Nguyễn Bình – Vị tướng huyền thoại: Tuổi trẻ sôi nổi

Thứ Năm, 16/02/2017, 18:10
Trung tướng Nguyễn Bình là người chỉ huy quân sự tài ba, quyết đoán và dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc ở những nơi nguy hiểm vào những thời điểm khó khăn nhất. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông nổi danh là người gan dạ, mưu lược. Ông tham gia Quốc dân Đảng và bị giặc Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Tại đây, ông bị những kẻ cực hữu trong Quốc dân Đảng đâm mù một mắt.

Năm 1936, ông được trả tự do và về Hải Phòng lập căn cứ. Tháng 6-1945, ông thành lập Chiến khu Đông Triều và làm Tư lệnh chiến khu, một vị chỉ huy làm quân Pháp kinh hồn bạt vía.

Tháng 7-1945, ông chỉ huy du kích đánh chiếm thị xã Quảng Yên, tỉnh lỵ duy nhất ở miền Bắc được giải phóng trước Cách mạng Tháng Tám, sau đó tổ chức giành chính quyền ở Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương và được Trung ương giao làm Khu trưởng Khu Duyên hải Bắc Bộ.

Chân dung Trung tướng Nguyễn Bình.

Khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách cho ông vào miền Nam để thống nhất các lực lượng vũ trang. Ông nổi tiếng trong việc quy tụ lực lượng giang hồ tham gia kháng chiến ở Nam Bộ trở thành một đội quân chính quy, hùng mạnh và là người khai sinh Ban Công tác thành Sài Gòn (sau này gọi là biệt động Sài Gòn).

Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Trung tướng trong đợt phong tướng đầu tiên. Khi Bộ Tư lệnh Nam Bộ được thành lập, ông được giao chức vụ Tư lệnh Nam Bộ, Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Ủy viên quân sự Nam Bộ…

Hành phương Nam

Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, quê làng An Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông sinh năm 1908, là con thứ 4 trong một gia đình trung lưu gồm có 5 người con. Nguyễn Phương Thảo có vóc dáng khỏe mạnh, khuôn mặt cương nghị, tính tình phóng túng.

Từ ông toát ra một sự tự tin, một sức mạnh nội tâm được kiềm chế gây ấn tượng mạnh mẽ cho người khác. Cha ông là Nguyễn Thế Pho, lúc còn trẻ làm việc tại Hải Phòng nên mới quen biết và kết hôn với mẹ ông là Ngô Thị Long, người làng Hà Nhuận, huyện An Dương, Hải Phòng.

Năm 11 tuổi, Nguyễn Phương Thảo được cha mẹ gửi lên Hải Phòng ở tại nhà người anh ruột là một viên chức bưu điện Hải Phòng để theo học bậc thành chung. Tại đây, Nguyễn Phương Thảo vừa học vừa tham gia các phong trào yêu nước trong giới học sinh nên bị mật thám Pháp theo dõi.

Đến năm 1924, lúc 16 tuổi, khi đang học năm thứ 2 Trường Trung học Hải Phòng, Nguyễn Phương Thảo đi làm thủy thủ cho Hãng tàu Đầu Ngựa chuyên chạy tuyến Hải Phòng - Marseille (Pháp). Được một thời gian ngắn, do không cam chịu thân phận làm nô lệ, ông đã tham gia những hoạt động chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và bị truy lùng. Tuổi trẻ sôi động và đầy nhiệt huyết, ông quyết định trốn gia đình vào Sài Gòn để tránh sự truy lùng của bọn mật thám và tìm cho mình một con đường để hoạt động.

Ông cải trang và xin vào làm một người thợ giặt ủi trên tàu Pélican của Hãng Messagenés Maritimes xuất bến từ Hải Phòng để vào miền đất hứa. Có thể nói đây là quyết định làm thay đổi cuộc đời một con người quả cảm, tài ba, sẵn sàng dấn thân, một vị trung tướng thao lược sau này.

Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, tàu Pélican cập bến Nhà Rồng, người thợ giặt ủi bất đắc dĩ Nguyễn Phương Thảo bắt tay từ biệt các bạn thủy thủ bước xuống Khánh Hội. Theo chỉ dẫn của một người bạn, ông tìm đến một nhà trọ ở trong hẻm gần nhà ga xe lửa. Ở đó ông được chủ nhà cho mượn ghế bố nghỉ trưa và nghỉ đêm. Hàng ngày ông đi dạo khắp các phố phường để vừa biết đây biết đó và tìm cho mình một công việc thích hợp.

Kết nghĩa với nhà văn - tướng cướp Sơn Vương

Theo tư liệu của nhà văn Nguyên Hùng trong cuốn "Nguyễn Bình - Huyền thoại và sự thật", trong thời gian lang thang tìm việc làm ở Sài Gòn, Nguyễn Phương Thảo đã gặp gỡ và kết nghĩa với nhà văn - tướng cướp Sơn Vương Trương Văn Thoại, một nhân vật đầy giai thoại của miền Nam những năm 1930.

