Kỷ niệm 85 ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao(15/11/1923-15/11/2008)

Văn Cao bí mật đi kẻ nhạc "Tiến quân ca"

Thứ Sáu, 21/11/2008, 08:45
Cụ Phí Văn Bái - lão thành cách mạng, năm nay 95 tuổi đời, 65 tuổi Đảng, người đưa Văn Cao bí mật đi kẻ nhạc “Tiến quân ca” in trên báo Độc Lập số 1 hơn 60 năm trước. Tuy tuổi đã cao nhưng cụ Phí Văn Bái vẫn hết sức minh mẫn, những sự việc cách đây vài chục năm cụ vẫn kể lại mạch lạc, rõ ràng.  

Một chiều mùa thu cuối năm 1944, vào nghĩa trang Hợp Thiện ở ngoại ô Hà Nội tôi đã thấy đồng chí Vũ Quý - quyền Bí thư Ban Cán sự Hà Nội - với đồng chí Nguyễn Thế Cát, trước cùng ở tổ Thanh niên cứu quốc với tôi. Hai người đang ở trong nghĩa trang, lúc ấy chỉ còn ít công nhân nghĩa trang làm việc.

Sau khi thắp bó hương trên một ngôi mộ không quen biết, ba chúng tôi ngồi bên nhau. Đồng chí Vũ Quý lấy ở túi ra bản in nháp bài “Tiến quân ca” để trên cỏ cho chúng tôi đọc, rồi nói:

Bản in thử bài “Tiến quân ca”, có nhiều nốt nhạc sai, có chỗ nhạc và lời không ăn khớp nhau. Ngừng một lát đồng chí nói tiếp: Không trách người thợ in vốn không biết nhạc. Cũng không thể để người thợ này viết lại.

Bản nhạc in trên tờ báo, phải viết đúng. Chỉ có cách đưa chính tác giả đến nhà in, cùng với đồng chí thợ in, hai người cộng tác viết lại. Nhưng đưa tác giả đến nhà in lại vi phạm nguyên tắc bí mật, vì tuyệt đối không ai được biết địa điểm in báo.

Đồng chí Vũ Quý nhìn đồng chí Nguyễn Thế Cát, người phụ trách nhà in bí mật, quyết định: "Đồng chí Nguyễn Thế Cát phải tìm một địa điểm mới, để tác giả đến. Làm việc xong, tác giả ra về cùng không được biết địa điểm".

Đồng chí Nguyễn Thế Cát đề nghị từ 7 đến 10 ngày để chuẩn bị, dù đã có địa điểm dự phòng. Sau khi biết địa điểm nhà in mới, đồng chí Vũ Quý giao cho tôi kế hoạch đón Văn Cao đưa đến nhà in mà chính tôi và Văn Cao cũng không được biết.

Kế hoạch được thực hiện như sau: Một ngày gần đó lúc sắp tối, tôi mặc âu phục, tay xách chiếc cặp đen làm ám hiệu, đứng gần cột đồng hồ, chỗ chân cầu Chương Dương hiện nay.

Đúng giờ hẹn, một thanh niên mặc quần áo hướng đạo đến gần tôi hỏi: "Thưa ông! Đến Ô Quan Chưởng đi lối nào?".

Tôi hơi ngỡ ngàng. Người mặc trang phục hướng đạo và câu hỏi đúng là mật hiệu. Tôi tưởng là tôi đón một nhạc sĩ đứng tuổi, có cuộc sống từng trải mới sáng tác được “Tiến quân ca”, một bài hát hào hùng mà đồng chí Vũ Quý đã hát cho tôi nghe. Bây giờ trước mặt tôi là một học sinh nhỏ nhắn (vì lúc ấy Văn Cao mới 21 tuổi).

Tôi nói đủ cho Văn Cao nghe: "Anh đi theo tôi".

