Nhân kỷ niệm 92 năm Cách mạng Tháng mười Nga vĩ đại (7/11/1917 - 7/11/2009):

Vị Ngoại trưởng lỗi lạc của chính quyền Xô Viết non trẻ

Thứ Bảy, 07/11/2009, 08:40
Ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Genua đã biến vị Ngoại trưởng Xôviết thành một người nổi danh nhất. Mọi người chen vai thích cánh vây quanh Chicherin mỗi khi có dịp, ai cũng sửng sốt về sự uyên bác tổng hợp của nhà ngoại giao này.

Ngày 10/4/1922, tại lâu đài San Georgo ở Genua (Italia) đã khai mạc một hội nghị quốc tế. Các đại diện của 29 quốc gia tham dự đều nóng lòng chờ đợi bài phát biểu của vị trưởng đoàn đại biểu Xôviết. Họ đang đòi nước Nga cách mạng trả lại những tài sản bị quốc hữu hóa sau "sự kiện tháng Mười", cũng như trang trải những khoản nợ trước và trong chiến tranh của thể chế Sa hoàng, của chính phủ tư sản lâm thời và các tổ chức cấp trung ương khác thuộc nước Nga trước khi nổ ra cuộc cách mạng vô sản cuối tháng 10/1917 - tổng cộng là 18,5 tỉ rúp. Và hơn nữa - họ còn đưa ra yêu sách về quyền can thiệp của ngoại bang với nhà nước Xôviết non trẻ, có nghĩa là áp dụng đường lối thực dân hóa như tại các quốc gia thuộc địa.

Georgy Vasilyevich Chicherin, Dân ủy viên Đối ngoại (tương đương chức danh Ngoại trưởng), kiêm Trưởng đoàn Xôviết đã nhiều đêm thức trắng chuẩn bị cho việc tham gia hội nghị này. Trong lời phúc đáp, phái đoàn Xôviết đã đưa ra những lời phản biện được hậu thuẫn bởi các bằng chứng không thể chối cãi: sự can thiệp của các nước phương Tây đã đem lại tổn thất 39 tỉ rúp cho nước Nga.

Ngoại trưởng G.V. Chicherin nêu rõ: "Trong khi giữ vững quan điểm của mình dựa trên những nền tảng của các nguyên lý Cộng sản chủ nghĩa, đoàn đại biểu Nga thừa nhận, rằng trong bối cảnh của thời kỳ lịch sử hiện nay, song song với sự tồn tại của thể chế cũ là việc khai sinh ra một chế độ xã hội mới. Sự hợp tác kinh tế giữa các quốc gia đại diện cho hai hệ thống xã hội nói trên, là điều thiết yếu khó phủ nhận để khôi phục lại nền kinh tế thế giới".

Như vậy, từ trên diễn đàn của Hội nghị Genua, lần đầu tiên trong lịch sử vang lên các ý tưởng bang giao quốc tế của những người theo chủ nghĩa Lênin, về sự cùng tồn tại hòa bình giữa các nhà nước có thể chế xã hội khác nhau. Đoàn đại biểu Nga còn đi xa hơn qua những lời đề nghị về giải trừ quân bị, nhằm chặn đứng các âm mưu chạy đua vũ trang và gây chiến mới.

...G.V.Chicherin phát biểu bằng tiếng Pháp, khiến nhiều người có mặt trong lâu đài San Georgo rất đỗi ngạc nhiên: một người Bolshevik - bất thình lình nói được thứ Pháp ngữ cực chuẩn như một công dân Paris chính hiệu. Nhưng trước khi hội nghị bắt đầu, Ngoại trưởng Chicherin tình cờ biết được là Trưởng đoàn đại biểu Anh lại không biết tiếng Pháp. Ông liền quyết định theo cách, mà không một người ghi biên bản chuyên nghiệp trong các hội nghị quốc tế nào có thể lường trước được, khiến ông càng nổi danh hơn: với Lloyd's George - Trưởng phái bộ Anh, Chicherin hướng về phía ông ta và lặp lại từng câu Anh ngữ một - sau những câu tiếng Pháp trước đó - với âm điệu như của một người từng sinh hạ tại London.

Ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Genua đã biến vị Ngoại trưởng Xôviết thành một người nổi danh nhất. Mọi người chen vai thích cánh vây quanh Chicherin mỗi khi có dịp, ai cũng sửng sốt về sự uyên bác tổng hợp của nhà ngoại giao này. Ông trao đổi hàng giờ với các nhà kinh tế học về các vấn đề kinh tế chi tiết, với giới sử gia về lịch sử năm châu, còn với giới thực phẩm tới từng điều nhỏ nhặt nhất trong kỹ nghệ tinh chiết rượu vang... Cuộc chiêu đãi sau đó do Vua Italia Victor Emmanuil tổ chức trên chiến hạm Dante Aligieri quy tụ rất nhiều thành viên thuộc giới thượng lưu tại Genua. Bất chợt nhà vua tiến lại phía Chicherin và mạn đàm hồi lâu với vị Ngoại trưởng Xôviết lỗi lạc, hầu như quên hẳn các sứ giả ngoại quốc khác.

