Người mẹ thầm lặng bên người cha anh hùng:

Trái khoáy và nghiệt ngã

Thứ Ba, 03/03/2009, 09:25
Oái oăm thay, trong bừng bừng khí thế cách mạng, lòng căm thù quân Pháp sôi sục vì hành vi bị bắn lén, những người tham gia míttinh đã không ngần ngại xông vào “bà đầm” sang trọng. Khi bà trở về nhà, người đẫm máu, mặt sưng vù, bị gãy 8 chiếc răng...
>> Người vợ thầm lặng của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch

Nhắc đến mẹ, Alain Phạm Ngọc Định càng trở nên đa cảm. Anh nhiều lần ngừng câu chuyện kể, xin lỗi vì đã không ngăn được xúc động.

Tôi thêm một lần cám ơn những giọt nước mắt của anh, bởi nó đã khơi dậy những điều sâu thẳm từ lâu anh chắt chiu, giữ gìn thay cho mẹ, khi mẹ anh đã đi xa. Anh kể về ngày 2/9/1945. Đó là một ngày đáng nhớ, thật tự hào của đất nước.

Ngày ấy, ở Hà Nội, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Ngày ấy, ở Sài Gòn, theo GS, AHLĐ Trần Văn Giàu, hơn 2 triệu đồng bào Nam Bộ từ nhiều nơi, nhiều hướng, nhiều ngả đổ về đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn) để lắng nghe tiếng nói của Bác Hồ. Đồng bào Sài Gòn vừa được sống trong bầu không khí độc lập chưa tròn một tháng đã phải cầm súng chống lại quân xâm lược.

Ngay trong ngày 2/9, đứng trên lễ đài đại lộ Norodom, đọc diễn văn mừng Cách mạng Tháng Tám thành công, trong sự hưởng ứng nồng nhiệt của hơn 1 triệu dân Sài Gòn - Gia Định, ông Trần Văn Giàu hiểu, sớm muộn gì bọn Pháp cũng sẽ quay trở lại.

Đúng như sự nhận định của ông, quá trưa ngày 2/9, khi rừng người, rừng cờ hừng hực khí thế, chuẩn bị chuyển sang tuần hành thì bất ngờ, từ lầu cao bên cạnh nhà thờ Đức Bà, quân Pháp chĩa súng bắn vào đoàn biểu tình, làm nhiều người chết và bị thương. Căm thù trước hành động khiêu khích của quân Pháp, hàng trăm người tay không lập tức tỏa ra, trèo lên các tòa lầu truy lùng và tước khí giới hàng trăm người Pháp.

Quân Pháp gây xung đột, cố ý làm cho người Việt Nam giết lầm người Anh, rồi vin vào cớ đó, quân Anh can thiệp, phá chính quyền cách mạng còn non trẻ của ta. Hôm đó, quân Pháp có 7 người chết và gần 1.000 người bị bắt. Không có người Anh nào thiệt mạng. Cuộc biểu tình vẫn được tiếp tục, chìm ngập trong tiếng hoan hô của nhân dân mừng Cách mạng thành công...

Trong làn sóng cách mạng dâng cao ấy, bà Marie Louise cùng một người bạn mặc bộ quần áo đẹp nhất, hân hoan đổ ra đường mừng Việt Nam độc lập. Đó cũng là cách bà bày tỏ tình yêu dành cho chồng. Bà biết rất rõ lòng ái quốc của BS Phạm Ngọc Thạch, từ lúc gặp ông ở bên Pháp, biết rất rõ những hoạt động thầm lặng, những đóng góp to lớn của chồng về tài sản cho cách mạng.

Nhưng oái oăm thay, trong bừng bừng khí thế cách mạng, lòng căm thù quân Pháp sôi sục vì hành vi bị bắn lén, những người tham gia míttinh đã không ngần ngại xông vào “bà đầm” sang trọng. Họ làm sao biết “bà đầm” với đôi mắt xanh biếc, mái tóc vàng óng ấy là Marie Louise - phu nhân của “người đứng đầu” lực lượng Thanh niên Tiền phong - lực lượng góp phần quan trọng làm nên thành công trong Cách mạng Tháng Tám ở Nam Bộ.

