Tiễu phỉ ở Tây Bắc

Thứ Ba, 20/05/2014, 16:30

Không trực diện như đoàn quân viễn chinh, không thiện chiến như các toán gián điệp biệt kích, nhưng hoạt động phỉ ở các vùng miền múi Tây Bắc đã gây ra nhiều tổn thất cho bộ đội và đồng bào ta, ảnh hưởng trực tiếp tới công tác chuẩn bị cho các chiến dịch lớn của là, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Quân đội nhân dân, lực lượng Công an nhân dân đã đóng vai trò nòng cốt trong truy quét phỉ, lập lại tình hình và đảm bảo thông tuyến vận chuyển con đường huyết mạch lên các chiến dịch.

Những chiến thắng liên tiếp của quân và dân ta trong các chiến dịch lớn ở Tây Bắc, Thượng Lào đã làm thay đổi căn bản cục diện chiến trường. Với sự thỏa thuận của Mỹ, thực dân Pháp cử Navarre, lúc bấy giờ đang giữ chức Tổng tham mưu trưởng Lục quân khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đồng thời thông qua Kế hoạch Navarre với hy vọng sẽ "chuyển bại thành thắng" trong vòng 18 tháng.

Được sự viện trợ về tiền và vũ khí của Mỹ, Pháp tiếp tục tăng thêm quân sang Đông Dương và đôn quân, bắt lính, xây dựng lực lượng cơ động mạnh; phát triển lực lượng ngụy binh bản xứ. Trong kế hoạch này, Navarre đã tăng kinh phí cho hoạt động tình báo, gián điệp lên tới 11.239 triệu frăng.

Để đẩy mạnh hoạt động gián điệp, giới cầm quyền thực dân Pháp lúc bấy giờ thành lập "Binh đoàn biệt kích hỗn hợp nhảy dù" (GCMA) có trụ sở tại Sài Gòn, hoạt động trên địa bàn cả nước, nhưng tập trung chính ở chiến trường Bắc Bộ.

Ta thống kê được đến cuối năm 1951, GCMA đã thiết lập xong các chi nhánh 12 địa bàn trọng yếu ở miền Bắc. Chúng tuyển chọn nhân sự là người dân tộc thiểu số đưa đi Sơn Tây huấn luyện rồi tung ra vùng tự do, phá hoại hậu phương của ta. Chúng thả gián điệp, biệt kích xuống vùng núi có bọn thổ ty, lang đạo người bản xứ giúp đỡ để thành lập những ổ nhóm do thám hoặc làm lực lượng nòng cốt để gây dựng phỉ nhằm "phỉ hóa vùng dân tộc", gây chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc ta.

Một trong những âm mưu thâm độc của chúng là đi đến đâu, chúng cũng bắt trong các gia đình, có ít nhất một người đi lính, đi phỉ cho chúng. Các phương thức như "trá hàng", "cài cắm nội gián", "gián điệp đôi"… được các toán này áp dụng. Mục đích của các hoạt động này là để do thám, phá hoại, móc nối, cài cắm, xây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng phản động, tổ chức các toán phỉ lớn nhằm gây bạo loạn ở các địa bàn trọng điểm hòng đánh phá vùng giải phóng, mở rộng hành lang kiểm soát, ngăn chặn các tuyến đường hành quân của bộ đội và vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm của dân công ta…

Đến đầu năm 1954, khi ta tích cực chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ thì cũng là lúc thực dân Pháp phát động lực lượng phỉ công khai nổi dậy hoạt động từ biên giới Việt - Trung, Việt - Lào và ngày càng tiến sâu vào hậu phương của ta.

Lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt trong tiễu trừ phỉ, lập lại bình yên cho bản làng.

