Tuổi thơ dữ dội trên miền đất anh hùng

Thứ Năm, 19/01/2017, 18:15
Sau mấy lần hẹn hò qua điện thoại, một ngày cuối năm, tôi tìm đến căn nhà nằm bên đường Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, để tìm gặp một người đã từng 4 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ diệt xe cơ giới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc.

Ra đón tôi tận cổng là một người đàn ông có vóc người thấp nhỏ, nụ cười hiền lành, dễ mến… thoạt nhìn không ai có thể hình dung được trong những năm tháng đang ở độ tuổi thiếu niên, người đàn ông này đã là nỗi ám ảnh của những đơn vị lính viễn chinh Mỹ khổng lồ đóng quân ở căn cứ quân sự Đà Nẵng và nhiều quan chức ngụy quyền ở địa phương có nợ máu với nhân dân và cách mạng…

Ông Nguyễn Tấn Lực khi còn đang công tác.

Ông là Dũng sĩ Nguyễn Tấn Lực, sinh năm 1952 ở làng Đông Trà, xã Hòa Long, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Năm 1964, lúc mới 12 tuổi ông đã tham gia vào Đội Thiếu niên tiền phong của xã Hòa Long và được các chú, các anh du kích xã tín nhiệm bầu làm Đội trưởng.

Ông kể, ngày ấy, Đội Thiếu niên tiền phong xã Hòa Long do ông làm Đội trưởng có nhiều thành viên lắm, nay người còn thì rất ít mà những người đã khuất thì nhiều. Tất cả anh em trong đội đều tham gia công tác rất hăng say, những công việc như cắm chông, đào giao thông hào, làm hàng rào, cảnh giới cho những cuộc họp… được du kích xã hay Hội phụ nữ xã giao phó đều được hoàn thành một cách xuất sắc.

Đến thời điểm năm 1965, khi lính Mỹ đổ bộ vào chiến trường Việt Nam thì tình hình hoạt động của các tổ chức cách mạng ở địa phương bắt đầu gặp phải những khó khăn đáng kể. Sau khi đổ quân xuống Đà Nẵng, quân đội Mỹ đã chọn khu vực chợ Non Nước bây giờ làm nơi tập kết hàng nghìn chiếc xe tăng để sẵn sàng chi viện cho những điểm nóng chiến sự. Ở khu vực Cồn Bồ (gần cống ông Tiềm) có một đơn vị lính Mỹ rất lớn đóng quân, gần đó, ở ngã tư Điện Ngọc (thuộc huyện Điện Bàn) cũng có một đơn vị Mỹ khác được trang bị pháo tầm xa 105 ly án ngữ.

Vừa rót nước mời tôi ông Lực vừa nhớ lại: Đó là những ngày tháng thật buồn, bà con nhân dân trong vùng đều bị chính quyền địa phương lúc bấy giờ lùa vào sống trong các khu tập trung ở chợ Non Nước và chợ Cai Lanh. Những con đường đất đỏ nối giữa Non Nước với Điện Ngọc dường như vắng hẳn bóng dáng của người dân địa phương, nhường chỗ lại cho từng đoàn xe quân sự của Mỹ ngày đêm gầm rú.

Năm ấy, Nguyễn Tấn Lực tròn 13 tuổi, sống hợp pháp ở quê nhà nên không tránh khỏi cảnh bị dồn vào sống trong khu tập trung ở chợ Non Nước. Theo hướng dẫn của các chú du kích, hàng ngày ông lang thang tìm đường lên núi Đùng (ngọn núi cao nhất trong cụm núi Ngũ Hành Sơn) để làm quen và sống với đám lính Mỹ thuộc hai đơn vị Mo - Rin (lính đánh bộ) và Á Mỳ (lính dù). Cuối ngày kiếm chút ít đồ hộp mang về dùng, những lúc thấy lính Mỹ mất cảnh giác thì lấy lựu đạn hoặc mìn mang về cho du kích.

Cứ thế, vài ngày ông lại tìm về vùng căn cứ lỏm để gặp gỡ và nhận nhiệm vụ từ du kích xã. Một lần về báo cáo tình hình, ông nghe các chú lãnh đạo du kích bàn bạc chuyện phải đánh cho bằng được tên ác ôn khét tiếng Huỳnh Bá Đoan. Được dịp, Nguyễn Tấn Lực nằng nặc xin lãnh đạo du kích xã cho ông được thực thi nhiệm vụ. Được các chú du kích xã tin tưởng đồng ý, ông khẩn trương nhận kíp hẹn giờ và thuốc nổ để mang về cất giấu chờ thời cơ hành động. Hồi đó, Nguyễn Tấn Lực ở trọ trong nhà của ông Hương Ba.

