Về Lam Sơn tìm hào khí Lũng Nhai: Địa danh hay mật danh?

Chủ Nhật, 20/09/2020, 09:42
"Vùng núi đá thuộc xã Yên Lâm (huyện Yên Định, Thanh Hóa - NV) có Thung Mai mà có người đã đoán có lẽ là Lũng Nhai, nơi hội thề khởi nghĩa diễn ra năm Bính Thân chăng? Quả thực nơi đây cũng có núi Bàn Thề và truyền thuyết về 18 quận công, nhưng có thực là Lũng Nhai là đó? Xã Yên Lâm còn có Thung Voi cũng liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn…".


1. Chúng tôi tìm đến gặp họa sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử Phan Bảo, một trong số những "có người" mà PGS Vũ Ngọc Khánh nhắc đến ở đoạn văn trên, in trong cuốn "Lê Lợi và đất Lam Sơn" mới được NXB Thanh Hóa phát hành. Cùng với nhà sử học Nguyễn Diên Niên, họa sĩ Phan Bảo là người gắn bó cả cuộc đời với những trầm tích văn hóa xứ Thanh, kiến văn rộng rãi, thường ngược xuôi điền dã tìm hiểu suốt nhiều năm qua.

Theo họa sĩ Phan Bảo, muốn biết Lũng Nhai ở đâu thì cần xác định được những người tham dự hội thề, đặc biệt là Lê Lợi, sinh sống ở đâu. "Cần có sự phân biệt giữa hai địa danh Lam Sơn (Yên Định) là quê hương và Lam Kinh (Thọ Xuân) là nơi xây lăng mộ của vua Lê Lợi. Hai địa danh này chỉ cách nhau vài chục km và đều có quan hệ mật thiết đến Lê Lợi, nhưng là khi ngài còn sống hoặc đã mất.

Họa sĩ Phan Bảo.

Ở đất Yên Định còn có làng Lê Xá và Trịnh Xá của bố và mẹ nhà vua, có ngôi đất Phật Hoàng (nay là nông trường Thống Nhất), núi Thụ Mạnh (núi Mành), sông Ngọc Chùy (sông Cầu Chày)… được vua Lê Thánh Tông nhắc đến trong những lần về quê viếng tổ tiên. Vùng núi này có rất nhiều hang động rộng lớn và kín đáo, hoàn toàn có thể tụ tập đông người.

Tôi cho rằng, Hội thề Lũng Nhai sẽ diễn ra tại một trong số các hang động lớn thuộc Thung Mai hiện nay, dù trước đây từng có niềm tin rằng hội thề ở làng Miềng (huyện Ngọc Lặc). Nhưng nhất quyết không thể là ở huyện Thường Xuân" - họa sĩ Phan Bảo cho biết.

Họa sĩ Phan Bảo luôn rất nghiêm túc khi đưa ra chính kiến của mình, từng nhiều lần được cùng ông điền dã quanh khu vực làng cũ của vua Lê Lợi, nhưng hiện tại nhiều địa danh cần khảo cứu đang thuộc khu vực an ninh, quốc phòng, nên chúng tôi đành dừng lại.

2. Chúng tôi lượn xe máy xung quanh bốn phía của núi Miềng (xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa), một dãy núi không quá lớn nhưng rất kỳ lạ nằm giữa ngã ba sông Âm và sông Chu hợp lưu. Đây là nơi giáp ranh của cả ba huyện Thường Xuân, Thọ Xuân và Ngọc Lặc, nên về mặt hành chính thì có vẻ xa cách, nhưng sự thực một tiếng gà gáy cả ba huyện cùng nghe.

Bến sông và núi Bàn Thề ở làng Miềng.

Đi sâu từ phía Ngọc Lặc vào làng Miềng ra sát bãi Lạnh có mũi Hàm Rồng chạm bến nước, lại băng qua nhiều triền bãi dài của đất Thọ Xuân nhìn sang chính diện núi phía bên kia sông, đứng từ phía ngã ba sông Nhà Lê và sông Chu nhìn sang. Đứng trên núi Miềng có thể nhìn thấy núi Bù Mé và ngược lại.

Từ đường Hồ Chí Minh nhìn sang, dễ dàng nhận thấy cả hai dãy núi này sừng sững, cùng hướng về phía sông Chu. Bao bọc phía hữu là Bù Mé, phía tả là núi Miềng mà tạo nên thung lũng phì nhiêu giữa hai dòng sông Chu, sông Âm. Có thể hình dung Bù Mé và núi Miềng là hai bên vành mũ, còn sông Chu vắt ngang như chiếc quai.

Núi Miềng là tên riêng theo tiếng cổ, có hình dáng như con rồng đang trườn ra sông Chu uống nước, với ba khúc nhô cao là các đỉnh Hàm Rồng, Bù Hương và Ngọc Quân. Đầu núi như con rồng đang chầu về đất Lam Sơn, chỉ cách đó một dải sông Chu. Núi không quá cao và hiểm trở, chỉ dài chừng mấy cây số, nhưng là tiền tuyến án ngữ con đường thủy bộ hướng tới căn cứ Bù Mé và Chí Linh phía sau.

