúc mũi thọc sâu của lính dù Pháp đã đến cách chỗ làm việc của Người chưa đầy 1 cây số. Thế nhưng, đầu giờ sáng, theo đúng thông lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bình tĩnh ngồi đánh máy bản thảo, hoàn thiện cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” để kịp thời có tài liệu cho cán bộ, đảng viên học tập.

Ngày 10-10, tới dự lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp của quân đội, Người căn dặn: Người cán bộ muốn tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm. Ngoài ra, phải biết tự phê bình và phê bình, phải thật thà đoàn kết và biết giữ kỷ luật.

Ngày 11-10, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa cuộc họp HĐCP ở xã Đình Cả, trong châu Vũ Nhai, thuộc Bắc Sơn giữa tiếng máy bay địch gầm rú, bắn phá. Người quyết định chia Chính phủ thành 5 đoàn, 1 đoàn ở lại giữ căn cứ, còn 4 đoàn kia gọi là Phái đoàn kinh lý tỏa đi các tỉnh vừa tuyên truyền cho cuộc kháng chiến, vừa tránh những gọng kìm càn quét của địch. Người lấy trong ống nứa đeo bên mình những tờ quyết định do tự tay Người đánh máy, ký và đóng dấu son trao cho từng thành viên Chính phủ. Toàn thể thành viên HĐCP biểu thị quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi...

Năm 1948, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của tác giả X.Y.Z (bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) được Nhà xuất bản Sự thật ấn bản lần đầu tiên tại nhà in Tiến bộ của Trung ương Đảng, lúc đó được mang mật danh Lê Hồng Phong tức ấn I đặt cạnh tòa soạn Báo Sự thật ở Khuôn Câm. Cuốn sách được in bằng giấy bản do nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ cung cấp và ngay lập tức được chuyển tới từng chi bộ Đảng để nghiên cứu, học tập.

“Sửa đổi lối làm việc” được hoàn thành trong khói lửa, bom đạn của chiến dịch Việt Bắc đã cho thấy tầm quan trọng, cấp thiết của những vấn đề mà tác phẩm đề cập đến và đặt ra nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài mang tính định hướng nguyên tắc cho Đảng cầm quyền giáo dục, rèn luyện, lựa chọn và sử dụng cán bộ đủ Đức và Tài để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Đó chính là tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn xa và cũng là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Đỗ Hoàng Linh - Phó Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
.
.