Bà trở về nhà, người đẫm máu, mặt sưng vù, bị gãy 8 chiếc răng. Bà khóc, trách chồng. Ông ôm vợ vào lòng, nói lời dịu dàng, giải thích  cho bà hiểu tình hình rối ren, phức tạp của chính trị, về dã tâm chiếm lại Việt  Nam của người Pháp. Chính vì nhận ra dã tâm ấy, ngày 23/9/1945, sau khi hội ý với Chủ tịch Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ Trần Văn Giàu không dự bữa “tiệc công tác” cùng phái đoàn Pháp tại Dinh Thống đốc Nam Kỳ, sáng ngày 23/9/1945, BS Phạm Ngọc Thạch lặng lẽ bước lên chiếc xe hơi, tự lái vào chiến khu...

Marie Louise đứng trước sân ngôi biệt thự ở đường Léon Courbes (nay là đường Sương Nguyệt Ánh), nhìn theo chiếc xe cho đến khi khuất dạng. Bà biết vậy là chồng mình đã dấn thân vào cuộc kháng chiến - một  chọn lựa tất yếu của một trí thức mang trong lòng ngọn lửa ái quốc như bà đã từng gặp ở nước Pháp. Bà tôn trọng sự chọn lựa của chồng, dù chết lặng trước nỗi cô đơn và nỗi bất an.

Bà đưa hai con thơ Colette Như Mai và Alain Phạm Ngọc Định về phòng mạch (nay nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai). Ba mẹ con bà  ở lại thành phố bị chiếm đóng, sống qua ngày bằng tiền cho thuê phòng mạch cũ. Danh tiếng BS Phạm Ngọc Thạch để lại khiến phòng mạch luôn đắt khách, dù họ biết người khám chữa bệnh là một bác sĩ khác.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch gặp con trai và vợ ở Pháp.

Thi thoảng, Marie Louise nhận được thư chồng gửi về. Dù không theo chồng vào chiến khu, bà lặng lẽ đi theo con đường của chồng bằng cách rất riêng của bà. Bà giấu những chiến sĩ biệt động thành trong phòng mạch, tìm cách chữa lành vết thương và tìm cách đưa họ ra ngoài.  Thi thoảng, bà hóa trang thành một phụ nữ Nam Bộ, trong bộ quần áo bà ba, dắt díu hai con lên Thủ Dầu Một thăm chồng.

Trong ký ức Alain Phạm Ngọc Định, anh nhớ như in những ngày “mạo hiểm” được mẹ đưa đi thăm cha. Anh kể: “Mẹ tôi ngủ lại nhà một nông dân, trên bộ ván. Bà con thỉnh thoảng tìm cách xem mặt “bà đầm”. Họ nói với nhau về đôi chân rất trắng của mẹ tôi. Vậy mà đôi chân đẹp của mẹ đã dám lội bộ xuyên qua cánh đồng nứt nẻ mấy cây số để được gặp cha tôi.

Gặp lại nhau, cha tôi ôm chặt mẹ. Còn mẹ tôi lúc ấy hết sức đa cảm, chỉ biết gục đầu vào vai cha tôi òa khóc như đứa trẻ. Nhưng những chuyến đi thăm ấy thưa dần, bởi tình hình ngày càng căng thẳng...”. Thấm thoát mà đã 5 năm trôi qua, cuộc kháng chiến vẫn tiếp diễn, Marie Louise mỏi mòn trông đợi. Bà giằng xé với ý nghĩ ở lại Việt Nam và trở về nước Pháp. Bà hiểu BS Phạm Ngọc Thạch sẽ cảm thông cho quyết định của bà khi mang hai con về Pháp. Bà mong muốn hai con bà được sống và lớn lên trong một hoàn cảnh thuận lợi hơn ở Việt Nam...--PageBreak--

Nhưng ngay sau khi đưa hai con về lại quê hương, Marie Louise đối mặt với muôn vàn đắng cay, nghiệt ngã. Tất cả dường như đều đóng lại với người phụ nữ đơn thân nuôi hai con nhỏ dại. Do BS Phạm Ngọc Thạch trở thành một thành viên cao cấp của Chính phủ kháng chiến ở Nam Bộ,  hàng triệu đồng tiền Đông Dương của bà ở ngân hàng bị đóng băng.

