“Thành hoàn bổn cảnh” Huỳnh Văn Thiệu và người cháu Huỳnh Tấn Phát

Thứ Ba, 23/07/2019, 12:17
Từ thành phố Bến Tre đến UBND xã Châu Hưng, huyện Bình Đại dài 22 km - nơi có ngôi đình thờ "Thành hoàng bổn cảnh" Huỳnh Văn Thiệu và người cháu đời thứ 5 của ông là KTS Huỳnh Tấn Phát.

Ông Thiệu là người được dân chúng tôn sùng vì có công tập hợp lưu dân dưới thời chúa Nguyễn khai phá vùng đất hoang vu, và sau khi Trương Định hy sinh ông đứng ra lập làng kháng Pháp.

Còn KTS Huỳnh Tấn Phát, một người được xem là điển hình của thế hệ "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu" khi Pháp chiếm lại Sài Gòn, đã vĩnh viễn ra đi vào mùa thu của 30 năm trước.

Ông là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị suốt đời theo đuổi lý tưởng Cách mạng. Đến khi ông mất, dân làng quê nhà lập đền, rước di ảnh về thờ phụng bên cạnh đình thờ cụ cố "Thành hoàng bổn cảnh" Huỳnh Văn Thiệu.

Là Bộ tướng của Trương Định

Trang sử được mở đầu bằng thời kỳ khẩn hoang lập làng, lập ấp. Trong những năm đầu của lưu dân thời chúa Nguyễn, Bình Đại giống như nhiều nơi khác ở Nam Bộ, ngoài việc chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt còn phải chống chọi với thú dữ hiểm nguy. Nhưng khó khăn không làm nhụt chí người dân đi mở đất. Đó là vào khoảng giữa thế kỷ 19. 

Ông Huỳnh Văn Thiệu đứng ra tập hợp dân cư ngoài thân tộc lại để khai phá, sản xuất. Ông tổ họ Huỳnh là Huỳnh Văn Sách, bỏ xứ Huế vào Gia Định và đến định cư ở vùng đất này để khai phá. Trải qua quá trình lao động vất vả mưu sinh, đời sống lưu dân dần ổn định, đất đai mở rộng và phát triển. Cư dân sống quây quần bên nhau thành thôn, xóm đủ điều kiện để triều đình đặt bộ máy quản lý cấp thấp nhất.

Đình Tân Hưng, thờ “Thành hoàn bổn cảnh” Huỳnh Văn Thiệu.

Trải qua thời gian dài khai phá, ông Huỳnh Văn Thiệu được người dân mến mộ. Thấy vậy thực dân mời ra làm chức việc cho làng Tân Hưng (nay thuộc xã Châu Hưng - NV)  nhưng ông từ chối và tập hợp cư dân xây dựng lực lượng nghĩa quân đi theo phong trào khởi nghĩa của Trương Định.

Năm 1864 căn cứ Tân Hoa ở Gò Công thất thủ, Trương Định hy sinh, ông Huỳnh Văn Thiệu về lại Bình Đại chiêu mộ nghĩa quân tiếp tục cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Nổi bật trong phong trào chống Pháp ở Bình Đại được sử sách ghi nhận là cuộc khởi nghĩa của Trịnh Viết Bàn và Huỳnh Văn Thiệu, cả hai là bộ tướng của Trương Định. 

Không lâu sau do bọn tay sai chỉ điểm, ông bị Pháp bắt. Chính quyền thực dân dùng mọi cách uy hiếp, chiêu dụ nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết. Cuối cùng chúng đã bêu đầu ông ở Bàu Sấu, dân làng đưa xác ông về an nghỉ ở ấp Hưng Nhơn, gia phả ghi ngày kỵ là 24 tháng 7 năm 1864 âm lịch.