Ở Sơn La, trước những thất bại nặng nề về quân sự sau các chiến dịch của ta, thực dân Pháp buộc phải rút lui song không chịu từ bỏ. Sau khi rút khỏi Nà Sản, chúng cho xây sân bay ở Chiềng Pấc (Thuận Châu) rồi lôi kéo bọn phản động, ngụy quân nổi phỉ gây bạo loạn. Số lính làm sân bay có khoảng 600 tên chia làm 3 toán: toán do Bạc Cầm Thủy chỉ huy hoạt động ở Huổi Pú. Toán do tên Cai An chỉ huy hoạt động từ vùng Thuận Ly trở lên.

Toán do Cai Tụi chỉ huy hoạt động từ Chiềng Pấc đến Mường Khiêng. Bọn này đi đến đâu cũng cướp phá, hãm hiếp phụ nữ, bắt đàn ông từ 18 đến 53 tuổi phải tham gia vào hoạt động của chúng. Do đó, số lượng phỉ phát triển rất nhanh, riêng toán của Bạc Cầm Thủy đã lên tới 850 tên, và chỉ sau 1 tháng, số phỉ ở Thuận Châu đã có trên 3 nghìn tên.

Để tiếp tay cho bọn phỉ hoạt động, GCMA đã cho 20 tên biệt kích nhảy dù xuống Co Tòng. Số này câu kết với Thống quán và một số tên phản động ở Co Tòng nổi phỉ và tập hợp được không ít thanh niên người Mông tham gia. Ở Mường Lầm, bọn phỉ do tên Phìa Lường Văn Piếng cầm đầu phát triển lực lượng rất nhanh, từ một trung đội chúng đã lôi kéo thêm hàng trăm người đi phỉ.

Cuối tháng 8/1953, thực dân Pháp cho một máy bay chở lính khố đỏ nhảy dù xuống sân bay Mường Lạn để chỉ huy và nổi phỉ ở Sông Mã. Đầu tháng 9-1953, chúng cho máy bay chở bọn chỉ huy người Pháp xuống Mường Lạn, tăng số phỉ ở đây lên 388 tên.

Ở tả ngạn Mường La, bọn biệt kích nhảy dù đã liên lạc với tên phản động là Thống lý Giàng Páo Của ở Nặm Khắt, điều khiển Của bắt ép nhân dân ở Nặm Khắt, Ngọc Chiến vào phỉ. Từ Nặm Khắt chúng gây phỉ sang Hua Khắt, Ngọc Chiến và sang khu Mông 99, lực lượng này đang từ 44 tên đã lên tới trên 1.000 tên.

Một toán thám báo bị bắt đầu năm 1954.

Ở ngay tại Điện Biên, Lai Châu có các toán phỉ do Bạc Cầm Thạch, Thống lý Nụ Kỷ và Ngải Lai Dền ở Tủa Chùa cầm đầu. Đèo Văn Tài ở Mường Lay, Đèo Văn Ủn ở châu mường Điện Biên đều là con trai của tỉnh trưởng Đèo Văn Long do thực dân Pháp dựng lên, tham lam tàn ác có nhiều nợ máu với đồng bào. Các nhóm của Tôn Sào Cang, Voòng Bê Sính, Chảo Pín Dín dưới sự hỗ trợ của những tên người dân tộc do Pháp huấn luyện chỉ huy như Hai Nùng, Đèo Văn Ngảnh và bang tá Đèo Văn Noọng cũng nổi lên chống phá rất ghê.

Ở Hà Giang, tập đoàn phản động của Dương Trung Nhân dựa vào quân Tưởng ngấm ngầm hoạt động chống phá. Ở Bắc Quang và Hoàng Su Phì của Hà Giang, những tên tay sai cũ của Pháp như Vương Văn Đường, Hoàng Kim Giáp, Triệu Quốc Lộc đã khống chế được một bộ phận quần chúng gây phỉ, thành lập các tổ chức đảng phái phản động chống chính quyền.

