Thân phận nữ y tá người Mỹ da đen trong Thế chiến II
- Benjamin Ward - Cảnh sát trưởng da màu đầu tiên của New York
- Bức tranh tường giá 110,5 triệu USD của họa sĩ da màu người Mỹ
- Người phụ nữ da màu làm thay đổi lịch sử ngành Tư pháp Mỹ
Và bởi vì là người da đen nên những nữ y tá nói trên phải sống trong những khu vực riêng. Bệnh viện nơi họ công tác cũng không hề có y tá da trắng. Do kỳ thị chủng tộc, cư dân ở những vùng xung quanh trại giam xem họ là tầng lớp hạ đẳng. Ngay cả tù binh Đức - tất cả đều là da trắng - đôi lúc cũng biểu lộ sự khinh miệt với y tá da đen dù rằng hàng ngày, tù binh vẫn được những người này tiêm thuốc, thay băng, tắm rửa...
1. Ngày làm việc của nữ y tá Marie Collins tại bệnh viện trại giam Papago Park, bên ngoài thành phố Phoenix, bang Colorado bắt đầu từ 6 giờ sáng. Sau khi ăn vội bữa điểm tâm trong khu vực dành riêng cho y tá da đen, Marie tiến hành đo thân nhiệt, huyết áp cho 40 tù binh Đức - là số người mà cô chịu trách nhiệm theo dõi.
Chăm sóc sức khỏe cho tù binh Đức Quốc xã là nhiệm vụ thường ngày của y tá người Mỹ da đen. |
Tiếp theo, Marie hỏi han tình hình bệnh tật của từng cá nhân và những triệu chứng họ đang gặp phải. Tất cả những thông tin ấy được Marie ghi chép vào một cuốn sổ lớn để đến 7 giờ, cô trình cho y tá trưởng cũng là người da đen. 8 giờ, y tá trưởng trình lên quản trị viên người da trắng và cuối cùng là bác sĩ điều trị để vị bác sĩ này hoặc kê đơn thuốc, hoặc hướng dẫn cách xử lý.
Marie chỉ là 1 trong 900 nữ y tá da đen thuộc quân đội Mỹ bị điều động đến làm việc tại những trại giam giữ tù binh chiến tranh trên đất Mỹ.
Theo các điều khoản quy định trong Công ước Geneve, tù binh ngoài chế độ ăn uống, thư tín, báo chí, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, họ còn được hưởng quyền chăm sóc sức khỏe nếu bị thương hoặc đau ốm. Và bởi vì hàng chục triệu người Mỹ phải gia nhập quân đội hoặc làm việc trong những nhà máy, công xưởng cùng các ngành công nghiệp khác để phục vụ chiến tranh, dẫn đến sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng nên việc chăm sóc sức khỏe tù binh được giao cho các nữ y tá da đen.
Một số khác làm việc tại các quân y viện mà thương bệnh binh cũng là lính da đen, trong lúc các nữ y tá da trắng được ưu tiên công tác tại các quân y viện, nơi bệnh nhân chỉ toàn lính da trắng. Marie nói: "Chúng tôi bị buộc phải sống cách biệt với cộng đồng da trắng. Nơi ở của chúng tôi luôn có một tấm biển với dòng chữ "Colored - Da màu".
Nhà ăn của chúng tôi được xây dựng riêng, thậm chí giặt giũ quần áo cũng phải giặt riêng. Các buổi giao ban chuyên môn chúng tôi không được dự. Nói chung, chúng tôi không phải là người Mỹ dù chúng tôi đã có quyền công dân Mỹ…".
2. Không phải chỉ đến khi Thế chiến II nổ ra, nữ y tá người Mỹ da đen mới bị phân biệt đối xử mà trước đó, năm 1917, khi nước Mỹ chính thức tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ I, các y tá người Mỹ da đen đã rất gian nan để "xin được phục vụ đất nước".
Tất cả hồ sơ nộp vào Quân đoàn Y tá Quân đội Mỹ - United States Army Nurse Corps - đều bị loại bỏ bởi màu da của họ. Một số ít may mắn được chấp thuận nhưng không phải vì Quân đoàn Y tá Quân đội rộng lượng với họ mà vì trận đại dịch cúm đầu năm 1918 đã quét sạch hàng chục nghìn người - trong đó có khá nhiều những nữ y tá da trắng làm việc tại các bệnh viện dã chiến nên Quân đoàn Y tá Quân đội cần có thêm người để bổ sung.
Theo những ghi chép của nữ y tá da đen Grabiel Woods còn lưu giữ thì mặc dù được tuyển dụng với chức danh y tá, nhưng y tá da đen vẫn phải làm những công việc mà lẽ ra, nó là của hộ lý.
