Trại "thuần Aryan" của phát xít Đức giữa New York

Thứ Bảy, 22/12/2018, 13:57
Hồi thập niên 1930, một thôn xóm thuần nông ở thành phố New York là nơi ngụ cư của một cộng đồng Đức Quốc xã (ĐQX), nơi đây có một con đường mang tên trùm độc tài Adolf Hitler gọi là Hitler Strasse và một trại thanh niên nhằm khuyến khích người đi cắm trại có thể "chăn gối" với nhau để sản sinh ra những đứa trẻ gọi là "Aryan thuần chủng".

Thực hư của việc này đã diễn ra ở Yaphank, Long Island. Một câu chuyện hết sức ly kỳ mà không nhiều người biết tới.

“Địa khu Đức” ở New York

Đó là một chiều thứ Tư ở nội ô Yaphank, một thôn xóm thuần nông thuộc Long Island (New York). Cánh đàn ông từ 20 tới 70 tuổi đi ra đi vào tại câu lạc bộ cựu binh, nơi chuyên cung cấp các dịch vụ trợ giúp tâm lý và chỗ ở tạm thời cho những người lính xuất ngũ gặp khó khăn khi quay về với đời sống thường nhật. Góc phía kia của một con đường hẹp là một khu dân cư khép kín mang tên Vườn Đức hay chí ít là cách mà người bên ngoài gọi về nó: Địa khu Đức.

Lối dẫn vào Địa khu Đức ngày hôm nay. Con đường này trước đây mang tên Hitler Strasse.

Thật khá mỉa mai khi giữa câu lạc bộ cựu binh nơi treo quốc kỳ Mỹ lại có một khu phố được đặt tên của cái quốc gia gây thương vong lớn nhất trong lịch sử quân đội xứ Cờ Hoa. Khi người ngoài hỏi 3 người lính rằng họ biết gì về cái khu dân cư bên phía đường, họ nhìn sang chỗ khác và không nói gì. Một người lính tên Mike kể: "Tôi nghe phong phanh tin Adolf Hitler đến Địa khu Đức vào giữa thập niên 1930. Chuyện này có ghi trên mạng. Một số người chắc rằng đã thấy cảnh Hitler gặp gỡ với dân địa phương".

Những tin đồn đã phần nào nói lên tính bí ẩn cho đến tận ngày nay về một khu dân cư kín kẽ, nơi mà rẻo đất này thuộc quyền của một tổ chức gọi là Liên minh định cư Đức - Mỹ (GASL). Một nơi bí ẩn chỉ nằm cách hạt Suffolk (Manhattan) đúng 100km hay một tiếng đồng hồ lái xe.

Rít một hơi thuốc lá, Mike quả quyết: "Nó (Địa khu Đức) giống như một tiểu bang trong lòng tiểu bang, không ai hay biết chuyện gì xảy ra ở đó cả". Ngay cả vị bác sĩ Đức mà phóng viên liên lạc để viết bài này cũng từ chối cho chụp ảnh hay giấu tiệt tên đầy đủ của mình.

Mike kể: "Chúng tôi có biết gì về họ đâu. Thi thoảng chúng tôi thấy xe cộ ra vào khu dân cư. Họ không muốn dây dưa với chúng tôi và sự thật là chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi không được phép vào Địa khu Đức. Chỉ có người Đức được đón tiếp. Nhờ đọc báo, chúng tôi mới biết chút chút về họ". Mike chỉ tay vào tấm biển lớn treo ở lối dẫn vào Yaphank, trên đó viết dòng chữ "Liên minh định cư Đức - Mỹ. Cộng đồng tư nhân. Chỉ đón thành viên và khách khứa".

Rồi cái biển GASL cũng được gỡ đi, nhưng rõ ràng là người lạ không được người bên trong chào đón. Khi nhiếp ảnh gia của tạp chí Haaretz đồng hành cùng tôi giơ máy ảnh gần một ngôi nhà bên trong Địa khu Đức, một ông lão từ bên trong nhà đi ra, liếc xéo chúng tôi với vẻ giận dữ. Vợ ông ta đi ra sau và khuyên chồng giữ bình tĩnh.

