Vũ khí sinh học - Từ những kịch bản giả định đến hệ quả có thật

Thứ Bảy, 28/10/2017, 11:12
Cả Liên Xô và Mỹ đều được WHO cho phép lưu giữ mẫu vật bệnh đậu mùa; việc này đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu vũ khí sinh học của nhiều quốc gia, vì vậy nên cho đến nay, người ta vẫn không rõ có bao nhiêu quốc gia vẫn đang bí mật dự trữ mẫu virus nguồn bệnh này.

Con người được "trưng dụng"

Trong thời kỳ Đức bao vây Stalingrad, gần 10.000 quân Đức mắc bệnh do nhiễm khuẩn tularemia. Nhà nghiên cứu vũ khí sinh học Ken Alibek tuyên bố rằng, dịch bệnh không phải ngẫu nhiên bùng phát. Alibek đã góp phần phát triển vaccin phòng tularemia cho Liên Xô trước khi đào ngũ sang Mỹ năm 1992.

Tularemia không lây truyền từ người sang người và có thể chữa khỏi đơn giản bằng kháng sinh hay phòng ngừa bằng cách tiêm vaccin. Bệnh lây lan rất nhanh giữa vật nuôi và người hay qua việc phát tán dưới dạng phun sương. Đây là yếu tố giúp vi khuẩn này được xếp vào nhóm các vũ khí sinh học loại A, chúng có thể tồn tại rất lâu ở dạng phun sương. Do đó, Mỹ, Anh, Canada và Liên Xô đều cố gắng tạo nên thứ vũ khí sinh học tularemia mới từ Thế chiến thứ II.

Theo các tài liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ giải mật vào đầu năm 2016 thì ngay từ đầu thế kỷ XX, quân đội Mỹ đã giao nhiệm vụ cho lục quân phát triển vũ khí sinh học, còn hải quân nghiên cứu cách phát tán hiệu quả nhất. Kết quả là sự ra đời của Đơn vị chiến tranh sinh học vào năm 1918, thời điểm Thế chiến thứ I  sắp kết thúc.

Sau đó, đơn vị này được nâng cấp thành Quân đoàn sinh học, có khả năng bào chế những loại khí độc như khí mù tạt và phosgene làm cháy da, tổn hại phổi. Ngay sau Thế chiến  thứ II, Mỹ, Liên Xô và các đồng minh của cả hai tiếp tục cuộc chạy đua vũ khí sinh hóa. Bên nào cũng tìm cách chiếm giữ các tài liệu của Đức Quốc xã nghiên cứu về chất organophosphate, có khả năng tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương, chặn đường liên lạc thông tin giữa não bộ với các cơ quan nội tạng thiết yếu.

Các nhà nghiên cứu vũ khí đã có một đánh giá về kinh tế để tạo ra hiệu quả sát thương tại một khu vực có diện tích là 1km2 như sau: Nếu dùng vũ khí thông thường  sẽ phải chi 2.000 đô la Mỹ, nếu dùng vũ khí hạt nhân sẽ cần tới 800 đôla, nếu dùng vũ khí hóa học dạng khí độc thần kinh (nerve-gas weapons) thì phải có 600 đô la, còn nếu dùng vũ khí sinh học (biological weapons) thì chỉ tốn 1 đôla.

Một phòng thí nghiệm phát triển vũ khí sinh học của quân đội Mỹ tại căn cứ Detrick, bang Maryland những năm 1940.

Có lẽ chính vì điều này và cả tính hiệu quả sát thương cao nhất mà các chương trình nghiên cứu vũ khí sinh học luôn được nấp dưới chiêu bài phòng vệ nhưng thực tế sau khi hoàn thành, chúng thực sự là những vũ khí dùng để tấn công.

