Từ Hội nghị Yalta đến cuộc khủng hoảng đầu tiên của Chiến tranh Lạnh:

“Vittles” – Chiến dịch cao bồi

Thứ Tư, 06/09/2017, 13:45
Như các bài trước đã đề cập, nội dung phần nghị sự quan trọng của hai hội nghị Yalta và Potsdam là quyết định số phận của những vùng lãnh thổ thuộc nước Đức bại trận. Theo đó, phe Đồng minh chia nước bại trận thành "4 vùng nằm dưới sự kiểm soát".

Phần phía đông của nước Đức thuộc về Liên Xô, trong khi phần phía tây thuộc về Mỹ, Anh và Pháp. Dù thủ đô Berlin và vùng phụ cận nằm hoàn toàn trong vùng Liên Xô kiểm soát (cách ranh giới giữa các vùng cai quản đông và tây hơn 160 km), các hiệp định Yalta và Potsdam cũng chia thành phố thành những phần tương tự: Liên Xô cai quản nửa phía đông, còn các nước Đồng minh khác kiểm soát phần phía tây.

Như vậy có thể hình dung rằng, vùng Tây Berlin được kiểm soát bởi liên quân Anh-Pháp-Mỹ nằm lọt thỏm bên trong khu vực của Liên Xô. Bắt đầu từ tháng 6-1945, việc chiếm đóng 4 bên ở Berlin được tiến hành, nhưng vì khi chia các vùng chiếm đóng, thỏa thuận về các tuyến đường giao thông dường như bị bỏ qua.

Đến tháng 11-1945, 3 đường bay từ Hamburg, Hannover và Frankfurt  tới Berlin với bề rộng 32 km là có một hợp đồng rõ ràng, theo đó các nước đồng minh phương Tây được tự do dùng tuyến đường trên không này.

Tuyên chiến

Bước sang năm 1946, trong Hội đồng Liên minh kiểm soát- gồm bốn tướng Tư lệnh bốn vùng quân quản- đã bắt đầu nảy sinh những ý kiến bất đồng. Đất nước Liên Xô bị chiến tranh tàn phá nặng nề nên giới lãnh đạo muốn phần đất Đức thuộc Liên Xô phải chuyên về nông nghiệp, không phát triển kỹ thuật hay công nghiệp vì đây là những thành tố khôi phục sức mạnh quân sự.

Nhân danh "tinh thần Hội nghị Postdam", hầu hết những nhà máy, công xưởng của người Đức phải tháo dỡ đem về lắp ráp lại ở Liên Xô. Những nhà máy hay xí nghiệp kỹ nghệ nào có dây chuyền sản xuất, thiết bị không tháo gỡ được thì được đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Liên Xô.

Thành phố Berlin thời kỳ dưới sự kiểm soát của các nước Liên Xô-Mỹ-Anh-Pháp.

Phía Mỹ-Anh thì muốn ổn định một châu Âu trong trật tự cộng thêm với mối lo ngại rằng, vì tinh thần quốc gia và dân tộc, nếu người dân Đức cảm thấy quá nhục nhã khi phải sống trong quy chế quân quản của các Đồng minh có thể ngả về mô hình xã hội Cộng sản chủ nghĩa nên không tán thành chương trình xóa bỏ kỹ nghệ của nước Đức. Quan điểm này theo cách suy xét của lãnh đạo Liên Xô thì "đồng minh" Mỹ-Anh-Pháp đang thay đổi chiến lược, đang muốn tái dựng một nước Đức (và một quân đội Đức) đủ mạnh để có thể đương đầu rồi… phục hận.

Tháng 4-1947, hội nghị 4 nước nhóm họp tại thủ đô Moscow với George Marshall - nguyên Tổng tham mưu trưởng lục quân và bấy giờ là Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Anh Bevin, Bidault của Pháp và Molotov của Liên Xô hoàn toàn thất bại; không sao tìm được sự đồng thuận cho giải pháp quản trị một nước Đức trong tương lai.