Một ông già khác làm vườn, trạc 70 tuổi, có vẻ cởi mở bắt chuyện nhà báo: "Tôi dọn về Địa khu Đức cách đây 9 năm. Mọi tin tức họ viết về nơi này đều nhạt phèo, truyền thông phịa chuyện như thật. Nói trắng ra là nhiều năm trước thì nơi này có dính dáng với đảng Quốc xã Đức, giờ không phải. Không hề liên quan. Nếu họ không cho phép, tôi không được phép tiếp xúc với báo giới. Nếu họ phát hiện ra tôi làm trái ý, tôi sẽ gặp vạ lây".

GASL chính thức thì họ là ai trong cái khu đất chỉ có đúng 45 gia đình này? Không có dấu hiệu nào của chữ thập ngoặc từng được treo một cách kiêu hãnh khắp mọi cửa sổ, các con đường được mang tên Adolf Hitler và Joseph Goebbels một thời gian dài trước khi chúng đổi tên. Những gì còn lại là những con đường quanh co, cây cối um tùm, những ngôi nhà thấp và câu lạc bộ thành viên ngay lối vào khu dân cư.

Nhìn tổng thể nơi này như một moshav (cộng đồng hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc đất nước Israel). Những ngôi nhà đã cũ nhưng được chăm sóc kỹ lưỡng đáng kinh ngạc. Mỗi ngôi nhà được bao bọc bởi một thảm cỏ và một khoảnh vườn cây trái sum suê. Dù đất rộng nhưng các ngôi nhà đều có kích thước khá khiêm tốn.

Những cầu thang nhỏ xíu ngay lối vào mỗi ngôi nhà được xếp các chậu hoa và chuông gió reo lanh canh trước cửa. Cách các ngôi nhà vài chục mét là một hồ nước lớn. Một sự thật không thể chối cãi: sự tồn tại của Địa khu Đức suốt ngần ấy năm ngay trong lòng nước Mỹ.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan

Cho mãi đến thập niên 1920, Yaphank chỉ là một khu dân cư cổ cồn xanh nằm ngay giữa Long Island. Nó cũng giống như hàng trăm khu dân cư khác ở tiểu bang New York. Khu này có nhiều trang trại, một tiệm tạp hóa lớn, một nhà ga, vài nhà hàng khiêm tốn và một tiệm hớt tóc. Rồi thì xuất hiện các hệ tư tưởng cực đoan ở Châu Âu sau Đại chiến thế giới thứ I (ĐCTGI).

Một làn sóng xấu xí quét qua lục địa Âu từ Mussolini (Ý) đến Hitler (Đức) rồi phủ qua Hoa Kỳ khi đó đang trong đêm trường của thời kỳ đại suy thoái. Một biểu hiện của sự cực đoan đã diễn ra vào năm 1924 khi một di dân người Đức tên là Fritz Gissibl quyết định thành lập một nhánh đảng Quốc xã Đức ở Chicago.

Bức ảnh đề ngày 22 tháng 5 năm 1938, được cung cấp bởi Cơ quan lưu trữ thành phố New York trưng hình ảnh cổng trước của trại Siegfried ở Yaphank (New York).

Ý tưởng của Gissibl có học thuyết ĐQX, lòng ái quốc Mỹ gắn liền với tư tưởng bài Do Thái và bài ngoại đã thu hút nhiều người Mỹ. Sau rốt những kẻ bài Do Thái và những người ủng hộ tổ chức 3K (Ku Klux Klan) đã tề tựu lại và cùng thành lập nên phong trào mới do Gissibl khởi xướng, 5 lần đổi tên trong các thập kỷ sau đó, và gọi chung là Hiệp hội Tự do Teutonia.

