“Tôi muốn thấy các anh bình yên về với gia đình”

Thứ Sáu, 05/06/2015, 15:00
1. Sau những loạt đạn bắn thăm dò của mấy chiếc trực thăng, không gian lại im ắng và anh Ba cũng đã quay trở lại với thái độ rất tự tin. Gác khẩu súng lên một gốc cây, tháo chiếc nón cối ra khỏi đầu, anh chậm rãi kể về những gì đã xảy ra: "Tôi bắn ba phát vào chiếc bay thấp nhất, cố tình làm lộ vị trí của mình để chúng tưởng rằng lực lượng của chúng tôi nằm ở hướng đó. Và vậy là chúng bu theo…".

Ngừng lại một chút, anh nói tiếp: "Nếu như lúc ấy, các anh bỏ chạy ra khoảng đất trống để lính Mỹ trên trực thăng có thể nhìn thấy các anh thì các anh đang làm một việc tồi tệ. Và nếu điều đó xảy ra, tôi buộc phải bắn các anh. May mắn là các anh không chạy nên tôi tin rằng các anh là những nhà báo tốt".

Trong giây lát, tự dưng tôi có cảm giác gần gũi với người lính Quân Giải phóng này. Anh Ba tiếp tục: "Nếu các anh còn nhớ ngày bị bắt, lúc các anh bị trói và bị bịt mắt, có một người đã đến nói chuyện với các anh, nới lỏng dây trói rồi cho các anh biết rằng nếu các anh đúng là những nhà báo quốc tế  thì các anh sẽ không bị bắn, các anh sẽ được trả tự do. Tôi chính là người ấy".

Câu chuyện lại tiếp tục và càng lúc, tôi càng vỡ ra nhiều điều: "Chiều hôm đó, lúc người đàn ông cao lớn hỏi chuyện anh, anh còn nhớ ông ấy không? Còn nhớ ông ấy bảo anh rằng anh Ba sẽ chịu trách nhiệm về các anh. Anh Ba chính là tôi đó! Dù xảy ra chuyện gì, tôi cũng vẫn phải bảo vệ an toàn cho các anh. Đây là mối bận tâm chính của tôi trong mấy tuần lễ qua. Tôi muốn các anh sống. Tôi muốn thấy các anh bình yên về với gia đình".

Những câu nói của anh Ba khiến tôi hy vọng rằng nhân thân của chúng tôi đã được làm sáng tỏ, nhất là khi anh bộc bạch: "Sống với nhau một thời gian, người ta có thể hiểu nhau….". Michael quay sang tôi và Beth, mặt anh hiện rõ sự lo âu xen lẫn xúc động: "Tôi không biết tôi có dịch sai lời anh Ba nói không. Nhưng tôi nghĩ anh ấy vừa nói là "mặc dù chưa ai cho các anh biết, nhưng các anh đã được đánh giá là những nhà báo chân thật. Các anh sắp được thả".

Khi chúng tôi leo lên cầu thang để bước vào nhà, anh Hai đã chờ chúng tôi bên ngọn đèn dầu. Đưa cho tôi cục xà phòng, anh nói: "Các anh có thể tắm và phải nhanh lên vì chúng ta sẽ di chuyển tối nay. Nhưng trước hết sẽ có một cán bộ cấp trên đến thăm các anh. Sau khi cán bộ ấy nói chuyện xong, chúng ta sẽ có một chuyến đi dài".

Có tiếng bước chân lên cầu thang rồi một khuôn mặt quen thuộc xuất hiện ở ngưỡng cửa, miệng cười thân thiện. Đó chính là người đàn ông cao lớn mà anh Ba vừa nhắc đến, và chúng tôi cũng đã gặp ngay hôm bị bắt. Tối nay, thay vì mặc bộ quần áo kaki, ông mặc một bộ bà ba đen nhìn như nông dân, trên tay ông là một cái đèn pin. Thấy chúng tôi, ông hỏi: "Các anh có khỏe không? Các anh còn nhớ tôi chứ?". Rồi ông nói tiếp: "Các anh có biết vì sao tôi đến đây không? Lãnh đạo cao cấp của Campuchia đã quyết định thả các anh. Cuộc điều tra của chúng tôi đã mất nhiều thời gian vì chiến tranh. Và cũng vì chiến tranh nên có một số rắc rối với tư trang của các anh. Hiện giờ tôi không biết nó đang ở đâu để có thể trả lại…".

Lính Mỹ đốt cháy một dãy phố buôn bán ở Svey Rieng.

Đáp lời ông cao lớn, Michael cho biết những tư trang ấy đều có thể mua  được nếu chúng tôi tự do. Ông cao lớn nói tiếp: "Ngày mai tôi muốn các anh viết một bản tuyên bố bằng tiếng Pháp nói về việc các anh đã được đối xử như thế nào từ lúc bị bắt, ý kiến của các anh về Quân Giải phóng, so sánh phẩm chất của Quân Giải phóng với lính Mỹ và lính Thiệu, Kỳ. Suy nghĩ của các anh về hậu quả của cuộc xâm lược Campuchia. Các anh sẽ có dịp nói chuyện với một đại diện của Quân đội Giải phóng Campuchia, người này sẽ trả lời các câu hỏi của các anh".

