Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua "Dự luật nhân quyền Việt Nam 2007" - Việc làm thiếu thiện chí với Việt Nam

Thứ Tư, 22/08/2007, 09:00
Trong khi quan hệ Mỹ - Việt đang phát triển hơn bao giờ hết sau chuyến thăm Mỹ vừa qua của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết thì bất ngờ mới đây, ngày 1/8/2007, Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật "Nhân quyền Việt Nam năm 2007" mang số hiệu HR 3096;

Trong dự luật này, có nhiều nhận xét sai trái về tình hình dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận ở Việt Nam. Việc làm trên của Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ là thiếu thiện chí với Việt Nam.

NỘI DUNG DỰ LUẬT HR 3096 LÀ GÌ?

"Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2007” do Hạ nghị sĩ Christopher Smith khởi xướng và được một vài dân biểu, nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ không có thiện cảm với Việt Nam, như F.Wolf, L.Sanchez... đồng bảo trợ và trình ra Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào ngày 19/7/2007.

Được biết, ông Christopher Smith là Hạ nghị sĩ bang New Jersey của đảng Cộng hòa. Trong những năm qua, ông ta là đại diện cho một số ít nhân vật thiếu thiện chí, có những hành động và việc làm gây cản trở trong việc thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Việt.

Từ năm 2003 đến nay, năm nào ông Christopher Smith cũng khởi xướng và đưa ra trình Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cái gọi là “Dự luật nhân quyền cho Việt Nam”, tuy được Hạ viện Mỹ thông qua, nhưng đến khi trình ra Thượng viện những “dự luật” sai trái trên đều đã bị bác bỏ thẳng thừng.

Bản "Dự luật nhân quyền năm 2007”, ông Christopher Smith đã đề nghị Quốc hội Mỹ đưa ra chế tài gắn với các khoản viện trợ nhân đạo cho Việt Nam. Thực chất đó là sự biến tướng tinh vi của những hoạt động can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, hậu thuẫn cho bọn phản động lưu vong người Việt và các thế lực xấu tìm cách chống phá, gây mất ổn định chính trị, phá hoại sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam.

Trong "Dự luật nhân quyền năm 2007”, ông Christopher Smith và những dân biểu, nghị sĩ đồng bảo trợ cho dự luật còn đề nghị Quốc hội Mỹ cho phép Chính phủ Mỹ cắt các khoản viện trợ nhân đạo cho đến khi Việt Nam trả tự do cho một số người vi phạm pháp luật mà họ đặt tên là các “nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền”...

Ngoài ra, có điều khoản phi lý trong dự luật HR 3096 là trong 2 năm 2008 và 2009, mỗi năm sẽ chi khoảng 2 triệu USD tài trợ cho các phần tử và tổ chức hoạt động chống phá Việt Nam về “dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận” dưới vỏ bọc “hoạt động bảo vệ nhân quyền cho Việt Nam” và dành khoản ngân sách 10 triệu USD để hỗ trợ Đài châu Á tự do - RFA đẩy mạnh chương trình phát thanh chống phá Việt Nam về “dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo”.

SỰ THẬT VỀ NHỮNG “NHÀ DÂN CHỦ” VÀ ĐÀI RFA  MÀ DỰ LUẬT HR 3096 ĐƯA RA

Những người mà ông Christopher Smith và những dân biểu, nghị sĩ gọi là những “nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam” và đưa vào dự luật HR 3096 để hậu thuẫn và bảo vệ cho các hoạt động của họ chính là những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật hiện hành đã và đang bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Có thể điểm ra đây một vài gương mặt “nhà đấu tranh dân chủ” trong số đó để ông Christopher Smith và những người đang còn mơ hồ về họ thấy rõ ông đang hậu thuẫn, bảo vệ ai, bảo vệ cái gì. Điển hình trong số này là Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy... đã bị Tòa án của Việt Nam xử vì tội tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam.

Đài châu Á tự do đã trở thành công cụ tâm lý chiến được các thế lực xấu tài trợ tiền để dành nhiều thời lượng phát sóng vu cáo, xuyên tạc và kích động chống phá Việt Nam về những giá trị “dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận” theo quan điểm phương Tây trong nhiều năm qua.

