Hành trình của một bác sĩ quân giải phóng: Tồn tại để chiến thắng

Thứ Ba, 23/06/2015, 18:55
Cùng với việc trồng rau, các khoa cũng phát triển chăn nuôi lợn, gà. Con giống xin hoặc đổi bằng quần áo, bật lửa, dao rựa cho đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, sau Tết Mậu Thân 1968, tình hình càng lúc càng ác liệt với số quân Mỹ tham chiến tại miền Nam Việt Nam lên đến hơn nửa triệu người...

Nấu rượu làm cồn sát khuẩn, bào chế củ rừng thành thuốc an thần

"Có lần lệnh trên yêu cầu thu hồi tất cả những ống đựng thuốc tiêm bằng thủy tinh để tái sử dụng…", bác sĩ Đài nói: "Trước đó, khi hút thuốc ra khỏi ống, chúng tôi thường vứt đi vì không thể đảm bảo vô trùng nếu dùng lại". Tuy nhiên, lệnh là lệnh nhưng theo bác sĩ Đài, thay vì thu hồi để tái sử dụng thì tại sao lại không lập một xưởng để sản xuất ống đựng thuốc tiêm ngay tại chỗ!

Nghĩ là làm! Khi thấy một đơn vị bộ đội từ miền Bắc hành quân ngang qua khu vực Viện Quân y 211, bác sĩ Đài đã hỏi người chỉ huy rằng trong đơn vị có anh nào là thợ thủy tinh không. May mắn thay, có ba người. Khi nghe bác sĩ Đài đề xuất ý kiến làm ống đựng thuốc tiêm thì họ cho biết chỉ cần có nguyên liệu là chai, lọ thủy tinh trong suốt là được.

Thời điểm ấy, năm 1967, 1968 một số vùng ở Campuchia giáp Việt Nam là nơi đặt căn cứ của Trung ương Cục miền Nam, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, và các làng mạc, thị trấn của người Campuchia nằm gần đó là nguồn cung cấp dồi dào những vỏ chai nước ngọt và sôđa bằng thủy tinh không màu.

Bác sĩ Đài kể: "Theo những người thợ, điều quan trọng nhất là phải làm một cái lò để nấu chảy thủy tinh. Mà muốn xây lò thì phải có gạch. Tiến hành kiểm tra các kho, chẳng hiểu sao lại có một ít gạch chịu lửa. Không biết cấp trên nào đã ra lệnh chuyển gạch đến đây và để làm gì nhưng nhờ vậy, chúng tôi đã có đủ gạch để xây lò".

Nhiệt độ làm thủy tinh nóng chảy cũng khiến bác sĩ Đài lúng túng. Củi ở rừng có vô số và đốt than từ củi cũng là chuyện dễ dàng nhưng sức nóng của loại than này không đủ để làm chảy các chai, lọ đã được đập nát. Cũng vẫn là may mắn, một người lính quân khí ở binh xưởng sửa chữa vũ khí đã hướng dẫn cho nhóm chế tạo bơm tiêm cách "hầm" một loại than trong điều kiện thiếu không khí.

Lúc "hầm" xong, chúng cứng như than đá và khi cháy, chúng tỏa ra nhiệt lượng rất cao. Thủy tinh nóng chảy được thổi thành từng ống dài và những người lính của Viện 211 chỉ cần cắt đúng kích thước, bịt một đầu còn đầu kia, khi đã cho thuốc vào thì hàn kín lại là xong.

Thiếu thuốc sát trùng, bác sĩ Đài cử cán bộ vào những buôn làng của người dân tộc, hỏi họ về cách nấu rượu và nấu thế nào để cho ra loại rượu cao độ.  Được người dân tộc chỉ cách ủ men, Viện Quân y 211 đã cho ra lò hàng nghìn lít cồn sát khuẩn. Chưa hết, có những loại thuốc được tìm ra một cách rất vô tình: Vào những ngày giáp hạt, đồng bào dân tộc Ê Đê, Sê Đăng ở Tây Nguyên, nơi Viện Quân y 211 đứng chân thường đào một loại củ rừng gọi là củ "bu man" để luộc ăn.

Viện Quân y 211 trong những ngày đầu mới thành lập.

