Thời khắc vàng của ông Nguyễn Hữu Hạnh
- Nguyễn Hữu Hạnh – Người phổ biến lệnh buông súng của Tổng thống Dương Văn Minh
- Nguyễn Hữu Hanh – Cố vấn kinh tế cho hai đời tổng thống Việt Nam Cộng hòa (kỳ cuối)
Ở vị trí này ông đã góp phần cùng Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ buông súng đầu hàng Quân giải phóng vào trưa ngày 30-4-1975, tránh bớt đổ máu.
Ông đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Thống Nhất sáng ngày 29-9-2019, thọ 95 tuổi.
Thời khắc lịch sử
Ông Nguyễn Hữu Hạnh sinh năm 1924, trong một gia đình phú nông tại ấp Phú Thuận, xã Phú Phong, Quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho cũ (nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Theo lời ông kể lại, lúc nhỏ ông học rất giỏi môn Toán và tiếng Pháp nên đã học hết tú tài trường Collège de My Tho (nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu TP. Mỹ Tho). Năm 1946, ông đăng lính và học trường Võ bị địa phương Nam Việt Vũng Tàu. Sau đó ông trở thành cấp dưới của Thiếu tá Dương Văn Minh và trở thành bạn thân trong đơn vị Bộ binh.
Đại diện tỉnh Tiền Giang thăm ông Nguyễn Hữu Hạnh dịp Tết 2019. |
Cặp bài trùng này cứ tuần tự thăng tiến trải qua nhiều thay đổi của Chính phủ, Quân đội quốc gia Đệ nhất, Đệ nhị Cộng hòa và nhiều cuộc thanh trừng, tiêu diệt các giáo phái, phe đảo chánh, binh biến…
Đến năm 1958, Nguyễn Hữu Hạnh được cử đi học khóa chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Mỹ 42 tuần. Sau đó, ông trở thành Tham mưu trưởng Quân khu Sài Gòn, đến năm 1963 thăng cấp hàm Đại tá, làm Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 do Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao làm Tư lệnh.
Lúc này, Nguyễn Hữu Hạnh vẫn còn là một cái tên rất xa lạ trên chính trường và chính giới Quân đội VNCH. Nhưng vào tháng 10-1960, cha ông Hạnh là ông Nguyễn Hữu Điệt qua đời, theo nguyện vọng được chôn cất tại đất quê nhà ở Châu Thành, Mỹ Tho nhưng thuộc vùng quản lý và kiểm soát của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Thông qua người bác họ Nguyễn Tấn Thành, huyện ủy viên đang công tác binh vận, ông Nguyễn Hữu Hạnh đã thỏa thuận xin ngừng bắn trong 3 ngày để làm lễ tang cha và cũng có mặt của bác họ Nguyễn Tấn Thành, Tư lệnh Huỳnh Văn Cao.
Ông Thành đã từng bị quân đội VNCH bắt giữ 2 lần, nhưng được tự do nhờ có sự can thiệp của Đại tá Nguyễn Hữu Hạnh. Đến lúc này, cán bộ Binh vận Trung ương Cục và Miền đã đặt sự quan tâm và giao cho Nguyễn Tấn Thành tiếp cận và "cảm hóa" đại tá Hạnh làm cơ sở bí mật, mang mật danh là S7 hoặc Sao Mai.
Đầu tháng 11-1963, cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm xảy ra, Đại tá Hạnh ngấm ngầm ủng hộ bạn thân là Tướng Dương Văn Minh, hỗ trợ Đại tá Nguyễn Hữu Có chiếm vị trí chỉ huy Sư đoàn 7 Bộ binh, thuyết phục Tướng Huỳnh Văn Cao án binh bất động không cho lực lượng Quân đoàn 4 về giải cứu, góp phần làm nên thắng lợi cuộc đảo chính anh em nhà Ngô Đình Diệm.
Năm 1969, Đại tá Hạnh được điều động trở lại Miền Tây làm Phó Tư lệnh, đến năm 1970 được phong hàm Chuẩn tướng. Do là thân hữu của Tướng Minh "Lớn" nên sự nghiệp của Đại tá Hạnh vấp phải rất nhiều trở ngại, không hợp gu với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Quân đội VNCH Đệ nhị.
Chính vì vậy, từ chức Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 năm 1972, ông bị chuyển ra làm Chánh Thanh tra Quân đoàn I tại Đà Nẵng. Bất ngờ vào ngày 15-5-1974, lúc đó 48 tuổi, Chuẩn tướng trẻ Nguyễn Hữu Hạnh nhận quyết định về nghỉ hưu do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký, viện lý do đã phục vụ trong quân đội quá thời hạn 20 năm.