Phong trào yêu nước chống Pháp của ông tuy thất bại, nhưng đã tô thắm truyền thống yêu nước của người dân Việt nói chung trong lịch sử khai phá và đấu tranh gìn giữ đất nước. Ghi nhớ công ơn của ông, năm 1905, dân làng Tân Hưng ngày trước, nay là xã Châu Hưng cùng với gia đình lập đình thờ ông Huỳnh Văn Thiệu bên rạch Vàm Hồ, cạnh con lộ làng Tân Hưng và lấy tên đình Tân Hưng. Sau đó dân làng đưa linh vị ông về thờ tự và tôn vinh ông Huỳnh Văn Thiệu là "Thành hoàng bổn cảnh", cai quản xứ Châu Hưng. 

Điều này được thể hiện rõ trên khánh thờ có bài vị viết bằng chữ Hán "Hiển Linh Nguyên Hưng Chủ Tánh Huỳnh Văn tự Thiệu thần vị" (Linh vị của người chủ quê hương Tân Hưng tên Huỳnh Văn Thiệu). Từ đây việc thờ cúng ông Huỳnh Văn Thiệu trở thành việc chung của người dân trong làng. 

Tuy nhiên, khác với một số ngôi đình ở Bến Tre hay ở Nam Bộ, đình Tân Hưng không có sắc phong của triều đình thế tục. Đình Tân Hưng tồn tại là sự tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với người có công với dân với nước, và, mãi sẽ không phai mờ trong ký ức người dân. Qua lễ hội đình làng hàng năm ở đây có thể thấy rõ điều đó.

“Hậu sinh khả úy”

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu Văn hoá Dân gian của Bảo tàng Bến Tre, cho thấy KTS. Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989) chịu ảnh hưởng sâu đậm truyền thống yêu nước của tổ tiên, dòng tộc họ Huỳnh. Đặc biệt chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cụ cố Huỳnh Văn Thiệu mà ông là cháu đời thứ 5. KTS. Huỳnh Tấn Phát, còn gọi là Sáu Phát thời chống Pháp và Tám Chí vào thời chống Mỹ. Ông sinh ra trên dải đất cù lao An Hoá khi đó, nay là Bình Đại, Bến Tre. Một nơi có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm.

Ngay khi tiếng súng thực dân nổ ra trên đất Nam bộ nhiều sĩ phu yêu nước bất phục triều đình, không đầu hàng Pháp đã tổ chức và lãnh đạo nghĩa quân kháng Pháp đến hơi thở cuối cùng. Tuy không giành được thắng lợi trọn vẹn, nhưng đã để lại trong lòng người dân Nam bộ nói chung, người dân Bến Tre nói riêng ý chí và tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Họ đã trở thành những tấm gương rạng ngời, có sức lan tỏa, lưu truyền các thế hệ đời sau.

Tiêu biểu có Trương Công Định, Nguyễn Ngọc Thăng (Lãnh Binh Thăng), Nguyễn Hữu Huân, Phan Ngọc Tòng, Phan Văn Trị… Từ đó ăn sâu vào tâm thức của người dân Bến Tre trong đó có KTS. Huỳnh Tấn Phát - một nhà trí thức cách mạng tài ba. 

Với tư chất thông minh, hiếu học nên ngay khi học hết trung học ở trường Pétrus Ký, Sài Gòn, năm 1933, ông ra Hà Nội học Trường Mỹ thuật Đông Dương và ra trường với tấm bằng thủ khoa. Ông quay về Sài Gòn làm việc cho Văn phòng kiến trúc sư người Pháp. 

Tuy mới ra trường, nhưng với tài năng thiên phú, ông được giao thiết kế Câu lạc bộ thủy quân ở Sài Gòn. Công trình có hình dáng mô phỏng như con tàu lướt sóng ra khơi, được đánh giá là có không gian thiết kế mạch lạc, có nhiều góc nhìn đẹp, hài hoà với cảnh trí thiên nhiên. Về sau công trình này được chính quyền Sài Gòn dùng làm Phủ thủ tướng. Đến nay công trình vẫn còn trưng dụng, hiện hữu  trên đại lộ Lê Duẩn, Q.1, TP HCM.

Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam KTS Huỳnh Tấn Phát trò chuyện với Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Lài tại Lễ tuyên dương 1969.

