Thêm những tiết lộ về Sa hoàng Nga cuối cùng

Thứ Hai, 30/07/2018, 16:13
Trong danh sách người giàu nhất vào đầu thời kỳ hiện đại thì Sa hoàng Nicholas II đứng thứ 4 với khối tài sản ròng dao động từ 250 tỷ USD đến 300 tỷ USD (dựa theo tỷ giá hối đoái năm 2010).

Kể từ khi Giáo hội chính thống giáo Nga phong Thánh cho Nicholas II thì vị hoàng đế này cũng được công nhận là "Vị thánh giàu nhất trong lịch sử nhân loại".

Thu nhập của nhà vua

Sa hoàng Nicholas hưởng khoản tiền trợ cấp hàng năm tương đương 200.000 rúp (bao gồm cái gọi là "tiền phòng" xấp xỉ 20.000 rúp, và nhà vua luôn chi tiêu quá trán có khi "vọt" lên tới 150.000 Rúp).

"Tiền phòng" hiểu nôm na là tiền để nhà vua mua quần áo và các loại hàng hóa dùng cho cá nhân như xà bông, kem cạo râu và thuốc lá; cũng như để làm từ thiện, quà tặng và tiền trao cho các giải thưởng do nhà vua ban; và "Tiền phòng" cũng còn dùng để mua sách, tạp chí và các tác phẩm nghệ thuật.

Sa hoàng Nicholas II (trái) và người anh em họ Vua George V ở Berlin, năm 1913.

Nicholas II hiếm khi cầm theo tiền mặt, và nếu ngài cần dùng tiền vàng để làm từ thiện trong các sinh hoạt của nhà thờ, thì nhà vua cần hạ lệnh lấy tiền từ phủ Tể tướng.

Nicholas II là người sùng bái quân đội, thế nên ngài chi tiêu khá hào phóng cho việc mua các loại quân phục.

Năm 1910, Sa hoàng Nicholas II chi hết 20.000 rúp (tiền phòng) cho việc mua quân phục để khoe mẽ với họ hàng ở Đức và bạn bè của ngài. Nicholas II cũng dùng tiền túi để tài trợ cho các tổ chức thể thao (số tiền 5.000 rúp được chi vào năm 1911 là dành cho Hiệp hội giáo dục thể chất "Bogatyr"); nhà vua cũng chi cho các môn thể thao yêu thích như quần vợt và đua xe. Có tài liệu nói rằng nhà vua đã chi nhiều tiền để trả cho thợ đóng giày nhằm xử lý chiếc giày da bị sự cố mà nhà vua yêu thích.

Vậy nguồn thu nhập của Sa hoàng Nicholas II từ đâu ra? "Tài sản khổng lồ" của Nicholas II nằm ở lãnh địa do Bộ cung đình quản lý. Thật sự cái cơ quan này từng kiểm soát một lãnh địa rộng lớn trải dài từ Altai đến Ngoại Baikal với tổng diện tích lên tới 65 triệu ha. Altai và Ngoại Baikal là nơi chứa không biết cơ man nào là các mỏ vàng, bạc, đồng, than đá và chì, đạt lợi nhuận hàng năm lên tới 6 hay 7 triệu Rúp.

Thêm nữa, Bảo tàng Hermitage Hoàng gia (RHM), các nhà hát hoàng cung ở Moscow và St. Petersburg cũng như nhiều doanh nghiệp khác đều là tài sản của Hoàng gia Romanov, chúng mang lại nguồn thu nhập béo bở cho họ. Tất cả các khoản thu nhập đều chảy về Bộ cung đình, dùng trang trải cho các hoạt động của triều đình, tiếp tân ngoại giao cũng như các chuyến thăm viếng và an ninh của Hoàng gia.

Lối sống đế vương

Lúc còn ở ngôi cao, Nicholas II và gia đình của ngài đã tạo nên những sự kiện không thể nào quên. Lễ đăng quang ngai vàng của Nicholas II và hoàng hậu là sự kiện tấn phong ngai báu đắt tiền nhất trong lịch sử Nga. Hơn 85.000 giới chức và binh sĩ quân đội tề tựu tham dự buổi lễ đặc biệt này.