Nhiều thập niên sau - năm 1939 - khi Hitler xâm lược Ba Lan, châm ngòi cho Thế chiến II, nước Mỹ bắt đầu chuẩn bị để đối phó với chủ nghĩa Quốc xã lẫn chủ nghĩa Quân phiệt Nhật Bản thì Quân đoàn Y tá Quân đội cũng mở rộng quy trình tuyển dụng.
Thế nhưng, cũng như hồi Thế chiến I, khi hàng nghìn y tá da đen viết những lá đơn tình nguyện, bày tỏ nguyện vọng muốn phục vụ đất nước thì họ lại nhận được thư trả lời của Quân đoàn Y tá Quân đội, trong đó có đoạn: "Đơn của bạn không thể được xem xét vì không có quy định nào trong các quy định của quân đội, cho phép tiếp nhận y tá da màu vào Quân đoàn".
Theo nữ y tá Cynthia Norris, đó là sự sỉ nhục vì Quân đoàn Y tá Quân đội đã không đánh giá trung thực về y tá người da đen mặc dù trong quá trình đào tạo, họ được học giống như người da trắng và khả năng chuyên môn cũng không thua gì y tá người da trắng.
3. Ngược dòng thời gian, kể từ ngày 19-6-1862, khi Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ là Abraham Lincoln ký tuyên ngôn giải phóng nô lệ, trao quyền bình đẳng cho người da đen thì dù trải qua hàng trăm năm, nhưng sự phân biệt đen, trắng - được gọi là "Luật Jim Crow" vẫn hiện diện tràn ngập trong lối sống và văn hóa Mỹ, kể cả quân đội.
Nguồn gốc của Luật Jim Crow bắt đầu từ năm 1865, 3 năm sau ngày Tổng thống Abraham Lincoln tuyên bố giải phóng nô lệ. Nó kéo dài cho mãi đến năm 1968 mới chấm dứt bởi những cuộc biểu tình dưới sự lãnh đạo của mục sư da đen Martin Luther King. Luật Jim Crow quy định các điều khoản để biến những công dân Mỹ da đen trở thành nô lệ một cách hợp pháp.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật ở các bang miền Nam - là những bang ủng hộ chế độ nô lệ - đã được sửa đổi để không một người da đen nào có thể thắng kiện nếu xảy ra kiện tụng vì theo Luật Jim Crow, chỉ có người da trắng mới được làm cảnh sát và thẩm phán.
Bên cạnh đó, cũng ở những bang miền nam, chính quyền còn làm ngơ trước sự ra đời và hoành hành của tổ chức phân biệt chủng tộc 3K (viết tắt của cụm từ Ku Klux Klan). Khi màn đêm buông xuống, nhiều nhóm 3K tiến hành đốt phá nhà cửa, ruộng vườn của người da đen, hãm hiếp phụ nữ, thiêu sống những ai dám chống lại họ nhưng hầu như không một thành viên 3K nào phải ra tòa. Còn nếu có ra tòa chăng nữa, hoặc họ được tha bổng vì lý do "tự vệ chính đáng", hoặc nếu có đi tù thì án tù của họ cũng không hề tương xứng với tội ác mà họ đã gây ra.
Vì thế, năm 1908, các y tá người Mỹ da đen đã cùng nhau thành lập một tổ chức, gọi là "Hiệp hội Quốc gia về màu sắc Y tá - viết tắt là NACGN".
Khi Thế chiến II nổ ra, dưới áp lực của các chính trị gia người da trắng - là những người ủng hộ việc giải phóng nô lệ cùng nhiều tờ báo tiến bộ, cuối cùng Quân đoàn Y tá Quân đội miễn cưỡng tuyển mộ 56 y tá da đen nhưng tất cả đều được gửi đến một bệnh viện biệt lập ở miền nam nước Mỹ.
Đến năm 1944, vẫn chỉ có 300 phụ nữ da đen phục vụ trong đơn vị này so với 40.000 y tá da trắng. Nữ y tá Connie Foster kể: "2/3 trong số chúng tôi làm việc tại các trại giam giữ tù binh. Ở trại Papago Park, một hôm có một tù binh Đức Quốc xã là Carl Wilhelm tuyên bố thẳng thừng rằng anh ta "không ưa lũ mọi đen". Bị xúc phạm, tất cả chúng tôi làm đơn khiếu nại, gửi bệnh viện trưởng nhưng Carl Wilhelm không hề bị bất kỳ một hình phạt nào. Đó là sự sỉ nhục tồi tệ và cay đắng nhất vì mặc dù đã bị bắt làm tù binh, nhưng lính Đức vẫn không xem chúng tôi là người…".
Vẫn theo nữ y tá Connie, ở quân y viện nơi cô làm việc, y tá da đen không được phép tham dự các cuộc họp chuyên môn với các sĩ quan bác sĩ da trắng. Tất cả mọi báo cáo về tình hình bệnh nhân đều phải thông qua một quản trị viên người da trắng. Điều tệ hại hơn cả là ở các bệnh viện dành cho lính Mỹ da đen, việc chăm sóc y tế đôi lúc còn thua cả tù binh Đức Quốc xã.