Trong chính trường Sài Gòn lúc bấy giờ ai cũng biết, Tổng thống Thiệu đang tiến hành loại dần phe cánh của Tướng Dương Văn Minh và giới Quân đội thân Pháp. Đây cũng là thời gian quân đội Mỹ đã rút khỏi Miền Nam Việt Nam, chỉ còn lại đội ngũ cố vấn CIA…
Thiệu không ưa gì Mỹ, nhưng khó thoát khỏi thế kẹt của vòng kim cô nên vùng vẫy như cá mắc lưới trên trường chính trị, ngoại giao tìm lối thoát mới. Hơn nữa, tình hình chiến sự trên các chiến trường đang diễn ra rất ác liệt, thế thắng đang thuộc về Quân giải phóng Miền Nam, chính trường Sài Gòn đang rung chuyển, lung lay từng ngày.
Tuy đã tiếp cận với Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh từ những năm đầu 1960 nhưng Mặt trận giải phóng chưa hình thành và giao phó một nhiệm vụ gì cụ thể. Theo mưu lược người xưa, nuôi quân 3 năm dùng trong 1 giờ… đang lộ dần, lộ dần từ ngày khi Chuẩn tướng trẻ bị cho "về vườn".
Những ngày cuối tháng 4-1975, các cánh quân giải phóng Miền Nam đang dần xiết vòng vây tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam. Đồng chí Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng chỉ đạo bằng mọi giá phải đưa Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh trở về Sài Gòn để gặp Tổng thống Dương Văn Minh trước ngày nhậm chức Tổng thống từ tay Tổng thống Trần Văn Hương.
Mọi công việc đã được sắp đặt và bố trí chặt chẽ trước và ngay trong giờ khắc lịch sử đến. Tổng thống Dương Văn Minh phân công Chuẩn tướng Hạnh làm phụ tá cho tân Tổng Tham mưu trưởng là Trung tướng Vĩnh Lộc (1923-2009). Nguyễn Phước Vĩnh Lộc là dòng dõi hoàng tộc, anh em với vua Bảo Đại nhậm chức Tham mưu trưởng Quân đội VNCH ngày 29-4-1975, đã tuyên bố hùng hồn kêu gọi quân đội tử thủ bảo vệ Sài Gòn bằng mọi giá. Nhưng rạng sáng ngày 30-4-1975, Trung tướng Vĩnh Lộc đã thoát ra biển bằng tàu chiến trên bến Bạch Đằng.
Lúc này, không ai khác hơn Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, thay ghế Tổng Tham mưu trưởng, là một trong hai vị tướng cuối cùng của chế độ Sài Gòn đứng bên cạnh Đại tướng, Tổng thống Dương Văn Minh suốt mấy giờ lịch sử sang trang…
Chính ông đã ra lệnh cho Quân đội Sài Gòn bỏ súng đầu hàng theo lệnh Tổng thống, tránh đổ máu vô ích trong cuộc hòa hợp dân tộc, bàn giao chính quyền. Và điều kỳ diệu đó đã diễn ra trong Dinh Độc lập vào trưa ngày 30-4-1975.
Có những thời khắc lịch sử không thể diễn tả bằng hai chữ "nếu như"… Chiều chủ nhật 29-4 phụ tá Hạnh chính thức ngồi vào ghế chỉ huy Bộ tổng Tham mưu. Thông qua bác họ Nguyễn Tấn Thành (bí danh Tám “vô tư”), Chuẩn tướng Hạnh đã có thể hình dung toàn bộ cục diện chiến trường và chính trường lúc này cần có những quyết định ra sao.
Lúc này, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3, đang đóng quân tại Biên Hòa còn rất hung hăng khi còn trong tay 3 Sư đoàn thiện chiến và nhiều Lữ đoàn phối hợp. Tướng Toàn từng đề nghị Tổng Tham mưu Cao Văn Viên nhờ Mỹ điều B52 ném bom chặn quân Việt cộng ngay cửa ngõ Sài Gòn. Nay, lại đề nghị chuyển Bộ Chỉ huy về căn cứ thiết giáp ở Gò Vấp, gần sân bay Tân Sơn Nhất.
Phụ tá Hạnh không chấp thuận mà lấp lửng trả lời: nếu đến chiều 29-4 tướng Lộc không trả lời thì cứ làm như thế, như thế. Sự thật, Chuẩn tướng Hạnh không hề báo cáo với tân Tổng Tham mưu Vĩnh Lộc và rạng sáng hôm sau thì ông này đã tìm đường chuồn ra biển. Tiếp đến là tối 29-4, tướng bại trận Xuân Lộc là Lê Minh Đảo xin lui về Tân Vạn, bên này sông Đồng Nai để cố thủ, Chuẩn tướng Hạnh đọc được ý đồ hèn nhát của tên này khi rút về cận Sài Gòn để tháo chạy.
Tướng bại trận còn xin phá sập cầu Đồng Nai ngăn chặn quân giải phóng, Chuẩn tướng Hạnh rùng mình, ra lệnh không được phá cầu vì lấy cớ còn cơ động, phản công. Khi nào cần có thể điều không quân ném bom chặn đường. Ông đã tìm mọi cách xé lẻ những lực lượng quân tử thủ ra thành nhiều mảnh nhỏ, để dồn ép Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền vào thế phải đầu hàng.