Một trong những hoạt động phỉ gây rối loạn không ít, đó là phỉ "Cờ trắng" nổ ra ở làng Chún, xã Tiên Nguyên, huyện Bắc Quang, sau đó lan rộng ra 9 xã thuộc 3 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì. Bọn chúng đốt nhà, giết người, cướp đi nhiều tài sản của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Ở Cao Bằng, được sự tiếp tay của Pháp và đặc vụ Tưởng, một bộ phận người dân nhẹ dạ đã nghe theo một số tên cầm đầu dựng cờ làm phỉ. Khu vực biên giới Việt - Trung có phỉ Vi Cao Chấn, Sần Kinh Chái. Các toán phỉ Lý Tắc Phủ, Lằm Tim, Lằn Pắn Dí ở Thông Nông. Chánh Thải, Dương Văn Khoắn ở Hà Quảng. Lưu Hán Xuân và Lò Tải ở Trùng Khánh. Toán phỉ Liòng Sắn Xình ở Hạ Lang. Nhóm của Nông Văn Chài ở Bảo Lạc, Hòa An… Ở Bắc Kạn có các nhóm của Sí Lìn và Triệu Văn Nhất hoạt động mạnh, tấn công cả cơ quan của ta…

Xét xử công khai một toán hoạt động phỉ ở miền núi phía Bắc.

Trước tình hình đó, tháng 11/1953, Khu ủy Tây Bắc thành lập "Ban thống nhất chống phỉ" gồm đại diện Khu ủy, đại diện quân sự, đại diện Tỉnh ủy các tỉnh Sơn La, Lai Châu do đồng chí Trần Quyết, Bí thư Khu ủy Tây Bắc làm Trưởng ban. Đồng chí Trần Triệu làm Giám đốc Công an khu Tây Bắc.

Chỉ thị về công tác chống phỉ, biệt kích lúc bấy giờ đề ra phương châm: Dùng quân sự đánh mạnh vào chỗ tập trung đông phỉ, tiêu diệt đại bộ phận; kết hợp với dùng chính trị lôi kéo chúng ra hàng. Giáo dục để đánh tan tư tưởng phản động của chúng, giáo dục, cải tà quy chính trở về làm ăn lương thiện. Trong khi tiễu phỉ phải nắm và thực hiện đúng chính sách dân tộc… Trừng trị bọn trùm sỏ. Giáo dục bọn a tòng. Nghiêm trị bọn ngoan cố. Khoan hồng ai ra đầu hàng. Không xử phỉ ra hàng. Không giết phỉ bị bắt. Không tha phỉ về khi chưa thực sự hối cải. Không xử trùm phỉ khi có công gọi phỉ ra hàng. Truy quét đến cùng, diệt đến hết.

Đối với những nơi phỉ hoạt động phân tán, sống lén lút, trà trộn trong nhân dân thì lấy chính trị là chủ yếu, quân sự làm áp lực, cán bộ phải đi sâu vận động nhân dân, thực hiện "ba cùng" để có điều kiện phát hiện và đấu tranh với địch.

Ở Lai Châu và Sơn La, sau một thời gian điều tra và chuẩn bị, lực lượng Công an Khu Tây Bắc và Ty Công an Lai Châu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Triệu; Trần Quốc Mạnh, Trưởng Ty Công an Lai Châu; đồng chí Hoàng Hai, Trưởng Công an huyện Thuận Châu, lực lượng Công an phối hợp với bộ đội tiến đánh các cụm phỉ ở Mường Lầm, Muội Nọi, Chiềng Pấc, Mường Hiêm… tuy bọn phỉ chống trả quyết liệt, nhưng trước sức tấn công của lực lượng vũ trang nhân dân, hơn 600 tên phỉ ở Thuận Châu hoặc bị tiêu diệt, hoặc ra hàng, trong đó có tên trùm phỉ Bạc Cầm Thủy và nhiều tên đầu sỏ khác.

