Đại sứ huyền thoại của ngành ngoại giao Xôviết:

"Tôi đã làm tất cả để chiến tranh lạnh không biến thành chiến tranh nóng"

Thứ Ba, 28/03/2017, 15:45
Chiến tranh lạnh là một giai đoạn đặc biệt chi phối quan hệ quốc tế suốt nửa cuối thế kỷ XX mà các quyết sách, toan tính của hai siêu cường đại diện cho hai thái cực Mỹ và Liên Xô ảnh hưởng rất nhiều đến số phận của toàn nhân loại. Trong bối cảnh đó, bên cạnh trường phái "diều hâu" hiếu chiến vẫn hiện diện trường phái "bồ câu" với những quan điểm, tư tưởng khách quan nhằm xóa nhòa ranh giới, giảm thiểu trạng thái căng thẳng đối đầu giữa hai bên.

Đại diện cho trường phái này là nhà ngoại giao kỳ cựu, người được mệnh danh là nhân vật huyền thoại của ngành ngoại giao Liên Xô Anatoly Federovich Dobrynin.

Quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ giai đoạn này mang tính chất rất đặc biệt. Trong cùng một thời điểm hai nước vừa là địch thủ, vừa là những đối tác bất đắc dĩ trong việc phân chia trách nhiệm trước vận mệnh nền hoà bình trên thế giới với điều kiện quan trọng là sự hiểu biết nhau, không cho phép cuộc chiến hạt nhân được nổ ra.

Do hàng loạt những hoàn cảnh khách quan và chủ quan, gánh nặng của việc duy trì các mối quan hệ đáng tin cậy giữa các chính phủ của hai nước trong thời kỳ đó hầu như đã dồn lên vai Đại sứ Liên Xô tại Washington.

Ông Anatoly Federovich Dobrynin.

Thông qua đại sứ, lãnh đạo của hai cường quốc Mỹ và Liên Xô đã hình thành và duy trì "kênh tiếp xúc kín" mà nhiều khi bỏ qua các cơ quan ngoại giao. Thông qua các kênh đó, giới lãnh đạo cao cấp đã có sự trao đổi, tìm kiếm giải pháp làm dịu các cuộc khủng hoảng, các bế tắc của các cuộc đàm phán phức tạp. Có một điều thú vị là người gánh vác sứ mệnh đặc biệt như vậy lại không phải là một nhân vật sinh trưởng trong một gia đình "cha truyền con nối", ông vốn là một kỹ sư.

Anatoly Dobrynin sinh ngày 16-11-1919 ở làng Krasnaya Gorka, vùng Mozhaisk, ngoại vi thủ đô Moscow. Con trai người thợ khóa đã thi vào Học viện Hàng không Moscow và sau khi tốt nghiệp được nhận vào làm việc cho Cục Thiết kế Yakovlev, một đơn vị danh tiếng chuyên về thiết kế và thí nghiệm trong lĩnh vực hàng không Liên Xô. Do có sự sắp xếp, thay đổi của cấp trên, năm 1944, ông được cử đi học Trường Ngoại giao cao cấp Moscow. Sau hai năm học, ông bắt đầu làm công tác ngoại giao mà không hề biết rằng công việc này sẽ gắn liền với ông trong hết phần còn lại của cuộc đời mình.

Ông làm Tham tán tại Đại sứ quán Liên Xô ở Mỹ từ năm 1952-1955, Trợ lý Ngoại trưởng từ 1955-1957, Phó Tổng thư ký LHQ từ 1957-1959, Vụ trưởng Vụ các nước châu Mỹ từ 1959-1961. Năm 1962, Anatoly Dobrynin được bổ nhiệm làm Đại sứ Liên bang Xôviết tại Mỹ và đã giữ chức vụ đó từ năm 1962 cho đến tháng 3-1986 - một kỷ lục trong ngành ngoại giao Xôviết.

Đảm nhiệm cương vị đại sứ đất nước đầu tàu của khối Xã hội chủ nghĩa qua sáu đời tổng thống Mỹ từ John F.Kennedy, ông cũng đồng thời tiếp xúc và làm việc với các Tổng thống: Harry S.Truman, Dwight D. Eisenhower và George Bush (Bush cha).

Thực tế, Dobrynin là người duy nhất được chứng kiến một cách đầy đủ tất cả các cuộc gặp gỡ cấp cao Xô-Mỹ kể từ Hội nghị Geneva; có mặt tại hầu hết các điểm nóng trong quan hệ Xô-Mỹ trong giai đoạn Chiến tranh lạnh: khủng hoảng tên lửa tại Cuba, chiến tranh Trung Đông, sự kiện Berlin, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh tại Afganishtan, quan hệ tay ba Mỹ-Xô-Trung…

Quyển hồi ký "Đặc biệt tin cậy" của ông Anatoly Dobrynin.