Cho tới nay, đã có 50 loại vi khuẩn, virus có nguồn gốc sinh vật mang độc tố cao như trực khuẩn bệnh than, trực cầu khuẩn dịch hạch, virus đậu mùa, virus Ebola, virus viêm não, sốt xuất huyết, trực cầu thương hàn...; hơn 10 loại hóa chất độc hại như VX, sarin... chứa trong các vũ khí gây thương vong nguy hiểm như đạn chùm, máy bay phun hóa chất dạng sương, máy bay rải chất độc không người lái, đầu đạn chứa hóa chất...

 Để có những vũ khí này, hàng ngàn các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới, bao gồm cả châu Á, Nam và Trung Mỹ và vùng Caribbean, Canada, Anh trên những con tàu ngoài khơi vùng biển Bắc Atlantic và Thái Bình Dương; hàng ngàn quân nhân và thủy thủ được "trưng dụng", trong đó rất nhiều người không hề biết về mối nguy hại thực sự mà họ phải chịu đựng sau khi cuộc thử nghiệm kết thúc.

Ngày 20-9-1950, thực hiện kịch bản "một vụ tấn công giả định bằng vũ khí vi trùng" nhằm xác định mức độ thiệt hại nếu lãnh thổ Mỹ hứng chịu đòn tấn công sinh hóa của đối phương, một tàu quét thủy lôi của hải quân Mỹ neo ngoài vịnh San Francisco, bang California, phun đám khói khổng lồ lên không để gió đẩy dạt vào đất liền. Do bầu trời trên vịnh San Francisco luôn dày sương mù nên hầu như không ai nhận thấy không khí ngày hôm ấy đậm đặc hơn bình thường. Họ có biết đâu rằng, lơ lửng giữa đám khói mù ấy là vô vàn vi khuẩn.

Đây là "một trong những cuộc thử nghiệm trên người lớn nhất trong lịch sử", theo cách mô tả của tạp chí "Discovery", vì việc phun khói - thực chất là phát tán vi khuẩn - kéo dài trong suốt 1 tuần lễ, ảnh hưởng đến 800.000 người ở San Francisco. Hải quân Mỹ khi đó sử dụng 2 loại vi khuẩn Serratia marcescens và Bacillus globigii trong cuộc thử nghiệm với niềm tin rằng, chúng vô hại đối với sức khỏe con người cũng như dễ theo dõi kết quả thí nghiệm.

Làn khói mù chứa vi khuẩn nhanh chóng phát tán trên một khu vực rộng lớn. Bằng cách lần theo dấu vết vi khuẩn, giới chức quân đội Mỹ phát hiện chúng đã vượt khỏi địa phận San Francisco và lan đến nhiều địa hạt lân cận. "Discovery" trích báo cáo giải mật của Lầu Năm Góc ghi nhận: "Từ kết quả này, có thể khẳng định khu vực San Francisco có thể bị tấn công sinh học từ phía biển. Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng trên diện rộng nếu đối phương dùng lượng 'vũ khí' nhắm đến khoảng 200.000 người".

Và dù quân đội Mỹ khẳng định các loại vi khuẩn được sử dụng không có hại cho sức khỏe nhưng giới chức ngành y tế tin rằng, có ít nhất 1 trường hợp tử vong và 10 ca phải nhập viện tại San Francisco thời điểm đó do có liên quan đến Serratia marcescens. Đến năm 2005, Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ kết luận: vi khuẩn này có thể gây tổn hại đến hệ miễn dịch và nguy hiểm đến tính mạng.

Từ năm 1950 - 1953, theo các hồ sơ quân đội, số vũ khí sinh học trên được sử dụng ở Winnipeg, Canada - nơi có nhiều báo cáo về các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp có liên quan đến cadmium - một hóa chất có độc tính cao. Savannah, Georgia, Avon Park và Florida là những địa điểm thực hiện các cuộc thí nghiệm vũ khí sinh học của quân đội Mỹ những năm 1956 - 1957. Các nhà nghiên cứu vũ khí sinh học của quân đội đã thả hàng triệu con muỗi tại hai thị trấn để kiểm tra khả năng lây lan dịch bệnh sốt vàng da, sốt xuất huyết của đàn côn trùng.