G.V.Chicherin (thứ hai từ phải sang) trong một chuyến công du nước ngoài.

Trong những năm tháng ấy, báo giới phương Tây viết rất nhiều về nhân vật Georgy Vasilyevich Chicherin. Đồng thời thể hiện sự "không thể hiểu nổi" của họ về một con người, xuất thân từ một gia đình quý tộc Nga gốc truyền đời ngay từ thế kỷ XV, lại đi theo một chính thể khiến dòng tộc danh giá bao đời nay của ông phải lụi tàn. Câu trả lời dễ dàng tìm thấy trong những lá thư Chicherin gửi cho gia đình mình trước khi quyết định tham gia cách mạng.

Nhà ngoại giao Xôviết nổi tiếng I.M.Maixki, người từng gần gũi Chicherin trong những năm dài tị nạn trước cách mạng, cũng như sau này tại Bộ Dân ủy Đối ngoại, viết: "G.V.Chicherin là một khuôn mẫu chói sáng. Thoạt nhìn vẻ ngoài cũng gây ra sự lôi cuốn: cao to cùng mái tóc màu hạt dẻ và bộ râu kiểu học giả. Thêm vào là khuôn mặt lanh lợi, thông minh với vầng trán rộng đầy uyên bác khiến cả người ông như tiềm ẩn sức cuốn hút bẩm sinh. Điều dễ nhận thấy nhất là ở đôi mắt của Chicherin: sáng, sâu, cương trực và không an phận. Cách đi của ông cũng hết sức lạ: tất bật, sốt sắng, khác hẳn những người vốn có gốc quyền quý như ông.

Tóm lại Chicherin là một nhân vật đã để lại ấn tượng khó quên trong những năm tháng đầu cách mạng đầy gian khó ấy. Ông là một trong số ít người quả cảm hiếm hoi dám đặt dấu chấm hết cho cái quá khứ phong lưu của mình, dốc sức cho sự kiến tạo một thể chế mới mà ông tự nguyện gia nhập... --PageBreak--

Hồi xưa Chicherin thích trưng diện với những bộ quần áo chải chuốt đắt tiền, ăn ngon cùng đồ uống hảo hạng; bây giờ ông chỉ mặc những trang phục bình dân và ăn uống đạm bạc. Trước đây Chicherin tiêu pha rất nhiều cho bản thân; giờ đây ông làm việc không lương, sống cần kiệm và dành mọi khoản tài chính có được cho sự hoạt động của Đảng. Sau khi bước vào hàng ngũ đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Nga (tiền thân của Đảng Cộng sản), Chicherin luôn cho rằng mỗi phút trong cả 24 giờ thuộc một ngày đêm của mình đều phải được dành cho cách mạng và chỉ duy nhất cho sự nghiệp cách mạng mà thôi".

"Cá tính của Chicherin rất cẩn trọng và luôn toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp. Với bất cứ công việc nào, ông cũng muốn tìm cho ra giải pháp tốt nhất trong các phương án có thể được. Luôn lường trước mọi điều, lưu tâm đến mọi thứ, sẵn sàng quan tâm đến từng cá nhân một, biết lắng nghe ý kiến của mọi người", đó là lời nhận định của V.D.Bonch-Bruevich, một trong những nhà lãnh đạo Hội đồng Dân ủy (Chính phủ) sau khi Cách mạng tháng Mười thành công.

Còn đây là câu chuyện của A.G.Glebov, Cố vấn cao cấp của Bộ Dân ủy Đối ngoại Xôviết trong thời kỳ sau cách mạng: “Tôi có dịp đem những tài liệu mà Chicherin yêu cầu đến Văn phòng Ngoại trưởng. Chicherin đang nói to trong điện thoại giọng đầy xúc động. Mặt ông đỏ rần lên, với vẻ tập trung cao độ nên không phát hiện ra tôi. Chicherin đang đề cập tới một loại sữa bột nào đó... "Không, thưa đồng chí Vladimir Ilich Lênin, không! Xin đồng chí đừng có ép tôi! Tôi đề nghị nghiêm chỉnh đấy! Tôi dùng cả cân sữa bột chỉ vì được có tiêu chuẩn đặc quyền ư? Không, không, tôi không thể cho phép mình làm điều ấy. Điều này trái ngược hẳn với những quan điểm của tôi! Vladimir Ilich, không chỉ riêng tôi bị chứng viêm dạ dày, con trẻ đang thiếu sữa. Không, không! Xin đừng thuyết phục tôi nữa. Đồng chí hiểu rõ tình hình hơn tôi!...". Tôi lặng lẽ ra khỏi phòng mà không để Chicherin nhìn thấy, sau khi đã để đống hồ sơ lên bàn...".