Rồi ông đứng dậy, miệng cười thân thiện, dấu hiệu cho biết cuộc nói chuyện đã chấm dứt trong lúc anh Ba thông báo chi tiết: "Chúng ta phải đi khoảng 20km, sẽ mất chừng 5 tiếng đồng hồ. Có thể có ném bom nên cần phải đi thật nhanh".

2. Trăng đầu tháng le lói phía chân trời khi chúng tôi khởi hành. Vẫn anh Tư là người dẫn đường cùng với anh Ba. Michael, Beth và tôi đi theo hàng một còn người du kích Campuchia đi bên cạnh, anh Hai đi sau cùng.

Sau khi băng qua một khu rừng, chúng tôi đặt chân lên con đường nằm giữa cánh đồng trống, hai bên là hai dòng kênh.

Ở phía xa, những trái hỏa châu bắn lên từ các căn cứ Mỹ sáng lập lòe. Tôi chỉ cho Michael thấy một vệt sáng kéo dài, có vẻ như đang chuyển động qua lại chứ không tắt ngúm sau khi cháy như những trái hỏa châu khác. Michael nói đó có thể là đèn pha ở căn cứ Mỹ trên đỉnh núi Bà Đen, nằm trên đất Việt Nam, gần thị xã Tây Ninh.

Đi thêm gần 1km nữa, chúng tôi rẽ vào một lối mòn chạy vòng qua một căn nhà, một giếng nước rồi đến một căn nhà lớn hơn. Trong giây lát, tôi thấy nó có vẻ quen thuộc và tôi nhận ra nó chính là một trong những căn nhà mà chúng tôi đã ở  đêm đầu tiên lúc bị bắt.

Đến giữa trưa, chúng tôi mới thức dậy. Mặc dù ở rất gần những căn cứ Mỹ nhưng tôi không cảm thấy lo lắng bởi theo anh Ba: "Khu vực này tương đối an toàn vì người Mỹ cho rằng do không có rừng để có thể ẩn náu khi bị tấn công nên chỗ này không thích hợp với bộ đội. Tôi dự đoán là sẽ không có cuộc tấn công nào của Mỹ nhưng nếu có thì cũng đừng bỏ chạy. Cứ ở yên trong nhà và các anh sẽ được an toàn".

Lính Lon Non có những đứa trẻ chỉ mới 13 tuổi.

Tôi hoàn tất bản tuyên bố theo đúng tinh thần mà ông cao lớn đã truyền đạt rồi đưa cho Beth dịch sang tiếng Pháp. Đến xế chiều, cơm nước xong, tôi nhờ Michael dịch lại cho những người du kích, rằng tôi có một chuyện muốn nói với họ.

Trở về phòng, tôi bỏ một số món đồ vào trong cái gáo dừa rồi dùng chiếc mũ bê rê che kín. Quay lại chỗ mấy người du kích, tôi nói: "Vừa đúng 5 tuần lễ chúng tôi ở với các anh. Chúng tôi rất cảm động về những gì mà các anh quan tâm đến sức khỏe cùng sự an toàn của chúng tôi, chưa kể vài lần các anh đã cứu mạng chúng tôi. Những điều đó không thể đền đáp được và chúng tôi cũng không cố đền đáp, mà chúng tôi chỉ có vài món đồ nhỏ bé, tầm thường muốn được gửi tặng các anh…".

Chiếc khăn quàng của Beth là vật kỷ niệm đầu tiên tôi trao cho chị y tá tên Tinh. Tiếp theo, tôi gửi cho anh du kích Campuchia tên là Ban Tun con dao bấm. Tuy nhiên, ở Mỹ chúng tôi thường dị đoan rằng tặng dao cho nhau sẽ làm mất đi tình bạn nên tôi gửi kèm 1 đồng xu Mỹ để Ban Tun mua lại con dao của tôi, coi như đây là một cuộc mua bán.

Với cậu du kích người Hoa nhưng sinh trưởng ở Phnôm Pênh, tên Wang, tôi tặng cậu cái bấm móng tay bằng thép mạ crôm.  Còn anh Tư, tôi nói: "Tôi đã quen với hình ảnh của anh và cái mũ tai bèo nhưng tôi hy vọng thỉnh thoảng anh cũng sẽ đội chiếc mũ bê rê này để nhớ về một thời chúng ta ở cạnh nhau".

Với anh Ba, tôi nói: "Chúng tôi xin được gửi anh chiếc chìa khóa căn nhà của Michael ở Sài Gòn, rằng chúng tôi luôn mở cửa chào đón tất cả các anh chừng nào chúng tôi còn sống. Riêng anh Hai, người đã hết sức lo lắng cho chúng tôi, xin gửi anh bộ cờ vua do chính tay tôi làm. Nó được chế tạo bằng gỗ tươi nên có lẽ không chơi được lâu nhưng chúng tôi tin rằng so với tuổi thọ ngắn ngủi của nó, tuổi thọ của cuộc chiến tranh này còn ngắn hơn vì cuộc chiến đấu giành độc lập tự do của các anh chắc chắn sẽ kết thúc thắng lợi".

