Tướng cướp Bảy Đởm, “phó ông trời” vùng Bảy Núi

Thứ Tư, 16/04/2014, 14:05

Dù cuộc chiến tranh chống ngoại xâm đã lùi vào quá khứ gần nửa thế kỷ nhưng những bậc kỳ lão ở khu vực Tứ giác Long Xuyên (Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang) vẫn còn nhớ như in nỗi khiếp sợ khi nhắc đến một viên sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đó là Trung tá Phạm Văn Đởm - Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn địa phương quân tỉnh Châu Đốc - người luôn tự xưng là "phó ông trời" vùng Thất Sơn, An Giang...

Mức độ tàn ác, phi nhân của Bảy Đởm được các bậc kỳ lão đánh giá là "lay động lòng trời".

Tiểu sử bất hảo của viên Trung tá

Phạm Văn Đởm sinh 1918, ở tổ 4, ấp Núi Voi, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, An Giang. Con ông thầy pháp Phạm Văn Phải và bà Ngô Thị Có. Phạm Văn Đởm có tất cả 9 anh chị em ruột.

Ông Phải là một tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Trong phong trào khởi nghĩa chống Pháp bằng phép thuật của Phan Xích Long, ông Phải là một trong những đàn chủ bí mật ở vùng núi Voi. Sau khi cuộc kháng chiến của Phan Xích Long thất bại, lo sợ quân Pháp truy lùng, ông Phải lánh về vùng núi Tà Lơn ẩn cư. Tại đây, ông bái sư một pháp sư Kh'mer theo trường phái Trà Kha.

Khi trở về núi Voi, ông mở lò dạy võ Trà Kha, đồng thời lập đàn trị bệnh cho xóm giềng bằng bùa chú. Trước khi trị bệnh, ông Phải thường biểu diễn phép gồng bằng cách niệm chú rồi dùng lưỡi mác bén như dao cạo tự chém cật lực vào lưng, bụng mình nghe phành phạch khiến người chứng kiến khiếp hãi, rụng rời. Thỉnh thoảng cao hứng ông còn nhờ thân nhân người bệnh chém giúp. Điều lạ là lưỡi mác chạm vào da ông như chạm vào lốp xe ôtô, bật ra chứ không tạo thành vết thương. Nhờ những chiêu biểu diễn ấy, người ta tin ông là lục tà (thần sống).

Là con trai lục tà Trà Kha, từ nhỏ Bảy Đởm trở thành thủ lĩnh của đám trẻ trong xóm. Bảy Đởm sẵn sàng đánh nhau với bất kỳ đứa trẻ nào dám thách thức. Hàng ngày, Bảy Đởm kéo đàn em vào các xóm lân cận ăn trộm vặt hoặc gây sự. Những đứa trẻ ở xóm khác đi ngang qua xóm nhà Bảy Đởm đều phải nộp tiền mãi lộ. Ban đêm, Bảy Đởm không về nhà mà chui vào lùm cây, bụi cỏ dưới chân núi Voi ngủ lăn lóc.

Đến năm 15 tuổi, Bảy Đởm trở thành vua trộm bò ở khu vực. Hễ thấy con bò nào không có người trông coi là Bảy Đởm ngang nhiên cỡi thẳng về phía biên giới Tịnh Biên bán lấy tiền tiêu xài. Trên đường đi, nếu bị khổ chủ phát hiện, Bảy Đởm sẵn sàng dùng con dao dâu luôn giắt sẵn bên người tấn công nạn nhân.

Biết chuyện Bảy Đởm ăn trộm, ông Phải cho học trò đi lùng bắt cậu con trai điệu về nhà trói gô dưới gốc cây xoài. Lục tà sự Phải cho rằng con mình bị ma quỷ nhập quậy phá nên dùng roi tầm ma đánh cho một trận thừa sống thiếu chết.

Nguyễn Giác Ngộ (ngồi giữa), Tư lệnh lực lượng quân sự Hòa Hảo.

