Chuyến bay cuối cùng của Air America ở miền Nam Việt Nam

Thứ Tư, 29/04/2015, 10:40
16h ngày 29/4/1975, người Mỹ và các đồng minh với Mỹ bàng hoàng khi nhìn thấy bức ảnh của nhà báo Hubert Van Es, lúc ấy làm cho Hãng tin United Press (UP), chụp một dòng người lúc 14h cùng ngày, đang cố gắng trèo lên cầu thang sân thượng tòa nhà Pittman Apartments ở số 22 đường Gia Long - nay là đường Lý Tự Trọng, TP HCM.

Trên sân thượng, đứng cạnh chiếc trực thăng sơn màu trắng là sĩ quan CIA phụ trách hàng không tên O.B. Harnage đang vươn tay để kéo một người khác lên. Nó không phải là máy bay của Hải quân Mỹ thực hiện việc di tản những người Mỹ cuối cùng ra khỏi Sài Gòn, mà là của Air America, một hãng hàng không có vỏ bọc "tư nhân" do CIA bí mật điều khiển.

Tuy nhiên, chuyến bay ấy vẫn chưa phải là chuyến bay cuối cùng của Air America ở miền Nam Việt Nam…

Lịch sử hình thành

Khởi đầu của Air America (Hãng Hàng không Mỹ) là Hãng Hàng không vận tải dân sự (Civil Air Transport - gọi tắt là CAT), ra đời ngay sau Chiến tranh thế giới thứ 2, do một tướng Không quân Mỹ là Claire Chennault sáng lập. Khi ấy, ngoài phi công Mỹ, CAT còn có những phi công tình nguyện người Trung Quốc thuộc phe Tưởng Giới Thạch nhằm chống lại những người cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo.

Chuyến bay đầu tiên của CAT được thực hiện ngày 31/1/1947 bằng máy bay động cơ cánh quạt C-47, từ thành phố Thượng Hải đến tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngày 24/9/1948, CAT thực hiện chuyến bay quốc tế đầu tiên cũng bằng máy bay C-47 từ thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đi Hải Phòng.

Tháng 10-1949, Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, dẫn đến việc đội quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch phải bỏ chạy ra đảo Đài Loan. Cùng với Tưởng, CAT chuyển căn cứ đến đảo này, tiếp tục hoạt động bằng những chuyến bay thả biệt kích xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc, thả vũ khí, đạn dược, máy móc truyền tin cho một nhóm tàn quân Quốc dân đảng hoạt động ở vùng "Tam giác vàng" - là khu vực biên giới giữa Trung Quốc, Lào và Myanmar. Đây được coi như một trong những "lò" sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới do Khun Sa - một sĩ quan trong đội quân của Tưởng, cầm đầu.

Năm 1950, thông qua một công ty cổ phần ở bang Delaware, Mỹ, CIA mua lại CAT. Việc mua bán diễn ra trong bí mật nên tất cả mọi phi công làm việc cho CAT đều không biết rằng mình đang bay cho… CIA! Thời điểm ấy, CAT được xếp hạng là hãng hàng không vận tải lớn thứ hai trên thế giới với hơn 50 máy bay vừa C-46 vừa C-47, lẫn những chiếc vận tải hạng nhẹ như Helio Courier, Caribou, Pilatus Porter…

Bức hình nổi tiếng của nhà báo Hubert Van Es chụp chiếc trực thăng Air America trên sân thượng tòa nhà Pittman Apartments chiều ngày 29/4/1975.

Tháng 6/1953, CAT chính thức dính líu đến chiến tranh Việt Nam qua những phi vụ chở hàng tiếp vận cho quân đội viễn chinh Pháp ở biên giới Việt-Lào. Trước đó, đầu tháng 5, các phi công CAT được gọi đến căn cứ không quân Clark của Mỹ ở Philippines để học lái máy bay vận tải C-119. Khóa học cấp tốc chỉ kéo dài 72 giờ đồng hồ. Tiếp theo, cất cánh từ sân bay Gia Lâm, Hà Nội, họ thực hiện 6 chuyến bay bằng máy bay C-119 sơn cờ Pháp, thả dù tiếp tế cho quân Pháp.

Tháng 1/1954, trước nguy cơ thất bại của người Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, một lần nữa Chính phủ Mỹ lại yêu cầu CIA cho CAT bay phục vụ quân đội Pháp. Từ ngày 13/3 đến ngày 7/5 là ngày Điện Biên Phủ thất thủ - 24 phi công của CAT cất cánh từ sân bay Cát Bi, Hải Phòng, đã thực hiện 682 phi vụ thả dù vũ khí, đạn dược, lương thực và các hàng tiếp liệu khác bằng máy bay C-119 xuống Điện Biên Phủ. Bị bộ đội Việt Minh bắn rơi một chiếc, 2 phi công thiệt mạng.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, CAT sử dụng 12 máy bay C-46 tham gia chiến dịch Operation Cognac, chở người di cư từ Bắc vào Nam - và đây được coi là cầu không vận lớn nhất thế giới thời điểm ấy. Từ ngày 22/8 đến ngày 4/10/1954, CAT đã đưa 19.808 người từ miền Bắc vào miền Nam.