Sau thời gian làm việc cho Văn phòng KTS người Pháp, năm 1940, KTS. Huỳnh Tấn Phát ra mở Văn phòng ở số 68 - 70 đường Mayer, nay là Võ Thị Sáu. Vào thời điểm đó, ông là người Việt đầu tiên mở Văn phòng KTS ở Sài Gòn. Với tài năng của mình, khách hàng tìm đến khá đông, những bản thiết kế biệt thự, nhà phố… không chỉ ở Sài Gòn - Gia Định mà còn có cả tỉnh lỵ xa xôi như Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên…

Một năm sau ngày mở Văn phòng KTS, ông tham dự cuộc thi thiết kế khu trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương được tổ chức ở vườn ông Thượng, Sài Gòn (nay là công viên Tao Đàn) và đoạt giải nhất cuộc thi. Mấy năm sau ông cùng với KTS. Nguyễn Hữu Thiện tham gia cuộc thi thiết kế đồ án thư viện Sài Gòn và chiếm được giải nhì (cuộc thi không có giải nhất). 

Tuy nhiên, đến lúc này danh tiếng của KTS. Huỳnh Tấn Phát đã nổi bật trong giới nên giám khảo nhận ra nét vẽ phối cảnh của ông, đồng thời dư luận Sài Gòn lúc bấy giờ bàn tán xôn xao đã đến tai cơ quan an ninh khiến một hôm Văn phòng KTS. Nguyễn Hữu Thiện bị bao vây. Khi đó KTS. Huỳnh Tấn Phát đang ở công trường xây cất nên không bị bắt. Từ đó KTS. Huỳnh Tấn Phát có thêm bí danh là Tám Chí và rút vào hoạt động bí mật trong vai trò trí vận.

Trở lại đồ án thiết kế xây cất thư viện Sài Gòn được giới nghề và giới công chúng đánh giá cao về giải pháp tổ chức không gian hình khối, một trong những công trình đẹp nhất Sài Gòn khi đó. Và ngay cả về sau này, giới kiến trúc cũng thừa nhận ông là người có tài tổ chức không gian, khéo khai thác những tinh hoa di sản kiến trúc truyền thống trong thiết kế của mình, từ đó tạo nên những điểm nhìn đẹp, hài hoà với cảnh trí thiên nhiên.

Điển hình như biệt thự ở số 150 Nguyễn Đình Chiểu, Q3, đến nay toà nhà này do được trông coi kỹ lưỡng nên vẫn còn nguyên vẹn. Ngay cả trong thời gian ông rút vào hoạt động bí mật, bận trăm công nghìn việc nhưng ông vẫn coi việc thiết kế nhà cửa là thú vui tao nhã. 

Ngôi biệt thự của GS. Dương Minh Thới nằm trên đường Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai do ông phác thảo trong thời gian này. Ngôi biệt thự đến nay vẫn còn sử dụng. 

Cũng trong thời gian này ông đã để lại dấu ấn ở vùng căn cứ cách mạng qua đồ án thiết kế trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (nhà giao tế Lộc Ninh, Bình Phước). Trụ sở này giờ đây đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia…

Với tài năng của mình, ông có điều kiện để làm giàu chính đáng, nhưng ông gác sang một bên để đi theo tiếng gọi của vận mệnh đất nước, dấn thân vào cuộc sống gian lao và hiểm nguy vì nghĩa lớn. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8-1945, phong trào học sinh, sinh viên yêu nước rầm rộ từ Bắc chí Nam, văn phòng của KTS Huỳnh Tấn Phát chính là nơi lui tới hội họp của giới sinh viên, trí thức yêu nước Sài Gòn. 

Năm 1945 sau khi Nhật đảo chính Pháp, KTS. Huỳnh Tấn Phát đã cùng với Hồ Văn Ngà, Phạm Ngọc Thạch, thành lập Thanh niên Tiền Phong. Ông đã tích cực tham gia phong trào này với trách nhiệm là Trưởng ban tổ chức Thanh niên Tiền phong. Phong trào này phát triển mạnh ở miền Nam nhiều năm sau đó.