Trong vòng 15 ngày, ta đã phá tan hai cụm phỉ lớn ở Thuận Châu và Mường Lầm, tiêu diệt và bắt sống 2.300 tên, gọi hàng số còn lại. Thu 39 súng trung liên, gần 900 súng trường cùng nhiều đạn dược, quân trang. Chính quyền cách mạng đã xử tử hình 5 tên gồm: Bạc Cầm Thủy, Bạc Cầm Đưởng, Bạc Cầm Cu, Lò Văn Siên, Cà Văn Huôm và một tên đội người Pháp. Sau khi quét sạch phỉ, tuyến đường từ Sơn La lên Tuần Giáo đến Điện Biên đã được khai thông, tạo thuận lợi cho việc chuyển quân, đạn, gạo lên tuyến đầu phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại Cao Bằng, cán bộ đi tới từng bản làng vận động đồng bào tham gia vào các hội "phòng phỉ", hội "đánh Tây". Ty Công an Cao Bằng đẩy mạnh hoạt động cả trong vùng địch kiểm soát và khu căn cứ kháng chiến, tổ chức các tổ trinh sát điều tra, nắm tình hình. Trong giai đoạn này, hiệu quả của các phong trào "3 không" và đặc biệt là "Phòng gian bảo mật" phát huy cực kỳ hiệu quả.

Lực lượng Công an Cao Bằng còn phối hợp với Công an Trung Quốc tiêu diệt tổ chức phỉ hàng trăm tên do Sy Sy Quang cầm đầu, tiễu trừ phỉ Sần Kinh Chải ở vùng biên giới, bao vây, truy kích toán phỉ Lưu Hán Xuân và Lò Tải ở Lũng Nặm, Trùng Khánh. Tiêu diệt Dương Văn Khoắn ở Lục Khu và Trà Lĩnh, bảo vệ an toàn việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ các nước anh em viện trợ, phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Sau khi Tỉnh ủy Bắc Kạn ra Nghị quyết coi tiễu phỉ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Ty Công an Bắc Kạn đã thành lập Đội Công an xung phong làm nhiệm vụ tiễu phỉ. Với thuận lợi là tỉnh đầu tiên được giải phóng và cũng là địa bàn trung chuyển hàng hóa hết sức quan trọng, nên công tác làm sạch địa bàn lại càng đặt ra cấp thiết.

Ngoài tập trung lực lượng tiêu diệt cụm phỉ lớn, các đoàn công tác tiễu phỉ đã thực hiện "ba cùng" với đồng bào, tổ chức cho đồng bào học tập đường lối chính sách của ta, mở các lớp dạy học văn hóa, biểu diễn văn nghệ, triển lãm tranh ảnh… để giác ngộ, vận động đồng bào. Để hỗ trợ công tác tiễu phỉ, Ban Thường vụ Liên khu ủy Việt Bắc đã ra Chỉ thị "đẩy mạnh hoạt động tiễu phỉ ở khu vực giáp giới 4 tỉnh" Hà Giang - Tuyên Quang - Cao Bằng - Bắc Kạn.

Kết quả, lực lượng Công an Bắc Kạn đã tiêu diệt  tướng phỉ Lý Trần Cua, bắt giữ các tên cầm đầu nguy hiểm như Hoàng Văn Vận, Triệu Ta Khèn, Đặng Văn Thanh, Đặng Văn Lùi, Đặng Văn Chân, Tinh Chân Phồn, Triệu Chòi Kinh, Trương Văn Khoảng. Hàng trăm tên được tập trung cải tạo và giáo dục tại chỗ… Giải quyết căn bản nạn phỉ ở các xã thuộc phía bắc Chợ Rã và nạn phỉ ở giáp ranh 4 tỉnh, góp phần củng cố hậu phương vững mạnh, làm phá sản âm mưu đánh sau lưng ta của thực dân Pháp và bè lũ tay sai

Mai Khuê
.
.