Những nữ trinh sát đặc biệt của lực lượng CAND chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ:

Tuổi thanh xuân hiến dâng nơi tuyến lửa

Thứ Tư, 03/05/2017, 16:08
Những năm 1968 - 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất, 18 nữ sinh trường “Nữ trinh sát đặc biệt” của lực lượng Công an nhân dân đã khoác ba lô lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam khi mới ở độ tuổi trăng tròn.

Lớn lên trong những cuộc hành quân dưới làn bom rơi đạn nổ, những nữ trinh sát đặc biệt đã cống hiến cả tuổi thiếu nữ đẹp nhất nơi trận mạc, không quản gian khổ, hi sinh để truyền và nhận hàng triệu bức điện mật vượt qua không gian, thời gian, qua bão tố, bom đạn... đến đúng địa chỉ, giữ vững mạch máu thông tin liên lạc, góp phần quan trọng vào công cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Nữ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ họp mặt nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trường nữ trinh sát đặc biệt - trường Y.

1. “Miền Nam ngày 2-3-1969.

Ba mẹ kính yêu của con!

...Ba mẹ ơi, lá thư con viết hôm trước tết 2 tháng, chắc ba mẹ nhận được rồi chứ ạ? Chắc ba mẹ đã biết tin con rồi, nhưng con thì vẫn chưa được tin ba mẹ cùng tất cả gia đình ta. Ba mẹ ơi, ba mẹ biên thư cho con biết với, con mong lắm ba mẹ ạ. Xa miền Bắc, xa ba mẹ, con nhớ lắm, con chỉ mong một dòng thư ngắn thôi dù chỉ là mấy lời căn dặn hỏi thăm là con mừng lắm rồi. Nhưng một năm qua, con lần tìm những nét chữ quen thuộc của người thân mà chưa thấy. Không hiểu sao, hay những lá thư từ ngoài đó vào đã nhòe rách hoặc cháy sém vì nó phải vượt qua những chặng đường khói lửa?”...

“Miền Nam ngày 20-8-1971.

Ba mẹ kính yêu của con!

...Ba mẹ ạ, con rất ít nhận được thư gia đình nên con mong lắm. Ba mẹ có viết thư thường xuyên cho con không? Ở trong này mỗi khi nhận được thư là mừng ghê lắm, như đồng hạn gặp mưa rào ấy ba mẹ ạ. Chẳng những riêng mình mừng mà  mọi người khác cũng mừng lây. Các anh chị ở đây xem thư của ba mẹ viết cho con, ai cũng nói là thư tình cảm, xem mà xúc động. Một lá thư từ hậu phương xa xôi gửi tới, nó như một niềm vui chung, một nguồn động viên tất cả mọi người vì nó là sự gặp gỡ trong những ngày xa cách, nó cũng tượng trưng cho sự nối liền tiền tuyến với hậu phương, nó bù đắp cho sự khao khát, thiếu thốn tình cảm của những năm dài dằng dặc nơi núi rừng miền hoa tuyết này đấy ba mẹ ạ...”.

(Con Hoàng Thị Minh Hồng - Hòm thư 3106

Vinh quang)

Những dòng chữ còn non nớt trong cuốn “Những lá thư thời chiến Công an nhân dân” (do Nhà xuất bản CAND vừa phát hành) đã thôi thúc tôi tìm gặp người viết - Trung tá Hoàng Thị Minh Hồng, nguyên cán bộ Đội Tham mưu tổng hợp Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Đón tôi trong ngôi nhà nhỏ giản dị nằm trong con ngõ cũng nhỏ và sâu hun hút của làng Ngọc Hà, cô nữ sinh “trường Y” năm xưa nay đã lên chức bà.

Trung tá Hồng cho tôi xem bức ảnh đen trắng hiếm hoi mà bà và gia đình còn giữ được, ghi lại khoảnh khắc cô bé Hoàng Thị Minh Hồng gương mặt nguyên sơ nét hồn nhiên, ngây thơ của tuổi 15 chia tay gia đình, chia tay Hà Nội lên đường vào Nam; rồi trở thành thiếu nữ căng tràn sức xuân trong những ngày ở núi rừng Trường Sơn bom đạn và gian khổ... Ký ức đẹp đẽ một thuở chợt ùa về như những lớp sóng xô bờ, xô bờ...

