Tổng thống A.Lukashenko lần ấy như tôi biết...

Thứ Tư, 16/04/2008, 17:45

Phải là lần thứ 3, chứ không phải là lần thứ 2 như tháng 4/2008 này, Tổng thống Belarus A.Lukashenko vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam. Lần thăm đầu tiên là năm 1997. Lần thứ 2 đáng nhẽ là vào tháng 3/2006. Duyên do thế nào, xin được nói sau.

Trên hành tinh mênh mông này, thiếu chi những chính khách của một quốc gia không bao la về mặt lãnh thổ cũng như chưa xôm tụ hùng cường về kinh tế nhưng khá nổi trội về tính cách lẫn những phong thái ứng xử độc đáo! A.Lukashenko của Belarus là một trong số đó.

Tâm trí tôi ngược về sân bay Minxcơ với cữ thu vàng Belarus 8 năm trước. Vụ trưởng Vụ lễ tân của nước này dẫn theo 2 cô gái cao lớn mập mạp, hồng hào bưng khay bánh mì với muối lên tận chuyên cơ mời khách. Đợi chủ lẫn khách đã vãn, tôi cũng bắt chước Thủ tướng rời sân bay cấu bánh với nhón muối. 

Đoàn xe đưa chúng tôi từ sân bay vừa về đến nhà khách Zaslav nơi bạn dành cho đoàn ta nghỉ ngơi trong những ngày thăm, chưa kịp ngó ngắm gì, nhóm phóng viên tháp tùng đã đuợc lệnh bám theo xe chở Thủ tướng ta đến Phủ Tổng thống.

Tổng thống Belarus, A.Lukashenko có chương trình tiếp luôn khách Việt Nam. Hơi bị khác với cung cách lễ tân nhiều nước là nhân vật quan trọng nhất quốc gia thường tiếp sau.

Chẳng hạn như cứ “chiểu" theo ý tứ của mạch câu ngoại giao mà suy thì... nhận lời mời của Thủ tướng Belarus V.V Ermosin và phu nhân, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng phu nhân đã đến Minxcơ thăm hữu nghị chính thức nước CH Belarus... thì Thủ tướng V.V Ermosin phải đón trước, tiếp trước nhưng việc này nhân vật số 1 của nước chủ nhà đã “gánh" lấy.

Phủ Tổng thống của đất nước hơn 10 triệu dân, nom bề ngoài cũng hao hao như trụ sở đã và đang xây của một tỉnh ở bên ta. Tôi những tưởng bề ngoài nom vậy thôi nhưng nội thất phải là sang trọng vì những thứ được coi là hồn cốt của đất nước Bạch Nga trước đây  nay dứt khoát phải được dồn tụ chỗ này!

Lại nữa, câu chuyện gần như huyền thoại mà các hãng tin phương Tây đưa và bình luận khá chi tiết là thời điểm Mỹ và NATO đang sắp sửa phong tỏa Beograt, Tổng thống A.Lukashenko đã không ngồi trên chuyên cơ, hay 2 máy bay thương mại mà lái hẳn chiếc trực thăng đến thăm Tổng thống Milosevic! Còn nhớ, ngày 15/1/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton có chuyến công du năm mới đến Minxcơ này.

Rồi sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày 13/3/1994 cũng đến thăm Belarus. Rồi cao hơn thịnh tình hơn, Mỹ cho Belarus quy chế tối huệ quốc trong thương mại, Theo gương Mỹ, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu cho Belarus vay 60 triệu USD của Ngân hàng Thế giới. Chưa hết, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF chi “gấp" cho Belarus 200 triệu USD.

Chao ôi ngần ấy ngoại tệ mạnh đối với một đất nước mười triệu dân như Belarus đâu phải là nhỏ và số lượng ngoại tệ tiếp theo đâu phải chỉ chững lại ở con số ấy! Thế mà đùng một cái Tổng thống  A.Lukashenko tiến hành trưng cầu dân ý (tháng 11/1996) lập nội các mới, gạt phăng thế lực thân phương Tây ra khỏi chính quyền. Tất nhiên ngay lập tức, củ cà rốt thu về và cái gậy liền thò ra!