Điển hình cho thái độ xấu và hành động cần lên án là trong dịp diễn ra Đại lễ Phật đản tại Việt Nam năm 2007, một lần nữa Đài RFA tung ra những thông tin sai sự thật với những gì đang diễn ra liên quan đến Lễ Phật đản tại Việt Nam.

Trong chương trình phát thanh sáng 1/6/2007, đài này đưa tin: “Nhà cầm quyền Việt Nam đe dọa, sách nhiễu và cấm tổ chức Đại lễ Phật đản tại Thừa Thiên - Huế, Bình Định...”.

Trên thực tế, Đại lễ Phật đản đã được diễn ra trang nghiêm và tưng bừng ở nhiều địa phương với sự tham gia của hàng vạn tăng ni, phật tử.

Sáng 31/5, tại chùa Diệu Đế - Huế, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức trọng thể Đại lễ Phật đản Phật lịch 2551, với sự tham gia của hàng ngàn tăng ni, phật tử TP Huế và các địa bàn lân cận.

Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, tuyên đọc diễn văn của Hòa thượng, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định: “Mừng ngày Phật đản, người con Phật trước hết là nhớ đến Phật, chúng ta niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng... quyết tâm tu thân, làm theo lời Phật dạy. Đây cũng là ý nghĩa mọi Phật sự mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện trong suốt 26 năm qua kể từ ngày được thành lập. Cùng với sự phát triển của đất nước, Giáo hội cũng đã vững mạnh, phát triển và đã đạt được những thành quả tốt đẹp”.

Ngày 31/5/2007, tại chùa Giáo hội, Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Định, Ban Trị sự Tỉnh của Giáo hội Phật giáo Bình Định cũng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2551 với sự tham gia của đông đảo tín đồ và phật tử tại TP Qui Nhơn. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Trưởng ban Trị sự tỉnh của Giáo hội Phật giáo Bình Định, đã chân thành cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền và MTTQ các cấp tỉnh Bình Định đã đến dự và chúc mừng nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2551. Sự thật là như vậy nhưng RFA lại đưa tin hoàn toàn ngược lại, nhằm mục đích chống phá Việt Nam.

HAI DỰ LUẬT TRƯỚC ĐÂY ĐÃ BỊ CHÍNH NGƯỜI DÂN MỸ TẨY CHAY

Cần nhắc lại trong hai lần trước, ông Christopher Smith và một vài nhân vật bảo trợ cho "Dự luật nhân quyền Việt Nam” không những bị Thượng viện Mỹ bác bỏ thẳng thừng mà còn bị chính người dân Mỹ yêu chuộng tự do hòa bình lên án mạnh mẽ.

“Dự luật nhân quyền Việt Nam 2003” được ông Christopher Smith bảo trợ đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong nội bộ nước Mỹ. Bà Jose Marie Battisti, Giám đốc điều hành tổ chức Asian Children Services Vietnam, đã gửi một bức thư phản đối dự luật nhân quyền lên Quốc hội, Tổng thống và Bộ Ngoại giao Mỹ cùng chữ ký của hơn 1.000 người ủng hộ Việt Nam.

Bà Jose Marie Battisti cũng gửi tới bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam bản sao bức thư này.

Bức thư trên có đoạn: “Việt Nam đã có những tiến bộ lớn trong việc cải thiện nhân quyền và sự tự do của người dân Việt Nam trong thập kỷ qua. Việt Nam và Mỹ cũng đã không ngừng tăng cường hợp tác và hiểu biết lẫn nhau kể từ khi bình thường hóa quan hệ hai nước. Chúng tôi trông chờ các ngài sẽ vận động rút lại "Dự luật nhân quyền Việt Nam 2003”.

Còn "Dự luật nhân quyền Việt Nam 2004" thì ngày 27/7/2004, ông Steven Krysiak ở bang California đã chuyển tới Văn phòng TTXVN tại Washington bức thư bày tỏ sự lên án trước việc Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua cái gọi là “Luật" này.

