Về Cù Lao Ông Hổ, thăm quê hương Bác Tôn

Thứ Sáu, 22/08/2008, 14:00

Từ trung tâm Tp Long Xuyên, theo lối bến phà Ô Môi, ngồi phà khoảng hơn 10 phút là đến cù lao Ông Hổ. Con sông Thoại Hà mùa này nước đỏ nặng phù sa, trên đường từ thành phố qua cù lao, anh xe ôm chở chúng tôi cứ luôn miệng nói: “Giờ cũng ít người gọi đây là cù lao Ông Hổ lắm. Anh muốn đến cứ nói qua thăm cù lao Bác Tôn thì dân cả miệt An Giang này biết liền”.

Đơn giản, vì cù lao này là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Và Bác Tôn đã trải qua gần như hết thuở thiếu niên của mình trên mảnh đất này.

Cù lao Ông Hổ trước đây thuộc Tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên, giờ đã được đổi thành xã Mỹ Hòa Hưng, Tp Long Xuyên, tỉnh An Giang. Trước kia, cù lao Ông Hổ cộng thêm hai cù lao khác là cù lao Phó Ba và cù lao Phó Huế tạo thành Trấn Ba Châu, với nghĩa đại khái là ba hạt châu che chắn cho thị xã Long Xuyên lẫn con sông Thoại Hà, nay người ta quen gọi là sông Hậu.

Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, thì từ những thế kỷ đầu Công nguyên, những con người ở đây đã sáng tạo ra nền văn minh Ốc Eo – Ba Thê. Cái tên cù lao Ông Hổ cũng bắt nguồn từ câu chuyện truyền miệng: Có vợ chồng anh nông dân là người đi khai hoang trên cù lao, vô tình nhặt được một chú hổ con đem về nuôi. Hổ gần người từ bé, nên sống thân thiện như con chó, con mèo trong nhà. Đến khi vợ chồng anh nông dân mất đi, hổ bỏ nhà và chuyển vào mé rừng rậm trên cù lao để sống. Cứ mỗi lần giỗ vợ chồng anh nông dân, hổ lại tha khi thì con heo rừng, lúc là con hoẵng về đặt trước phần mộ của ông bà chủ rồi bỏ đi.

Cảm mến cái nghĩa của hổ, những người dân khai hoang nơi này gọi cù lao mình đang sinh sống là Cù lao Ông Hổ. Bắt đầu từ thời Vua Minh Mạng (1820-1840), những người dân chân lấm tay bùn tại nơi đây nghe theo tiếng gọi của nghĩa binh, vùng lên chống giặc khi chúng xâm lược vùng đất An Giang. Một trong những nông phu chiến đấu dũng cảm và được sắc phong là vị thần Đình làng Mỹ Hòa Hưng có tên là Trương Công Lý. Đúng 48 năm sau bản sắc phong của Vua Minh Mạng ban cho ông Lý, ngày 20/8/1888 cũng trên cù lao này, Chủ tịch Tôn Đức Thắng – người công nhân vô sản vĩ đại của dân tộc chào đời.

Cậu bé Tôn Đức Thắng ngày ấy sinh trong gia đình đông anh em, vì cậu  là người con thứ nhất, theo cách gọi của người Nam Bộ là thứ hai, nên dân cù lao quen gọi cậu là Hai Thắng. Cù lao Ông Hổ cũng như bao cù lao khác rất đặc trưng ở khu vực sông nước  miền Tây, đó là một dải đất thoai thoải nổi lên giữa dòng sông, đầy cây xanh và không khí trong lành, bình yên đến lạ. Hai Thắng lớn lên trong cảnh êm đềm ấy.