Sơn Vương tên thật là Trương Văn Thoại, quê Gò Công Đông, Tiền Giang. Ngay từ nhỏ ông đã luyện võ và học chữ Hán. Năm 1925, ông bỏ làng theo một lão võ sư mai danh ẩn tích học võ và học đạo tại các ngọn núi Thị Vải, núi Ông Trịnh, núi Mây Tào vùng Long Hải, Bà Rịa. Đến năm 1931, khi vị sư phụ qua đời, ông về Sài Gòn làm việc tại "Đông Pháp thời báo".

Sau đó ông gặp Nguyễn An Ninh, chủ bút tờ "Tiếng chuông rè" kiêm thủ lĩnh đảng Thanh niên cao vọng. Trương Văn Thoại trở thành một cộng sự đắc lực của Nguyễn An Ninh và tờ "Tiếng chuông rè". Thời kỳ này Trương Văn Thoại bắt đầu sử dụng bút danh Sơn Vương. Các bài báo của ông mang đầy màu sắc bình dân và nỗi cảm thông sâu sắc đối với các tầng lớp nghèo khó.

Ngoài ra ông còn viết tiểu thuyết võ hiệp. Điều đặc biệt là những tướng cướp hào hoa nghĩa hiệp trong các tác phẩm của ông được lấy nguyên mẫu từ chính ông. Điều này có nghĩa ông là một tướng cướp khét tiếng tại đất Sài Gòn. Trong những năm 1931-1933, một mình Sơn Vương gây ra hàng chục vụ cướp mà đối tượng là những phú hộ, địa chủ mang tiếng gian ác ở các vùng Đồng Nai, Sài Gòn, Long An…

Tính đến năm 1933, Sơn Vương đã có một gia tài tác phẩm đồ sộ với 30 tác phẩm, trong đó có đến 20 tác phẩm là trường thiên tiểu thuyết, hầu hết được xuất bản trong những năm 1930, 1931. Hàng ngày, Sơn Vương ngồi ở góc đường Monlau (nay là Huỳnh Thúc Kháng) vừa viết vừa bán sách của chính mình.

Trong những ngày chưa có việc làm, rảnh rỗi, Nguyễn Phương Thảo tình cờ đọc cuốn tiểu thuyết "Tướng cướp hào hoa" của Sơn Vương. Càng đọc ông càng bị lôi cuốn và mong muốn được một lần diện kiến tác giả. Được sự dẫn dắt của người bạn chung nhà trọ, ông đã gặp Sơn Vương tại nơi bán sách.

Lính viễn chinh Pháp tại Đông Dương.

Qua vài câu trao đổi, biết gặp được trang hảo hán, Sơn Vương thu dọn sách vở, mời Nguyễn Phương Thảo một chầu rượu. Ông cho rằng bán sách chỉ là cách giao du để tìm bạn tri âm. Nay đã gặp được rồi nên trong lòng khảng khái. Nguyễn Phương Thảo càng khâm phục Sơn Vương gấp bội khi được biết những tướng cướp hào hoa trong tiểu thuyết được lấy nguyên mẫu từ chính tác giả. Trước khi chia tay, Sơn Vương ký tặng Nguyễn Phương Thảo cuốn tiểu thuyết "Luật rừng xanh".

Về nhà trọ, Nguyễn Phương Thảo đọc một mạch. Sáng hôm sau ông tới góc đường Monlau nhưng không thấy Sơn Vương, chờ đến chín giờ sáng vẫn không thấy. Buồn bã, ông thả bộ trên đường phố, và bất ngờ gặp Sơn Vương đang ngồi bán sách trên vỉa hè đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) trước trụ sở Tổng Ngân khố Nam Kỳ.

Sơn Vương lại dọn dẹp sách vở, mời "thằng em" về căn phòng trọ khoảng hai mươi mét vuông vừa lai rai vừa "tán dóc". Rượu vào lời ra, Nguyễn Phương Thảo càng hiểu rõ tính cách phóng khoáng, ngang tàng của nhà văn giang hồ. Cũng vì vậy, khi Sơn Vương rủ về ở chung, ông đã không ngần ngại gật đầu đồng ý. Trong thâm tâm, ông muốn tìm hiểu thêm về con người miền Nam mà Sơn Vương có lẽ là tiêu biểu lúc ấy.

Những ngày ở chung, thấy Nguyễn Phương Thảo không tìm được việc, Sơn Vương quyết định đi cướp để lấy "vốn liếng" cho người em kết nghĩa mở một tiệm giặt ủi. Vụ cướp diễn ra trót lọt, Sơn Vương cướp số tiền 50 ngàn đồng Đông Dương của René Gaillard, Phó giám đốc một hãng cao su đồng thời là quản trị viên Công ty Caffort ở đường Catinat, Sài Gòn.

Sơn Vương tặng Nguyễn Phương Thảo một số tiền để mua một căn nhà mặt tiền ở khu vực Đa Kao mở tiệm giặt ủi, đặt biển hiệu là Thảo Sơn (ghép tên Nguyễn Phương Thảo và Sơn Vương). Vụ cướp gây chấn động Sài Gòn, Sơn Vương bị bắt, bị kết án và đày ra Côn Đảo. Tuy nhiên ông rất nghĩa khí, một mình nhận tất cả, không khai ra cái tên Nguyễn Phương Thảo.