Ngoài sự nghiệp cách mạng ra, Chicherin còn có một sở thích thứ hai là âm nhạc. Những năm tuổi trẻ ông từng là một cây dương cầm xuất sắc, thường biểu diễn những bản nhạc cực khó. Đặc biệt Chicherin rất thích nhạc Mozart, được ông cho là "hình mẫu của sự tuyệt vời, mang tính thi vị cao cho một nền nghệ thuật thực thụ". Ngày 1/5/1922, G.V. Chicherin có dịp trở lại Genua. Nhân ngày Quốc tế Lao động, phái bộ Nga liền mở một cuộc chiêu đãi tại khách sạn Imperial, đại diện của các tầng lớp lao động Italia cũng có mặt.

Nhà ngoại giao Xôviết kỳ cựu A.N.Erlik nhớ lại: "Tối hôm ấy bao trùm một bầu không khí khác biệt, với sự trình diễn nghiệp dư của phái đoàn Nga. Chicherin là người biểu diễn đầu tiên. Ông chơi các nhạc phẩm của Betthoven, Tchaikovsky, Mozart và những nhà soạn nhạc nổi danh khác... Mọi người ngưỡng mộ vỗ tay hồi lâu bắt ông phải diễn lại nhiều lần". Tài năng âm nhạc của Chicherin có thể tìm thấy trong hồi ký của các vĩ nhân tên tuổi cùng thời với ông.

Như Đại sứ Latvia K.Ozole từng viết: "Một lần viên Đại sứ Đức tại Moskva, Huân tước Brocdorf-Ransau mời cơm trưa Đoàn ngoại giao cũng như Ngoại trưởng Nga, nhân buổi biểu diễn sắp tới của một nghệ sĩ dương cầm Đức nổi tiếng. Sau khi nhạc sĩ Đức trình diễn, tôi không nhớ là bản gì; nhưng tới lượt Chicherin ngồi sau đàn và lặp lại bản nhạc đó. Mọi người cuồng nhiệt vỗ tay tán thưởng, xem ra nhà ngoại giao Nga chơi còn hay hơn cả một nghệ sĩ chuyên nghiệp".

Một ví dụ đặc trưng nữa thể hiện lòng yêu âm nhạc của G.V.Chicherin. Vào khoảng đầu tháng 11/1922, tại Bộ Dân ủy Đối ngoại nhận được nguồn tin lúc gần nửa đêm, rằng lực lượng can thiệp ngoại quốc cuối cùng - quân đội Nhật Bản - đã rút khỏi vùng lãnh thổ Viễn Đông của Nhà nước Xôviết. "Tin này có tác dụng với Chicherin như một ly rượu champagne Pháp chính hiệu - nhà ngoại giao I.M.Maixki kể - Ông mời tôi và ký giả Mikhail Kolsov tới phòng Khánh tiết, nơi đặt một cây dương cầm lớn. Sau 6 năm, kể từ ngày chúng tôi còn tị nạn bên London, giờ đây tôi mới lại có dịp xem Chicherin chơi đàn. Nhưng lần này chẳng cần ai đề nghị cả, tự ông cảm thấy cần phải thể hiện cảm xúc của mình qua những nốt nhạc. Hiển nhiên là tâm hồn ông đang ngập tràn hạnh phúc chất chồng, khiến ông không thể kìm nén yên lặng được.

Tôi không rõ ông chơi những bản gì, nhưng qua thiên hướng tôi biết đó là các khúc nhạc Mozart mà Chicherin hằng đam mê. Chúng tôi ngồi nghe, còn những dòng thác âm thanh như tuôn trào không dứt từ dưới những ngón tay thiện nghệ của Chicherin, lan tỏa khắp căn phòng cùng gian đại sảnh rộng lớn, khiến tâm hồn chúng tôi cứ ngất ngây mãi...".

Hệ quả của những năm tháng làm việc dốc sức đã tới, vào cuối thập niên 20 căn bệnh tiểu đường quái ác buộc Chicherin dứt ra khỏi công việc. Để chứng bệnh nan y không lấn át tâm hồn và thể chất của mình, trong thời gian đi chữa bệnh tại Đức (1927-1928) Chicherin bắt tay vào nghiên cứu các sáng tác của Mozart. Giờ đây ông có thể an tâm dốc bầu nhiệt huyết cho sở thích thứ hai của mình. Chicherin tiến hành ghi âm từng khúc nhạc một cùng lời bình luận của ông. Ông cũng viết sách về Mozart nữa.

Tháng 7/1930, ông nghỉ hưu vì lý do sức khỏe sau khi đã giữ cương vị Ngoại trưởng Liên bang Xôviết suốt 12 năm liền (1918-1930) và vẫn tiếp tục viết sách về Mozart, được coi là một trong những cuốn sách khảo cứu có giá trị nhất về người nhạc sĩ thiên tài này. Sáu năm trước khi mất, điểm lại quãng đời đã qua, Georgy Vasilyevich Chicherin ghi thư cho người em trai Nikolai: "Anh đã có cách mạng và Mozart. Cách mạng đang hiện hữu, còn Mozart - là sự linh cảm về tương lai..."

Trần Quang Long (theo Komsomolskaya Pravda)
.
.