Trước khi ăn, họ thái nhỏ, ngâm nước suối cả tuần lễ rồi mới luộc. Một bữa, có mấy anh em ở khoa Dược, Viện Quân y 211 đào được một củ. Đang lúc đói, họ luộc ăn ngay mà không ngâm. Ăn xong, cả nhóm ngủ li bì hơn 1 ngày mới tỉnh. Phát hiện ra tác dụng gây ngủ của củ "bu man", khoa Dược điều chế thành thuốc an thần.

Đạp xe phát điện cho những ca mổ

"Cái thiếu cuối cùng của chúng tôi trong lĩnh vực chuyên môn là… thiếu điện!", bác sĩ Đài nói với cựu trung tá lính thủy đánh bộ Mỹ James G. Zumwalt trong buổi trò chuyện chiều hôm ấy: "Nếu bệnh viện nằm ở những nơi có suối, chúng tôi có thể đặt một máy thủy điện nhỏ nhưng chủ yếu chúng tôi vẫn dựa vào mấy chiếc máy nổ chạy dầu".

Trước năm 1967, khi đường ống dẫn dầu từ Quảng Bình chưa vào tới chiến trường miền Nam, cứ mỗi khi Quân Giải phóng phục kích những đoàn xe vận tải của quân đội Sài Gòn, thu chiến lợi phẩm thì việc đầu tiên của Viện Quân y 211 là xách thùng đi… xin dầu! Có lúc xin được và cũng có lúc không nếu như những chiếc xe ấy đều bị bắn cháy.

Mà những trường hợp cần mổ cấp cứu thì không thể đợi có dầu để chạy máy phát điện được.

Không có dầu để chạy máy phát điện, Viện Quân y 211 ứng dụng một phương pháp đã được một số bệnh viện quân y dã chiến thực hành hồi chiến dịch Điện Biên Phủ: Sử dụng những chiếc khung xe đạp, ở phía sau thay vì mắc vào bánh xe thì sợi dây xích tải lại được mắc vào một cái "đinamô" phát điện. Một người lính ngồi lên chiếc xe ấy, đạp đều đặn trong khoảng 30 phút thì thay người khác. Bác sĩ Đài nói: "Có những lúc thương binh về nhiều, tôi mổ suốt đêm bằng nguồn điện cung cấp bởi những chiếc xe đạp".

Thiếu điện, tủ lạnh dùng để bảo quản máu cũng coi như không. Vì vậy, cách duy nhất để cứu sống thương binh mất máu là truyền máu trực tiếp. Bác sĩ Đài nói: "Tất cả anh chị em của Viện Quân y 211 đều đã được kiểm tra để biết mình thuộc nhóm máu gì, ai có thể truyền cho ai. Khi có một thương binh cần truyền máu thì sau khi xác định nhóm máu của anh ta, người có nhóm máu tương ứng sẽ cho ngay. Với những trường hợp chưa thể xác định được nhóm máu thì một bác sĩ, y sĩ hoặc y tá có nhóm máu O sẽ là người cho máu".

Ngay cả bác sĩ Đài, ông cũng đã từng nhiều lần cho máu để cứu sống thương binh: "Nhưng tôi cho sau chứ không cho trước khi mổ vì nếu cho trước, tôi sẽ không đủ sức để đứng mổ, lắm khi kéo dài 6, 7 tiếng đồng hồ".

Một ca mổ dưới hầm.

Một chuyện tưởng như rất nhỏ nhưng cũng gây ra khá nhiều tình huống vừa bi vừa hài: Đó là giấy. Nếu như ở các bệnh viện hậu phương, giấy để lập hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân chẳng bao giờ thiếu thì tại Viện Quân y 211, có lúc bộ phận hành chính đã phải bóc nhãn các loại chai lọ đựng dịch truyền, nhãn sữa hộp  ra, viết vào mặt sau. Ngay cả những tấm bằng khen do cấp trên trao tặng thì mặt sau của nó cũng được dùng để viết… bệnh án!

Bác sĩ Đài nói: "Cứ mỗi cuối năm, Viện 211 lại tổ chức tổng kết và tuyên dương những cán bộ, chiến sĩ đã có những thành tích xuất sắc. Nhưng vì thiếu giấy viết bằng khen nên tôi chẻ những ống tre ra thành từng mảnh nhỏ, ghép lại cho bằng phẳng rồi viết bằng khen lên trên đó".