Sau trận đòn nhớ đời đó, Bảy Đởm tuyên bố từ cha rồi lên núi Bà Đội Om lấy một hang đá làm bản doanh, quy tụ đàn em lập băng cướp cạn chuyên chặn xe đò từ Châu Đốc đi Long Xuyên ngang qua dốc Tà Đét. Thuở đó, khách thương hồ Châu Đốc thường mua vé xe "bộ hiền" (một loại xe ôtô du lịch cải tạo thành xe chở khách) tài nhất (chuyến xe đầu tiên trong ngày) khởi hành lúc 1 giờ sáng của hãng xe đò Tân Thành chở hàng tươi sống đi Long Xuyên bằng tuyến đường này.

Chủ Hãng xe Tân Thành là một Hoa kiều tên Giang Ý Hía - một người thân của chủ tỉnh Châu Đốc, nên xe của ông luôn luôn được ưu tiên chạy tài nhất. Kể từ khi Bảy Đởm đóng "bản doanh" ở núi Bà Đội Om, Hãng xe Tân Thành trở thành mồi ngon của Bảy Đởm.

Một đêm, Bảy Đởm cùng đám đàn em dùng một lóng cây rừng chắn ngang đường. Xe chở hàng gặp lóng cây buộc phải dừng lại. Thế là Bảy Đởm cùng đồng bọn lao ra dùng dao dâu khống chế tài xế rồi thu tiền mãi lộ từng hành khách.

Nghe tin nhà xe Tân Thành bị cướp, viên chủ tỉnh Châu Đốc sai một trung đội lính cảnh sát lên núi Bà Đội Om lùng bắt toán cướp. Sau 3 ngày săn lùng, cảnh sát trở về tay không.

Ba Cụt bị chính quyền Ngô Đình Diệm tử hình bí mật.

Đêm sau, viên chủ tỉnh đang ngủ, chợt giật mình thức giấc. Mở mắt ra, ông ta trông thấy toàn bộ gia đình mình bị trói gô nằm lăn lóc dưới đất. Hai tên đàn em của Bảy Đởm đang cầm con dao dâu mài hù dọa trên cổ từng người. Bảy Đởm thì đang cầm con dao dâu bén ngót vừa cạo bộ râu củ ấu của viên chủ tỉnh vừa hầm hừ đe dọa. Viên chủ tỉnh hoảng vía năn nỉ xin tha mạng và hứa không đụng chạm đến lãnh địa của Bảy Đởm.

Kể từ đó, trở thành thông lệ, cứ xe đò chạy đến dốc Tà Đét dưới chân núi Bà Đội Om là phải nộp tiền mãi lộ cho Bảy Đởm như nộp phí cầu đường. Có đêm, do ăn nhậu no say, chúng ngủ quên không ra thu tiền mãi lộ. Hãng xe tưởng thoát được một chuyến "thuế". Không ngờ đêm sau, xe vừa ngừng, chúng lôi tài xế xuống đánh vì tội đến "trạm" mà không bóp còi báo cho chúng thức.

Nếu trên xe có phụ nữ đẹp, chúng bảo tài xế tắt máy xe chờ rồi chúng lôi nạn nhân xuống bìa rừng thay nhau cưỡng hiếp. Hiếp xong, chúng cõng nạn nhân ném trả lên xe. Từ đó, nhà xe Tân Thành không nhận chở phụ nữ trẻ. Sau vài đêm chặn xe, không thấy phụ nữ, Bảy Đởm lôi tài xế xuống đất dùng chày vồ đánh đến hộc máu rồi buộc hứa mỗi tuần phải… chở một hành khách nữ cho chúng hiếp. Nhà xe phải thuê một gái mại dâm, để đáp ứng dục vọng của Bảy Đởm và lũ đầu lâu. Dạo đó, dân địa phương gọi Bảy Đởm là "tướng cướp dao dâu".