Từ đây, nếu đi thuyền gỗ nhẹ, chỉ ít phút là chúng ta có thể tới ngã ba sông Chu và sông Nhà Lê tại cầu Bái Thượng. Hoặc ngược theo sông Âm, cũng có thể đến núi Bù Mé sau vài giờ. Có thể nói đây là một đầu mối giao thông đường thủy cực kỳ quan trọng, theo văn bia tại vách núi Miềng đã ghi lại trận đánh lớn của thủy quân Lam Sơn năm 1420 tại đây.  

Làng Miềng và một số thôn xóm khác nằm ngay sát chân núi. Bên trong thung lũng rộng rãi và bằng phẳng ấy, có khoảng ruộng lớn (trước đây là gò), có tên là ruộng Bàn Thề. Ruộng Bàn Thề hướng lên đỉnh núi Bù Hương, cũng có tên là núi Bàn Thề, người dân địa phương tin rằng đó mới chính là nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai.

Những người ủng hộ mạnh mẽ cho quan điểm này là các ông Phạm Văn Tuấn, Phạm Tấn, Trịnh Ngữ, Trịnh Bá Dương… thuộc Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa hoặc Khu Di tích Lam Kinh. Và, chúng tôi cũng từng trao đổi kỹ với ông Phạm Tấn, Tổng thư ký Hội KHLS Thanh Hóa về quan điểm Hội thề Lũng Nhai diễn ra tại làng Miềng, để có những thông tin nêu trên.

3. Vậy, trong rừng thông tin đầy công phu và tâm huyết của các học giả đáng kính ấy, Lũng Nhai ở đâu? Chúng tôi đành phải tìm hào khí Lũng Nhai theo cách của riêng mình. Lũng, tức là thung lũng do sông suối bồi đắp và rộng được các dãy núi bao bọc xung quanh. Khắp miền tây Thanh Hóa và đất nước, có vô số tên gọi có chữ Lũng. Còn Nhai?

PGS.TS Khảo cổ học Trình Năng Chung thường nhắc tôi nên cẩn thận quan sát những vách đá lớn dựng đứng nằm dọc bờ sông, bởi người xưa luôn có những ấn tượng đặc biệt đối với các ma nhai đó. Những cỗ quan tài treo trong hang động trên vách núi dọc các bờ sông suối miền tây xứ Thanh, những nhai bích họa bí ẩn ở Pha Tém, cây trường sinh cheo leo trên ma nhai Ái Thượng, thơ và văn bia cổ trên các vách đá…, liệu có gợi ý nào về tên gọi Lũng Nhai bên bờ sông Chu?

Vách đá dựng đứng bên sông Chu, mật danh của Lũng Nhai.

Khi điền dã bốn bề quanh chân núi làng Miềng, chúng tôi nhận thấy, khắp cả đoạn sông Chu sông Âm chảy qua khu vực Lam Sơn đều là những quả đồi bát úp, hoặc triền bãi. Chỉ duy nhất ngọn núi Miềng có vách đá dựng bên bờ nước, còn gọi là nhai, hay ma nhai, điểm nhấn đặc biệt trên các tuyến đường thủy. Điều này khá quan trọng, khi biết rằng, vào thế kỷ XV đến gần đây, việc di chuyển của người dân chủ yếu bằng thuyền.

Điểm lại danh sách 19 người được nhắc tên trong văn thề Lũng Nhai, ta nhận thấy: Lê Lợi ở Lam Sơn, nhà gần như đối diện với núi Miềng. Lê Thận sống trên bờ sông Chu đoạn Mục Sơn, Lê Văn An, Lê Linh…, tính là 7 người, đều ở gần mạn đó, không xa lạ gì với bến thuyền này.

Những người dưới hạ lưu sông Chu, kể cả phương án giả thuyết rằng Lê Lợi ở quê cũ Yên Định, hoàn toàn có thể theo thuyền ngược dòng, bất ngờ áp mạn, nhảy lên bờ, mất hút sau rặng cây và triền đê cao. Nếu đi từ phía sông Nhà Lê, các tướng cũng cập bến Bái Thượng là nhìn thấy ngay ngọn núi Miềng, chỉ cần thả thuyền trôi theo dòng thừa lúc an toàn mà áp mạn.

Những khách bộ hành như Lưu Nhân Chú, Bùi Quốc Hưng… có thể nhìn thấy núi Miềng từ xa, áp mạn phía đường thượng đạo mà đến làng Miềng, hoặc nhằm vách đá mũi Rồng trực chỉ, vượt qua dòng sông Chu không quá rộng mà sang. Họ cũng có thể đến thẳng nhà Lê Lợi hoặc Lê Lai, vì rất ít người.