Những tấm "bằng" độc đáo ấy đã ghi dấu một thời gian khổ, hào hùng của đội ngũ y bác sĩ, y tá, hộ lý Viện Quân y 211 trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chỉ một tuần ăn hết nghìn gốc sắn

Bên cạnh những khó khăn về trang thiết bị, cái ăn cũng là vấn đề đáng nói. Sự thiếu thốn thực phẩm đã khiến Viện Quân y 211 phải nghĩ ra nhiều biện pháp, vừa để đảm bảo cuộc sống cho mình, vừa góp phần cải thiện dinh dưỡng cho thương bệnh binh.

Theo bác sĩ Lê Cao Đài, bộ phận tăng gia của bệnh viện do anh Đà, một cán bộ người Quảng Nam tập kết phụ trách đã trồng được nhiều loại rau như rau cải, cải bắp, xúplơ, cà chua, vài loại rau thơm, ớt…: "Địa điểm trồng rau là một khu đất hoang, cỏ lác, lau sậy mọc đầy nhưng bằng phẳng, vuông vắn, có một dòng suối nhỏ chảy ngang, cách bệnh viện khoảng nửa giờ đi bộ. Anh em dựng một ngôi nhà nhỏ làm nơi ở rồi bắt tay vào việc vỡ hoang. Chỉ trong 2 tháng, đã có rau chia cho các khoa, phòng".

Cùng với việc trồng rau, các khoa cũng phát triển chăn nuôi lợn, gà. Con giống xin hoặc đổi bằng quần áo, bật lửa, dao rựa cho đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, sau Tết Mậu Thân 1968, tình hình càng lúc càng ác liệt với số quân Mỹ tham chiến tại miền Nam Việt Nam lên đến hơn nửa triệu người.

Ban ngày, trên đầu không lúc nào ngớt tiếng máy bay trinh sát, phản lực, trực thăng và những phi vụ ném bom rải thảm B52. Ban đêm, máy bay "Hỏa Long" AC47, "Quỷ vương" AC130 mà tổ lái được trang bị kính hồng ngoại, bay ù ù như cối xay, sẵn sàng bắn vào bất cứ vật gì phát ra sức nóng hoặc di chuyển trên mặt đất, chưa kể pháo tầm xa, biệt kích nên khó khăn về lương thực ngày càng đè nặng. Trong nhật ký của mình, bác sĩ Lê Cao Đài viết: "30-6-1969. Tiêu chuẩn gạo rút xuống còn 150 gam gạo độn với 1kg sắn (khoai mì) cho mỗi đầu người một ngày…

Từ mấy năm nay chúng tôi vẫn ăn độn sắn. Trước đây là cơm cõng sắn, có nghĩa là cơm chiếm phần chính, sắn chỉ độn thêm nhưng bây giờ, muốn tìm một hạt cơm nguyên vẹn để dán bì thư trong rổ cơm độn sắn cũng khó. Ai nấy đều ăn không đủ no! Tiêu chuẩn muối theo đầu người cũng giảm, hàng tháng tụt từ 8 lạng xuống còn 6 lạng, rồi 5 lạng, rồi 4 lạng rưỡi… Anh em bắt đầu kêu nhạt, người mệt rã rời. Xuống thăm một bếp sau khi lĩnh muối, tôi thấy chị cấp dưỡng lúi húi chia tiêu chuẩn muối cả tháng thành các gói nhỏ. Chị giải thích cho tôi: "Mỗi bữa cơm, em chỉ việc đổ gói muối này vào chảo canh cho cả đơn vị, mặn nhạt cũng đành…".

Ngày 20/12/1969. Lo lắng nhất hiện nay là gạo. Đáng lẽ cuối tháng 11 bệnh viện phải được cấp 50 tấn gạo nhưng đến giờ vẫn chưa có hạt nào. Phải tìm mọi cách chống đói cho đơn vị. Tôi cùng anh Định, Chủ nhiệm hậu cần Viện ra rẫy xem tình hình. Thấy một vạt rẫy trồng từ trước đó, có 4.000 gốc sắn đã khá lớn. Đào thử một gốc được 3kg, ước lượng đủ ăn cho cả đơn vị trong một tháng, nhưng đến khi thu hoạch thì chỉ một  tuần là hết veo…".