Trong các chuyến bay ngược từ Nam ra Bắc, CAT chở theo điệp viên, điện đài, súng và thuốc nổ để phục vụ các chiến dịch phá hoại, gây bạo loạn ở miền Bắc theo sự chỉ đạo của Edward Lansdale - khi đó là Trưởng bộ phận tình báo của Cơ quan Tình báo chiến lược OSS - tiền thân của CIA sau này và Lucien Conein - cũng là sĩ quan OSS.

Trực thăng Bell 205 của AA tiếp tế vũ khí cho đội quân Vàng Pao ở Lào.

Sử dụng vỏ bọc "Nhóm tư vấn hỗ trợ quân sự - Military Assistance Advisory Group - gọi tắt là MAAG" có văn phòng ở Hà Nội, chi nhánh ở Hải Phòng, nhiệm vụ của MAAG về bề nổi là cơ quan giám sát di cư ở miền Bắc nhưng bên trong, MAAG lặng lẽ chuẩn bị cho những cuộc bạo loạn.

Tại Hải Phòng, vũ khí được người của MAAG chôn ở một số nghĩa trang thông qua các đám ma giả. Ở đồng bằng Bắc Bộ, súng đạn, thuốc nổ và điện đài được chôn dưới những doi đất dọc theo sông Hồng nhưng sau đó đều bị Cơ quan An ninh miền Bắc phát hiện.

Nhiều điệp viên được MAAG đánh ra Bắc làm hạt nhân, châm ngòi cho những cuộc bạo loạn nhưng khi xuống đến Hà Nội hoặc Hải Phòng, một số vì quá sợ nên lại theo máy bay của CAT… di cư vào Nam!

Số nằm lại sau này bị ông Ba Quốc - tức Thiếu tướng Đặng Trần Đức, cán bộ tình báo miền Bắc xâm nhập Phủ Đặc ủy Tình báo Trung ương Sài Gòn lấy được danh sách, chuyển ra Bắc nên đã bị bắt gọn.

Những chuyến bay bí mật

Ngày 26/3/1959, CAT đổi tên thành Air America (AA), trụ sở đặt ở Đài Bắc, Đài Loan với câu khẩu hiệu: "Bất cứ điều gì, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, (đều được thực hiện) một cách chuyên nghiệp - Anything, Anywhere, Anytime, Professionally" và vẫn do CIA điều khiển. Phi công của AA ngoài người Đài Loan Trung Quốc, còn có thêm phi công Mỹ, Anh, Pháp làm việc dưới dạng bay thuê.

Morris Dale, người bay cho AA từ năm 1961 đến 1969 nói: "AA không bao giờ tuyển người công khai mà tất cả đều do truyền miệng. Như tôi chẳng hạn, một tối trong một quán bar ở Houston, Texas, có anh bạn quen lâu ngày không gặp đến vỗ vai tôi: "Hey! Lúc này mày bay cho ai?". Tôi cười: "Tao bay làng nhàng cho mấy công ty du lịch". Bạn tôi hỏi: "Mày muốn bay cho AA không? Lương cao, công việc cũng đơn giản, chủ yếu là chở hàng". Tôi thắc mắc: "Nhưng bay ở đâu?" - "Ở Đông Dương". Thề có Chúa, lúc ấy tôi chẳng biết "Đông Dương" nằm ở chỗ quái nào nhưng nghe bảo ngoài mức lương cơ bản, công tác phí cho mỗi giờ bay là hơn 200USD nên tôi Ok ngay".

Charles Davis cũng thế. Anh ta bay cho AA từ năm 1965 đến năm 1967. Là phi công trực thăng thuộc Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, sau khi giải ngũ, Davis đi du lịch ở Washington D.C: "Tại đó, tôi gặp chỉ huy cũ của tôi. Ông ta đề nghị tôi làm cho AA, căn cứ đặt tại Udon Thani, Thái Lan. Nhiệm vụ của tôi là bay sang Lào, yểm trợ cho các chương trình an cư lập nghiệp của người Mông ở Lào".

Đến tháng 8/1959, song song với việc CIA tổ chức huấn luyện các dân tộc ít người ở Lào, ở các tỉnh Tây Nguyên Việt Nam để hình thành những lực lượng bán quân sự nhằm chống phá cách mạng, AA cũng cử phi công đi học lái máy bay trực thăng ở Philippines và ở Nhật.

Máy bay C46 của AA chở người di cư từ miền Bắc vào Nam.

Theo Charles Davis thì khi sang đến Udon và khi được giao lái chiếc trực thăng Sikorsky H-34, anh ta mới biết nhiệm vụ của mình là hỗ trợ cho người Mông ở Lào… chống Cộng!