Một lớp huấn luyện y tá người Mỹ da đen của Quân đoàn Y tá Quân đội. |
Connie nói: "Các sĩ quan bác sĩ trong bệnh viện thường có thái độ thân thiện với tù binh Đức, có lẽ vì họ đều là người da trắng. Họ thường xuyên tổ chức những buổi ăn nhậu, ca hát, còn chúng tôi phải ở trong những căn nhà lắp ghép tạm bợ, cách biệt hẳn với khu cư xá sĩ quan".
Nữ y tá Nadia Worthrop, làm việc tại một trại tù binh ở bang Texas cho biết lính bảo vệ trại giam người da đen không được phép bước vào phòng ăn của lính bảo vệ da trắng, nhưng một số tù binh Đức Quốc xã lại có thể ngồi ăn chung, uống chung với bảo vệ da trắng: "Thoạt đầu, đối với chúng tôi thì đó là điều bất bình thường nhưng rồi nó trở nên bình thường vì hầu như ngày nào chúng tôi cũng phải chứng kiến…".
Không chỉ ở Mỹ, mà ở Anh, Pháp, một số đơn vị nữ y tá người Mỹ da đen được gửi sang làm việc trong các trại giam giữ tù binh cũng phải chịu cảnh phân biệt chủng tộc. Giáo sư Matthias Reiss, giảng viên cao cấp môn Lịch sử tại Đại học Exeter, Anh quốc nói: "Với những y tá Mỹ da đen, làm việc trong các trại tù binh là nhiệm vụ hạng 2. Họ bị cô lập, sống cô đơn với những người cùng màu da, cùng cảnh ngộ. Đã vậy, chế độ lương bổng dành cho họ cũng thấp hơn y tá da trắng".
Adam Clayton Powell Jr., dân biểu Hạ nghị viện Mỹ, Bộ trưởng Bộ đặc biệt Harlem (là khu vực đông người da đen nhất ở thành phố New York), đã nói trước Hạ viện Mỹ ngày 7-3-1945: "Hoàn toàn không thể tin được rằng trong những lúc như thế này, khi cả thế giới đều hướng đến sự bình đẳng chủng tộc thì vẫn có những nhà lãnh đạo của chúng ta, những người lạc hậu, mù quáng và vô lý đến mức bắt buộc lính Mỹ bị thương phải đối mặt với cái chết hơn là cho phép các y tá được quyền trợ giúp chỉ vì màu da của các y tá ấy…".
4. Khi Thế chiến II bước vào những tháng cuối cùng, số lính Mỹ bị thương tăng vọt bởi những trận đánh đẫm máu với Quân đội Nhật ở mặt trận Thái Bình Dương, gây ra một sự khủng hoảng trầm trọng về nguồn nhân lực y tá trong các quân y viện. Vì thế, 9.000 y tá da đen được Quân đoàn Y tá Quân đội tuyển dụng. Tuy nhiên 3/4 trong số họ vẫn phải phục vụ trong những bệnh viện dành cho lính Mỹ da đen, hoặc các trại tù binh. Khi chiến tranh kết thúc, họ bị sa thải nên con số 9.000 người chỉ còn lại 500 người - chiếm 0,8% - so với 50.000 y tá da trắng trong Quân đoàn Y tá Quân đội.
Ngày 26-7-1948, Tổng thống Mỹ Truman ký ban hành một sắc lệnh, nội dung tất cả y tá là người Mỹ da đen đều được hưởng quyền bình đẳng với các y tá da trắng trong Quân đội Mỹ nhưng theo các nhà phân tích chính trị, hành động này là quá muộn, nhất là với những y tá da đen đã từng phục vụ trong Thế chiến II.
Y tá Marie Collins, người đã làm việc tại bệnh viện trại giam Papago Park nói: "Không gì có thể bù đắp được thiệt thòi mà chúng tôi đã phải gánh chịu. Chỉ hy vọng rằng những thế hệ người Mỹ da màu tiếp theo có quyền ngẩng cao đầu tự hào về những gì mà những người đi trước đã cống hiến, và nhận được sự sẻ chia của xã hội bởi xét cho cùng, dù là da đen hay da trắng, máu của chúng tôi đều có màu đỏ…".
Bây giờ, sau 70 năm, kể từ khi Tổng thống Truman ban hành sắc lệnh bình đẳng giữa y tá người Mỹ da đen với y tá da trắng, các y tá người Mỹ da đen đã chiếm 17% trong Quân đoàn Y tá Quân đội, và Tổng tham mưu trưởng của Quân đoàn hiện nay là nữ Trung tướng Nadja West, người da đen đầu tiên nắm giữ chức vụ cao cấp này…