Cuối năm 1966, khi gia đình đang sơ tán ở Quốc Oai (Hà Tây), cô bé Hoàng Thị Minh Hồng (lúc đó 14 tuổi) và em gái Hoàng Thị Minh Huyền (12 tuổi) được tuyển chọn vào khóa học đặc biệt của “trường Y”. Trước khi được đưa vào “trường”, hai chị em được đổi tên là Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Thuận và được phân vào lớp Y2, địa điểm tại Ứng Hòa, Hà Tây (giờ là Hà Nội). Sau một năm đào tạo, với thành tích nổi trội, Hồng được lựa chọn là 1 trong số 6 nữ sinh đầu tiên của “trường Y” lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Một buổi chiều cuối năm 1967, Bộ Công an cho một chuyến xe đón bố mẹ, anh chị em của Hồng từ nơi sơ tán về Hà Nội để gặp gỡ, chia tay trước khi Hồng lên đường vào Nam. Cả nhà ra công viên Thống nhất chụp chung một bức ảnh. Sau này, mẹ kể lại rằng phút chia tay, bố mẹ thương Hồng nhiều lắm nhưng không dám khóc, để con yên tâm lên đường.

15 tuổi, Hồng còn hồn nhiên, vô tư lắm. Hồng phấn khởi chào bố mẹ và các em, rồi cùng các chú lên xe. Cùng đi với Hồng có bạn Tuyết, người học cùng lớp Y2 (tức Thượng tá Phạm Thùy Vinh - nguyên cán bộ Công an quận Ba Đình). Chuyến xe Uaz hôm đó có 6 người. Ngoài Hồng và Vinh còn có 2 chú lái xe, 2 chú cán bộ công an là người miền Nam tập kết tên Thuận và Tảo, được giao nhiệm vụ đưa và bàn giao 2 nữ trinh sát đặc biệt cho An ninh khu 5.

Khi hết địa phận Quảng Bình đến biên giới Lào, xe quay trở ra miền Bắc, còn Hồng và Vinh cùng 2 chú Thuận, Tảo tiếp tục lên xe tải của Đoàn 559 đi vào phía Nam. Mỗi người được phát 1 ba lô trong có tư trang, thuốc men và 1 máy thông tin liên lạc của Liên Xô nặng 12kg, 1 ruột nghé gạo là lương thực đi đường. Qua Thừa Thiên Huế, bắt đầu hành quân bộ.

Nữ trinh sát đặc biệt Hoàng Thị Minh Hồng chụp ảnh cùng cha trước giờ lên đường chi viện chiến trường miền Nam - tháng 12-1967.

Trên đường hành quân, nhìn hai cô bé mặt mũi còn ngây thơ, ngơ ngác như nai rừng, vai đeo ba lô to hơn cả người, các chú lớn tuổi bảo thương các cháu quá, các cháu vào đúng thời điểm khó khăn nhất, ác liệt nhất của cuộc chiến. Trong hơn 1 tháng hành quân vào đến An ninh khu 5, Hồng và Vinh đã nếm trải biết bao gian khổ, khó khăn, thiếu thốn.

Nhưng dưới con mắt của đứa trẻ mới lớn, Hồng chỉ thấy núi rừng Trường Sơn sao mà đẹp thế, sao mà hùng vĩ thế. Bom nổ, máy bay rít trên đầu, nằm dưới gầm xe tải nhưng trong lòng không hề sợ hãi. Đợi máy bay qua, bom dứt, lại chui ra đi tìm hái rau rừng. Có hôm sung sướng khi được ngồi nhờ xe chở quân lương. Đường xóc, xe nhảy chồm chồm như cóc nhảy, những bao gạo xếp hai bên thành thi nhau rơi bình bịch lên đầu... Hai thiếu nữ ôm nhau cười khúc khích.

Những hôm hành quân gặp mưa lũ, lội suối ngập đến cổ, phải chống gậy dò dẫm từng bước, nắm chặt tay nhau mà đi. Những ngày bị trực thăng địch mà mọi người vẫn gọi là tàu gáo, tàu rọ rà sàn sạt trên đầu, cây cối dạt ra, mọi người phải nhanh chóng tìm những bụi cây thật lớn để nấp. Đêm về mơ bị trực thăng đuổi cứ chạy miết, chạy miết rồi bỗng dưng mọc cánh bay lên cao, ngắm núi rừng trùng điệp rồi bay ra miền Bắc gặp bố mẹ. Tỉnh dậy người vẫn lâng lâng như đang bay...

