Về vụ bom Mỹ giết hại hơn 50 bác sĩ, cán bộ, học viên ngành y tế tỉnh Yên Bái năm 1965

Thứ Sáu, 01/08/2008, 11:30
Cuộc tranh cãi xung quanh vụ bom Mỹ giết hại hơn 50 bác sĩ, cán bộ, học viên ngành y tế tỉnh Yên Bái đã chấm dứt khi UBND tỉnh Yên Bái kết luận: nhiều người trong số họ đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ cấp cứu và vận chuyển cấp cứu khi bom Mỹ oanh tạc miền Bắc Việt Nam năm 1965. Tỉnh Yên Bái chính thức giao cho các ban, ngành hữu quan sớm lập hồ sơ công nhận thương binh, liệt sĩ cho các đồng chí kể trên.

Trước nước mắt của hơn 60 nhân chứng sống, trước món nợ tâm linh bằng cả một ca táp hồ sơ giấy trắng, mực đen, dấu triện đỏ từ vài thập niên trước mà tôi đang lưu giữ, tôi hiểu sâu sắc rằng: tấm bằng liệt sĩ, danh hiệu thương binh, sẽ đem lại một thứ vô giá khác: Sự thật lịch sử.

Hành trình 41 năm để đến được sự thật

Có hàng trăm thân nhân, hơn năm chục gia đình, dòng họ có thân nhân là bác sĩ, dược sĩ, có người hai bằng Đại học Y và Đại học Dược (từ những năm 60 là rất hiếm!) đã xả thân xin lên "rừng xanh núi đỏ" Yên Bái, cống hiến tâm sức cho vùng cao hoang rậm, họ đã dũng cảm đối mặt với bom tấn để rồi ngã xuống.

Bằng chứng về việc này, kể cả những tấm ảnh, những văn bản do cơ quan chức năng ban hành thời bấy giờ vẫn còn, rất thuyết phục. Ai dè, các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái vẫn cho là cần phải có một tờ giấy mỏng mảnh liên quan vụ đánh bom chết người kia thì mới được xem là... hoàn thiện hồ sơ. Thế là việc những người trẻ hy sinh đã bị thủ tục hành chính cứng nhắc quy rằng: chết vì rủi ro trong chiến tranh.

Cái buổi chiều ấy, các cụ cầm cả kilôgam hồ sơ đến gặp tôi, khi đã tuyệt vọng kêu cứu, khi đã đề đạt nguyện vọng tới cơ quan chức năng của tỉnh mà chưa đạt kết quả.

Đúng 40 năm trôi qua, kể từ cái ngày định mệnh 9/7/1965, khi bom của đế quốc Mỹ giội xuống, giết chết hơn 50 đồng chí, đồng nghiệp của mình, họ đã lên lão tất thảy. Căn nhà, buổi chiều chạng vạng ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, cả chục mái đầu bạc cùng nức nở, người trẻ nhất cũng tròm trèm 50 tuổi - đó là Tiến sĩ Y khoa Đỗ Quốc Hùng, Trưởng phòng Điều trị của BV Tim Bạch Mai, con trai BS Đỗ Đức Giao, chàng trai Hà Nội có hai bằng đại học, bỏ vợ trẻ con thơ ở thủ đô, tình nguyện lên Yên Bái và đã hy sinh trong vụ việc kia. Hai thế hệ cùng khóc. Cậu bé Hùng đã thoát chết trong gang tấc, là bởi vì hôm bom Mỹ thảm sát các y bác sĩ, Hùng vừa mới về Hà Nội sau những ngày nghỉ hè lên Yên Bái thăm bố.

Ngay từ lần đụng đến các tài liệu cũ mèm đó, tôi đã rùng mình đặt dấu hỏi: tại sao việc rõ ràng đến mức này, mà cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái vẫn không công nhận sự thật? Có người rỉ tai: sự việc đã 40 năm, tất cả các thế hệ lãnh đạo tỉnh nhà đều... gạt "mớ bùng nhùng" đó sang một bên, giờ ai dám lật lại hồ sơ là... mang tiếng "không phải với người đi trước". Có thể, đó chỉ là một cách nghĩ. Nhưng nghĩ gì thì nghĩ, phải căn cứ vào tài liệu. Tài liệu mà chúng tôi sưu tầm được không cho phép chúng ta "nghĩ" bất cứ cách nào khác: nhiều người trong số hơn 50 cán bộ, y bác sĩ tỉnh Yên Bái đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống lại sự leo thang của giặc Mỹ.

Mọi việc rất rõ ràng, và còn rõ ràng hơn, khi chúng tôi có trong tay lời xác nhận của Trưởng ty Y tế Vương Văn Giao, những lời thống thiết trước khi chết:

"Kính gửi: Tỉnh ủy và UBND tỉnh Yên Bái

Tôi Vương Văn Giao, nguyên Trưởng ty Y tế Yên Bái từ năm 1961-1967.

