Tranh chấp vùng Bắc cực đã bắt đầu?

Thứ Năm, 20/03/2008, 14:00
Mới đây, Cao ủy về các vấn đề chính sách đối ngoại và Cao ủy về các vấn đề an ninh của Liên minh châu Âu (EU) là ông Javier Solana và ông Ferrero Waldner đã soạn thảo một báo cáo trình Hội nghị Thượng đỉnh các nước EU, trong đó kêu gọi thống nhất quan điểm đối với vùng Bắc Cực và cùng nhau ngăn chặn, không cho phép Nga động chạm đến nguồn năng lượng dầu lửa và khí gas ở khu vực này.

Đây không phải là lần đầu tiên chính giới phương Tây công kích chính sách và hoạt động của Nga ở Bắc Cực, nhưng lần này là văn kiện chính thức được đem ra thảo luận tại cuộc gặp của các nhà lãnh đạo cao cấp nhất 27 nước EU và tháng 4 tới những vấn đề năng lượng ở Bắc Cực cũng sẽ còn được đem ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước NATO ở Bucharest. Bởi thế,  giới quan sát  cho rằng tranh chấp Bắc Cực đã bắt đầu.

Ông Javier Solana và ông Ferrero Waldner dẫn ra trong Báo cáo những hoạt động của các đội tàu ngầm Nga thăm dò tài nguyên thiên nhiên dưới sâu trong lòng đại dương Bắc Cực và sự kiện Tổng thống V.Putin biểu dương các nhà khoa học đã đặt biểu tượng nước Nga dưới đáy đại dương, ở khu vực Bắc Cực, gọi họ là những “anh hùng của nước Nga”. Hai quan chức EU này cho rằng, bằng những hoạt động đó, Nga đã quyết “chiếm lấy” nguồn tài nguyên ở Bắc Cực.

Sự thật là từ nhiều năm nay, các đội thám hiểm Nga đã tiến hành những cuộc thăm dò và khảo sát ở Bắc Cực. Năm 2007, Nga đã cho hai thiết bị “Mir-1” và “Mir-2” khoan sâu xuống đáy Bắc Cực hơn 4.000m và đặt ở đó biểu tượng lá cờ Nga bằng hợp chất titan không bị nước biển ăn mòn và han rỉ.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đội thám hiểm Nga, theo nguồn báo chí Nga, là chứng minh rằng các dải đá ngầm mang tên Lomonosov và Mendeleev kéo dài tới băng đảo Grenland ở Bắc Cực về mặt địa chất vẫn là thềm lục địa của nước Nga. Như vậy, diện tích thềm lục địa của Nga ở Bắc Băng Dương sẽ rộng thêm hơn 1.000.000 km2. Điều đó sẽ cho phép Nga quyền thực tế thăm dò nguồn tài nguyên dầu lửa và khí gas khổng lồ ở vùng tam giác Chukotka – Murmansk – Bắc Cực.

Báo cáo của J.Solana và F.Waldner cho biết, lâu nay đã có những vụ tranh chấp giữa Nga và Na Uy về vùng đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Spitsbirgergen. Thế nhưng, thật ra nguồn tài nguyên thiên nhiên nằm dưới đáy vùng biển này mới là điều quan trọng, bởi ở đó  tập trung trữ lượng rất lớn dầu lửa và khí gas mà cho đến nay chưa một nước nào tiếp cận được.

Tác giả bản Báo cáo cảnh báo rằng: “Sự ấm lên toàn cầu sẽ cho phép các mỏ ở khu vực này trở thành nguồn năng lượng quan trọng. Khi ấy có thể sẽ nảy sinh xung đột nghiêm trọng giữa Nga và Na Uy”.

Hơn thế nữa, Mỹ, Canada và Đan Mạch cũng là những đối thủ tiềm tàng tranh chấp với Nga xung quanh nguồn năng lượng dưới đáy biển Bắc Cực. Những hoạt động gần đây của Nga ở Bắc Cực đã gây lo ngại đối với nhà cầm quyền Canada vô cùng lo ngại. Ottawa ra sức bảo vệ các quyền của mình ở những hòn đảo trên biển Bắc Băng Dương và con đường lên Bắc Cực.

Cách đây không lâu, khi thông báo mua 8 tàu tuần tiễu trên biển, Thủ tướng Canada Stiveen Harper tuyên bố: “Canada sẽ không có sự lựa chọn nào khác là bảo vệ chủ quyền của mình ở Bắc Cực. Hoặc là chúng ta sử dụng Bắc Cực, hoặc là chúng ta để mất nó!”.

Tờ báo Anh The Guardian còn tiết lộ rằng, các cựu quan chức cao cấp của EU thuộc 5 nước Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Hà Lan cũng đã chuẩn bị một báo cáo để trình ra Hội nghị Thượng đỉnh các nước NATO, họp trong tháng 4 tới ở Bucharest, thủ đô Rumania.

Báo này cho rằng có thể sẽ nổ ra những bất đồng nghiêm trọng xung quanh vấn đề năng lượng ở đáy biển Bắc Cực, khi mà khí hậu trên trái đất ấm dần lên và công nghệ khai thác dầu lửa và khí gas ngày càng hiện đại.

Báo cáo của J.Solana và F.Waldner cảnh báo rằng, sự ấm lên toàn cầu sẽ dẫn đến những hậu quả chính trị khôn lường ở châu Âu, kể cả những cuộc chiến tranh giành nguồn năng lượng, những cuộc di dân hàng loạt, xuất hiện những “quốc gia phá sản” và chính sách của một số nước trở nên cấp tiến hóa.

Khi ấy sẽ càng tăng thêm xung đột giữa các nước phương Tây giàu có và các nước phương Nam nghèo đói, bởi sự ấm lên toàn cầu về cơ bản là do hoạt động của các nước giàu có ở phương Bắc và phương Tây, trong khi đó các nước nghèo đói ở phương Nam lại phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực của sự thay đổi môi trường.

Sự ấm lên toàn cầu làm tan băng ở Bắc Cực và việc phát minh sáng chế nhiều công nghệ tiên tiến khai thác dầu khí ở những vùng mà từ xưa đến nay con người chưa thể động tới, có thể sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường.

Các nhà khoa học cho rằng do khí hậu thay đổi, đến năm 2050 những tàu biển thông thường có thể vượt qua Bắc Cực, nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Và từ nay đến đó, các công ty siêu quốc gia cũng như các nước ven bờ Bắc Băng Dương sẽ chạy đua, giành giật nhau trong việc thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên vô cùng phong phú ở Bắc Cực, mà trước hết là dầu khí.

Theo những số liệu mới nhất của các nhà địa chất, trữ lượng gas ở khu vực Bắc Cực có thể chiếm tới 80% toàn bộ trữ lượng trên trái đất, còn trữ lượng dầu mỏ ở đó khoảng 500 tỉ thùng. Ngoài ra, ở Bắc Cực có thể có cả những mỏ với trữ lượng lớn kim cương, bạch kim (platin), niken, thiếc và vàng

Ngô Gia Sơn (theo Pravda)
.
.