Trong cố gắng tìm ra tiếng nói chung, đại diện 4 nước tiếp tục nhóm họp tại London vào tháng 12 cùng năm nhưng kết quả vẫn không gì thay đổi. Cựu Tướng Marshall sau hội nghị này tuyên bố: "Chúng ta ngày nay chắc chắn rằng không thể hy vọng có một nước Đức thống nhất. Vậy thì, bằng mọi giá phải nỗ lực làm tất cả những gì chúng ta làm được trong khu vực chúng ta có ảnh hưởng".

Tháng 2-1948, hai đồng minh Anh-Mỹ đã âm thầm thông qua "Hiến chương Frankfurt" thỏa thuận hợp nhất hai vùng dưới sự kiểm soát của họ thành một, gọi là Vùng đôi (bizone), cho ra đời một hội đồng kinh tế dưới sự lãnh đạo của Ludwig Erhard, với danh xưng Thống đốc tỉnh Bayern.

Ngày 7-3-1948, các nước Đồng minh tiếp tục tiến hành Hội nghị London đưa ra nghị quyết hợp nhất ba vùng chiếm đóng phía Tây thành một chính quyền liên bang độc lập. Nguyên soái Vasili Sokolovski, người thống lĩnh quân đội Liên Xô ở Đức hoàn toàn không nhận được thông báo về hội nghị này, vì thế ông quyết định triệt thoái thành phần quân sự Liên Xô khỏi Hội đồng Liên minh kiểm soát.

Không có sự thỏa thuận với Liên Xô, tại các vùng thuộc quyền kiểm soát của các nước phương Tây ra thông báo sẽ tiến hành thay đổi tiền tệ. Tiền Reichsmark (đồng mác đế chế Đức) hầu như không còn giá trị được đổi thành Deutschemark (đồng mác Đức) và có giá trị lưu hành trong toàn ba vùng Tây Đức. Đối với nhà lãnh đạo Stalin của Liên Xô, việc này không khác gì một sự tuyên chiến.

Vào 6 giờ sáng ngày 24-3-1948, tất cả các tuyến đường xe lửa, đường thủy để giao thông giữa các vùng chiếm đóng phía Tây và Berlin bị chặn lại, việc lưu thông chỉ còn thông qua đường hàng không tới Tây Berlin. Sang ngày 1-4, Nguyên soái Vasili Sokolovski ra lệnh đóng cửa biên giới trong ngắn hạn như một cách phản ứng của Liên Xô trước hành động của các nước phương Tây đã vi phạm Hiệp ước Postdam.

Phong tỏa Tây Berlin

Chính phủ của 3 nước phương Tây tuy đã tính tới phản ứng của Liên Xô về việc họ tự ban hành chính sách tiền tệ, nhưng không lường đến việc Tây Berlin bị phong tỏa. Cũng như mọi thành phố trung tâm khác, thực phẩm và nhiên liệu là 2 nguồn cung ứng mà Berlin phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài thế nhưng Mỹ-Anh-Pháp vẫn quyết định tiếp tục "chính sách cải cách" của mình.

Ngày 20-6, trong một bước tiến quan trọng hướng tới việc thành lập một chính phủ Tây Đức, tiền mới được lưu hành với giá trị quy đổi 1 đồng mác mới ăn 10 đồng tiền cũ. Ban quân quản Liên Xô ra lệnh cấm lưu hành đồng tiền mới trong khu vực của họ, đồng thời ra lệnh dừng tất cả những chuyến xe lửa và ôtô chở khách từ Berlin sang phía Tây từ nửa đêm ngày 21-6-1948.

6 ngày sau, tuyến xe lửa chở thực phẩm chạy từ Helmstedt đến Berlin bị dừng lại do "trục trặc kỹ thuật và đường sắt cần được sửa chữa", 100 mét đường ray bị tháo dỡ. Bây giờ liên minh Mỹ-Anh- Pháp phải quyết định: tiếp tục giữ Tây Berlin hay cứ phó mặc cho Liên Xô.

Tướng Lucius D. Clay, Toàn quyền quân sự Mỹ, nhất quyết giữ Tây Berlin. Lucius D. Clay gửi điện khẩn về Nhà Trắng đề nghị dùng một đoàn xe tăng để phá các chướng ngại vật phong tỏa. Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman lo sợ không chóng thì chầy sẽ bùng nổ xung đột nên không chấp thuận.