Không nhà cửa, không một xu dính túi, không tìm được việc làm, bị những người xung quanh kỳ thị vì là vợ của một “tay trùm cộng sản”, bà chới với trong cô đơn. Bà lục tìm lại trong đống giấy tờ tùy thân bằng y tá và đi tìm việc. Nhưng do bà nghỉ việc khá lâu, các bệnh viện từ chối nhận bà. Vậy là để trở lại nghề y tá, bà phải mất một thời gian khá dài để học lại. Nhưng trước mắt, mấy mẹ con Marie Louise cần phải sống.

Bà nhận giặt ủi, lau nhà cho các gia đình ở ngoại ô Paris. Thoạt đầu, nhiều người không tin bà có thể làm được công việc lao động chân tay khó nhọc. Bà chấp nhận làm công với giá rẻ để được mướn. Sự tận tụy, thương khó, khéo léo của bà dần dần thuyết phục được những người chủ nhà khó tính. Hai con bà được gửi đến trường học. Khi cuộc sống tạm ổn, bà thu xếp học lại ngành y tá, rồi được nhận vào làm việc trong một bệnh viện ở Nice. Những năm tháng ấy đối với Alain Phạm Ngọc Định thật đáng nhớ. Anh kể:

“Mẹ tôi khi ấy là một phụ nữ xinh đẹp, có rất nhiều người đàn ông giàu có, thành đạt theo đuổi. Nhưng mẹ đã từ chối họ, dành trọn tình thương yêu cho chúng tôi. Mẹ luôn mang theo bên mình bức ảnh của cha. Mẹ không trách cha, không hối hận vì đã chọn lựa cha vì bà biết ông là một người yêu nước, đang dốc sức phụng sự cho Tổ quốc. Mẹ yêu cha nên yêu lý tưởng mà cha đã dấn thân, chọn lựa.

Trong một cách nhìn nào đó, mẹ tôi còn “cộng sản” hơn bất cứ người “cộng sản” nào mà tôi được biết. Đâu ai biết được những nhọc nhằn, tủi cực mà mẹ tôi đã trải qua. Vì vậy, hay tin ngày Việt Nam được hòa bình, thống nhất; mẹ tôi nói trong nghẹn ngào, nước mắt: “Đất nước Việt Nam được độc lập, được giải phóng, được thống nhất; tôi rất vui mừng vì mơ ước của chồng tôi đã trở thành hiện thực. Hòa bình, cả nước hân hoan, vui vẻ nhưng tôi mất người chồng. Hai con tôi đã mất cha. Vĩnh viễn, tôi không được gặp lại chồng tôi...”.

Lễ truy điệu Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch tại Hà Nội.

Vì nỗi đau mất chồng quá lớn mà khi nhận được tin chồng hy sinh, bà dường như kiệt sức, không thể bay sang Hà Nội cùng hai con là Alain Phạm Ngọc Định và Colette Phạm Thị Như Mai dự lễ truy điệu BS Phạm Ngọc Thạch. Cũng không ai hiểu được những khó khăn, nghiệt ngã, cô đơn mà bà phải chịu đựng.

Nhắc đến mẹ, anh Định không ngăn được những dòng nước mắt thương cảm: “Trong đáy lòng, tôi biết mẹ không hề muốn chia xa cha. Nhưng do hoàn cảnh phức tạp của  đất nước thời đó, mẹ đành phải đưa chúng tôi về Pháp. Ở Pháp, ngay cả trong lúc cuộc sống còn khó khăn, mẹ vẫn tìm mọi cách giúp đỡ quyên tiền ủng hộ, thuốc men gửi về Việt Nam. Một số người phe đối lập đã đặt mìn trước cơ quan mẹ làm việc, may là mẹ không gặp nguy hiểm. Mẹ nuôi niềm tin, hy vọng mãnh liệt sẽ gặp lại cha, cả gia đình rồi sẽ được đoàn tụ, được sống lại những ngày hạnh phúc, ấm áp như thời trước cách mạng đã diễn ra. 