Gian khổ là thế nhưng đến giờ, Trung tá Hồng vẫn tự hào nói rằng, đó chính là quãng đời đẹp nhất bởi bà đã được cống hiến tuổi thanh xuân vẹn nguyên cho cách mạng, cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

2. Thượng tá Nguyễn Thị Hải, nguyên cán bộ Cục Thông tin liên lạc (Bộ Công an) nằm trong số 12 nữ sinh “trường Y” chi viện cho chiến trường miền Nam đợt 2. Thượng tá Hải kể, những ngày học ở “trường Y”, ấn tượng nhất là môn học bắt liên lạc ban đêm. Nguyên tắc của môn học là không ai được gặp ai. Nửa đêm phải đi một mình ra cánh đồng, đến địa điểm hộp thư để làm nhiệm vụ, vừa đi vừa run.

Nhưng vất vả nhất là giai đoạn thực tập một phiên liên lạc độc lập nơi vùng địch hậu. Mọi người được đưa lên Lào Cai thực tập. Địa bàn là một quả đồi. Mỗi nữ sinh phải tự mình mang vác 1 cỗ máy thông tin của Liên Xô nặng chừng 12-13kg, tự leo lên cây cao để quan sát địa hình, chọn điểm mắc ăng-ten, càng cao thì càng đạt chất lượng thu tín hiệu tốt.

Đợt đầu không được lựa chọn đi chiến trường phía Nam, cô bé Nguyễn Thị Hải khóc hết nước mắt. Chỉ biết lao vào học tập, phấn đấu, rèn luyện thật tốt để được chi viện nơi tuyến lửa. Ước mơ đã thành sự thật. Đầu năm 1969, Nguyễn Thị Hải có tên trong danh sách 12 nữ trinh sát đặc biệt chi viện cho chiến trường đợt 2. Phấn khởi lắm, tự hào lắm.

Trước khi đi, các nữ sinh phải trải qua lớp huấn luyện 3 tháng ở Học viện An ninh: Hằng đêm khoác ba lô gạch tập hành quân. Mỗi ngày tăng thêm 1 viên gạch, nặng dần cho đến 30kg, đi bộ 5 cây số mới được nghỉ.

Bà Hải vẫn còn nhớ như in, đó là ngày 18-4-1969. Đoàn đi có mật danh B27 gồm 12 chị em cùng 19 nam giới ngồi chung trên một chiếc xe tải thùng bịt bạt kín. Đến Cầu Giẽ, mọi người xuống xe chụp ảnh chung với Thứ trưởng Trần Quyết rồi lên đường Nam tiến. Đến Quảng Bình thì hành quân bộ 3 tháng tới Trung ương cục miền Nam.

Những lá thư của nữ trinh sát đặc biệt “trường Y” Hoàng Thị Minh Hồng gửi cho gia đình từ chiến trường miền Nam.

Với chuyên môn và sức khỏe tốt, Nguyễn Thị Hải (bí danh Nguyễn Thị Lâm) sau đó được điều ra An ninh khu 10. Lại mất 2 tháng hành quân luồn rừng ngược trở ra. Để tránh địch càn, mọi người phải tranh thủ đêm đi ngày nghỉ. Một ngày chỉ được nghỉ nấu cơm một lần. Việc cơm nước tự túc, mỗi người tự đi kiếm củi, tự lấy nước, nấu cơm bằng ăng-gô. Thường là buổi tối mới được nấu để tránh địch phát hiện có khói bay lên. Hôm nào trên đường hành quân, vặt được nắm rau rừng cải thiện thì sung sướng lắm.

Khổ nhất là mùa khô, không có nước để uống. Tìm được vũng nước đọng đầy cung quăng, nòng nọc. Chả ngại, dùng tay gạt đi mà gạn lấy nước. Rủi gặp hôm trời mưa to, cơm để cả ngày dính nước mưa ôi thiu hết. Nhưng không ăn thì chết đói nên cơm thiu thì mặc cơm thiu...

Sau này, mọi người cứ nói vui rằng chắc hồi đó “bụng inox” nên ăn uống như vậy mà chẳng ai bị đau bụng. Đối với chị em, cực nhất là những ngày “phụ nữ”. Ba lô đựng tư trang có hạn nên buổi tối, chị em phải tranh thủ giặt xô, đặt dưới võng nằm lên cho khô, hôm sau còn có cái dùng.

