Vệt xích xe tăng đến ngày thống nhất

Thứ Bảy, 04/05/2019, 07:58
"Năm anh em trên một chiếc xe tăng/ như năm bông hoa nở cùng một cội/ như năm ngón tay trên một bàn tay/ đã xung trận cả năm người như một", lời ca cất cao chứa chan khí thế hào hùng của các cựu chiến binh (CCB) nguyên là cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 273, Tăng thiết giáp Quân đoàn 3 đã đưa chúng tôi đến khí thế hào hùng và nghĩa tình của những chiến binh thép trong khói lửa của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Kiêu hùng trên trận tuyến

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi được hòa trong niềm vui và hạnh phúc hội ngộ của các CCB Lữ đoàn 273, trên mảnh đất Thái Nguyên nơi mà cách đây 44 năm, những "chiến binh thép" bắt đầu thực hiện hành trình dài Nam tiến giải phóng đất nước. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Tăng thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cảm động ôm chặt lấy CCB, thương binh Nông Văn Vĩnh, chiến sĩ pháo thủ số 2 năm xưa.

Đột nhiên ông Hưởng thoáng giật mình, đôi mắt như rưng rưng ngấn lệ rồi buông nhẹ vòng tay, nâng ống tay áo bên trái của ông Vĩnh đang phất phơ bay theo gió và hỏi: "Cái này có ảnh hưởng đến cuộc sống lắm không?".

Nghe người chỉ huy cũ hỏi, ông Vĩnh tươi cười và trả lời: "Báo cáo anh, mới đầu làm quen với tình cảnh này cũng vất vả. Nhưng sau rồi thì quen dần. Hiện giờ làm một tay cũng nhanh như hai tay vậy".

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (bên trái) và pháo thủ Nông Văn Vĩnh trong cuộc hội ngộ sau hơn 44 năm.

Cái ngày Vĩnh bị thương vẫn in đậm trong ký ức của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng. Ngày 11-3-1975, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng, chiếc xe tăng số hiệu 980 cùng đội hình Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273 tiến công vào Sở chỉ huy Sư bộ 23 của ngụy ở thành phố Buôn Mê Thuột. Vừa vượt cửa được khoảng 10m thì xe tăng 980 bị trúng đạn của địch.

Luồng nhiệt nóng nung chảy và xuyên qua lớp thép, cắt đứt tay của pháo thủ số 2 Nông Văn Vĩnh. Tuy Vĩnh bị thương nhưng cánh tay ấy đã che đỡ toàn bộ luồng nhiệt, ngăn luồng nhiệt tác động vào hệ thống máy và các cơ số đạn pháo ở bên trong. Nhờ vậy, toàn bộ kíp xe an toàn.

Cũng giống như xạ thủ Nông Văn Vĩnh, CCB, thương binh Nguyễn Trần Đoàn cũng để lại cánh tay tái ngay trước giờ độc lập. Sáng 30-4-1975, trong trận đánh cuối cùng vào trung tâm Sài Gòn, dưới sự chỉ huy của Trần Đoàn, chiếc xe tăng K63, số hiệu 151 hiên ngang nã pháo vào các ổ lô cốt địch chốt chặn ở Ngã tư Bảy Hiền. Thấy chiến sĩ pháo thủ số 2 cầm súng máy 12,7mm mà bắn không đúng vị trí theo lệnh.

Trần Đoàn rời vị trí chỉ huy, lên vị trí pháo thủ số 2 nhô nửa thân người ra dùng hỏa lực súng máy 12,7mm tiêu diệt địch. Bỗng nhiên, Trần Đoàn nghe thấy một tiếng nổ lớn và cánh tay trái đau buốt, lìa khỏi thân vì trúng đạn. Máu tuôn ướt áo. Nén cơn đau, anh kiên quyết không rời xe.

Không sử dụng được súng máy 12,7mm, Trần Đoàn dùng tay phải kẹp súng AK vào nách và tiếp tục nhả đạn về phía quân thù chi viện cho bộ binh tiến công. Ý chí của anh đã tiếp thêm nguồn sức mạnh cho đồng đội trước mũi súng quân thù. Từng phút giây trôi qua theo tiếng súng yếu ớt của địch.

Nở một nụ cười hãnh diện theo bước tiến quân, những ký ức về ngày đầu xung phong nhập ngũ và quyết tâm buộc chì vào bắp chân để đủ cân vào bộ đội dần chảy qua dòng ký ức, Trần Đoàn ngất lịm trong vòng tay đồng đội, năm ấy người con trai đất cảng Trần Đoàn vừa tròn 18 tuổi.