Charles Davis nói: "Vì thế, tôi phải tìm hiểu tất cả mọi chuyện, nhất là về Quân đội cách mạng Lào (Pathet Lào) nhưng tôi hoàn toàn không biết mình làm việc cho CIA. Và mặc dù đã có trên 1.000 giờ bay nhưng tôi vẫn đồng ý ngồi ghế lái phụ cho một phi công giàu kinh nghiệm trong suốt 1 tháng để học hỏi".

Khi các lực lượng bán quân sự người Mông ở Lào dưới sự chỉ huy của Vàng Pao được các sĩ quan Mũ nồi xanh trực thuộc CIA huấn luyện bài bản, và đã được trang bị vũ khí, ngày 9/3/1961 Tổng thống Kennedy chính thức bật đèn xanh cho CIA tiến hành cuộc chiến bí mật ở Lào.

Phi công John Wiren, bay cho AA từ năm 1962 đến năm 1968 kể: "Đã có 4 loại máy bay qua tay tôi. Đó là những chiếc Helio Courier, Pilatus Porter, Caribou và cuối cùng là DC3. Thông thường, chúng tôi cất cánh từ căn cứ không quân Udon Thani, Thái Lan rồi ngược lên miền Bắc nước Lào. Trước đó, nhiều kiện hàng đã được chất vào khoang máy bay nhưng tôi không biết đó là hàng gì, và cũng không được phép tò mò". Đường  băng hạ cánh của máy bay phần lớn chỉ là những dải đất hẹp, nằm giữa các ngọn núi đầy mây mù vào mùa mưa khiến thần kinh của phi công căng như dây đàn.

Waren kể tiếp: "Máy bay chưa dừng hẳn, lính Vàng Pao đã nhanh chóng bốc hàng xuống rồi lại chất hàng lên nhưng ít hơn, và cũng được đóng gói cẩn thận hơn". Mãi về sau - năm 2012 - khi hồ sơ "Air America - The Secrets in Vietnam War" được giải mật, Wirent mới biết đó là… thuốc phiện!

Để có thể bay từ căn cứ Udon Thani đến Lào, CIA tiến hành đàm phán với Hải quân Mỹ nhằm thay thế máy bay trực thăng H-19 Chickasaw chỉ chở được 12 người, hoạt động trong phạm vi 293km bằng loại trực thăng H-34 Choctaws chở được 16 người hoặc 3 tấn hàng hóa, phạm vi bay lên đến 652km. Hơn nữa, H-34 còn được vũ trang bằng 2 súng đại liên M60 và 2 ống phóng rocket, mỗi ống 9 quả.

Ngày 29/3/1961, 16 chiếc H-34 được chuyển từ Bangkok đến căn cứ của AA ở Udon Thani. Thời điểm ấy, có chừng 9.000 quân Vàng Pao đã được vũ trang và khoảng 4.000 người dự bị. Hoạt động của họ chủ yếu ở miền núi, lực lượng lại phân tán nên CIA không chỉ hỗ trợ vũ khí đạn dược mà còn làm công tác tiếp vận, bao gồm cả cứu đói cho các bản làng người Mông thiếu lương thực vì đã phá bỏ ruộng nương để trồng cây thuốc phiện. Người đứng sau các hoạt động này một lần nữa lại là Edward Lansdale.

Air America ở miền Nam Việt Nam

Cũng trong thời gian này, tại Sài Gòn, AA bắt đầu huấn luyện phi công và kỹ thuật viên cho Không quân Việt Nam Cộng hòa. Nhằm che giấu mọi hoạt động của mình, năm 1962, CIA dựng lên một công ty làm vỏ bọc cho AA, đặt tên là "Công ty vận chuyển đường không Việt Nam - Vietnam Air Transport” - gọi tắt là VIAT, trụ sở đặt tại Sài Gòn.

Máy bay C-47 của AA được chuyển cho VIAT để VIAT thực hiện những phi vụ tung biệt kích ra miền Bắc. Bên cạnh đó, Không quân Đài Loan - thông qua Hãng Hàng không dân sự China Airlines cũng yểm trợ ngầm cho VIAT bằng cách cho mượn máy bay và người lái. Tất cả phi công Đài Loan lái cho VIAT đều nói rành tiếng Việt, giấy tờ tùy thân cũng bằng tiếng Việt.

Ông Cheng quê ở Cao Hùng, Đài Loan biến thành ông Trần, sinh ra, lớn lên ở Cần Thơ, ông Wong ở Đài Bắc hóa ra ông Vương ở Vũng Tàu để nếu chẳng may bị quân dân miền Bắc bắn rơi thì cả chính quyền Đài Loan lẫn AA đều dễ dàng xua tay chối bỏ…

(Còn nữa)

Cao Trí (theo Air America - The Secrets in Vietnam War)
.
.