Qua trận Mỹ bỏ bom Yên Bái ngày 9/7/1965 vào Ty Y tế, bị chết một số bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh là những người được tôi giao nhiệm vụ "thường trực phòng không", số anh, chị em ở lớp học y tế cũng được bổ sung vào các đội cấp cứu phòng không.

Nay, Chính phủ ra chính sách đền ơn đáp nghĩa. Với danh dự là thủ trưởng khi đó, tôi khẳng định những anh chị em đó được ty phân công ở lại làm nhiệm vụ.

Kính mong Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái giải quyết chính sách cho gia đình anh chị em đã chết vì nhiệm vụ.

Tôi 85 tuổi đời,  52 tuổi Đảng, thương binh già yếu, nhưng vẫn còn minh mẫn, không lên gặp tỉnh để trình bày được. Nhớ các việc cũ. Xin các đồng chí để tôi chết được nhắm mắt.

Phùng Xá ngày 14/9/1998

(ký tên)

Kèm theo bức thư khiến ai đọc cũng xúc động của ông Giao, là lời xác nhận chữ ký, triện đỏ của UBND xã sở tại (cùng 60 nhân chứng sống).

Hơn thế, y sĩ Lê Minh còn giữ được một cuốn nhật ký ghi lại toàn bộ sự việc, với những chiếc xe trâu trệu trạo chở hơn 50 cỗ quan tài ra bìa rừng ven thị xã Yên Bái để mai táng. Xe trâu đi đến tàn một đêm thì mới khênh hết những người xấu số ra nơi an nghỉ. Trong đó, bi tráng thay, chính vợ và đứa con 10 tuổi đầu của ông Trưởng ty Vương Văn Giao cũng nằm trong hai cỗ quan tài, trên xe trâu, đi miệt mài trong đêm.

Xe trâu quan tài chứa thi hài các cán bộ y tế tỉnh Yên Bái bị bom Mỹ giết hại ngày 9/7/1965 đi mai táng.

Liên quan đến vụ việc này, đặc biệt "không thể chối cãi" là lá thư mà gia đình bác sĩ Nguyễn Văn Sâm ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc đã tìm cách liên lạc với chúng tôi để cung cấp. Nội dung như sau:

"Yên Bái 1/7/1965

Kính thưa thầy, bầm, dì và chú thím.

Con viết thư trước báo tin sơ tán về không biết nhà nhận được chưa.

(...)

Hiện nay con làm việc nhiều quá. Số bác sĩ của bệnh viện sơ tán về các huyện mất một nửa. Chúng con ở lại làm tất cả”.

Khi toàn bộ tài liệu mà các nhân chứng đưa ra để chứng minh cho sự thật thì những người có trách nhiệm của Sở LĐ TB&XH tỉnh Yên Bái bảo, đó là sự thật, chúng ta cần tôn trọng sự thật. Nhưng rồi, có một câu mấu chốt thì lại không đồng thuận với mong muốn của hàng trăm người suốt hơn 40 năm qua: thiếu một tờ giấy phân công nhiệm vụ cụ thể.

Thí dụ: giấy A, viết rằng, ông B (đúng chức năng) đã phân công các người A, B, C... làm những nhiệm vụ này nhiệm vụ nọ. Rồi bom đến, họ đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, thế thì họ mới được công nhận thương binh liệt sĩ.

Tôi hỏi lại, thưa đồng chí lãnh đạo Sở LĐ TB&XH Yên Bái, anh có tin là đã từng có tờ giấy như anh đang nghĩ đến được "ban bố" trong mưa bom bão đạn, trong hoảng hồn sơ tán không? Đồng chí không dám chắc là tờ giấy ấy từng có trong đời, hoặc tờ giấy ấy từng sống sót trong khi hơn 50 người bằng xương bằng thịt, được huấn luyện tránh bom lại bị bom Mỹ giết chết. Đồng chí đã nghĩ rất khoa học nhưng rồi đồng chí vẫn  không thấu tình ở chỗ đi tìm cái tờ giấy kia. Thú thật, đồng chí đã khiến chúng tôi bèn nghĩ đến việc đồng chí (vì lý do nào đó), đã không muốn làm hồ sơ cho các tử sĩ, mới đành nói "thác" rằng thiếu tờ giấy kia!

May thay, cách đây hai năm, UBND tỉnh Yên Bái, đã triệu tập một cuộc họp với ngót trăm người trong cuộc (trừ các nhân chứng), do Phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Hoàng Thị Hạnh chủ trì. Lời công nhận các tử sĩ đã "hy sinh vì nhiệm vụ" của hội nghị làm thân nhân những trí thức tình nguyện đầu tiên của Yên Bái khóc. Họ đã hy sinh vì nhiệm vụ. Tiến tới, sẽ có hồ sơ công nhận liệt sĩ và thương binh cho những trường hợp thật sự xứng đáng.

Vẫn khắc khoải chờ!

Một sự thật chua xót rằng: các nhân chứng đều mắt mờ chân chậm, đến như việc ky cóp lương hưu để đi xe khách lên Yên Bái thăm lại những hố bom khổng lồ mà đồng đội của mình đã ngã xuống họ cũng không làm được. Tài liệu cứ rơi rụng theo "thương hải tang điền".