Thư của ông Krysiak viết: “Tôi rất buồn khi thấy “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2004” được thông qua ở Hạ viện và hy vọng rằng Thượng viện sẽ bác bỏ và Tổng thống sẽ phủ quyết nó. “Mỹ phải hiểu rằng có một lực lượng khủng bố đang đóng căn cứ trên đất Mỹ.

“Dự luật nhân quyền Việt Nam” đã dành 4 triệu USD để tài trợ cho những kẻ khủng bố ấy. Việt Nam là một đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Phải chăng đây là cung cách thích hợp để đối xử với đồng minh? Tôi nghĩ là không.

Việt Nam đang ngày càng trở thành đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Hầu hết các quốc gia quanh Việt Nam đều đang có các vấn đề về khủng bố, trong khi Việt Nam vẫn kiểm soát được tình hình và điều này đang làm cho Việt Nam trở thành một đồng minh chiến lược và một địa chỉ an toàn để kinh doanh”.

Ông Krysiak cũng đồng thời chuyển tới Văn phòng TTXVN tại Washington bức thư mà ông đã gửi cho nữ Hạ nghị sĩ Zoe Lofgren, người đồng bảo trợ “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2004”.

Trong thư, ông Krysiak viết: “Tôi đã tới Việt Nam từ năm 1992. Tôi đã thấy những thiệt thòi mà người dân Việt Nam phải gánh chịu, do hậu quả chính sách cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên, mỗi lần tới Việt Nam tôi lại thấy mức sống của người dân nơi đây được cải thiện hơn”.

“Tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã liên tục được cải thiện. Chính phủ Việt Nam đang thực hiện rất tốt tiến trình này và chúng ta không cần phải can thiệp vào tiến trình có quy mô to lớn ấy. Chúng ta hãy rút ra những bài học thất bại trong quan hệ với các nước Ảrập. Chúng ta không thể áp đặt lối sống của mình lên quốc gia khác”.

Trả lời phỏng vấn trên báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 16/8/2004, ông Ar ThurBerl Clause từng là phóng viên Hãng thông tấn CBS, một hãng thông tấn tự do của Mỹ, cho biết ông thật sự rất bất ngờ khi nghe nói Hạ viện Mỹ thông qua bản “Dự luật nhân quyền 2004” chống lại Việt Nam.

Ông bày tỏ sự thất vọng trước hành động của một số hạ nghị sĩ Mỹ và nói: “Phần lớn người dân Mỹ đều không quan tâm tới vấn đề chính trị nhạy cảm này, song tôi có thể khẳng định, nếu những ai từng tới Việt Nam nhiều lần như tôi, họ cũng sẽ có suy nghĩ tương tự”.

Ông Jame Roder làm việc tại một tờ báo ở Mỹ, chuyên lên tiếng phản đối những hành động sai trái của Mỹ đối với Việt Nam, thì phát biểu: “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2004” không phải là một bản dự luật vì nó không hợp pháp. Cái gọi là dự luật này thật đúng là một trò cười”.

Ông khẳng định “Dự luật nhân quyền Việt Nam" chỉ là cái cớ để Mỹ can thiệp vào Việt Nam. “Họ muốn dựa vào đó để nhằm những mục đích khác và làm một việc gì khác: Thật khó hiểu tại sao họ lại vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo”. Ông đặt câu hỏi: “Nước Mỹ cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề tôn giáo, tại sao họ không lo giải quyết chuyện của đất nước mình mà lại đi lo chuyện tôn giáo ở một quốc gia khác?". “Họ cần phải nhớ rằng, trong lịch sử nước Mỹ, trước đây đã từng có chuyện chính phủ ép buộc những người thổ dân da đỏ phải theo tôn giáo mà chính phủ quy định”.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Việt đang được Chính phủ và nhân dân hai nước thúc đẩy phát triển lên tầm cao mới, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi, không thể chấp nhận được thái độ và hành động thiếu thiện chí với Việt Nam của một vài cá nhân như ông Christopher Smith.

Hy vọng Quốc hội Mỹ sớm nhìn thấy nghịch lý này bác bỏ “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2007” khi nó được ông Christopher Smith bảo trợ, trình ra Hạ viện Mỹ

Thi Nga
.
.