Ngôi mộ gió của Ba Cụt tại Thới Long, Ô Môn, Cần Thơ.

Bảy Đởm lộng hành tại vùng núi Bà Đội Om từ năm 1933 đến năm 1954 thì gặp lãnh chúa Ba Cụt. Cuộc gặp gỡ này đã nâng cấp cuộc đời tướng cướp Bảy Đởm.

Chủ tướng Ba Cụt

Tên thật của Ba Cụt là Lê Quang Vinh. Ông ta sinh năm 1923, ở rạch Bằng Tăng, phường Thới Long, quận Ô Môn, Cần Thơ. Có tài liệu cho rằng Ba Cụt sinh ra trong một gia đình khá giả. Tuy nhiên, những cụ già cao niên hiện đang sinh sống tại rạch Bằng Tăng khẳng định, gia đình Ba Cụt rất nghèo. Từ nhỏ, ông này đã phải đi chăn vịt chạy đồng cho một điền chủ ở cù lao Cát (ngày nay là phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt).

Tính tình ngang bướng và nóng nảy, Ba Cụt mê đánh lộn hơn chăn vịt. Một hôm, chủ vịt phát hiện Ba Cụt để vịt đói nên đã rầy la. Thế là Ba Cụt đập chết hết bầy vịt rồi bỏ về nhà cha mẹ.

Bị chủ vịt mắng vốn, người cha tức giận đét vào mông Ba Cụt vài roi. Không ngờ, Ba Cụt đấm cha ruột một phát bất tỉnh rồi lấy dao thái chuối chặt đứt một ngón tay với lời thề: "Có chết phanh thây cũng không về căn nhà này nữa". Vì lý do đó, ông ta có hỗn danh là Ba Cụt.

Sau khi bỏ nhà đi bụi, Ba Cụt đi thẳng đến Chắc Cà Đao (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) ở nhà người cậu ruột là ông Huỳnh Kim Thành. Tại đây, Ba Cụt được cậu nuôi ăn học đến hết tiểu học. Thời gian này Ba Cụt xin thọ giáo võ sư Sáu Kim ở cùng xóm. Ba Cụt tỏ ra có năng khiếu võ nghệ, vượt trội các bạn đồng khóa, nên trở thành đồ đệ cưng của Ba Kim và trở thành côn đồ địa phương. Hầu như ngày nào Ba Cụt cũng phải đánh nhau với một ai đó. Những thanh niên bất hảo ở địa phương tụ tập nhau lại thành một băng nhóm chuyên đi gây sự từ xóm trên đến xóm dưới. Họ tôn Ba Cụt làm đại ca.

Năm 1940, Ba Cụt đi xem Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ thuyết giảng đạo pháp Phật giáo Hòa Hảo tại Chắc Cà Đao. Do quá sùng tín Giáo chủ, những tín đồ địa phương chen lấn nhau giành chỗ ngồi gần, không ai nhường nhịn ai. Thấy vậy, Ba Cụt cùng đàn em dùng nắm đấm giữ trật tự.

Kết thúc buổi thuyết giảng, Ba Cụt chặn đường Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, ngổ ngáo thách đố: "Ông là Phật sống, có ngon dùng phép thuật biến hóa cho tui coi. Ông làm được, tui theo đạo của ông". Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ chẳng nói chẳng rằng, vơ cái bội nhốt gà ven đường chụp lên đầu Ba Cụt rồi đi thẳng. Những người chứng kiến tưởng Ba Cụt sẽ tấn công Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Không ngờ Ba Cụt cứ đứng im lặng suy nghĩ rất lâu. Không ai hiểu vì sao Ba Cụt lại đứng "chết trân" như thế. Sau này, khi trở thành tư lệnh một đơn vị quân đội Hòa Hảo, Ba Cụt tâm sự với Bảy Đởm: "Lúc ổng mới trùm bội nhốt gà lên đầu, tao cứ tưởng ổng dùng phép thuật gì đó. Tao đứng yên để xem phép thuật biến hóa ra sao. Ai dè, đứng hoài không thấy gì hết. Khi ngẩng lên thì ổng đã đi mất tiêu rồi".