Hoạt động xếp, chuyển hàng tại sân bay quân sự Rhein-Main.

Đêm 23-6-1948 nguồn điện cung cấp cho Tây Berlin từ nhà máy điện Zschornewitz bị đóng lại. Sáng ngày 24-6 tất cả các ngả lưu thông bằng đường bộ, xe lửa hay đường thủy giữa Tây Berlin và các vùng quân Mỹ-Anh chiếm đóng đều bị ngăn chặn. Vì Berlin phần lớn vẫn còn là một đống tro tàn gạch vụn, ở Tây Berlin lúc đó có khoảng 2,2 triệu dân, chưa kể lực lượng quân đội liên minh Mỹ-Anh-Pháp, đã phải lệ thuộc hoàn toàn vào việc tiếp tế từ bên ngoài.

Thiếu tướng không quân Rex Waite của Không quân Hoàng gia Anh lúc ấy nảy ra kế hoạch tiếp tế cho quân đội mình cũng như dân chúng Berlin bằng một cầu không vận qua 3 đường bay từ Hamburg, Hannover và Frankfurt trong khi các máy bay Liên Xô tuần tiễu dày đặc hai bên hành lang bay này.

Tướng Lucius D. Clay lập tức nhấc điện thoại hỏi thiếu tướng không quân Curtis LeMay: "Anh có thể chở than bằng máy bay không?". LeMay đáp: "Thưa ngài, Không quân có thể chở mọi thứ". LeMay gác máy và bắt đầu suy nghĩ về nhiệm vụ lập cầu không vận xuất phát từ vùng chiếm đóng của Mỹ đến Berlin, cung cấp nhu yếu phẩm cho hơn 2,5 triệu người.

Đó là một thử thách to lớn, nhưng không ai từ tổng thống Truman trở xuống mong rằng, Bộ Tư lệnh Không quân Châu Âu (USAF command) của LeMay có thể đáp ứng yêu cầu đó. Trong tay LeMay hiện có 102 chiếc C-47 và 2 chiếc C-54. Mỗi chiếc C-47 chở 3 tấn hàng , còn C-54 là 10 tấn. Có một sân bay của Mỹ ở Templehof, một của Anh ở Gatow. Không lực Hoàng gia Anh RAF có một số chiếc C-47.

Tận dụng tất cả những gì mình có, những chiếc máy bay đầu tiên của không quân Mỹ bay tới sân bay Berlin-Tempelhof  được cho là diễn ra vào ngày 23-6-1948. Phi công dân sự Jack O. Bennett kể lại là máy bay của ông đã chở gần 3 tấn khoai tây tới Berlin, tuy nhiên đây là một chuyến bay thường lệ của quân đội. Ngày 25-6, tướng Clay ra lệnh chính thức mở cầu không vận, chiến dịch "Vittles" bắt đầu với 80 tấn hàng tiếp tế Berlin vào ngày 26-6. 2 ngày sau, RAF cũng vào cuộc.

Đội đặc nhiệm cầu không vận ATF

Ngày 23-7, Đội đặc nhiệm cầu không vận ATF được thành lập bởi Binh chủng không vận quân sự (MATS). MATS nhanh chóng triển khai 8 liên đội hàng không C-54 Skymaster với 72 máy bay tới Đức. Thiếu tướng William H.Tunner bay đến Đức để nhận sự bàn giao từ LeMay. "Tôi chờ đợi màn trình diễn của ông", LeMay nói. Tunner đáp lại không chần chừ: "Tôi đang dự tính làm nó đây".

Tướng Tunner sau này tả lại "tình hình lúc đó đúng là một chiến dịch kiểu cao bồi". Phi hành đoàn và đội mặt đất không được lên kế hoạch kỹ, những chiếc C-47 tỏ ra là những phương tiện cổ lỗ; hiệu quả thấp, thời gian bảo trì thấp, hiệu năng của những tuyến bay rất hạn chế. 7 sân bay Liên Xô bao quanh Berlin, trong khi Templehof và Gatow chỉ cách nhau 4 phút bay.