 Hai chúng tôi đi về phía rạp hát tuồng Quảng Lạc, có nhiều cửa hàng ăn tối. Tôi nói với Văn Cao: "Đêm hôm nay, chúng mình phải thức khuya, đi ăn bát phở cho chắc dạ".

Chúng tôi vào một hiệu ăn. Tôi gọi một cút rượu và một đĩa thức ăn.

Sau khi uống chút rượu và ăn bát phở. Văn Cao đã chếnh choáng say. Tôi gọi chiếc xe kéo - lúc đó chưa có xe xích lô - đưa hai chúng tôi ra bờ sông Hồng. Một chiếc thuyền con tôi thuê từ trước đã cắm sát bờ. Tôi và người lái thuyền phải dìu Văn Cao xuống thuyền. Có chỗ nằm, Văn Cao ngủ luôn. Tôi yên tâm đúng là người tôi đi đón.

Thuyền xuôi phía nam sông Hồng đã khá lâu, tôi xem đồng hồ đã 10 giờ đêm. Tôi lấy tờ giấy bóng đỏ quấn xung quanh chiếc bóng đèn chai để cạnh thuyền phía bờ trái làm tín hiệu. Khoảng nửa giờ sau, trên bờ có ánh đèn pin nháy 3 lần. Thuyền ghé vào bờ. Tôi đánh thức Văn Cao dậy cùng vào bờ.

Người cầm đèn pin đi lại phía chúng tôi, tôi nói khẽ với Văn Cao: "Anh đi theo đồng chí này". Rồi tôi cũng nói nhỏ với hai người: "Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ". Sau đó tôi xuống thuyền trở ngược về Hà Nội.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gặp tôi, Văn Cao cho biết: Đêm hôm ấy, người dẫn đường đưa cho anh một cái đó - dụng cụ bắt cá - hai người đi ven bờ sông như đi bắt cá, qua nhiều ruộng ngô, rồi vào một nhà nào đó.

Anh thợ in đã ngồi chờ ở cổng, đưa Văn Cao vào một buồng riêng, căn buồng này được chủ nhà khóa kín. Văn Cao và người thợ in ăn và làm việc trong phạm vi cái buồng nhỏ. Cả nhà đi làm đồng suốt ngày, cửa ngoài cũng khóa.

Sau khi chép xong bài hát “Tiến quân ca”, Văn Cao giúp người thợ in báo và in riêng nhiều bản nhạc “Tiến quân ca”.

Hôm chia tay, nửa đêm người liên lạc dẫn Văn Cao qua cánh đồng ngô. Hai chiếc thuyền đã đợi sẵn. Văn Cao xuống thuyền về Hà Nội, còn người thợ in với đồ nghề xuống thuyền đi đâu không rõ.

Mười một năm sau - năm 1955 quân ta vào tiếp quản Thủ đô. Đồng chí Nguyễn Thế Cát, người phụ trách nhà in bí mật - sau Cách mạng Tháng Tám làm quản lý báo Độc Lập - đã về làng Bát Tràng, vào nhà cơ sở cách mạng, nơi làm nhà in bí mật lấy hòn đá in “Tiến quân ca” ở dưới ao đem về tặng Viện Bảo tàng Cách mạng.

Đồng chí công nhân nhà in hướng dẫn Văn Cao viết chữ in là Nguyễn Văn Hàm (tức Lang) cùng với đồng chí Nguyễn Thế Cát trước khi mất nhà ở ngõ Phan Chu Trinh.

Người đón Văn Cao ở thuyền là đồng chí Lê Quý Giả, nhà ở đường Giải Phóng, đối diện Bệnh viện Bạch Mai.

Mãi đến khi nghỉ hưu, Văn Cao và 4 chúng tôi mới có điều kiện gặp lại nhau, ôn lại những chuyện vui hoạt động cách mạng trước tháng Tám năm 1945.

Kiều Mai Sơn

(Ghi theo lời kể của cụ Phí Văn Bái)

.
.