Tuổi thơ của Hai Thắng được tắm mát bởi con sông Thoại Hà nặng phù sa, nhưng chỉ được ít lâu, khi đến tuổi ăn tuổi lớn, Hai Thắng được ông thân sinh mình là cụ Tôn Văn Đề và thân mẫu bà Nguyễn Thị Dị gửi về miệt Cái Sơn (nay là đường Thoại Ngọc Hầu) để học chữ nho, chữ quốc ngữ và cả tiếng Pháp. Lúc này, thực dân Pháp đã chiếm An Giang hơn 21 năm và triều đình nhà Nguyễn cũng đã ký Hàng ước Patơnốt chấp nhận giao đất nước cho Pháp.

Học ở Long Xuyên được ít lâu, Hai Thắng lên Sài Gòn vừa học vừa làm thợ và bắt đầu đi theo tiếng gọi của giai cấp vô sản, của cách mạng. Đằng đẵng cho đến mấy chục năm trời, từ anh công nhân chống chế độ hà khắc trong công xưởng, đến người tù khổ sai hơn 30 năm ở Côn Đảo và trên các cương vị lãnh đạo quan trọng, nhất là cương vị Chủ tịch nước, dẫu cho ở cương vị nào thì cái tên Tôn Đức Thắng luôn là niềm tự hào của người dân xứ cù lao Ông Hổ.

Bác Tôn chúc tết cảnh sát PCCC Hà Nội (năm 1974).

Nói quê hương Bác Tôn đổi mới thì khỏi cần phải nhìn xa lơ xa lắc ở đâu đó, cứ nhìn vào lãnh đạo chính quyền sẽ nhận thấy ngay. Hôm chúng tôi đến Ủy ban nhân dân xã Mỹ Hòa Hưng để trao đổi với lãnh đạo về những nét mới của cù lao, ông Phó chủ tịch xã cứ khẩn khoản: “Anh lên lầu trao đổi với chủ tịch xã đi, cả tháng nay anh ấy đã chuẩn bị tư liệu để cung cấp cho các nhà báo rồi”.

Trái với tưởng tượng của chúng tôi, chủ tịch xã trẻ măng, trẻ đến mức khi chưa xưng chức vị, chúng tôi cứ tưởng anh là... chuyên viên văn phòng của xã. Anh Lê Văn Lắm, Chủ tịch xã Mỹ Hòa Hưng, chỉ mới 32 tuổi. Anh Lắm kể rằng, anh là dân cù lao gốc, học xong Đại học Luật ở ngay An Giang, rồi về làm phó chủ tịch xã. Đầu năm 2008, anh được Hội đồng nhân dân bầu làm chủ tịch. Có lẽ, anh là một trong những chủ tịch xã trẻ nhất miền Tây này.

Anh Lắm nói: “Anh muốn tìm hiểu thêm về Bác Tôn, có thể tìm gặp ông Út Thương, một trong những người lớn tuổi nhất cù lao Ông Hổ này. Hy vọng bác Út Thương sẽ cung cấp được cho anh ít nhiều tư liệu về Bác Tôn”.

Theo sự hướng dẫn của anh Trương Văn Lắm, chúng tôi tìm đến nhà ông Út Thương. Căn nhà ông Út nằm cách căn nhà thời niên thiếu của Bác Tôn không xa, mà thật ra, trên cái cù lao này những căn nhà thường nằm san sát nhau. 

Ông Út Thương trần tình: “Thiệt ra, tui cũng có biết gì nhiều về Bác Tôn đâu. Thuở nhỏ, nghe anh chị hoặc ông bà kể lại Bác Tôn đi hoạt động cách mạng ở trên Sài Gòn rồi bị bắt đày ra Côn Đảo. Cả cái miệt cù lao này, ai mà không tự hào khi được sinh ra và lớn lên ở vùng quê của Bác Tôn. Có điều, sau cái đận Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Tôn có về thăm quê một đêm và tui may mắn được nhìn thấy Bác trong đêm đó”.

Ông Út Thương kể cái đêm Bác Tôn về thăm nhà sau thời gian bị tù đày, hai cụ thân sinh của Bác đều đã mất. Đằng đẵng mấy chục năm trời theo cách mạng, lo cho sự tự do dân chủ của hàng triệu anh em giới thợ thuyền nhưng khi cha mẹ mình mất Bác đã không được về để đưa tang.