Hiên ngang trước đạn pháo quân thù đã trở thành cái "chất" của những chiến binh thép. CCB Trương Công Đạo nguyên trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9 cho tôi xem biểu tượng chiếc xe tăng mang số hiệu 819, do CCB Trần Đức Khuê, nguyên lính sinh viên đại học Kiến trúc, nhập ngũ tháng 1-1972 vẽ ký họa năm 1972.

Cựu chiến binh Nguyễn Trần Đoàn (Ngoài cùng bên phải) đang kể chuyện về trận đánh ngày 30-4 cho các bạn trẻ.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập đơn vị vào năm 2017, các CCB nguyên là lính sinh viên nhập ngũ ở đơn vị Tăng thiết giáp đã trân trọng ghi số hiệu chiếc xe 819 do CCB Trương Công Đạo chỉ huy để tôn vinh những chiến công hiển hách của kíp xe. CCB Trương Công Đạo nhớ lại…

Tháng 3 năm 1974, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273 trong lúc hành tiến   quân được lệnh tiêu diệt địch đang án ngữ ở cụm cứ điểm Đắc Pek (thuộc huyện Đắc Tô-Tân Cảnh, nay là huyện Đắc Lây Kom Tum) trên đường 14. Lúc đó, anh Hưởng Đại đội trưởng, tôi là trung đội phó, anh Thịnh (người Thanh Hóa), mỗi người chỉ huy một xe tăng có nhiệm vụ dùng hỏa lực tiêu diệt các lô cốt địch tạo đà cho bộ binh tiến công tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm.

Đến giờ G, xe tăng Trung đội trưởng Thịnh xung phong đi đầu, đến một dốc cao, do bất cẩn xe bị lật. Xe tăng 819 do Trương Công Đạo chỉ huy lao lên dẫn đầu vừa đi vừa yểm trợ cho bộ binh.

Khi xe ở triền dốc, Đạo nhận lệnh tiêu diệt địch ở lô cốt đầu cầu. Lệnh được truyền đi, pháo thủ Nguyễn Văn Ba lúng túng báo cáo lại với Đạo: "Báo cáo! Cứ định vị được xong thì tháp pháo trôi xuống, không thể bắn được ạ".

Nghe vậy, Đạo rời vị trí chỉ huy và trực tiếp ngắm bắn. Để cho tháp pháo không bị trôi, Đạo bất ngờ có sáng kiến cầm ụ điều khiển pháo, đưa nòng pháo từ dưới rê dần lên, khi dấu định vị khớp vào lô cốt thì bóp cò. Đùng, đùng, hai phát đạn trúng ngay lô cốt. Tiếng súng từ lô cốt im bặt. Đoàn quân tiến qua cửa mở tiêu diệt địch, giải phóng Đắc Pek.

Chiếc xe tăng mang số hiệu 819 do CCB Trương Công Đạo chỉ huy còn đi vào lịch sử khi là chiếc xe tăng đầu tiên trong hàng ngũ các chiến binh thép vào vị trí bắn và bắn phát đạn đầu tiên trong chiến dịch Buôn Mê Thuột, hơn nữa còn giúp giải vây cho lực lượng đặc công đang bị địch vây hãm ở kho xăng Mai Hắc Đế nằm phía Tây Bắc thị xã Buôn Mê Thuột.

Nghĩa tình sau trước vẹn tròn

Cuộc đời chiến trận của những chiến binh thép oai hùng là vậy! Nhưng để có được sự oai hùng đó, cán bộ, chiến sĩ đã trải qua những ngày gian khổ chia ngọt sẻ bùi cùng nhau. CCB Trương Công Đạo vẫn nhớ như in sau trận đánh giải phóng Đắc Pek, đơn vị về đóng quân trong cánh rừng le bản Tri Lễ, thị trấn Tân Cảnh.

Hồi đó tiêu chuẩn cả ngày được 4 lạng gạo/người/ngày; thức ăn chỉ có muối vừng nên ai cũng đói. Chúng tôi phải lấy ăng-gô, đào măng le luộc lên ăn thêm để cầm hơi.

Cựu chiến binh Trương Công Đạo và bức ký họa xe tăng mang số hiệu 819.