Các thành viên trong ủy ban điều tra Liên Xô đang tiếp quản một số trang sức quý giá của triều đình Romanov (Moscow, năm 1926).

Tại cung điện Kremlin, có hẳn một không gian điện thoại đặc biệt được xây dựng để điều hành các nghi thức lễ. Từ St. Petersburg, một đoàn xe chở hơn 24 tấn dụng cụ đồ ăn làm bằng vàng và bạc chuyển về điện Kremlin.

Một đêm trước lễ đăng quang, Hoàng hậu Alexandra đã tập hợp một dàn hợp xướng với sự hiện diện của 1.200 người. Và đây cũng là lễ đăng quang duy nhất ở Nga được quay phim. Chưa hết. Năm 1913, một sự kiện xa hoa hơn đã diễn ra: kỷ niệm 300 năm ngày ra đời triều đại Romanov, được tổ chức cấp nhà nước và tư tưởng lớn.

Trong sự kiện này, Sa hoàng Nicholas II hạ lệnh mọi khoản nợ dân sự đều được ân xá; có hơn 1,5 triệu chiếc huy hiệu được làm bằng vàng, bạc và đồng dùng cho sự kiện này. Lần đầu tiên trong lịch sử Nga, chân dung của Nicholas II và gia đình ngài được sản xuất đại trà trên các con tem bưu chính, những chiếc cốc lưu niệm, khăn tay và nhiều món đồ khác.

Mặt khác, thú ăn uống của Sa hoàng Nicholas II cũng khiến chúng ta choáng ngợp. Nhà bếp trong hoàng cung có 55 người, và có 3 hạng mục ẩm thực được phân loại gồm "đơn giản", "lễ lạt" và "diễu binh". Nhưng "đơn giản" mà bữa ăn sáng cũng gồm 4 món; bữa trưa cho 5 món, còn bữa tối cũng có 4 món.

Chi phí bày biện bàn ăn ngốn 71.631 rúp; tới năm 1903 giảm còn 67.112 rúp; năm 1904 còn 47.711 rúp; (nên biết rằng lương của một đại tá quân đội hàng năm khi đó vào khoảng 4.000 rúp; 1 con ngựa có giá 100 rúp; 1 cây đàn dương cầm xịn có giá 200 rúp). Hoàng gia Nga toàn dùng đĩa bằng vàng để đựng đồ ăn, và thường xuyên nhập sơn hào hải vị từ Châu Âu.

Ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất (vào năm 1916), Sa hoàng Nicholas II vẫn không từ bỏ thói quen uống rượu. Sử gia Igor Zimin quan sát trong các tháng 5 và tháng 6 của năm 1916, gia đình Nicholas II đã uống 1.107 chai vang, 391 chai vang Madeira, 174 chai Sherry, 19 chai Port (chủ yếu là nhà vua ngự dụng), 14 chai sâm-banh (uống trong các dịp lễ), 3 chai Cognac và 158 chai Vodka. 

Khi lên ngôi báu, Nicholas II nhận lương 200.000 rúp/năm (lương cấp tướng hay tể tướng khi đó vào khoảng 6000 hay 7000 rúp/năm, lương công nhân là 500 rúp/năm). Hoàng hậu Alexandra chi 40.000 rúp/năm để mua quần áo cũng như đeo trang sức xa xỉ.

Cuối cùng phải kể đến thú đi săn tiêu khiển của Sa hoàng Nicholas II. Kể từ thời kỳ Ivan Bạo chúa, săn bắn đã là một thú giết thời gian của các Sa hoàng Nga, Nicholas II không nằm ngoài ngoại lệ. Có một cơ quan đặc biệt trong Bộ cung đình chuyên giám sát mỗi mùa săn bắn, với 70 nhân viên bao gồm một họa sĩ chuyên vẽ các bức tranh màu nước về cảnh đi săn.

Có một lần đi săn, chỉ mình nhà vua đã bắn hạ 1.400 con gà Lôi. Những cuộc đi săn kéo dài vài tuần, ngân sách tốn kém hơn 30.000 rúp (tương đương tiền lương trả hàng năm cho 100 giáo viên tiểu học). 

Hải Thanh (tổng hợp)
.
.