Truy tìm cái giả trong bộ hồ sơ nội gián thật

Thứ Sáu, 19/08/2016, 09:35
"Trong tất cả các cuộc chiến tranh (chính nghĩa-phi nghĩa), từ cổ chí kim, chắc không bên nào không sử dụng "ngón đòn" bí mật: "đánh" người (cài cắm người) vào nội bộ đối phương để điều tra thu thập tin tức tình báo.

Với đặc thù chiến tranh Việt Nam (giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ), hoạt động này có thể nói là đứng đầu thế giới cả về số lượng cũng như thủ đoạn mà đối phương sử dụng để chống Đảng Cộng sản nhằm thôn tính Việt Nam.

Với quá trình trên 40 năm hoạt động cách mạng, trong đó có trên 30 năm công tác trong lực lượng An ninh (thuộc Bộ Công an) ở một đơn vị trinh sát tiếp xúc với nhiều hồ sơ nội gián của địch, nhân kỷ niệm truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng An ninh (12/7/1946 - 12/7/2016), tác giả bài viết này xin kể lại một việc liên quan tới lĩnh vực trên".

Nhận dạng đội quân bí mật của chính quyền Sài Gòn trước ngày 30-4-1975

Với cuộc tiến công như vũ bão của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mở màn từ Cao nguyên Trung Phần và kết thúc tại Sài Gòn, Chính quyền Nam Việt Nam và quân lực "Việt Nam Cộng hòa" từ chỗ "tùy nghi di tản" - bỏ dần các vùng chiến thuật, "tử thủ Xuân Lộc", "Cố thủ Sài Gòn"… để tới trưa 30 tháng 4, Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Huấn thị kiện toàn tổ chức Kế hoạch Phụng Hoàng do Trần Thiện Khiêm - Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội vụ - chính quyền Sài Gòn ký.

Sài Gòn và nhiều thành phố, thị trấn, thị xã giành chiến thắng trong khung cảnh gần như nguyên vẹn. Một đặc điểm hiếm gặp trong các cuộc chiến tranh.

Có một thứ "tài sản vô giá" họ để lại, đó là hàng vạn mét khối hồ sơ mà trong đó liên quan tới sinh mạng chính trị hàng triệu con người, đặc biệt là trong đó ẩn chứa hàng nghìn hồ sơ mật báo viên nội gián mà họ đã dày công xây dựng phục vụ cho yêu cầu trước mắt cũng như cho âm mưu hậu chiến lâu dài.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) chỉ đạo thành lập ngay một đơn vị chuyên trách nhằm phân loại, nghiên cứu khối lượng hồ sơ trên. Nhiệm vụ đó được giao cho Cục Bảo vệ An ninh Nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng (A25) vừa trực tiếp nghiên cứu và hướng dẫn công an các địa phương phối hợp thực hiện.

Kết quả bước đầu, phối kiểm với các nguồn tin của lực lượng An ninh Giải phóng thu thập từ trong chiến tranh cho thấy: Tại chiến trường miền Nam có 4 đơn vị của đối phương được giao nhiệm vụ cài cắm mật báo viên trong vùng giải phóng của ta theo phương thức "kéo ra-đánh vào". Đó là: Phủ đặc ủy Trung ương tình báo, An ninh quân đội, Cảnh sát đặc biệt và Biệt đội sưu tập (ở miền Trung). Sau Mậu thân (1968), họ hình thành thêm một tổ chức mới với tên gọi "KẾ HOẠCH PHỤNG HOÀNG" theo sắc lệnh số 280-A/TT/SL ngày 01 tháng 7 năm 1968 do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ký với mô hình tổ chức 4 cấp: Ủy ban Phụng hoàng Trung ương; Ủy ban Phụng hoàng vùng chiến thuật; Ủy ban Phụng hoàng cấp tỉnh đô thành; Trung tâm phối hợp Tình báo và hành quân cấp quận. Với nhiệm vụ "điều động một cách hữu hiệu các Cơ quan an ninh, tình báo trong công tác khám phá và loại trừ hạ tầng cơ sở cộng sản".

Để KẾ HOẠCH PHỤNG HOÀNG phát huy hiệu quả, họ "sắm" ra một lực lượng có tên là "Thiên Nga", tuyển những cô gái có nhan sắc, thông qua một lớp đào tạo nghiệp vụ rồi tung vào vùng giải phóng thu thập tin tức tình báo và đầu độc, ám sát cán bộ của ta.

Sau một thời gian tập trung lực lượng, khẩn trương nghiên cứu, lực lượng khai thác hồ sơ địch để lại đã phát hiện hàng trăm đối tượng là "mật báo viên" địch đã cài cắm vào nội bộ ta, đồng thời minh oan cho nhiều trường hợp là cán bộ, chiến sĩ của ta bị địch bắt, quần chúng có công với cách mạng mà địch đã dựng hồ sơ giả để vô hiệu hóa, góp phần giữ vững an ninh nội bộ, an ninh trên lĩnh vực Tư tưởng-Văn hóa.

Nhiệm vụ khẩn cấp

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Cục A25 được lãnh đạo Tổng cục An ninh giao cho một nhiệm vụ khẩn cấp và ý kiến chỉ đạo: "Cần thẩm tra, xác minh nội dung lá đơn "kêu cứu" của một công dân ở một tỉnh miền Trung (vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn trong kháng chiến) gửi Chủ tịch nước. Chọn một số cán bộ có kinh nghiệm để thực hiện và báo cáo kết quả gấp". Người đứng đơn là bà Nguyễn Thị M..