Có lần về thăm đơn vị cũ là Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3 và dự giao lưu văn hóa-văn nghệ truyền thống. Cô MC có hỏi: "Theo quan niệm của mọi người, thế nào là hạnh phúc?". Lúc đó, người thì quan niệm hạnh phúc là có một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, hoặc có rất nhiều tiền…

Đến lượt tôi, tôi nhớ lại những ngày sống chiến đấu ở đây và trả lời: Karl Marx nói hạnh phúc là đấu tranh. Còn đối với chúng tôi - những người lính chiến trận, hạnh phúc nhiều khi chỉ là mong ước có một bữa ăn no, hay một người mẹ tìm được nắm xương của con đã hi sinh trên chiến trường.

Đôi mắt các CCB già rớm lệ khi nghe anh Đạo nhắc đến đồng đội cùng san sẻ gian lao, cùng ăn gió, nằm sương đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường trong bước chân của đoàn quân thần tốc giải phóng Sài Gòn.

Ngày 27-4, toàn đơn vị tập trung ở Bến Củi (Củ Chi - Tây Ninh). Lúc đó, chuẩn úy Nguyễn Văn Tư, Đại đội phó Kỹ thuật ra tươi cười nói với Đạo: "Ông Đạo ạ người ta phán tôi phải lên sĩ quan và chết trận đấy nhé! ". Tôi mới nói: "Bạn làm sao mà chết được vì bạn là đại đội phó Kỹ thuật làm sao mà chết?".

30-4, trước giờ xuất kích, Đại đội trưởng bị bệnh nên Tư được chỉ định thay thế đại đội trưởng, chỉ huy đội hình tiến công giải phóng Sài Gòn. Đến Ngã tư Bảy Hiền, xe tăng của Tư bị trúng đạn bốc cháy ngay trước giờ toàn thắng.

Ông Đạo nghẹn ngào kể: Ngày 29-4, tôi bị thương ở trận đánh tao ngộ chiến với đại đội xe thiết giáp của địch ở cầu Bông nên dừng lại.

Sáng 1-5-1975, tôi bắt xe vào Sài Gòn xem thì gặp chiếc xe của Tư vẫn đang bốc cháy ở Ngã Tư Bảy Hiền. Phải đợi 1 ngày sau khi cháy hết và thép đã nguội, ở mỗi vị trí trong xe, chúng tôi chỉ có thể lấy một nắm tro để an táng đồng đội đã hi sinh.

Tiếp nối kỷ niệm của người đồng đội Trương Quang Đạo, CCB Nguyễn Đình Thức nghẹn giọng kể: "Tôi ở cùng xe thiết giáp với Đại đội phó Đại đội 9 Nguyễn Văn Dân, quê Quảng Ngãi. Ngày 22-4, khi đơn vị tiến đánh, truy quét địch để giải phóng sân bay Hàm Tân, anh Dân lệnh cho tôi dùng B41 tiêu diệt máy bay địch đang đậu ở sân bay. Tôi nổ súng. Máy bay vừa trúng đạn bốc cháy thì tôi cảm thấy nước chảy mát lạnh mặt. Tôi buông súng ôm đầu và nói: "Anh Dân ơi! Em trúng đạn rồi". Không thấy anh Dân trả lời.

Tôi ngước lên thì thấy anh Dân từ từ đổ xuống. Tôi hốt hoảng ôm lấy anh mới hay anh bị địch bắn trúng đầu. Chúng tôi đưa anh ra khỏi xe và tiếp tục chiến đấu. Đến sáng hôm sau khi mặt trận bình yên, mọi người quay trở lại tìm, tổ chức truy điệu, chôn cất anh Dân.

"Đồng đội ngã xuống để chúng tôi được sống", đó là lời cám ơn sâu thẳm tự đáy lòng của những người còn sống và cũng là nguồn sức mạnh tinh thần nâng bước những người còn sống, sống sao cho xứng đáng với các đồng đội ngã xuống.

"Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay", thế mà chỉ với một tay phải và ý chí của Bộ đội Cụ Hồ, CCB Nguyễn Trần Đoàn đã tự mình vượt qua đói nghèo, và trở thành điểm tựa cho hơn 50 gia đình cựu chiến binh thành phố Hải Phòng.

Anh còn là "anh cả" của các doanh nhân cựu chiến binh trong hành trình tri ân, giúp đỡ những gia đình chính sách còn khó khăn.

Còn anh Đạo, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, nay là chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại và Dịch vụ văn hóa. Anh luôn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội và là phó giám đốc Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" và đang trực tiếp là chỉ huy trưởng công trình điều hành thi công công trình "Nhà nghỉ miễn phí" tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn do Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thực hiện, với mục đích tạo điều kiện ăn, ở cho những người có tâm huyết, thiện ý và gia đình liệt sĩ khi đến viếng nghĩa trang…

Việt Thùy
.
.