Mấy hôm sau, từ nguồn xác minh của các đệ tử, Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ đã nắm được nhân thân Ba Cụt. Thời điểm này, phong trào ủng hộ Cường Để đang ngấm ngầm lan rộng khắp các tỉnh Nam Bộ. Một lực lượng quân sự kháng Pháp trong giáo phái Hòa Hảo dần hình thành. Lúc đầu, lực lượng này được gọi chung chung là "đội Bảo An". Ba Cụt đưa băng nhóm của mình gia nhập vào đội ngũ này. Đến năm 1944, Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ mới chính thức công khai đội Bảo An quân.

Ba Cụt được giao chỉ huy một đại đội gồm các thành phần đầu gấu trong xã hội. Vùng trách nhiệm của Ba Cụt trải dài từ Ô Môn (Cần Thơ) đến Long Xuyên, sang Tri Tôn (bây giờ là tỉnh An Giang). Khu vực Tà Đét, núi Bà Đội Om nằm trong vùng trách nhiệm của Ba Cụt.

Khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, nhóm vũ trang của Ba Cụt được lệnh của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ sáp nhập với lực lượng Vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực, trực thuộc lực lượng quân sự Hòa Hảo do Trần Văn Soái làm chỉ huy.

Ngày 18/5/1947, Trần Văn Soái đại diện lực lượng quân sự Hòa Hảo tự ý ký kết một hiệp định liên kết với đại tá Cluzet - Tư lệnh Phân khu Tây Nam Bộ của Pháp. Theo đó, quân đội Hòa Hảo - một lực lượng kháng Pháp, giờ trở thành Lực lượng Dự bị (Suppletif Forces) của quân đội Pháp. Ba Cụt tuyên bố ly khai với Trần Văn Soái, đặt tên mới cho lực lượng quân sự của mình là "Nghĩa quân Cách mạng". Không ai biết lực lượng "nghĩa quân" của Ba Cụt hoạt động với mục đích gì, bởi ông ta chống lại tất cả mọi lực lượng quân sự khác, từ quân đội Hòa Hảo, Pháp, kể cả Việt Minh…

Ba Cụt đóng bản doanh tại Bằng Tăng (Ô Môn, Cần Thơ) cát cứ một cõi theo kiểu thổ phỉ và trở thành nỗi khiếp hãi của nhân dân địa phương.

Quen thói côn đồ chợ, Ba Cụt đối xử với binh lính và quần chúng rất tàn nhẫn, ác độc. Cho đến tận bây giờ, nhiều vị kỳ lão địa phương vẫn rùng mình khi nhớ về giai đoạn "sống chung với quân Ba Cụt".

Để có tiền nuôi quân, Ba Cụt lệnh cho nhân dân trong vùng phải đóng thuế. Ai nộp thuế chậm, Ba Cụt cho quân bắt trói thúc ké nằm phơi nắng lăn lóc dưới sân suốt ngày đến khi nào người thân đem tiền đến nộp mới thả. Đối với những người bị tình nghi là phe địch bị bắt, Ba Cụt thường dùng cây đinh dài 10 cm đóng vào 2 lỗ tai rồi thả. Nạn nhân được thả chạy sảng quanh một lúc lâu mới lăn ra chết sau khi co giật.

Có lần tình cờ đi ngang nhà hai vợ chồng nọ đang gây gổ nhau. Thấy người phụ nữ mắng chồng leo lẻo, Ba Cụt lệnh cho thuộc hạ xông vào bắt trói. Đích thân ông ta dùng dao rạch miệng người phụ nữ đến mang tai, mặc cho ông chồng quỳ lạy van xin. Mấy hôm sau nạn nhân chết, ông chồng tự tử theo

(Còn tiếp)

Nông Huyền Sơn
.
.