Đã nhiều năm được hưởng chế độ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, vừa bị Cơ quan chức năng địa phương cắt toàn bộ chế độ, vì có tài liệu bà M. là "Mật báo viên của địch". Khẩn trương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, đơn vị lập 2 tổ công tác. Một tổ ở Hà Nội tìm và nghiên cứu trong kho hồ sơ lưu trữ do đơn vị quản lý; một tổ vào miền Trung phối hợp công an địa phương trực tiếp thẩm tra, xác minh.

Chỉ sau một tuần lễ đã có đủ tư liệu để đi tới kết luận: Tài liệu bà M. là mật báo viên của địch mà cơ quan chức năng địa  phương sử dụng là tài liệu thật. Có thể nói là thật 100%, bởi nó hàm chứa đầy đủ họ tên, năm sinh, quê quán... Với bí số "X2…" do cảnh sát cấp quận (huyện) thuộc lực lượng cảnh sát chính quyền Sài Gòn xác lập, có đóng dấu hẳn hoi. Đặc biệt có dấu vân tay của đương sự (trùng hợp với dấu vân tay trong chứng minh thư của bà M.).

Ngoài tài liệu (quyết định tuyển dụng) nêu trên, bộ phận lưu trữ hồ sơ thu được của địch để lại còn cung cấp thêm 2 tập tài liệu để phối kiểm. Đó là tập hồ sơ cá nhân của mật báo viên "X2…" (đầy đủ lý lịch cá nhân) và tập hồ sơ công tác (gần 10 báo cáo viết tay của "X2…" phản ánh về hoạt động của Việt cộng ở địa phương giai đoạn đầu những năm 70 của thế kỷ trước). Chừng đó chứng cứ, có thể nói là đủ yếu tố kết luận.

Song, có một chi tiết phi lý do phương châm nghề nghiệp là THẬN TRỌNG đã giúp chúng tôi nhận ra rằng: Trong hồ sơ cá nhân, mục trình độ văn hóa ghi mật báo viên "X2…" không biết chữ. Vậy, cớ sao trong hồ sơ công tác lại có gần 10 báo cáo viết tay? Câu hỏi này phải lần về quá khứ từ trước ngày miền Nam giải phóng để tìm lời giải đáp. Tổ công tác miền Trung phối hợp với công an địa phương đi tìm manh mối gỡ rối.

Theo lời tường trình của người chỉ huy trực tiếp lưới điệp báo "X2…", ông ta cho biết, thời đó chiến trường rất ác liệt, gia đình "X2…" có chồng và 2 con làm "Việt cộng". Theo chủ trương của quan trên, những gia đình như thế, hằng tuần đều phải kêu lên quận trình diện vài ba lần. Bộ phận Cảnh sát đặc biệt của ông ta có một người là cháu, kêu X2… bằng dì, người ấy bàn với ông ta xem có cách nào để giảm bớt nỗi cực cho bà dì và 2 người đã thống nhất một kế hoạch tuyệt mật, chỉ có 2 người biết.

Cứ gọi là "sống để dạ - chết mang theo" - cấp trên của ông ta, kể cả bà M. - nhân vật chính trong kế hoạch ấy cũng không được biết. Đó là tuyển bà M vào mạng lưới mật báo viên của cảnh sát quận với bí số "X2…". Hồ sơ do họ làm, "X2…" chỉ việc điểm chỉ vào là xong. Khi lấy vân tay họ phải nói dối bà M rằng "đây là giấy bảo lãnh của chúng con với cấp trên để từ nay hằng tuần dì không phải lên quận trình diện nữa". "X2…" trở thành mật báo viên kể từ ngày Quận trưởng phê chuẩn và được hưởng chế độ lương hàng tháng từ đó. Tất nhiên số tiền đó họ chia nhau tiêu xài, trời cũng không biết!

Khi hỏi người chỉ huy mạng lưới về những báo cáo trong tập hồ sơ công tác của "X2…", ông ta khẽ cười, phân trần: "X2… là mật báo viên giả, lại mù chữ, tất cả những báo cáo đưa vô hồ sơ là chúng tôi viết và  ký tên "X2…". Thông tin đưa vô báo cáo là cắt xén bớt từ báo cáo của những mật báo viên thiệt. Tuần nào nhân viên trong mạng lưới ít thông tin thì chúng tôi lượm lặt tin dư luận xã hội hoặc bịa ra để đưa vô báo cáo".

Tất cả tình tiết nêu trên, đã đủ yếu tố kết luận vụ hồ sơ mật báo viên "X2…" là hồ sơ thật do Cảnh sát đặc biệt của chế độ Sài Gòn xác lập. Song, nó hàm chứa nội dung hoàn toàn giả tạo nên mới gây ra sự việc đáng tiếc trên. Chúng tôi tập hợp báo cáo gấp lên lãnh đạo Tổng cục An ninh và lãnh đạo Bộ Công an để Bộ báo cáo khẩn cấp Chủ tịch nước. Và, Chủ tịch nước đã chỉ thị cho lãnh đạo địa phương phục hồi ngay chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước ta cho bà M. - bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc từ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Song, đối với lực lượng An ninh cả nước thì cuộc chiến chống đội quân ngầm (nội gián) - nó được xây dựng từ các đơn vị đặc biệt của chính quyền Sài Gòn trước đây và phát triển thành cao trào từ giai đoạn đối phương đẩy mạnh kế hoạch hậu chiến thì còn phải tiếp tục nhiều năm sau, nhiều thập niên sau, nó trở thành nhiệm vụ mang ý nghĩa chiến lược góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc an ninh nội bộ, đưa đất nước phát triển trong tiến trình đổi mới.

Khổng Minh Dụ
.
.