Ông đã có nhiều đóng góp cho xu thế hoà hoãn  giữa hai khối Đông và Tây trong suốt thời gian Chiến tranh Lạnh với vai trò là "người liên lạc" giữa Kremlin và Washington. Việc ông làm đại sứ Liên Xô tại Mỹ trong một thời gian dài là cơ sở cho tính liên tục trong quan hệ giữa hai cường quốc trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Điển hình nhất là trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba với vai trò không thể thiếu của cặp "sứ thần"- Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy và Anatoly Dobrynin.

Nửa thế kỷ trước, Chiến tranh Lạnh đã bị đẩy cao lên đến đỉnh điểm khi mà Mỹ bố trí hơn nhiều tên lửa có đầu đạn hạt nhân trên khắp châu Âu với đích ngắm bắn là Moscow.  Đáp lại, Liên Xô cũng bí mật triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba, nhằm thẳng vào Mỹ. Hành động này xảy ra sau sự kiện Mỹ triển khai tên lửa Thor IRBM trên lãnh thổ Vương quốc Anh vào năm 1958, tên lửa Jupiter IRBM trên đất Italy và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1961; tổng cộng có hơn 100 tên lửa do Mỹ chế tạo có khả năng tiêu diệt Moscow bằng đầu đạn hạt nhân.

Từ tháng 5-1962, Tổng Bí thư Liên Xô Nikita Khruschev đề nghị cung cấp tên lửa hạt nhân cho Cuba. Một nhóm chuyên gia xây dựng hệ thống tên lửa và quân sự của Liên Xô tháp tùng một phái đoàn nông nghiệp đến thủ đô La Habana, kỳ thực, họ có cuộc họp với nhà lãnh đạo Cuba  Fidel Castro. Giới lãnh đạo Cuba tin tưởng mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ sẽ xâm chiếm Cuba lần nữa nên họ hăng hái chấp thuận ý tưởng lắp đặt các tên lửa hạt nhân trên đảo quốc này.

Các chuyên gia xây dựng hệ thống tên lửa dưới danh nghĩa là "những người điều khiển máy móc cơ giới", "các chuyên gia thủy lợi" và "các chuyên gia nông nghiệp" bắt đầu đến Cuba vào tháng 7. Nguyên soái Sergei Biryuzov, Tư lệnh các lực lượng tên lửa Xôviết, dẫn một nhóm chuyên gia thị sát đến Cuba. Tháng 9 -1962, chính phủ Cuba và Liên Xô bắt đầu bí mật xây dựng các căn cứ trên đất Cuba để  triển khai một số tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung có khả năng đánh trúng các mục tiêu trọng yếu trên đất Mỹ. Ngày 14-10-1962, máy bay do thám U-2 của Mỹ chụp được những bức không ảnh cho thấy các căn cứ tên lửa của Liên Xô đang được xây dựng tại Cuba.

Ngày 22-10-1962, toàn bộ nước Mỹ được đặt dưới tình trạng khẩn cấp, lệnh tẩy chay được ban bố đối với tàu của Liên Xô. 18 giờ ngày 22-10, một tiếng trước khi Mỹ công bố lệnh phong tỏa Cuba, Ngoại trưởng Mỹ D. Rusk triệu kiến khẩn cấp Đại sứ Dobrynin, trao cho ông  bức thư của Tổng thống Kennedy gửi Tổng Bí thư  Khrushchev và tuyên bố đặt đất nước trong tình trạng khẩn cấp sắp được phát đi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp nhận văn kiện này, Đại sứ Dobrynin nói luôn: "Chính phủ Mỹ đang âm mưu gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Điều đó có nghĩa Mỹ đã từ chối đàm phán về các vấn đề song phương giữa hai nước".

Trong bức thư gửi Khrushchev, Kennedy viết: "Nếu như xảy ra một sự kiện nào đó, nhằm bảo vệ mình và an ninh của các đồng minh, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì phải làm. Ở Cuba đã xuất hiện căn cứ tên lửa và hệ thống vũ khí tiến công của Liên Xô, do đó, tôi phải nói với ngài rằng Mỹ quyết định phải loại bỏ tận gốc sự uy hiếp này ở Tây bán cầu. Hành động mà chúng tôi sắp sửa tiến hành chỉ là mức thấp nhất của việc loại bỏ tận gốc sự uy hiếp này ở Tây bán cầu".

 Lúc này, giữa Liên Xô và Mỹ không có đường dây nóng liên lạc trực tiếp, trong khi các kênh liên lạc ngoại giao khác đã đều thất bại: Ngoại trưởng Liên Xô Gromyko không thành công trong việc thuyết phục chính phủ Mỹ về vấn đề Cuba, các kênh lênh liên lạc đối ngoại không thể thực hiện được do sự yếu kém về khả năng liên lạc viễn thông, Đại sứ Dobrynin hàng ngày phải túc trực tại phòng… chuyển kiều hối Western Union để gửi và nhận tin từ Moscow.