Vô số những tuyên bố này khác không thèm công nhận kết quả trưng cầu dân ý của tổng thống. Họ giảm ngay các cuộc tiếp xúc, ngừng ngay viện trợ thực hiện chính sách cô lập Tổng thống A.Lukashenko và Belarus trên trường quốc tế.

Cái việc Tổng thống A.Lukashenko bỏ tất tật ngoài tai những lời đường mật cũng như dọa xa, nạt gần của phương Tây dứt khoát giữ cho kỳ được những ngành kinh tế quan trọng then chốt của quốc gia, không đưa vào cơn lốc tư nhân hóa và tăng cường hợp tác làm ăn với Nga... và tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế với các nước không liên kết và các nước châu Á...

Con người “ngang ngạnh” ấy, tháng 4/1997 đã bất ngờ cho xe dừng lại ở cổng khách sạn Deawoo đường Ngọc Khánh, với hàng ria dường như tươi tốt thêm bởi nụ cười sáng lóa khi ông giơ tay vẫy chào bà con Hà thành trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên.

Vâng, những chi tiết ấy nó ám vào cánh báo chí chúng tôi vốn giàu trí tưởng... bở đã nghĩ ngay rằng nội thất Phủ Tổng thống phải tương xứng với tính cách mạnh mẽ quyết liệt như chủ nhân của nó. Hóa ra từ tấm thảm treo tường cho đến những bình lọ được đặt ở những khúc quanh như vẫn thường thấy ở các nơi sang trọng, tất tật đều toát nên vẻ lành lành dung dị cứ như chúng tôi đang lướt trong hành lang của một nhà khách ở một tỉnh lẻ nước mình!

Gian phòng tiếp khách và Hội đàm của Tổng thống cũng chỉ nhỉnh hơn 20m2 và nội thất ấn tượng nhất không phải mấy bức tranh phong cảnh mà có lẽ là mấy chiếc ghế bởi thành nẹp kim loại màu vàng và lòng ghế bọc nhung xanh. Tôi thử lấy lưng mấy ngón tay gõ rất kỹ lên thành ghế... Âm thanh phát ra coong coong thì đích thị là một loại hợp kim mạ vàng!

Cánh cửa ngách xịch mở. Đích thị con người cao lớn khít rịt trong bộ vest màu tối điểm những kẻ sọc và có bộ ria dày lốm đốm bạc đang tươi cười bước ra là nhân vật số 1 của nước chủ nhà! A.Lukashenko cứ đứng hồi lâu, hai tay nắm rất chặt tay Thủ tướng ta. Tôi không tin những cái lắc tay cùng nụ cười và những lời bộc bạch trong lúc đón khách Việt Nam của Tổng thống  A.Lukashenko là cho đúng, và cho đủ nghi thức ngoại giao!

Sau khi nghe Thủ tướng ta thông báo những điểm cơ bản về tình hình Việt Nam, Tổng thống A.Lukashenko hai tay lúc nắm lại, lúc dang ra... Ông đang bộc bạch với Thủ tướng ta những nếm trải không ngọt ngào gì và cả thử thách qua 4 năm ở cương vị tổng thống... Cặp mắt màu hạt dẻ của ông lúc thì chùng lại lúc thì ánh lên như có lửa vậy. Ông khiến chúng tôi ngạc nhiên khi nhắc lại vanh vách những vị nguyên là bộ trưởng, thứ trưởng, hiệu trưởng một vài trường ĐH của Việt Nam trong số hơn 3.000 người từng được đào tạo ở Belarus.

Ông cũng nói đến những chiếc xe tải nặng Bella hàng chục năm nay bươn chải trên những mỏ lộ thiên lẫn hầm lũ ở Quảng Ninh... Qua vị Tổng thống này, chúng tôi cũng được biết thêm, 30% xe tải hạng nặng như Belaz, Kamaz và 6% máy kéo có mặt trên thị trường thế giới là sản phẩm của Belarus!