Kết quả là hàng trăm người dân mắc bệnh, bị sốt, suy hô hấp, thai lưu, viêm não và thương hàn. Sau đó, các nhà nghiên cứu thuộc quân đội Mỹ đã đóng giả thành những nhân viên y tế công cộng để đến kiểm tra tình trạng sức khỏe nạn nhân và ghi nhận nhiều… trường hợp tử vong.

Vụ phát tán vi khuẩn ở San Francisco chỉ là một trong số hàng trăm cuộc thử nghiệm chiến tranh sinh học trong những đô thị lớn của quân đội Mỹ suốt gần 20 năm. Từ năm 1950 - 1966, Lầu Năm Góc liên tục tiến hành đến 239 cuộc thí nghiệm tương tự tại 8 thành phố như New York, Key West, Panama City thuộc tiểu bang Florida… cũng như thả vi khuẩn vào xa lộ Pennsylvania Turnpike và một sân bay ở thủ đô Washington D.C.

Được "chắp cánh" bởi lực lượng triển khai

Cũng theo hồ sơ giải mật, Lầu Năm Góc xác định tàu ngầm sẽ là phương tiện nòng cốt trong chiến tranh sinh hóa nhờ khả năng âm thầm tập kết đến điểm tấn công, phát tán vũ khí hủy diệt rồi lặng lẽ biến mất. Quân đội Mỹ cũng dày công nghiên cứu các loại mìn hóa chất và mìn vi khuẩn định giờ dành riêng cho tàu ngầm mang đến khu vực mục tiêu rồi cài đặt càng sát bờ càng tốt. Đến thời điểm định sẵn, những quả mìn sẽ nổi lên mặt biển và nổ tung để thải vi khuẩn hoặc khí độc chết người vào không khí.

Lực lượng biệt kích thiện chiến và cơ động cũng có mặt trong đội hình triển khai vũ khí sinh - hóa học.

Cùng lúc, máy bay sẽ phối hợp thả thêm vũ khí cùng chủng loại vào sâu trong đất liền. Một cuộc tấn công hủy diệt như vậy sẽ tác động lên diện tích cực kỳ rộng lớn, gieo rắc nỗi kinh hoàng hơn hẳn những loại bom đạn truyền thống.

Trong thập niên 1950, bình nhiên liệu của mọi loại khí tài triển khai từ tàu sân bay như F-4U Corsair, F-7F Tigercat, AD Skyraider tới F-2H Banshee hay F-9F Panther đều được cải biến để phục vụ việc xịt khí độc, vi trùng, hóa chất… Các loại máy bay tuần tra cất cánh từ đất liền như P-2V Neptune thậm chí còn có thể mang được nhiều vũ khí kiểu này hơn.

Chưa hết, Lầu Năm Góc còn đặt hàng nhà thầu quốc phòng Glenn L.Martin Company nghiên cứu một loại tên lửa không đối đất, tầm bắn khoảng 50km mang tên Gorgon V chuyên để triển khai vũ khí sinh hóa.

Theo thiết kế, Gorgon V với tốc độ xấp xỉ vận tốc âm thanh (khoảng 1.238 km/giờ) mang đầu đạn hóa học hoặc chứa vi khuẩn được phóng từ chiến đấu cơ vào các cứ điểm hoặc thậm chí khu dân cư của đối phương với độ phát tán lan rộng khoảng 180 km². Tên lửa này được phát triển trong suốt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) và được kỳ vọng có thể đưa vào thực chiến từ năm 1955. Tuy nhiên, do nhiều trục trặc nảy sinh nên vào cuối năm 1953, quân đội Mỹ quyết định hủy dự án này.

Lực lượng biệt kích thiện chiến và cơ động cũng có mặt trong đội hình triển khai vũ khí sinh học - hóa học. Những thùng chứa khí độc hoặc vi khuẩn kích thước nhỏ chuyên dụng được thiết kế cho đội tác chiến dưới nước, tiền thân của đơn vị đặc nhiệm hải quân tinh nhuệ SEAL ngày nay.