Điều đáng nói, từ ma nhai Hàm Rồng, người ta có thể quán xuyến hết tất cả những ai đang đến làng Miềng, từ các hướng, cả hai đường thủy bộ. Không có yếu tố bất ngờ. Còn điểm tập kết Bù Mé, muốn tìm đến chỉ có thể là thổ dân, hoặc có người đưa đón từ xa cả chục dặm thủy bộ mới có thể tiếp cận, khó đảm bảo sự chủ động, bí mật.

Có thể coi Lũng Nhai như một mật danh, bí số? Đơn giản, đó là ký hiệu Lũng và Nhai, để những người phương xa chủ động tìm đến vách đá bên sông làng Miềng? Đây rất có thể là biện pháp đảm bảo an toàn và bí mật mà người xưa cũng đã áp dụng trong ngày tiền khởi nghĩa Lam Sơn?

4. Cũng cần nói thêm về bến nước làng Miềng, khá kín đáo và thuận lợi, không chỉ nổi tiếng vì một trận thủy chiến đại thắng của nghĩa quân Lam Sơn mà còn vì một câu chuyện cảm động của Lê Lợi lúc bôn tẩu. Lê Lợi bị giặc truy sát, bèn áp vào bến sông này. Thấy xác một người phụ nữ dạt bên mép nước, không nỡ bỏ đi, Lê Lợi bèn chôn cất cho người đàn bà xấu số. Vừa xong thì giặc đuổi đến nơi. Ông bèn ẩn trốn vào một hốc cây xé.

Lũ chó săn đánh hơi thấy, cứ nhằm gốc cây mà sủa, giặc bèn lấy giáo đâm vào, trúng đùi. Lê Lợi nén đau, dùng vạt áo lau máu ở mũi giáo đi. Bất ngờ có con kỳ đà nhảy ra, bầy chó ham mồi vội đuổi theo. Giặc tưởng bầy chó sủa vì con kỳ đà, bèn giết cả bầy, rồi bỏ đi. Sau này, người dân gọi bến sông làng Miềng là bãi Lạnh, không chặt bỏ cây xé bao giờ, kiêng ăn thịt kỳ đà. Cá biệt có hai dòng họ Bùi, Phạm khi thấy kỳ đà chết còn đem chôn.

Tại sao Lê Lợi lại chạy vào làng Miềng? Giặc đuổi gấp, ông vẫn bình tĩnh chôn cất xong xuôi cho người phụ nữ? Vì đơn giản, đó là vùng đất mà ông quá thân thuộc. Đặc biệt, từ làng Miềng, ông có thể vượt khu rừng nhỏ băng sang vùng đất của Lê Lai, người bạn chí cốt, ở cách đó không xa.

Đứng từ làng Tép, ngay ở đền thờ Lê Lai hiện tại, có thể nhìn thấy núi Bù Mé bên kia sông Âm, cách chừng hơn 10km. Nhưng từ làng Tép sang làng Miềng, theo đường núi chỉ chừng 3km. Có thể tin rằng, gia tộc của Lê Lai có tầm ảnh hưởng rất lớn ở mạn tả ngạn sông Chu này. Đối diện bên kia, hoặc bao trùm cả dải sông Chu từ Thường Xuân về Thiệu Hóa là thuộc ảnh hưởng của Lê Lợi. Đặt hội thề ở làng Miềng là trên đất của Lê Lai.

Một điểm thú vị nữa, trong tất cả các văn thề tìm thấy tại nhà các Khai quốc công thần triều Hậu Lê, tên của Lê Lai luôn được xướng lên thứ hai, chỉ sau Lê Lợi. Tên tuổi của 18 nghĩa sĩ Lũng Nhai có thể bị chép sai, thêm hoặc bớt, nhưng tên của Lê Lai luôn được giữ nguyên cùng tên Lê Lợi. Có thể tài năng và uy tín cho ông vị trí quan trọng này, nhưng có thể ông là người được giao trọng trách đứng ra tổ chức hội thề này, tư cách chủ nhà.

Lê Lợi giao trọng trách ấy cho Lê Lai, vì hai người quá thân thiết và đồng cảm. Với người anh và ba con trai tháo vát dũng lược, gia tộc người đông thế mạnh, Lê Lai hoàn toàn có thể tổ chức thành công một buổi hội thề đặc biệt trang trọng và bí mật. Sau này, thực tế đã chứng minh tình cảm chân thành tuyệt đối của Lê Lai với Lê Lợi và ngược lại. Lê Lợi là chủ tướng, Lê Lai gánh trọng trách thứ hai.

Ngay từ những manh nha để khởi nghĩa, chứ không phải chỉ sau sự kiện "dịch bào thế quốc" (đổi áo thay mặt vua, chịu nạn vì nước) ở Linh Sơn thì vai trò của Lê Lai mới được trân trọng, đứng đầu tất cả các Khai quốc công thần của nhà Hậu Lê như chúng ta vẫn thường biết.

Lê Quân
.
.