Tổng thống A.Lukashenko tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 9/2000)

Tiếp đó, khi tôi đang than thở tiếc cái nỗi không được nghe Tổng thống A.Lukashenko nói tiếp vì cuộc hội đàm giữa hai bên bắt đầu, thì anh bạn đồng nghiệp ở tờ Sovetskaia Belorussia, với phong thái cởi mở, mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi: Các bạn có công nhận với tôi là có một sự thật lịch sử là tiếng Nga đã trở thành phổ biến thông dụng không chỉ ở Belarus mà ở những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ không?

Thế mà nực cười, hiện nay phương Tây đang có chiến dịch vu cáo Chính phủ của A.Lukashenko chiều mị người Nga mà bài xích những người nói tiếng Belarus. Trên thực tế, tiếng Belarus đã là ngôn ngữ chính thức của nhà nước Belarus.

Ông bố bà mẹ Tổng thống A.Lukashenko, bản thân vợ và 2 con trai ông cùng dân làng Vitebsk quê ông hàng ngày đều nói tiếng Belarus thì hà cớ gì bảo Tổng thống tôi bài xích, ngược đãi người nói tiếng Belarus?

Người Belarus coi trọng tiếng Nga bởi tôn trọng một sự thật lịch sử mà thôi!

Chưa hết đâu nhé, họ còn vu cáo A.Lukashenko cấm đạo Cơ đốc và bài đạo Do Thái nhưng thực tế nhà thờ Chính thống giáo đã được phục hồi chỉ 2 năm sau A.Lukashenko lên cầm quyền và chính thông tin từ Viện Oxford qua việc tham quan và  điều tra cụ thể đã khẳng định cộng đồng Do Thái ở Belarus đang phát triển bình thường...

Rồi anh kể nhiều chuyện về các cuộc bóng đá tranh giải được Tổng thống đích thân tổ chức thường xuyên ở Belarus. Tổng thống còn là người tài đua ngựa và nghe đâu uống cũng không đến nỗi tồi...    

...Chiều thu xứ Bạch Nga ấy, tôi lại có thêm một ấn tượng. Trước lúc diễn ra cuộc Thủ tướng Ermosin đón Thủ tướng Phan Văn Khải,  khi an ninh bạn đã kiểm tra kỹ lưỡng các thiết bị ghi hình, tôi rủ Kinh Quốc (khi đó là PV Đài THTƯ) ra khúc ngoặt của lối lên để hút thuốc...

Một người dong dỏng như bao người Belarus khác đang bước từ cầu thang lên. Thấy chúng tôi, ông dừng lại cất tiếng Việt lơ lớ “Xin chào các đồng chí, có khỏe mạnh không?". Chúng tôi niềm nở đáp lại và cứ ngỡ đó là một quan chức của Dinh Thủ tướng đang học tiếng Việt.

Phong thái cởi mở niềm nở nhưng phát âm rất khó khăn khi ông hỏi về thời tiết ở Hà Nội và lạ lùng lại có câu về kem Bờ hồ Hoàn Kiếm nữa?... Khi cuộc đón tiếp diễn ra cả bọn mới té ngửa, người đàn ông dong dỏng ấy là Thủ tướng Ermosin!

Trong buổi dạ tiệc được tổ chức ngay tối hôm đó của Thủ tướng và phu nhân  chào mừng Đoàn đại biểu Việt Nam, tôi biết thêm, vào những ngày Mỹ đánh phá ác liệt Hà Nội, v.v...  Ermosin là thành viên trong đoàn chuyên gia quân sự. Ông đã có mặt ở tuyến lửa Khu 4, Hà Tây, Hà Nội... Hết nhiệm kỳ công tác, ông đã được đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng gắn Huân chương Hữu nghị. Ông âu yếm đưa mắt sang phía bà vợ đang tươi cười đứng cạnh “nếu không có người yêu tôi đây khi đó giục về thì tôi còn ở Việt Nam lâu nữa...".

...Đã non mười năm sau lần thăm đầu, câu đầu tiên trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4 này là mười năm qua biết bao nhiêu là đổi thay là vạn biến nhưng có thứ bất biến là Việt Nam vẫn là quốc gia hữu nghị của Belarus... Những vạn biến ấy có lẽ kể sao xiết!