Để cải thiện, Viện Quân y 211 tổ chức đánh cá, đi săn hai loại thú chính là heo rừng, nai. Bác sĩ Đài nói: "Địa điểm săn bắn thường cách xa nơi đóng quân hàng chục kilômét để tránh bị lộ. Khi bắn được, chúng tôi cố gắng lấy càng nhiều thịt càng tốt. Lắm khi do cự ly quá xa, không vận chuyển kịp, thịt mang về đến căn cứ đã bốc mùi".

Có lần, nhóm đi săn bắt gặp xác một chiếc trực thăng bị rơi ở gần biên giới Việt Nam, Campuchia. Khi lục soát để tìm những vật có thể có ích cho sinh hoạt thường ngày, nhóm đi săn phát hiện 7 bộ xương mà qua nhận dạng chiều dài, thì 5 là của lính Sài Gòn còn 2 bộ kia có lẽ là lính Mỹ. Dựa vào thực tế hiện trường và tình trạng của 7 bộ xương, nhóm đi săn ước lượng chiếc trực thăng đã rơi hơn 1 năm và sau khi chết, họ đã bị thú rừng ăn thịt.

Điều đặc biệt là trên cổ tay của một bộ xương có đeo một chiếc đồng hồ hiệu Seiko, ở ô hiển thị ngày dừng lại ở ngày 24, mặt sau khắc dòng chữ "mua tại Ban Mê Thuột - 12-1969". Tháo chiếc đồng hồ ra khỏi cổ tay người chết, một thành viên của nhóm đi săn lắc nhẹ thì bất ngờ chiếc đồng hồ hoạt động trở lại.

Cũng có lần, Viện Quân y 211 bắn rơi một chiếc trực thăng. Theo nhật ký của bác sĩ Lê Cao Đài thì 9h sáng ngày 25/4/1969, một tốp máy bay trực thăng xuất hiện trên vùng trời nơi Viện Quân y 211 đóng quân. Sau khi quần đảo, bắn nghi binh, một trong số những chiếc trực thăng bất ngờ sà sát xuống đất để thả biệt kích.

Hơn 40 tay súng của các tổ chiến đấu trực thuộc các khoa, phòng được huy động triển khai dọc theo đường giao liên. Tất cả đồng loạt chĩa súng vào những chiếc trực thăng, bắn cấp tập nhằm mục đích thu hút hỏa lực của chúng ra ngoài phạm vi bệnh viện, tránh thương vong cho thương bệnh binh. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 6 giờ chiều thì địch rút.

Bác sĩ Đài viết trong nhật ký: "Ta có đồng chí Bảy ở xưởng Dược và y tá Ngoan hy sinh, 10 đồng chí bị thương trong đó 2 bị thương nặng nhưng gần 1.000 thương bệnh binh đang điều trị không ai việc gì. Về tài sản, 5 nhà và 2 kho bị cháy, mất khoảng 7 tấn gạo và 3.800kg đường, khoảng 100 bộ quần áo".

Trong trận đánh ấy, 1 trực thăng UH bị các tổ chiến đấu bắn rơi. Tháo gỡ từ máy bay được 2 súng đại liên, 1 bộ đàm, bản đồ và một số quân trang, quân dụng. Bác sĩ Đài viết tiếp: "Để đề phòng vị trí bệnh viện đã bị lộ, Mỹ cho máy bay B52 đánh phá, chúng tôi quyết định sơ tán bệnh viện ngay trong đêm. Toàn bộ 1.000 thương bệnh binh được đưa đến địa điểm mới an toàn…".

Sáng hôm sau, bác sĩ Đài ra suối xem chiếc trực thăng rơi. Nó hầu như hoàn toàn nguyên vẹn, nằm gọn trong lòng suối. Nhìn kỹ chỉ thấy một vết đạn tròn bằng đầu ngón tay, thủng từ sàn lên nóc máy bay. Không một vết máu, không có dấu vết người chết hay bị thương. Theo suy đoán của anh em, do bị một phát đạn nên người lái mất tinh thần và mặc dù máy bay có thể không hư hỏng nặng nhưng anh ta vẫn hạ xuống rồi cùng nhóm biệt kích chạy tháo thân…

Cao Trí (lược dịch từ “Bare Feet, Iron Will” và các tài liệu liên quan)
.
.