Con gái ông Hương Ba là chị Tươi cũng hoạt động trong lực lượng du kích nhưng Nguyễn Tấn Lực không hề hay biết.

Sau khi quan sát kỹ di biến động của những thành viên trong Hội đồng xã do Huỳnh Bá Đoan làm xã trưởng và đám lính nghĩa quân ở khu vực chợ Non Nước, Nguyễn Tấn Lực quyết định chọn quán cháo lòng của bà Bốn Hinh là nơi Huỳnh Bá Đoan và thuộc cấp của hắn thường ăn sáng để hành động.

Đêm đó, Nguyễn Tấn Lực đã đóng đinh dưới gầm bàn trong quán bà Bốn Hinh để treo thuốc nổ, chờ sáng hôm sau sẽ cắm kíp hẹn giờ… Không ngờ rằng, cũng trong đêm đó, chị Tươi nhận nhiệm vụ tiêu diệt tên Huỳnh Bá Trân cũng là một tên ác ôn khét tiếng làm việc trong lực lượng cảnh sát huyện Hòa Vang có nhà nằm sát nách với nhà ông Hương Ba.

Mìn nổ, căn nhà của Huỳnh Bá Trân sập hết hai phần ba, nhưng hắn chỉ bị thương nên sau đó được xe của lính Mỹ chở ra quân y viện Duy Tân - Đà Nẵng cấp cứu. Ngay trong đêm đó, rất nhiều lính Mỹ cùng với Trung đoàn 51 ngụy đóng quân ở xã Hòa Phụng (nay là phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) tức tốc kéo về bao vây kín khu vực vừa có tiếng nổ.

Sáng hôm sau, chúng lục soát nhà ông Hương Ba và phát hiện chiếc kíp nổ của Nguyễn Tấn Lực giấu ở dưới hầm tránh pháo. Ngay lập tức ông Hương Ba và chị Tươi bị bắt giải lên ủy ban xã tra tấn đến chết đi sống lại. Nguyễn Tấn Lực thấy lính Mỹ khám nhà tìm ra kíp hẹn giờ và thuốc nổ của ông cất giấu nên hết sức lo lắng. Sau thời khắc định thần, ông quyết định chạy đến tháo cổng chuồng bò, rồi lùa bò đi ra đồng cỏ.

Thoát ra khỏi vòng kiểm soát của giặc, ông chạy một mạch về vùng căn cứ lỏm để báo cáo tình hình cho du kích. Ông khẳng định mọi chuyện đã bị lộ, bây giờ ông không thể trở về sống ở vùng chợ Non Nước được nữa, ông xin lãnh đạo du kích xã cho ông vào du kích.

Nhưng các chú lãnh đạo bảo rằng: "Cháu còn quá nhỏ, súng còn đeo chưa được làm sao mà vào du kích". Rồi hướng dẫn, tổ chức cho ông về sống ở vùng chợ Cai Lanh, nơi có rất nhiều lính Mỹ đóng quân. Tại đây, ông được bố trí vào ở nhờ trong nhà của bà Tám Em và nhà bà Kỉnh là những cơ sở tin cậy của ta. Ông được cấp 5 kíp nổ hẹn giờ cùng với lượng thuốc nổ tương thích để có thể hành động bất cứ lúc nào nếu có thời cơ. Gần chợ Cai Lanh có một đồn lính Mỹ quân số khoảng một đại đội đóng ở phía tây.

Ở phía đông có một lô cốt, bên trên lô cốt có tháp canh được trang bị súng đại liên và ống nhòm tia hồng ngoại.

Một hôm, ông thấy có rất nhiều lính Mỹ được trang bị đến vài chục chiếc xe máy cày ầm ầm cày xới những hàng cây, bụi rậm, ruộng vườn và mồ mả ở làng Hòa Hải. Thấy vậy, ông quyết định bằng mọi cách phải đánh, nhưng không biết phải mang thuốc nổ đến điểm đánh bằng cách nào?