Những là Hội nghị Thượng đỉnh NATO họp ở Praha đã “ứng xử" với vị Tổng thống "bướng bỉnh" ấy theo cái cách hơi bị “cùn" có lẽ chưa từng có trong lịch sử ngoại giao: không cấp thị thực cho ông vào Séc dưới sức ép của Wshington. Rồi khối EU đang dọa cấm vận ông.

Một vài chính khách bự ở Washington còn bóng gió liệt ông vào danh sách “liên minh ma quỷ" (!?). Rồi dư luận cầm chắc với sức ép của Mỹ và phương Tây như thế, cứ tưởng cuộc bầu cử Tổng thống tháng 9/2002, A.Lukashenko mất đứt chiếc ghế Tổng thống và chiếc ghế ấy sẽ dành cho ai đó thân phương Tây! Nhưng đùng cái, dưới “kính chiếu yêu” của 500 nhà báo quốc tế (của hơn 30 nước) cùng 700 quan sát viên quốc tế, cử tri Belarus tiếp tục chọn A.Lukashenko với hơn 80% phiếu.

Lần ngược nữa, người ta không thể không so sánh các nước Đông Âu khác phải chi hơn 2% GDP cho quốc phòng một tỉ lệ ngang với Mỹ như quốc gia Lithuanian nhỏ bé mà phải bỏ ra hàng năm 240 triệu USD để mua vũ khí của Mỹ để đổi lấy chiếc vé vào NATO thì Belarus kiên quyết không bắt chước và nghe dụ dỗ như vậy!

A.Lukashenko từ chối những giàn tên lửa Stinger của Hãng Reytheon of Tucson giá đâu có 34 triệu nhưng được “chào" giá hơn 40 triệu và dĩ nhiên điều đó làm điên đầu một số chính khách Mỹ! Tóm lại Mỹ và phương Tây muốn lái nền kinh tế Belarus cùng các nước Đông Âu theo hướng tăng cường tư nhân hóa nhưng Tổng thống A.Lukashenko không làm như vậy.

Trong lĩnh vực nông nghiệp. ông chủ trương phát triển nông nghiệp quốc doanh để khỏi phụ thuộc vào EU. Ngay như các phương tiện truyền thông báo chí, 5 tờ báo lớn ở Belarus và các kênh truyền hình đều là của Nhà nước v.v...

Một kiểu vạn biến nữa là hồi tháng 3/2006, rầm rộ lên một chiến dịch của phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với Belarus và các quan chức Belarus trong đó có Tổng thống A.Lukashenko bởi đó vi phạm luật bầu cử chi chi đó! Có lẽ đó là những tháng ngày khó khăn của Minxcơ... Vì thế, chuyến thăm Việt Nam đó được ấn định cụ thể đến mức các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế đã loan báo, nhưng Tổng thống A.Lukashenko đã phải hoãn lại để thu xếp những công việc nội trị cần kíp trước mắt.

Với góc nhìn hạn hẹp của mình, tôi không rõ vị Tổng thống Belarus “ứng xử" như vậy liệu có phải? Nhưng cứ ngẫm lại những khúc nhôi và bao thứ vạn biến trong những năm cầm quyền và tí ti cái ấn tượng buổi trưa thu vàng năm 2000 ở xứ Bạch Nga xa ngái ấy, thấy ông hình như có lý?

Có lý như buổi chiều xuân Việt vừa rồi, với động thái khoáng đạt, ông dang rộng hai tay ra với các nhà báo Hà Nội, tươi cười mà rằng, hai nước chúng ta vốn có bề dày truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp và tiềm năng hợp tác kinh tế dồi dào mà hà cớ chi kim ngạch thương mại chỉ đạt trên 60 triệu USD?

Trong chuyến thăm này, nhiều hợp đồng kinh tế ở nhiều lĩnh vực đã được ký kết nâng kim ngạch lên trên 100 triệu USD... Tất nhiên, những con số ấy chỉ đang mới khởi đầu cho một hành trình mới tốt đẹp!

.
.