Tới năm 1937, các quy định của phong trào mới khi đó gọi là Liên đoàn Đức Mỹ (hay Bund) đã tái xuất hiện trong một sự kiện lớn ở New York, nơi đó Bund tuyên bố rằng mục tiêu của các thành viên là "Ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp và pháp luật của Hoa Kỳ" và "vẹn nguyên giá trị dòng máu Đức, đất mẹ Đức, các anh chị em Đức của chúng ta".

Để ủng hộ phong trào thân Đức, các nhà sáng lập Bund đã chiêu mộ các nhà hoạt động nhân một sự kiện lớn được tổ chức ở Yaphank vào năm 1940 nhằm đánh dấu ngày sinh nhật của "Cha già dân tộc Mỹ" George Washington. Tại sự kiện đó, ban tổ chức đã viết rằng mục tiêu của họ là "tôn vinh và bảo vệ Hiến pháp, quốc kỳ và các tổ chức của Hoa Kỳ" và "chống lại các hiện tượng lật đổ quốc tế hay nội bộ có xu hướng phá hoại hay lật đổ nền Cộng hòa quốc gia của Hoa Kỳ hoặc nền văn minh Công giáo kể từ khi được dựng lên".

Cũng tại sự kiện đó, các nhà lãnh đạo Bund đã tuyên bố sẽ "chống lại tất cả những thế lực chống Đức thể hiện qua các hành vi tấn công vu khống vào chính trị, tôn giáo, văn hóa, kinh tế và dân sự". "Chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người Mỹ gốc Đức đã mang lại tiếng nói cho hàng ngàn người Mỹ", dẫn bài viết của giáo sư Ryan Shaffer, một sử gia của Đại học Stony Brook (New York) trong cuốn sách xuất bản vào năm 2010 mang tựa đề "Đức Quốc xã Long Island: Một tổng hợp địa chính trị mang tầm vóc xuyên quốc gia". Phong trào mới của Fritz Gissibl đã thành công ngay lập tức.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nó đã vượt xa khỏi Chicago với các chi nhánh trên khắp nước Mỹ gồm Detroit, Newark và New York. Các cơ quan chính phủ Mỹ đã để mắt tới Bund. GS Ryan Shaffer viết rằng "ít nhất ½ thành viên của Bund vào năm 1926 đã liên kết với đảng của Adolf Hitler". Để che giấu sự ngưỡng mộ với Hitler, năm 1932, Gissibl đã đổi tên Bund thành Phong trào những người bạn của Hitler (FHM). Năm 1946, Gissibl về Đức và kể từ khi Gissibl rời nước Mỹ thì FHM mới được đổi tên là Liên đoàn Đức Mỹ Bund (GAFB).

Trại sinh sản ra dòng máu Aryan

Yaphank trở thành một trong những trung tâm chính của phong trào Mỹ ĐQX hoạt động suốt nhiều năm. Năm 1935, GASL mua một thửa đất lớn tại Yaphank và nó nhanh chóng trở thành khu định cư ĐQX cho những ai có dòng máu Aryan thuần khiết trong tĩnh mạch. Có những tờ bướm mang lời mời gọi những người gốc Đức dọn tới sống ở Địa khu Đức. Và tuyến đường chính chạy xuyên suốt Yaphank được gọi tên là Hitler Strasse.

Nhưng bí mật chính của Yaphank lại nằm ở trại hè tổ chức cho thanh niên Đức. Trại Siegfried (được tạo ra vào năm 1935) rộng khoảng 220 Dunam (khoảng 20ha) mà ngày nay là Địa khu Đức, dùng làm nơi đào tạo ra các thế hệ tương lai của phong trào ĐQX.

Ông Jill Santiago, một nhà giáo dục tại Trung tâm Suffolk về Nạn diệt chủng người Do Thái, đa dạng và hiểu biết về con người, giải thích: "Yaphank không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Trong các thập niên 1920, 1930, cứ 7 người dân sống ở Yaphank thì có 1 người ủng hộ cho tổ chức 3K. Vì lẽ đó mà người ta chọn Yaphank vì nghĩ rằng sẽ không đối mặt với nhiều sự phản kháng từ cộng đồng địa phương".