Không đủ chỗ để xoay trở trong khoảng không chờ hạ cánh nằm ngay phía trên mỗi sân bay, thậm chí Templehof còn không có đường băng, các phi công Đức trước đây cất cánh trên… đồng cỏ nên người ta phải lát thêm những tấm thép dã chiến. Tunner nhận ra rằng, sẽ dễ dàng điều hành hơn nhiều khi sử dụng một số lượng ít hơn những máy bay lớn hơn và tận dụng tối đa số lần thực hiện hành trình.

Hành lang bay từ khu vực của Mỹ tới Templehof dài hơn một nửa so với 2 hành lang còn lại. Căn cứ của RAF ở FassBerg và Celle cách Berlin 260 km theo đường chim bay, trong khi từ căn cứ Rhein-Main ở khu vực của Mỹ tới Templehof xa 470km.

2 máy bay ở Fassberg có thể làm công việc của 3 chiếc ở Rhein-Main. Tunner đề nghị một chiến dịch liên hợp với người Anh. Từ ngày 21-8 , máy bay Mỹ được triển khai ở Fassberg. Đến ngày 15-10, các chiến dịch của USAF và RAF chính thức được liên kết trong Đội đặc nhiệm không vận liên hợp CATF. Tunner là tư lệnh, chuẩn tướng Không quân Anh J. F. Mercer là phó. Loại máy bay C-47 được cấp tốc thay bằng C-54.

Khoảng 275 chiếc máy bay 4 động cơ này từ nhiều căn cứ được tập trung lại. Hải quân Mỹ cũng gửi 24 chiếc R5D, loại tương đương với C-54 để tham gia cầu không vận. Người Anh chở muối cho Berlin bằng thủy phi cơ Short Sunderland vốn được thiết kế cho những chiến dịch ngoài khơi, vì cấu trúc của chúng có khả năng chống ăn mòn rất tốt, như vậy thì còn phương tiện nào thích hợp hơn để chở muối?

Mỗi ngày có đến trên 250 chiếc C-54 khởi hành ở Wiesbaden, chất đầy hàng tiếp tế cho Berlin. Những chuyến bay về phía đông mang mật mã "Easy", những chuyến về phía tây mang mã "Willie". Những chiếc C-54 được gọi là "Big Easy" hoặc "Big Willie". Hàng tiếp tế, nếu là dân sự mang mã "New York", nếu là hàng quân sự của Mỹ là "Chicago", đối với Pháp là "Paris".

Nếu là vật tư dùng cho bảo trì đường băng hoặc xây dựng công trình mang mã "Engineer". Mỗi phi hành đoàn của "Big Easy", "Big Willie" được phát một lịch trình bay cụ thể, chính xác tới từng giây. Họ biết về tín hiệu radio và số hiệu đuôi của 3 máy bay trước họ và 2 chiếc sau họ, được nhận một bản báo cáo thời tiết được cập nhật mỗi 30 phút cùng một báo cáo trên đường đi của điện đài viên gửi cho họ một lần sau 7 chuyến bay.

Sau khi cất cánh, các "phi công cao bồi" tăng độ cao với tốc độ 150m/phút và bắt đầu bước đầu tiên của một quy trình chuẩn hoá giúp họ dễ dàng chia sẻ một hành lang duy nhất với những máy bay xuất phát từ Rhein-Main. Họ bay qua Dramstadt, Aschaffenberg, trước khi rẽ ngoặt tới Fulda, điểm kiểm soát cuối cùng  trong khu vực của Mỹ.

Trên Fulda, mỗi máy bay sẽ phát sóng số hiệu máy bay của họ để những máy bay khác có thể kiểm tra vị trí và khoảng cách. Từ Fulda, hành lang bay sẽ dẫn họ thẳng đến Templehof, các máy bay sẽ bay với tốc độ chính xác là 170dặm/h. Đến đó, họ sẽ rẽ trái để tới cột mốc Wedding, bắt đầu quá trình hạ cánh.Ở Wedding, phi công hướng xuống theo hướng gió, tiếp tục quy trình chặt chẽ đó để đưa máy bay xuống 460m vào lúc bước vào chặng hạ cánh cuối cùng.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.