Đáp lời, anh Hai nói: "Chúng tôi hiểu rằng những vật kỷ niệm này không có giá trị cao lắm nhưng ý nghĩa của chúng lại rất cao. Chiếc chìa khóa mà các anh trao cho chúng tôi chẳng hạn, nó thể hiện rằng bất cứ lúc nào tôi muốn, tôi có thể vào thẳng nhà các anh vì nhà anh là nhà tôi. Nó chứng tỏ tất cả chúng ta là bạn bè thân thiết vì chúng tôi không coi các anh là tù binh, mà chỉ là những nhà báo đi lạc".

"Tuy nhiên" - anh nói tiếp: "Xin các anh đừng buồn vì chúng tôi sẽ trao lại những món này cho các anh. Khi trao lại cho các anh, chúng tôi xem đây là những món đồ của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng khi các anh sử dụng nó, các anh sẽ nhớ đến mỗi người trong chúng tôi".

Nhìn thấy sự thất vọng của tôi, anh Ba an ủi: "Theo phong tục của người Việt Nam, nếu tôi được tặng một món quà gì thì tôi cũng sẽ tặng lại người đã tặng tôi một món quà nào đó. Nhưng trong trường hợp này, vì các anh phải quay lại phía bên kia nên tốt hơn hết là chúng tôi không gửi một thứ gì để các anh khỏi gặp rắc rối. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ bàn lại với cấp trên và sẽ gửi các món quà tặng cho các anh sau này".

Sự mệt mỏi, chán chường của đội quân xâm lược.

Có lẽ sợ chúng tôi chưa hiểu, anh Hai giải thích: "Nếu anh lấy vợ là một phụ nữ Việt Nam thì theo phong tục, anh sẽ phải gửi cho gia đình cô ấy một số tiền nào đó, gọi là tiền dẫn cưới. Ngược lại, gia đình cô ấy cũng gửi lại cho anh một cái gì đó có giá trị tương đương. Vì vậy, chúng tôi tặng lại những kỷ vật này cho các anh và chỉ nhận những quân cờ. Tôi đã nhìn thấy các anh với những công cụ thô sơ, nhưng đã rất kiên nhẫn để làm ra nó".

3. "Các anh thích được trả tự do ở đâu?", anh Hai hỏi tiếp. Chúng tôi trao đổi với nhau một lát rồi nói rằng lựa chọn số 1 của chúng tôi là Hà Nội. Tôi nghĩ để ra được Hà Nội, chúng tôi sẽ phải đi theo con đường giao liên nên đó sẽ là cơ hội để chúng tôi tận mắt nhìn thấy "đường mòn Hồ Chí Minh". Từ khi nổ ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam đến giờ, ngoại trừ Wilfred Burchett, một nhà báo Australia, chưa một nhà báo phương Tây nào được đi thực tế để viết bài về con đường huyền thoại ấy.

Lựa chọn thứ hai của chúng tôi là được trả tự do ở Sài Gòn, thứ ba là Viêng Chăn, thủ đô nước Lào và cuối cùng là Phnôm Pênh, Campuchia. Bị lôi cuốn bởi ý tưởng là những cán bộ cách mạng nằm vùng với giấy tờ giả, sẽ đưa chúng tôi vào đến trung tâm Sài Gòn, Michael tỏ ra rất phấn khích. Hẳn là trong đầu anh, một bài báo với nội dung như vậy thì không vì cớ gì mà không nằm trên trang nhất của tờ Dispatch News Service.

Nghe xong nguyện vọng của chúng tôi, anh Hai nói: "Đi Hà Nội sẽ mất rất nhiều thời gian và cũng sẽ gặp không ít nguy hiểm bởi những trận giao tranh, những cuộc ném bom thường xuyên xảy ra trên suốt tuyến đường. Vì thế, chúng tôi sẽ quyết định lúc nào là thời điểm tốt nhất để đưa các anh đi. Nhưng trước mắt có một số việc cần làm, đó là một số ảnh chụp chung chúng ta, chẳng hạn như du kích Quân Giải phóng chơi cờ vua với các anh, các món quà mà các anh tặng chúng tôi…".

Vài ngày sau đó, có hai cán bộ cao cấp xuất hiện. Sau khi chụp xong những bức ảnh, một trong hai người lấy từ túi ra một xấp tiền rồi đưa cho tôi, Michael và Beth  mỗi người 5 tờ tiền miền Nam Việt Nam mệnh giá 1.000 đồng và một tờ tiền Campuchia 100 riel. Ông nói: "Tôi đưa các anh số tiền này để các anh chi tiêu dọc đường. Các anh sẽ được thả trên Quốc lộ 1 Campuchia và các anh sẽ dùng nó để thuê xe, mua thức ăn, nước uống…”.

(Còn tiếp)

Cao Trí (lược dịch từ hồi ký “Forty days with the Enemy”)
.
.