Gặp gỡ Trần Huy Liệu và tham gia Quốc dân Đảng

Tiệm giặt ủi Thảo Sơn của Nguyễn Phương Thảo càng làm ăn phát đạt. Nguyễn Phương Thảo sống nhàn hạ, thoải mái. Thú vui của ông hàng ngày là uống trà, đọc báo. Nguyễn Phương Thảo rất thích một tiểu thuyết đăng trên tờ "Đông Pháp thời báo" ký tên tác giả là Nam Kiều. Ông đoán Nam Kiều cũng là người miền Bắc vô Nam như mình.

Quyết định tìm gặp người mình mến phục, Nguyễn Phương Thảo đến tòa soạn "Đông Pháp thời báo". Ông rất bất ngờ khi biết tác giả Nam Kiều chính là Trần Huy Liệu, chủ bút tờ báo, một người hoạt động cách mạng nổi tiếng thời bấy giờ. Và chính cuộc gặp gỡ này đưa cuộc đời Nguyễn Phương Thảo đến một khúc quanh mới.

Trần Huy Liệu là người làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Mới 16 tuổi ông đã bước vào nghiệp báo và sớm thành danh trong làng báo từ những năm 1920. Tháng 9-1923, Trần Huy Liệu dẫn vợ con rời quê hương Nam Định vào Sài Gòn làm báo. Ông cộng tác với các báo "Nông cổ mín đàm", "Rạng đông" và làm chủ bút tờ "Đông Pháp thời báo" với bút danh chính Nam Kiều cùng nhiều bút hiệu khác như Đẩu Nam, Hải Khánh, Côi Vị, Ẩm Hân, Kiếm Bút…

Những bài viết nảy lửa của ông đề cập đến sự kiện chính trị sôi động toàn Đông Dương lúc đó. Ông tấn công không khoan nhượng chủ trương "Pháp Việt nhất gia", lên án thực dân Pháp bóp nghẹt tự do ngôn luận, báo chí, vạch trần chế độ thống trị tàn bạo của chúng. Song hành với báo chí, Trần Huy Liệu còn xuất bản nhiều tác phẩm do chính ông viết để cổ vũ con đường cứu nước. Cùng với những người đồng chí hướng cứu nước như Nguyễn Khánh Toàn (chủ bút "Le Nhà quê"), Nguyễn An Ninh (chủ bút "Tiếng chuông rè") và các nhân vật như Bùi Công Trừng, Nguyễn Trọng Hy…, Trần Huy Liệu đã thổi một luồng gió mới vào phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20.

Lúc Nguyễn Phương Thảo gặp gỡ và kết giao, Trần Huy Liệu đã gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng và đang tổ chức đảng bộ trong miền Nam. Nhờ khả năng nói và viết rất hùng biện, Trần Huy Liệu được giao nhiệm vụ tuyên truyền cho tổ chức. Nguyễn Phương Thảo từ lâu đã ái mộ nhà báo Nam Kiều, lại kính phục Trần Huy Liệu nên ông đồng ý gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng và trở thành một đảng viên tích cực.

Đang trong thời kỳ hoạt động mở rộng đảng thì bất ngờ Trần Huy Liệu bị Pháp bắt vì những hoạt động yêu nước. Tin này khiến Nguyễn Phương Thảo bàng hoàng. Ông thăm dò dư luận và mướn luật sư giỏi biện hộ cho Trần Huy Liệu. Kết quả, Trần Huy Liệu bị kết án 6 tháng tù.

Chân dung nhà báo, nhà sử học Trần Huy Liệu.

Khi Trần Huy Liệu ra tù cũng là lúc chi bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Nam Kỳ được thành lập. Trần Huy Liệu được bầu làm bí thư và Nguyễn Phương Thảo chính thức được bầu vào ban chấp hành. Chi bộ hoạt động được một năm, Nguyễn  Phương Thảo luôn là cánh tay đắc lực của Trần Huy Liệu. Hai người rất tâm đắc khẩu hiệu Tam dân chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn. Nguyễn Phương Thảo miệt mài nghiên cứu tinh hoa của thuyết Tam dân: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Độc lập tự do và hạnh phúc chính là điều mơ ước của mọi người.

Đang trong quá trình hoạt động, bất ngờ Trần Huy Liệu và Nguyễn Phương Thảo bị bắt ngay trong một cuôc họp. Ban đầu hai người bị giải về bót Catinat để điều tra, sau đó đưa sang giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Vài tuần sau, Trần Huy Liệu và Nguyễn Phương Thảo bị đưa ra tòa, lãnh án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo.

Tuy nhiên trong cái rủi lại có nhiều cái may. Chính nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian đầy máu và nước mắt này đã tôi rèn Nguyễn Phương Thảo từ một người cách mạng tài tử trở thành một nhà cách mạng thật sự.

Duy Tường
.
.