Bên cạnh đó, các nhóm biệt kích sẽ được điều động từ máy bay hoặc tàu ngầm, xâm nhập bằng đường biển đến địa điểm mục tiêu và mở nắp thùng chứa rồi nhanh chóng biến mất. 

Tài liệu mật của hải quân Mỹ khẳng định: "Do hải quân hoạt động trên biển, lực lượng này có thể tấn công bằng vũ khí hóa học và sinh học ở bất kỳ nơi nào từ 3/4 diện tích phủ nước của trái đất. Máy bay trên hàng không mẫu hạm có thể ra đòn nhằm vào mục tiêu sâu trong đất liền cách bờ biển hàng trăm dặm, tấn công trên diện rộng vào dân cư, tàu bè và trung tâm công nghiệp của kẻ thù".

Tuy nhiên, đến thập niên 1960, vũ khí hạt nhân đã trở thành mục tiêu nghiên cứu mới nên Mỹ bắt đầu chuyển sang tập trung vào các chương trình phát triển bom nguyên tử trong cuộc chạy đua với Liên Xô.

Tuy vậy, một số chương trình thử nghiệm vũ khí sinh học vẫn được âm thầm triển khai. Năm 1969, Tiến sĩ D.M. McArtor - phó giám đốc Cơ quan nghiên cứu và công nghệ trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị cung cấp nguồn tài chính 10 triệu USD để phát triển một tác nhân sinh học tổng hợp. 

Năm 1980, hàng trăm người Haiti bị nhốt trong trại giam ở Miami và Puerto Rico đã trở thành vật thí nghiệm chất gynecomasia sau khi các bác sĩ Mỹ tiêm thuốc vào cơ thể họ. Những người mắc hội chứng gynecomasia, bất kể đàn ông hay phụ nữ đều có phần ngực phát triển to bất thường.

Năm 1971, ở Cuba ghi nhận các trường hợp đầu tiên của dịch bệnh liên cầu lợn. Một điệp viên CIA sau đó thừa nhận rằng, ông ta đã được chỉ thị gieo rắc mầm bệnh virus này cho người Cuba sống lưu vong ở Panama để rồi sau đó, những người này tiếp tục mang virus về Cuba. Năm 1981, Chủ tịch Cuba Fidel Castro cáo buộc CIA là thủ phạm gây ra đợt bùng phát bệnh sốt xuất huyết ở nước này. Trận dịch bệnh đó đã cướp đi sinh mạng của 188 người, trong đó có 88 trẻ em.

Năm 1988, một phần tử Cuba sống lưu vong có tên Eduardo Arocena đã thừa nhận đã "tuồn" một số vi trùng mang mầm bệnh về nước hồi năm 1980. Tới năm 1985, dịch bệnh sốt xuất huyết lại xảy ra ở Managua, Nicaragua, gần 50.000 người mắc bệnh với các triệu chứng sốt. 

Cuối cùng, hàng chục người đã chết. Năm 1996, chính phủ Cuba một lần nữa cáo buộc Mỹ thực hiện cuộc chiến sử dụng vũ khí sinh học. Cụ thể là nó có liên quan đến một ổ dịch bọ trĩ palmi - loài côn trùng có thể khiến cây khoai tây, cây cọ và một số thực vật khác chết.

Năm 1967, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã phát động chiến dịch tiệt trừ tận gốc bệnh đậu mùa bằng cách tiêm chủng. Kết quả rất khả quan: năm 1977, bệnh đã được loại trừ hoàn toàn ra khỏi môi trường, nhưng trong nhiều phòng thí nghiệm vẫn còn lưu giữ mẫu virus. 

Cả Liên Xô và Mỹ đều được WHO cho phép lưu giữ mẫu vật bệnh đậu mùa; việc này đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu vũ khí sinh học của nhiều quốc gia, vì vậy nên cho đến nay, người ta vẫn không rõ có bao nhiêu quốc gia vẫn đang bí mật dự trữ mẫu virus nguồn bệnh này.

Quang Học (tổng hợp)
.
.