Cuối cùng, ông quyết định rất táo bạo là giấu 2kg thuốc nổ loại C4 của Liên Xô vào bụng, rồi lấy cái nón cời úp lên, sau đó mở chuồng bò đánh 4 con bò đi ra phía có xe Mỹ đang cày. Lợi dụng lúc người dân Hòa Hải đang nhốn nháo đấu tranh, ông leo lên phía sau xe cày của Mỹ đặt thuốc nổ rồi cắm kíp hẹn giờ một quả 30 phút, một quả 15 phút. Đúng giờ, mìn nổ, hai chiếc xe cày cùng với 4 lính Mỹ tan xác. Cả người dân trong vùng lẫn lính Mỹ đều nhốn nháo hoang mang, không hiểu vì sao mìn lại nổ từ trong những chiếc máy cày. Từ đó, Mỹ dừng luôn việc cày phá ruộng vườn của người dân Hòa Hải. Sau trận này, ông về vùng căn cứ để báo cáo với du kích, lãnh đạo du kích xã rất khen ngợi lòng dũng cảm của ông và ghi nhận chiến công này một cách xuất sắc. Một thời gian sau, quân đội Mỹ ở khu vực này có chính sách vận động người dân nếu thấy Việt cộng hoặc thấy mìn, súng đạn của Việt cộng thì chỉ cho chúng để nhận thưởng.

Ngay lập tức ông bàn với những thiếu niên trong vùng phải lợi dụng chính sách này để kiếm đồ hộp ăn, kiếm tiền tiêu, đồng thời dụ Mỹ để đánh. Sau khi báo cáo cách làm cho du kích, ông thường xuyên đi về vùng căn cứ để xin những quả đạn cối 81 do Trung Quốc sản xuất mà bộ đội chủ lực và du kích dùng để pháo kích địch bị thối không còn sử dụng được mang về. Có những quả đạn hỏng mang chữ Trung Quốc này trong tay, ông cùng với những thiếu niên trong vùng đào hố để chôn những quả đạn này xuống, rồi ngụy trang giống y như cách Việt cộng gài mìn.

Cứ thế, ban đêm chôn, ban ngày đón xe Mỹ để chỉ. Cứ mỗi quả như vậy ông và những người bạn của mình được nhận thưởng vài chục nghìn đồng tiền ngụy. Sau vài lần như thế, ông quyết định đánh. Kế hoạch của ông đã được chú Đức lúc đó là xã đội trưởng đồng ý (nay ông Đức đang sống tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) và một chú xã đội phó đưa cho ông một quả đạn đã có sẵn thuốc nổ bên trong để ông mang về.

Sáng hôm sau, chờ lúc xe Mỹ đến, ông cắn kíp nổ rồi chỉ cho lính Mỹ và bảo rằng ông thấy Việt cộng làm rơi quả đạn này trên đường di chuyển. Bốn gã lính Mỹ cao lớn nhào đến xem quả đạn, nhìn vào bên trong thấy có kíp nổ, nhưng chúng không sợ vì sau khi đã hỏi đi, hỏi lại, ông vẫn khẳng định là đã nhìn thấy quả đạn này cách đây 2 ngày rồi. Cho ông một ít tiền xong, cả bốn lính Mỹ cùng lên xe jeep và mang theo quả đạn về đơn vị trong tâm trạng hớn hở như vừa lập nên một chiến tích.

Chiếc xe jeep lăn bánh chừng chưa đầy 10 phút thì một tiếng nổ long đất vang lên. Cả chiếc xe cùng bốn lính Mỹ tan tành. Ông được các chú lãnh đạo du kích hết lời ngợi khen, trong khi đó bọn Mỹ thì không thể lý giải được vì sao chiếc xe hành quân của chúng lại bị nổ tung khi đang chạy trên đường.

Thời gian này tình hình chiến sự hết sức căng thẳng, du kích địa phương lại không được chi viện vũ khí một cách đầy đủ để phục vụ công tác chiến đấu. Thấy vậy, ông đề xuất kế hoạch đột nhập lô cốt của Mỹ ở các đồn quanh chợ Cai Lanh để lấy súng. Vậy là, một mình ông với chiếc kềm nhỏ trong tay, ông đã lần lượt cắt hết lớp kẽm gai này đến lớp kẽm gai khác quanh đồn giặc để đột nhập vào lấy súng.

Có những lần ông đang luồn người trong cỏ, phát hiện thấy mìn Clay-mo của lính Mỹ gài, ông phải nín thở để tháo kíp, rồi để nguyên từng quả mìn như vậy cho Mỹ khỏi nghi ngờ. Suốt hai tháng trời ròng rã, một mình ông đã mang về cho du kích 11 khẩu súng trong đó có 9 khẩu súng AR15, 1 khẩu M79 và 1 khẩu Colt 45. Với một số lượng súng bị lấy cắp như vậy là không phải nhỏ nên lính Mỹ trong đồn rất bực bội, chúng quyết tâm giăng bẫy để tóm cổ bằng được kẻ đã đột nhập lấy súng.