Khi tôi, một nhà báo, đứng ra cầm tài liệu gốc, đến tận tỉnh, tận Tp Yên Bái để "thúc giục" người ta "mềm hóa" cái thủ tục "hành là chính" kia thì cơ quan cấp tỉnh này mới tá hỏa công nhận cái điều không thể chối cãi, cái điều mà, cách đó không lâu, chính họ đã đơn phương yêu cầu các cụ không được "đến hỏi" thêm một lần nữa!

Ghi nhận sự hy sinh, giao nhiệm vụ cho cấp dưới làm hồ sơ rồi, vài năm trôi qua, khi các cụ không còn hơi sức (hoặc không còn sống) đi kêu nữa, cơ quan liên quan đến vụ việc của tỉnh Yên Bái lại tiếp tục... im lặng. Im đến tận giờ phút này. Không có hồ sơ liệt sĩ nào được làm, không có đài tưởng niệm nào được dựng (như đã hứa). Mấy người hăng hái nhất đều đã chết già, chết bệnh.

Tương tự như vậy, cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái, 40 năm qua, đã hàng chục lần hứa, khất lần các nhân chứng có lương tâm. Gần đây nhất, tỉnh có văn bản, có ý kiến đăng lên báo chí hẳn hoi: rằng sẽ lập một cái như phù điêu - đài tưởng niệm, ghi rõ, đại ý: Nơi đây, vào giờ... ngày... bom Mỹ đã giết hại hơn 50 người là y bác sĩ, cán bộ, học viên Trường Y tỉnh Yên Bái. Dự án, riêng phần giải tỏa lên tới gần 500 triệu đồng. Đã có văn bản báo cáo mức độ đầu tư, đã khảo sát, và quả thật họ đã khảo sát (khi mà ngày giỗ các cụ hồi 9/7 vừa qua chúng tôi lại lên Yên Bái gặp bà con trong khu vực hố bom để hỏi lại). Tuy nhiên, khảo sát rồi bỏ đó. Cứ bỏ đó đến tận bao giờ, cái ngày giỗ thứ 43 của hơn 50 người vừa diễn ra, nay lại là 27-7 thêm một lần nữa?

Tôi không anh em họ hàng, không quen biết ai, trong số hơn 50 người đã ngã xuống trong đợt bom 9/7/1965 kia, thế rồi, sự thật lịch sử tự nhiên đè lên vai tôi "món nợ" với người đã hy sinh. Vừa rồi trở lại, ngắm hồ Nguyễn Thái đã thành cái công viên rực rỡ tiền tỉ, thấy trai gái nuột nà đi trên cỏ mịn, mà không khỏi ngậm ngùi cho hơn 50 người đã đổ máu xương dưới lòng hồ và bên bờ hồ. Hố bom sâu vẫn còn. Nhà ông Thọ, vẫn tọa lạc trên chòm đất từng là nền móng của Ty Y tế cũ, ông bới vườn thấy cả đầu lâu người. Thấy rồi, ông bật khóc, lại chôn rấp xuống. Có khi bới được mớ tóc con gái của một sinh viên Trường Y, cùng cái cặp ba lá còn lấp lánh sáng, những người hàng xóm của ông cũng đành chôn trở lại.

Nhiều thi hài bị bom đánh bật ra ngoài lòng hồ nước mà thời mới ta gọi là hồ Nguyễn Thái Học, "chắc chắn đào lên vẫn thấy xương người", ông Thọ sụt sịt. Ông trân trọng sự hy sinh của các bán bộ, y bác sĩ, vẫn nhang khói cho họ, cũng như ông vẫn thỉnh thoảng bới dính đầu lâu của họ. Nhưng ông không còn khoảnh đất nào khác để sinh sống. Đến khi tôi cùng nhân chứng có mặt, ông Thọ rất là nỗi niềm. Khi một vài vị đại diện UBND tỉnh, UBND Tp Yên Bái tìm vào,  khảo sát di dời nhà ông ra để xây dựng đài tưởng niệm, ông Thọ thấy như gánh nợ với di cốt người xưa trong ông được "cởi". Ông sốt sắng giúp đỡ, chấp nhận chịu thiệt để đi. Nhưng, rồi, dự án cứ treo mấy trăm ngày ròng rã.

Tôi về, ông thất vọng nhờ vả: anh về hỏi các vị ấy xem, sao mà "nhấc" có một mình nhà tôi ra để xây đài tưởng niệm cho hơn 50 cán bộ tình  nguyện vì Yên Bái đã ngã xuống, vẫn còn xương cốt dưới nền - sao mà khó khăn thế?

Tôi chẳng biết giả nhời ông Thọ thế nào. Cái việc tổ chức họp ba mặt một nhời giữa tỉnh Yên Bái, Ủy ban Các vấn đề xã hội, nhà báo, và nhân chứng sống cho mớ bùng nhùng hơn 40 năm được tháo gỡ... cũng vẫn còn "treo", "nợ" ở đó, huống hồ một lời hứa với ông Thọ còm nhom sống ở ven hồ

.
.