Lật áo cho tôi xem những vết sẹo lõm to bằng cả nắm tay chi chít trên cánh tay, trên hông, trên đùi, bà Hải bảo đó là vết áp-xe do tiêm ký ninh những ngày bị sốt rét rừng ác tính tưởng chết. Những ngày điều trị sốt rét tại bệnh xá, cô nữ sinh “trường Y” Nguyễn Thị Hải đã được chiến sỹ quân y Nguyễn Cảnh Lộc - là công an vũ trang chi viện chiến trường miền Nam từ năm 1968, chăm sóc tận tình. Và một tình yêu đẹp đã đơm hoa kết trái.

Sau năm 1975, hai người ra miền Bắc làm đám cưới, tiếp tục học văn hóa và được phân công về công tác tại các đơn vị thuộc Bộ Công an. Sau khi nghỉ hưu, bà Hải tiếp tục tham gia ủy viên Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước của Bộ Công an.

Ngoài việc tổ chức các hoạt động tình nghĩa, Ban liên lạc đã và đang là địa chỉ quan trọng để kết nối những cán bộ công an từng một thời cống hiến cho Đảng, cho cách mạng.

Thượng tá Nguyễn Thị Hải tâm sự, 18 nữ sinh “trường Y” chi viện chiến trường miền Nam thuở nào, giờ đều đã lên chức bà, người trẻ nhất cũng trên 60 tuổi. Sau giải phóng miền Nam, từ một thiếu nữ mới lớn, khi trở về đã sang tuổi thanh niên, không được đào tạo chuyên nghiệp liền mạch như các bạn cùng trang lứa, các chị phải quay lại học văn hóa từ cấp 2, sau đó mới học lên bậc cao hơn.

Thiệt thòi nhiều lắm, nhưng vượt lên tất cả, các chị vẫn luôn giữ vững được phẩm chất, bản lĩnh vững vàng của người chiến sỹ công an cách mạng vào sinh ra tử, sống, chiến đấu, trưởng thành trong chiến tranh và hoàn thành tốt công việc của mình cho đến lúc nghỉ hưu.

30-4 hằng năm là dịp để các bà, các chị họp mặt, nhớ về một thời quá khứ đẹp đẽ và hào hùng. Thượng tá Nguyễn Thi Hải nói rằng, không lãng quên quá khứ để không lãng quên chính mình, đó chính là tâm thế lạc quan để các nữ trinh sát đặc biệt “trường Y” bước tiếp chặng đường lịch sử cùng đất nước.

Từ năm 1964, Mỹ rắp tâm mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam bằng những cuộc oanh kích ném bom ác liệt trên nhiều vùng lãnh thổ phía Bắc. Nhận định Mỹ có khả năng liều lĩnh đưa quân ra miền Bắc, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chuẩn bị đối phó với tình huống chiến tranh này. Một trong những công tác chuẩn bị đó là tháng 12-1966,  “ngôi trường” đào tạo đặc biệt - trường “Nữ trinh sát đặc biệt” mang mật danh “trường Y” đã ra đời.

Đối tượng tuyển chọn là các cháu gái từ 12-15 tuổi ở các tỉnh, thành trên miền Bắc, mục tiêu sau khi được đào tạo, huấn luyện chính trị nghiệp vụ sẽ cài lại những nơi đó để chuẩn bị cho công tác điệp báo lâu dài. 60 cháu gái đã được tuyển chọn, chia thành 3 lớp học ở 3 địa điểm khác nhau, được đào tạo nghiệp vụ chính là báo vụ (thông tin vô tuyến điện).

Cuối năm 1967, do tình hình chiến trường thay đổi, tổng tiến công Mậu Thân 1968 đang cần gấp cán bộ, 100% học sinh “trường Y” đã làm đơn tình nguyện vào Nam đánh Mỹ. Có 6 nữ sinh được lựa chọn đi đợt đầu, số còn lại tiếp tục học nghiệp vụ. Đến năm 1969, 12 nữ sinh tiếp tục được Bộ Công an điều vào chi viện cho chiến trường.

Sau giải phóng 1975, trong số 18 nữ sinh “trường Y” tham gia chi viện chiến trường miền Nam, có 6 đồng chí ở lại miền Nam, 12 đồng chí ra miền Bắc, tiếp tục học tập và công tác tại các đơn vị thuộc Bộ Công an cho đến khi nghỉ hưu.

Hương Vũ
.
.