Kỷ niệm 53 năm ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/1954):

Trung đoàn 57, sư đoàn 304 - Đơn vị đầu tiên tiếp quản Hà Nội

Thứ Hai, 08/10/2007, 23:20
Thật chưa công bằng, vào dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô chỉ nhắc tới các trung đoàn thuộc Sư đoàn 308 vào tiếp quản, với cờ hoa và nhân dân Hà Nội hân hoan chào đón. Còn đơn vị vào trước đại quân, tiếp nhận sự bàn giao của quân đội Pháp thì lại ít khi được nhắc tới. Đơn vị  đó chính là Trung đoàn 57, Sư đoàn 304.

Ngoài các cán bộ thuộc Ủy ban Đình chiến Trung ương do đồng chí Đặng Tính, Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu cùng một số cán bộ vào trước hợp đồng quy chế tiếp quản với quân đội Pháp; phải kể tới Trung đoàn 57, Sư đoàn 304 đơn vị đầu tiên vào tiếp nhận sự bàn giao của quân đội Pháp và liên hệ với cơ sở nội thành ngày mồng 9/10/1954, để hôm sau đại quân tiến vào Hà Nội an toàn, trang nghiêm.

Tiền thân của Trung đoàn 57 là Đội tự vệ đỏ, Cách mạng thành công, trở thành Chi đội Đội Cung, rồi phát triển thành Trung đoàn. Đơn vị chốt giữ Hồng Cúm, xây dựng trận địa cánh cung cắt rời Phân khu Hồng Cúm với Phân khu Trung tâm. Trung đoàn còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngăn chặn không cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ rút chạy sang Lào.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Trung đoàn rút về hoạt động ở hai tỉnh Hà Đông, Sơn Tây. Những trận đánh của Trung đoàn đã giải phóng phần lớn đất đai, nhân dân thuộc hai tỉnh này.

Lệnh ngừng bắn ban hành lúc 0 giờ ngày 22/7/1954, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Cận, Trung đoàn được lệnh về chốt ở  khu vực Chúc Sơn (Hà Đông), làm mọi công tác chuẩn bị; tăng cường cho Sư đoàn 308 tiếp quản Hà Nội.

Trước đó, đơn vị đã cử một số cán bộ cùng Ủy ban Đình chiến Trung ương thống nhất quy chế tiếp nhận sự bàn giao cụ thể từng cứ điểm, từng đồn, bốt, từng khu kinh tế, khu công nghiệp, bến cảng, sân bay... quân Pháp chiếm đóng.

Quy chế cụ thể như sau: Trong ngày 9/10/1954, theo giờ hẹn, mỗi cứ điểm của quân Pháp đều có mặt sĩ quan chỉ huy đứng đón. Sĩ quan ta ký giấy tiếp nhận  bàn giao. Chiến sĩ ta cũng tiếp nhận bàn giao, nhận vị trí đóng quân và thay thế đứng gác. Lính Pháp bồng súng chào và rút theo sĩ quan của họ.

Sáng ngày 9/10/1954, Tiểu đoàn 346, do đồng chí Hoàng Bình, Tiểu đoàn trưởng theo hai đường từ Hà Đông vào tiếp quản Sân bay Bạch Mai, Đồn Vĩnh Tuy. Quân Pháp cho viên quan tư, một viên quan ba và một đại đội bộ binh đi xe Jeep và xe vận tải, đón quân ta ở ga xe điện Cầu Mới (Nhà máy Cơ khí Trung quy mô).

Lúc này, địch còn đóng ở Ngã Tư Sở, kiểm soát đường Tàu Bay (đường Trường Chinh), không cho dân hé cửa xem bộ đội ta và cho xe bọc thép gào rú dọc đường.

Cả hai bên ta và Pháp vào nhà để máy bay thuộc Sân bay Bạch Mai làm biên bản bàn giao. Khá đông các nhà báo nước ngoài tới dự. Họ chú ý chụp ảnh sĩ quan, chiến sĩ ta. Tại đây, ta tiếp quản 21 vọng gác, cứ điểm địch. Sáng hôm sau mồng 10/10, Tiểu đoàn 346 lại cử một trung đội sang tiếp quản Bệnh viện Bạch Mai.

Cũng sáng ngày 9/10, Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Cầm chỉ huy tiếp quản khu vực Bưởi. Tiểu đoàn tiếp quản Trường Bưởi (Trường Chu Văn An), Quần Ngựa, Nhà máy da Thụy Khuê, sau đó hội tụ ở các làng Trích Sài, Đông Hồ, Đông Xá. Tới nơi nào, bộ đội cũng được nhân dân trìu mến đón tiếp và hoan nghênh.

Sáng 10/10/1954, Tiểu đoàn 265 của Trung đoàn 57 do Chính trị viên Lâm Phúc chỉ huy tiếp nhận sự bàn giao của quân Pháp ở đồn Cầu Giấy. Trước cổng đồn Cầu Giấy có 4 lính da đen khoác súng tiểu liên đứng gác, 2 chiếc xe tăng trong sân quay nòng pháo ra phía cổng, rú máy.

Nguyễn Hiền (khi đó là Trưởng tiểu ban Tuyên huấn Trung đoàn) được phái xuống làm phiên dịch cho Lâm Phúc cùng 2 chiến sĩ, khoác 2 khẩu tiểu liên, tiến thẳng vào đồn. Lâm Phúc cầm 2 bông hoa cắm vào nòng súng của 2 tên lính da đen. Anh nói: “Chiến tranh đã kết thúc, mừng các bạn sắp được đoàn tụ cùng gia đình”.

Hai tên lính lúng búng câu gì đó, rồi chúc nòng súng xuống đất.

Một viên đại úy Pháp cùng một tiểu đội lính bồng súng ra cổng đón. Viên đại úy giơ tay lên mũ chào và tự giới thiệu là đồn trưởng. Đồng chí Lâm Phúc được giới thiệu là quan tư tới nhận sự bàn giao của quân Pháp. Lâm Phúc nghiêm nét mặt, hỏi:

- Tại sao đón khách, các anh lại cho xe tăng gào rú?

- Thưa đó là thủ tục nghi lễ của quân đội Pháp khi đón khách.

Cuộc bàn giao diễn ra trong khoảng 10 phút. Khi quân Pháp lên xe rút đi, cả rừng hoa, rừng cờ đỏ sao vàng xuất hiện. Cờ hoa trên tay người, trên nóc nhà, trên ban công, cửa sổ...

Mấy giờ sau, các đơn vị bộ binh cơ giới của Sư đoàn 308 rầm rầm tiến vào tiếp quản thủ đô Hà Nội.

- Nhận bàn giao của quân đội Pháp ở Cầu Giấy xong, Tiểu đoàn 265 để một bộ phận ở lại, rồi hành quân tiếp qua Kim Mã, Ngọc Khánh. Một đại đội đóng ở gò Đống Đa, một đại đội đóng ở Nhà Đấu Xảo (Cung Văn hóa Hữu Nghị) và ga Hà Nội.

Như vậy, ngày mồng 9 và cả sáng sớm ngày 10/10 trước khi đại quân tiến vào Thủ đô, Trung đoàn 57, Sư đoàn 304, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận sự bàn giao của quân đội Pháp, ở vòng cung phía bắc, phía tây và tây nam Hà Nội

Trần Kỳ
.
.