Qua khảo sát, ông thấy lính Mỹ giăng lựu đạn khắp nơi trên rào thép gai và có nhiều biểu hiện để hớ hênh tài sản và súng đạn. Trước tình thế ấy, ông báo cáo với du kích và khẳng định không thể tiếp tục thực hiện việc lấy súng của địch đánh địch được nữa mà ông mạnh dạn đề xuất phương án đánh luôn lô cốt và tháp canh của Mỹ. Tin tưởng nhiều ở ông, du kích đã chuẩn bị cho ông một thùng thuốc nổ loại C4 dẻo của Liên Xô.

Chờ đến lúc thời cơ thuận lợi, ông mở một con đường mới trong lùm cỏ, kéo thùng thuốc nổ vào gần lô cốt của địch rồi lách người vào bên trong thám thính. Lúc ông vào, nhìn quanh trong lô cốt trống huơ trống hoác, chỉ có một gã Mỹ đen nằm ngủ mê mệt, phía trên tháp canh là 4 lính Mỹ khác hình như đang đánh bài. Nghiên cứu được nơi đặt thùng thuốc nổ, ông nhanh nhẹn cắn kíp và bình tĩnh thoát ra bên ngoài chờ tiếng nổ.

Đúng 30 phút sau khi cắn kíp, một tiếng nổ inh tai vang lên, lô cốt bị đánh sập, tháp canh tan thành từng mảnh nhỏ, năm lính Mỹ có mặt ở đó chết tan xác không kịp kêu lên một tiếng, cả một khu vực đóng quân của Mỹ dường như đã bị san bằng. Đánh xong trận này, ông chạy thẳng về căn cứ và một mực đòi được đi du kích vì bọn Mỹ đã nghi ngờ ông.

Ông nói với chú Đức xã đội trưởng rằng: "Nếu không cho đi du kích thì ông cũng đi theo chứ không còn đường quay trở về sống hợp pháp ở bên ngoài được nữa…".

Từ đó, ông được vào du kích, đêm đêm đi theo các anh, các chú để đi phá khu định cư để dân đấu tranh quay về làng cũ hoặc bảo vệ các trận địa pháo kích của ta. Vào du kích được chừng 5 tháng thì ông Kim - Bí thư Khu ủy Khu III Hòa Vang có chỉ thị rằng phải đánh bằng được tên ác ôn khét tiếng Huỳnh Bá Đoan lúc này đang giữ chức xã trưởng xã Hòa Hải.

Phần thưởng dành cho du kích Hòa Long nếu đánh được tên Đoan sẽ là 1 khẩu AK47, còn người trực tiếp đánh sẽ được thưởng 1 khẩu K59. Nghe xong, Nguyễn Tấn Lực xung phong được thực thi nhiệm vụ này. Kế hoạch đánh đã được chuẩn bị hết sức kỹ càng, mìn đã được đặt, mục tiêu đã xuất hiện và ông đã khai hỏa 2 quả mìn clay-mo, mìn nổ, khói tung mịt mù nhưng Huỳnh Bá Đoan vẫn không bị tiêu diệt.

Tháng 5-1969, sau một đêm đi công tác về căn cứ, ông có giấy triệu tập để lên đường ra miền Bắc. Cũng đêm đó, du kích xã Hòa Long họp lại, người tặng ông chiếc đồng hồ, người tặng ông tấm chăn chiên, người tặng ông chiếc võng. Vậy là ông lên đường ra Bắc, suốt 3 tháng ròng rã trên đường, đến tháng 8-1969 ông và những người trong đoàn ra đến Hà Nội.

Với những thành tích trong chiến tranh, bản thân ông được tặng 4 bằng dũng sĩ diệt Mỹ và dũng sĩ diệt xe cơ giới. Được Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng 1 Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhì; 1 Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba; 1 Huân chương kháng chiến hạng Ba và 1 Huy chương chiến công hạng Nhất. Cho đến khi đặt chân lên đất Bắc ông vẫn chỉ là một cậu bé gầy yếu, trọng lượng cơ thể chỉ 21kg.

Ông được đưa sang Trung Quốc dưỡng bệnh rồi sau đó được cho đi học ở Trường Phổ thông Lao động Trung ương đóng ở Từ Hồ, Hưng Yên cho đến lúc tốt nghiệp cấp 3 vào năm 1975.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng và phục vụ trong Lực lượng Công an cho đến ngày về hưu tháng 4-2007 với cấp hàm Thượng tá.  

Quốc Anh
.
.