Cũng trong khoảng thời gian này, KTS. Huỳnh Tấn Phát cưới vợ là bà Bùi Thị Nga, xong tiếp tục tham gia vào các hoạt động kháng chiến chống Pháp. Và khi Pháp tái chiếm Sài Gòn 23-9-1945, Huỳnh Tấn Phát bị bắt nhưng sau 3 ngày đã được thả ra vì ông là một kiến trúc sư danh tiếng, đồng thời Pháp cũng muốn lấy lòng giới trí thức.

Năm 1946, ông bị bắt lần thứ hai tại nhà in số 160, ngày nay là đường Lý Tự Trọng. Trong khám lớn Sài Gòn, ông được các anh, chị em bầu làm Trưởng ban đại diện "Liên đoàn tù nhân chính trị khám lớn Sài Gòn". Ông biến nơi đây thành trường học văn hóa, chính trị, quân sự bằng việc cho ra tờ báo "Phá ngục".

Hai năm sau ông ra tù và được tổ chức đưa ra vùng giải phóng tiếp tục công tác trí vận. Cuối 1960, đại hội Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam cử ông làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 

Tháng 6-1969 được Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam tiếp tục tín nhiệm bầu ông làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trước đó một năm, ông vận động một số trí thức yêu nước đang làm việc trong chính quyền Sài Gòn ra khu thành lập Liên minh các lực lượng phong trào dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam. Đứng đầu Liên minh này là luật sư Trịnh Đình Thảo, một trí thức nổi bật trong các hoạt động phong trào yêu nước khi đó.

Uống nước nhớ nguồn

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, đình Tân Hưng là nơi tập trung những người yêu nước để học tập, bàn bạc kế hoạch thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và chi bộ cơ sở. Những năm 1945, 1946, đình Tân Hưng là nơi tập hợp lực lượng Thanh niên Tiền phong để chuẩn bị cho kháng chiến chín năm. 

Trong suốt thời kỳ đấu tranh chính trị từ năm 1954 - 1963, đình Tân Hưng là nơi tập hợp nhân dân để phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, hưởng ứng sôi nổi phong trào Đồng Khởi, phong trào chống độc tài Ngô Đình Diệm. Nhiều cơ sở vật chất của đình trở thành vũ khí góp phần mang lại thắng lợi cho cho phong trào.

Năm 1968, cùng với các nơi khác nổi dậy tấn công Mậu Thân, tại địa phương các vị trong Ban khánh tiết đình Tân Hưng đi đầu trong công tác cứu thương phục vụ những trận đánh lớn, nổi bật có ông Huỳnh Văn Búp, Huỳnh Văn Phường, Nguyễn Văn Thiện… Vì đình Tân Hưng là nơi thường xuyên đi lại và hoạt động của cán bộ Đảng viên cơ sở, nơi cất giữ tài liệu, vũ khí… 

Thế nên, vào 1970, địch ném 2 quả bom gây thiệt hại nặng cho đình. Dù vậy đình vẫn là cơ sở của Đảng bộ địa phương cho đến ngày đất nước thống nhất.

Suốt chiều dài lịch sử từ những tiền nhân có công khẩn hoang, lập ấp ở vùng đất này đến nay các thế hệ con cháu qua từng thời kỳ đã sống sắt son, đoàn kết theo gương tốt của người đi trước. Ngôi đình tồn tại đến nay là minh chứng chân thật nhất về lòng nhân nghĩa, kính trọng và ý chí đấu tranh anh dũng của người dân đất Việt. 

Qua hai cuộc kháng chiến nhân dân Tân Hưng đã có những người con theo Đảng góp phần giải phóng dân tộc xây dựng quê hương, trong số những người ấy có KTS. Huỳnh Tấn Phát, cháu đời thứ 5 của ông Huỳnh Văn Thiệu. 

Thế nên khi KTS Huỳnh Tấn Phát mất, dân làng Tân Hưng đã rước di ảnh ông về thờ bên cạnh đình Tân Hưng nhằm giáo dục cho thế hệ con cháu ra sức học tập và làm việc như lúc sinh thời ông làm. Qua đó thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, một nét đẹp của việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục lịch sử truyền thống yêu nước qua nhiều thế hệ.

Kỳ Phương
.
.