Lúc này, hai cái gai nhọn là tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 và Lâm Văn Phát, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô là những kẻ hiếu chiến nhất thề sinh tử bảo vệ Sài Gòn. Nhưng tất cả đã bị vô hiệu hóa, khi Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng gần trưa 30-4. Tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát, cùng tướng Phạm Văn Phú kẻ để mất Buôn Ma Thuột. Tư Lệnh Hải quân Diệp Quang Thủy tự sát, còn tướng Vĩnh Lộc chạy tháo thân…
Sống ẩn, an nhàn giữa mọi người
Hành động của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tham mưu trưởng Quân đội VNCH đã được Chính phủ và nhân dân ghi nhận. Bản thân ông cũng được Mặt trận Dân tộc giải phóng trao tặng Huân chương, Bằng khen… Ông không thuộc diện cải tạo lao động như nhiều quan chức, sĩ quan chế độ Sài Gòn.
Nhớ lần đến thăm nhà ông ở Châu Thành, Tiền Giang, nhà ông gần như không có vật gì quý giá, ngoài tấm bảng ghi dòng chữ: "Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh sáng ngày 30-4-1975, cơ sở nội tuyến chiến lược của Ban Binh vận Trung ương Cục Miền Nam, Phụ tá Tổng Tham mưu ngụy đã lệnh cho sĩ quan án binh bất động, thuyết phục Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng Quân giải phóng".
Ông được tín nhiệm bầu giữ chức Tổng thư ký Hội Nhân dân sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất và bầu vào Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam là đại diện nhân sĩ yêu nước đến khi ông từ trần sáng ngày 29-9-2019.
Thời gian qua, nhất là vào những ngày lễ như 30-4, nhiều thế lực phản động ở hải ngoại tìm đủ mọi cách để nói xấu chế độ và Đảng ta. Trong đó, chúng tìm cách khơi dậy lòng hận thù dân tộc, tung tin xuyên tạc về chính sách đãi ngộ người có công với đất nước. Một người mà chúng thường xuyên nhắm đến là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh tại nhà riêng. |
Trong khi đó, ông là một trí thức, một nhân sĩ yêu nước luôn dạt dào tình yêu nước, yêu dân tộc khi quyết định ra lệnh quân đội buông súng đầu hàng, tránh đổ máu trong ngày 30-4-1975 lịch sử. Có lẽ ông là một tướng giữ chức Tổng Tham mưu Quân đội VNCH ngắn ngủi nhất lịch sử chỉ vài giờ đồng hồ nhưng đã tạo nên một dấu ấn cho lịch sử.
Ông có 11 người con, có người sinh sống ở Đức, hầu hết sinh sống làm ăn ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Sau ngày người bạn đời mất, ông buồn bã thường về dưới quê sống ẩn dật, vui vầy với bạn bè, thân tộc, tránh ồn ào nơi thị thành, phồn hoa.
Trong thời gian lưu lại đất quê Châu Thành, Tiền Giang, ông đã giúp đỡ cho một phụ nữ góa chồng, nuôi 5 con rất nghèo với nghề bán vé số dạo. Bà Trần Thị Hiệp (còn gọi là bà Tư bóng) nhỏ hơn ông 33 tuổi, đã cùng ông chung sống viết nên chuyện tình rất đẹp tại ấp Me, TT Tân Hiệp.
Ông quay về Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh mượn 30 triệu đồng trả góp trừ lương 2 triệu/tháng để xây một căn nhà khoảng 30m2 ngay nghĩa địa làm nơi sinh sống.
Cũng không dễ gì đến được với nhau khi bóng xế tuổi già. Các con của ông kịch liệt phản đối, còn ông thì cương quyết với lập trường tình yêu tuổi già nên cuối cùng các con cháu ông phải nhượng bộ. Ông gạt bỏ tất cả để lui về vùng quê hẻo lánh sinh sống với một người đàn bà bán vé số dạo cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng…
Một ngày đầu Tết Dương Lịch 2019, bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Phát - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đoàn công tác đã đến nhà thăm ông Nguyễn Hữu Hạnh và tặng quà Tết. Lúc này sức khỏe của ông đã yếu, tai lãng rất nặng, đầu óc lúc nhớ lúc quên… Có lẽ đây là lần tri ân cuối cùng về một nhân sỹ yêu nước của quê hương Tiền Giang.
Theo thông tin từ cô Nguyễn Mai, con gái ông cho biết: sau thời gian điều trị bệnh khá dài tại Bệnh viện Thống Nhất, lúc 6h40 ngày 29-9-2019 ông đã trút hơi thở sau cùng ở tuổi 95. Theo nguyện vọng, lễ tang ông tổ chức tại số 237/6/1B đường Hồ Văn Tắng, Tổ 8, ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
Lễ an táng tổ chức vào 6h sáng ngày 2-10. Ông mất, nhưng câu nói "Người Việt Nam mình không bao giờ chia rẽ và không thể chia rẽ" như vẫn còn vang vọng trong mỗi trái tim về ước vọng, tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc trường sinh, bất diệt.