Ông Út Thương nói, trong trí nhớ của ông, Bác Tôn có dáng người roi roi. Khi Bác Tôn về cũng không cho lối xóm hay, nhưng do mấy người em của Bác nói lại, nên bà con trên cù lao rủ nhau lại nhà thăm Bác. Bác về chỉ đúng một đêm rồi sáng hôm sau lại đi ngay. Đi mãi cho đến 33 năm sau, vào năm 1978 Người mới có thời gian về thăm quê. Lần thăm quê này, Bác Tôn chỉ ở độ hơn 1 giờ đồng hồ rồi lại đi. Vỏn vẹn, Bác về cù lao Ông Hổ được đúng hai lần.

Ông Út Thương kể thêm, ngay từ thuở nhỏ Bác Tôn đã sớm bộc lộ tính cương nghị và bộc trực của mình. Có câu chuyện từ thời Bác Tôn đi học mãi cho đến giờ vẫn được các gia đình trong cù lao lấy để dạy con em mình không nên làm ngơ trước cái không đúng. Hồi Hai Thắng đi học tiểu học ở thành phố, có ông thầy giáo đứng lớp thích dạy học trò theo kiểu giựt ngược tóc lại để mắng. Một lần, ông làm vậy với Hai Thắng. Ngay sáng hôm sau, Hai Thắng đã làm bạn bè đồng môn chưng hửng khi bước vào lớp học với cái đầu húi cua sát chân tóc. Sau đó tan học, Hai Thắng gặp thầy giáo, rất lễ phép khoanh tay nói: “Thưa thầy, trò nghĩ là cái đầu để thờ cha thờ mẹ thờ thầy. Nên trò sai lỗi nào, thầy có thể dùng lời nói mà uốn nắn, chứ không nên cứ kéo giựt ngược tóc trò mà chỉ bảo”. Sau phút ngỡ ngàng vì phản ứng rất người lớn ấy của cậu học trò nhỏ, ông giáo tỉnh người ra và bỏ luôn cái tật giật tóc học trò từ đó.

Trở lại kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ông Lê Minh Tùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cho biết, từ cuối năm 2007, tỉnh đã thành lập Ban Tổ chức lễ và đã triển khai nhiều nội dung, phân công cụ thể cho nhiều ngành, địa phương thực hiện. Những hoạt động chính như: sửa chữa, tôn tạo, làm mới 10 công trình tại Khu lưu niệm Bác Tôn ở Mỹ Hòa Hưng; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã thu hút 87.437 người gửi bài dự thi; tổ chức Hội thảo khoa học tại Tp Long Xuyên về cuộc đời và sự nghiệp Bác Tôn; thực hiện 5 bộ phim về Bác Tôn; tổ chức Trại sáng tác điêu khắc gỗ ở quê hương Bác Tôn với 23 tác phẩm; tổ chức thi sáng tác về ca cổ, thơ văn, sáng tác nhạc, mỹ thuật; thực hiện bức tranh Chủ tịch Tôn Đức Thắng bằng gáo dừa với kích thức lớn nhất từ trước đến nay...

Cũng nằm trong chương trình hoạt động này, An Giang  còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, như: tổ chức đêm nhạc Hoàng Hiệp với chủ đề “Dòng sông tuổi thơ”; tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng 4 dân tộc Việt - Hoa - Khmer - Chăm và rất nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao khác. Nhưng không cần đến ngày Lễ kỷ niệm thì xứ cù lao mới sôi nổi hoạt động ghi nhớ Bác Tôn, mà vẫn còn ở đó, những con người thầm lặng trải lòng mình nhớ Bác, như chuyện của bà Huỳnh Thị Nga (ấp Mỹ An 1), người nhiều năm liền tự nguyện quét rác đoạn đường từ bến phà Ô Môi đến tận Khu lưu niệm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Chuyện của bà Nga cũng lạ.