Khi tình hình trở nên hết sức căng thẳng, mặc dù thiếu thông tin chỉ đạo song chính Anatoly Dobrynin đã có những cuộc gặp mang tính quyết định với người em của Tổng thống Kennedy: Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy. 

Từ phải qua trái: Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko và Đại sứ Anatoly Dobrynin.

Ngày 26-10-1962, ông đã có cuộc gặp gỡ bí mật với Robert Kennedy ngay trong Đại sứ quán Liên Xô ở Washington. Robert đã nói với Dobrynin rằng, Tổng thống Kennedy đang xem xét việc rút từng bước tên lửa của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, những quả tên lửa này được bố trí theo quyết định của NATO, do đó, nó không thể trở thành một phần trong hiệp định Mỹ-Xô. Kennedy hy vọng Khrushchev có thể hiểu được điều này.

Nhận thấy hai bên cũng đã xây dựng được sự tin tưởng cho dù mới ở chừng mực hạn chế và sau khi có được lời cam kết ngầm của Kennedy, ngày 27-10, Khrushchev quyết định rút tên lửa khỏi Cuba. Nhưng thực tế sau này chứng minh, Kennedy đã lừa Khrushchev bởi tên lửa của Liên Xô rời Cuba, nhưng tên lửa của Mỹ vẫn ở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ ngày 4-11 đến ngày 14-12-1962, thông qua Đại sứ Anatoly Dobrynin; Đại sứ Mỹ tại LHQ, Stevenson và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert Kennedy, ông chủ Nhà Trắng và ông chủ Điện Kremli đã có 16 lần bí mật trao đổi thư từ với nhau. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã khai sinh ra thỏa hiệp đường dây nóng (hotline agreement) và đường dây nóng thông tin liên lạc trực tiếp giữa Moscow-Washington trong các vấn đề căng thẳng cần đi đến thương lượng sau này.

Năm 1997, Anatoly Dobrynin cho xuất bản cuốn hồi ký mang tựa đề "Đặc biệt tin cậy", ghi lại những nhìn nhận đánh giá của ông về quan hệ Xô-Mỹ trong gần ba thập niên 1960-1990. Cuốn sách là nguồn tư liệu phong phú về quan hệ Xô-Mỹ, với nhiều thông tin lần đầu được tiết lộ về Chiến tranh Lạnh, về những thoả hiệp, những yếu kém của nền ngoại giao Xôviết…

Tổng thống Kennedy ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Mỹ khi xảy ra khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba tháng 10-1962.

Ông viết: "Nhìn lại quá khứ, tôi lấy làm tiếc, rằng, gần một phần tư thế kỷ làm Đại sứ tại Washington thì phần lớn rơi vào thời kỳ phức tạp của sự đối đầu Xô-Mỹ. Đúng ra thời gian đó cả hai nước đã có thể làm được bao nhiêu điều bổ ích để cho hai dân tộc xích lại gần nhau… Dù sao, tôi cũng có thể nói một cách trung thực rằng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được để cuộc "chiến tranh lạnh" không biến thành "chiến tranh nóng", để từng bước gieo hạt cho sự hiểu biết lẫn nhau trong quan hệ giữa hai nước. Tôi đã luôn luôn cố gắng làm việc đó".

Quả vậy, suốt một phần tư thế kỷ đảm nhận cương vị đại sứ Liên Xô, trải qua sáu đời tổng thống Mỹ, Anatoly Dobrynin đã có đóng góp không nhỏ cho việc cải thiện quan hệ Liên Xô-Mỹ, đặc biệt là việc Liên Xô và Mỹ ký Hiệp ước hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM) năm 1972.

Nhà ngoại giao huyền thoại của Liên Xô Anatoly Dobrynin từ trần ngày 6-4-2010, thọ 91 tuổi. Khi đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã khẳng định: Đóng góp cá nhân của ông Anatoly Dobrynin trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962 và việc bình thường hóa quan hệ Xô-Mỹ là vô cùng quan trọng. Một nhà ngoại giao thực thụ phải là người có quan điểm rõ rệt, hết lòng phục vụ cho lợi ích của Tổ quốc, biết rõ nhu cầu của quốc gia, hiểu thấu lịch sử và văn hóa của đất nước mình, biết cách trình bày rõ quan điểm của mình và thuyết phục được người khác.

Chỉ có như vậy, người ấy mới có thể làm nhân vật đại diện xứng đáng cho Tổ quốc và bảo vệ quyền lợi của đất nước. Phẩm chất tuyệt vời của các nhà ngoại giao Nga là có trình độ hiểu biết cao, trung thành với Tổ quốc và nhân dân Nga. Anatoly Dobrynin là một trong những con người mang phẩm chất như thế.

Q.H. (tổng hợp)
.
.