Những lá thư của cha tôi gửi sang Pháp là báu vật của mẹ. Mẹ cất giữ rất kỹ. Khi được tin cha đã ra miền Bắc công tác, rồi được Bác Hồ bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế, mẹ như được thổi vào luồng sinh khí mới, vô cùng phấn khởi. Mẹ nghĩ đất nước Việt Nam đã giành được độc lập, ba tôi vậy là có thể sống thanh thản, hạnh phúc cùng vợ con. Những năm tháng vô vàn khó khăn khi đưa chúng tôi quay trở lại nước Pháp, bà vẫn thường nhắc đến những ngày hạnh phúc, cuộc sống phong lưu, những ngày nghỉ cuối tuần với cha tôi ở Nha Trang, Đà Lạt...

Mẹ nghĩ với chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế, bà sẽ có một cuộc sống tốt ở Hà Nội. Vậy là mẹ thu xếp mọi thứ, bán nhà cửa ở Nice, dù lúc đó cuộc sống của chúng tôi rất ổn định, một lần nữa mẹ lại đưa hai đứa con xuyên đại dương, để được đoàn tụ cùng cha tôi ở Hà Nội. Nhưng sau những ngày ngắn ngủi gặp lại nhau, mẹ tôi hoàn toàn ngỡ ngàng. Bà không thể tưởng tượng Hà Nội lúc ấy quá khó khăn, thiếu thốn.

Nhưng điều làm mẹ tôi ngạc nhiên hơn mọi thứ chính là sự thay đổi của cha tôi. Mẹ không tin là cha tôi sống vô cùng giản dị. Cha dành tất cả cho công việc. Cha tự lái xe đi công tác, không vui lòng khi mẹ yêu cầu cha chở đi cùng một đoạn đường. Và ông giải thích đấy là xe công chứ không phải tài sản của riêng cha. Ông không thích việc mẹ tôi dùng phiếu tiêu chuẩn bộ trưởng mua những hàng thiết yếu cho gia đình... Và thời ấy, Hà Nội rất khác Sài Gòn.

Không chỉ gặp khó khăn về đời sống vật chất, mẹ tôi cũng rất lạc lõng, cô đơn. Trong khi đó, cha tôi là con người của công việc. Ông thường xuyên đi công tác xa nhà... Một thời gian sau, mẹ tôi quyết định quay trở về Pháp. Tôi biết đó là một quyết định không dễ dàng đối với bà, bởi chia xa cha, bà rất giằng xé, đau khổ. Nhưng bà biết nếu bà ở lại Hà Nội cũng sẽ khó cho cha. Cương vị công tác khiến ông trở nên rất nguyên tắc, rất “cứng” đối với vợ con.

Cha tôi là một người nổi tiếng, một anh hùng vì cư xử của ông rất tận tụy, tuyệt vời với nhân dân nhưng với gia đình, không trọn vẹn. Tôi có hơi tiếc nếu lúc ấy ông dịu dàng với mẹ hơn, giải thích cho mẹ rõ hơn về cuộc sống khó khăn ở miền Bắc. Nhưng ngay cả việc ấy, cha cũng không có nhiều thời gian.  Thực ra, lúc đó mẹ nghĩ đến tương lai của chúng tôi nữa. Tôi cần trở về Pháp để hoàn tất kỳ thi tú tài. Ở Việt Nam, việc học hành của chị em tôi gặp nhiều khó khăn, do chúng tôi không thạo tiếng Việt, mà hồi ấy ở miền Bắc không có trường quốc tế....

Lại một lần nữa Marie Louise của chúng tôi phải làm lại từ đầu. Mẹ tiếp tục công việc của một y tá trong một bệnh viện để nuôi chúng tôi ăn học. Mẹ ủng hộ những hoạt động chống chiến tranh Việt Nam, ủng hộ tiền của cho Chính phủ Hồ Chí Minh. Mắt mẹ sáng rực lên mỗi khi nhận được thư của cha. Cho đến năm 1962, nhân chuyến sang Pháp đặt quan hệ ngoại giao, cha tìm đến thăm mấy mẹ con tôi. Mẹ sững sờ trước món quà được trao tặng quá lớn. Còn tôi cứ đứng trân trối nhìn cha...”

Trầm Hương
.
.