Bà sinh ở Bến Tre, trong gia đình có truyền thống cách mạng. Thời con gái, bà là thành viên của “Đội quân hoa hồng”, một đội quân nữ đặc biệt lúc bấy giờ. Cứ hễ phát hiện thấy địa điểm nào có bom đạn do ngụy quân cài lại, các thành viên của đội sẽ lặng lẽ bỏ xuống nơi ấy một bông hoặc một khóm hoa hồng để đánh dấu cho các chiến sĩ cách mạng biết. Rồi bà được cử đi học lớp y tá ở Tiền Giang, trở về từ lớp y tá này trong một lần chăm sóc thương binh, bà phải lòng anh thương binh có tên Nguyễn Văn Hùng quê ở An Giang. Lúc anh xuất viện, cũng là khi họ nên vợ nên chồng. Bà theo ông về cù lao Ông Hổ sinh sống luôn từ đó.

Nhắc đến chuyện của bà Nga, anh Lắm không giấu được vẻ bùi ngùi: “Cách đây ít lâu, cô Nga đã qua đời do bệnh nặng. Chúng tôi thương tiếc bà lắm”. Nhưng cũng chính vì nghĩa cử của bà Nga, nên nhiều người dân trên cù lao đã duy trì chuyện làm sạch và đẹp con đường đến Khu di tích Bác Tôn tính từ bến phà Ô Môi.

Càng gần đến dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Tôn, không khí trên cù lao Ông Hổ càng hối hả. Ông Tám Chi, Trưởng ban Quản lý Khu di tích nói năm nay UBND tỉnh An Giang cấp kinh phí 10 tỉ đồng để tu bổ và làm mới các hạng mục công trình của khu di tích, như: mang chiếc chuyên cơ YAK-40 – chiếc chuyên cơ đã chở Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn để chủ trì Đại lễ mừng chiến thắng Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào năm 1975 – từ sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) về cù lao Ông Hổ, phục chế chiếc canô và xe hơi của Bác Tôn, làm thêm nhiều công trình phụ khác để thu hút khách du lịch...

Nói đến chuyện khách du lịch, từ ngày khu di tích Bác Tôn được khánh thành, người dân quê ở xứ cù lao này lại làm quen với một nghề mới là kinh doanh du lịch dạng “khách cùng ở với chủ nhà”, gọi nôm na là homestay. Khách có nhu cầu tham quan quê hương Bác Tôn, cứ đặt tour du lịch sẽ được công ty du lịch đưa đến các nhà đã ký hợp đồng với công ty trên cù lao để cùng sinh hoạt và tham quan. Mà có thể, giá tour homestay nơi đây là rẻ nhất thế giới, chỉ có... 17 nghìn đồng cho một ngày đêm. Ông Tám Chi nói thêm là Khu di tích Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng đang xây dựng thêm phòng thông tin để tiếp nhận du khách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách du lịch khi muốn đến tham quan tại đây.

Chiều, trên cù lao đầy gió, ông Út Thương cứ khẩn khoản hoài: “Hôm nào cháu có đi công tác thì đừng ở nhà khách hay nhà trọ gì hết, cứ về đây ở với bác. Hai bác cháu mình nằm đêm nói chuyện chơi. Tao không có lấy tiền của mày đâu mà mày lo”.

Cứ thế, con người trên cù lao Ông Hổ mộc mạc và luôn chân tình. Ngay cả khi ông cụ đã gần 80 tuổi vẫn sẵn sàng bỏ cơm trưa để ngồi trò chuyện với khách lạ. Tiễn chúng tôi về, ông Út Thương nói rất hào sảng: “Mãi mãi người dân trên xứ cù lao này luôn nhớ Bác Tôn và luôn luôn tự hào được sinh sống trên mảnh đất quê hương của một con người vĩ đại”

Kinh Hữu
.
.