Trại Siegfried dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên vốn rất phổ biến vào nửa đầu của thập niên 1930, nằm ngay tuyến đường sắt Long Island hoạt động mỗi sáng từ Manhattan đến Yaphank. Hàng ngày, các nhà hoạt động địa phương sẽ chờ có tàu đi qua để chào đón các vị khách với tiếng chào của ĐQX và tiếng khóc đến trại tử thần của người Do Thái. Hoạt động của trại Siegfried đạt cao điểm vào năm 1938. Theo một tài liệu đăng trên báo The New York Times, thì không dưới 4 vạn người từ khắp nước Mỹ đã đến trại Siegfried để tham dự các hoạt động của Ngày Đức. Giờ đây tổng dân số của Yaphank không đầy 6.000 người.

Giáo sư Ryan Shaffer viết: "Lúc còn hoạt động, trại Siegfried là nơi dùng cho cánh thanh niên Bund đến để cắm trại, săn bắn và thậm chí cả sinh hoạt "phòng the". Các chương trình không chỉ nằm trên lý thuyết: các mối quan hệ tình dục của tuổi dậy thì được khuyến khích và trợ giúp kiến thức bởi các cố vấn. Họ đặt các học thuyết ĐQX về cải thiện giống nòi Aryan vào thực tiễn.

Nhiều vụ hãm hiếp xuất phát từ chính cái ý thức hệ kỳ quặc đó. Bầu không khí phóng túng ở trại Siegfried một phần được hình thành bởi một lượng lớn rượu được chuyển tới đây, các trại viên say sưa bí tỉ. Các hoạt động chào và diễu hành cũng được thực hiện vào nửa khuya. Sau ĐCTGII, nước Đức trở thành kẻ thù chính thức của phương Tây, FBI đã mở cuộc điều tra vào các lãnh đạo của Bund. Fritz Kuhn, người đứng đầu tổ chức Bund, bị kết tội gian lận và trốn thuế và bị phạt 4 năm tù.

Sau khi ra tù, tay này bị bắt lại, lần này bị tố cáo đã hỗ trợ kẻ thù (ĐQX) trong suốt thời chiến và bị trục xuất khỏi Mỹ. Năm 1945, FBI chính thức đóng cửa trại Siegfried và thậm chí tiếp quản bất động sản GASL, gây nên một cuộc chiến pháp lý. Trận chiến đã kết thúc với một khu dân cư có hiệu lực đến tận ngày nay.

Vẫn vẹn nguyên tính bí mật

Hơn 70 năm trôi qua. Mọi thứ đã thay đổi, ngay cả các con đường. Thế nhưng vẫn còn như cũ về khát vọng sống tách rời xã hội và sự thuần khiết của dòng máu người da trắng nhấn mạnh đến người gốc Đức. Chính sách phân biệt đó đã áp vào ông Philip Kneer và vợ Patricia Flynn-Kneer (người Mỹ gốc Đức), họ sống ở Địa khu Đức từ năm 1999.

6 năm sau đó, gia đình Philip Kneer quyết định bán nhà, và họ vấp phải một bức tường rào cản vô hình với các quy định cứng nhắc lấy từ các quy định của GASL, và nó đã tước sạch quyền bán nhà của các chủ nhân sống trong Địa khu Đức.

Theo vợ chồng Philip Kneer tiết lộ thì những rào cản trên nhằm đảm chắc rằng cộng đồng Đức luôn được duy trì. Năm 1998, GASL ra một văn bản luật, chỉ rõ rằng các chủ sở hữu nhà ở Địa khu Đức phải là thành viên của tổ chức "áp dụng cho mọi người từ 21 tuổi trở lên, người có huyết thống Đức, có tính cách và danh tiếng tốt". Cuối cùng sau nhiều năm từ chối, GASL đã chấp nhận bồi thường cho gia đình nhà Philip Kneer số tiền là 175.000 USD.

Phan Bình (tổng hợp)
.
.