Vì sao thư ký Bộ Ngoại giao Na Uy làm việc cho KGB?
- Kẻ phản bội gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử KGB
- Sĩ quan tình báo Putin dũng cảm cứu hồ sơ của KGB tại Đông Đức
- Những thiết bị tình báo lợi hại của KGB
Phía dưới tấm hình có ghi dòng chữ “Greta – nguồn tin quan trọng tại khu vực Scandinavia”. Cho tới thời điểm hiện tại, người dân Nga cũng không có mấy người được biết về điệp viên quan trọng này.
Nhưng trên thực tế, Gunvor Haavik (tên thật của điệp viên Greta) từng được coi là một trong những nguồn tin quí giá nhất trong lịch sử của Cơ quan tình báo đối ngoại Xôviết. Động cơ để bà hợp tác với KGB lại bắt đầu từ tình yêu đối với một người lính Xôviết…
Greta là ai?
Tên tuổi của điệp viên có mật danh Greta gắn liền với một trong những chiến dịch thành công nhất của Cơ quan tình báo Xôviết tại khu vực Scandinavia. Tính ra, bà đã cung cấp những thông tin quí giá cho tình báo Xôviết trong suốt gần 30 năm, một kỷ lục hiếm có người đạt được ngay cả trong lịch sử hoạt động tình báo trên thế giới.
Nhờ những chiến công bền bỉ và xuất sắc của mình, Greta đã được tặng thưởng huân chương cao quí “Vì tình hữu nghị giữa các dân tộc” của Liên Xô. Tuy nhiên vì nguyên tắc hoạt động bí mật, bà chỉ nhận được phần thưởng cũng như thông báo về tấm huy chương mà không bao giờ được chạm tay vào nó.
Tên thật của Greta là Gunvor Galtung Haavik. Bà sinh năm 1912 trong một gia đình bác sĩ tại thị trấn Odda (Na Uy). Haavik đã từng thi được vào Trường đại học Tổng hợp Oslo, tuy nhiên sau đó lại chuyển sang học một lớp đào tạo y tá.
Sau khi quân Đức phát xít chiếm đóng Na Uy vào tháng 4-1940, Haavik làm hộ lý tại bệnh viện ở thành phố nhỏ Bud ở miền bắc nước này. Trong thời gian này, Haavik đã tỏ ra rất quan tâm đến nước Nga và tự mình mày mò học thêm tiếng Nga. Chính mối quan tâm này đã đóng vai trò quan trọng định hướng số phận của bà sau này.
Gunvor Galtun Haavik. |
Vào một ngày định mệnh trong năm 1942, bệnh viện nơi Haavik làm việc xuất hiện một bệnh nhân mới – một tù binh Liên Xô có tên Vladimir Kozlov, người đang bị bắt lao động quản thúc tại nhà máy chế biến cá ở địa phương, và trước khi chiến tranh nổ ra là một kỹ sư tại Leningrad. Cả hai đã nhanh chóng yêu nhau sau một quá trình gần gũi.
Khi Kozlov cùng hai đồng đội nữa quyết định phải chạy trốn, Haavik đã giúp anh tới được quốc gia trung lập Thụy Sĩ. Sau khi chiến tranh kết thúc, Kozlov quay trở về Leningrad, còn Haavik về Oslo. Cả hai không có được thông tin gì về nhau trong suốt vài năm.
Tình yêu mãnh liệt
Haavik đã tâm niệm bằng mọi giá phải tìm được người yêu của mình. Với khả năng tiếng Nga của mình, bà dễ dàng kiếm được việc trong Bộ Ngoại giao Na Uy, và đến năm 1947 đã được điều sang Moscow làm thư ký cho viên đại sứ ở đây. Haavik nhanh chóng thu hút được sự chú ý của tình báo Xôviết.
Ngay sau khi sang Liên Xô, Haavik đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm Kozlov tại Leningrad. Bà đã nhờ tới sự giúp đỡ của tài xế Nikolai Pavluk – một trong không ít công dân Liên Xô làm việc cho các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Moscow, đồng thời cũng là một nhân viên mật vụ.
Thông tin quan trọng này ngay lập tức được báo cho cấp trên. Một sĩ quan an ninh đã bí mật gặp gỡ với Haavik, đề nghị bà hợp tác với tình báo Xôviết, đồng thời hứa sẽ giúp tìm kiếm và nối lại quan hệ với Kozlov. Haavik gần như đồng ý ngay mà không một chút do dự. Ban đầu bà được đặt cho mật danh là “Vika” trước khi được đổi thành “Greta”.
Các nhân viên an ninh đã nhanh chóng tổ chức một cuộc tái ngộ cảm động giữa Haavik với Kozlov, người lúc này cũng được tình báo Xôviết nhận vào làm việc với mật danh “Viking”. Cuộc gặp cuối cùng của đôi tình nhân này diễn ra vào năm 1956, tức là không lâu trước khi Haavik phải quay trở về Oslo.
Trong vài năm sau đó, Greta và Viking vẫn thường xuyên trao đổi thư từ với nhau qua các liên lạc viên của tình báo Xôviết. Nhưng rồi những lá thư đến từ Leningrad trở nên hiếm hoi dần.
Gunvor Galtun Haavik bị bắt tháng 9/1965. |
Mọi chuyện chấm dứt vào năm 1976 khi Kozlov lập gia đình riêng và có hai con. Nhưng Haavik vẫn trung thành với tình yêu đầu tiên và duy nhất của mình không chịu lấy chồng. Trong lá thư cuối được chuyển cho Kozlov vào năm 1976, bà đã viết: “Em có thể phản bội tổ quốc mình, nhưng sẽ không bao giờ phản bội anh và tình yêu của chúng ta”.
Nguồn tin quan trọng tại Na Uy
Ngoài chuyện tình cảm, Haavik đã làm việc cho tình báo Xôviết với một cường độ thật đáng nể. Sau khi trở về Oslo, tính ra bà đã gặp gỡ với các sĩ quan thuộc Tổng cục I của KGB (có vỏ bọc chính thức là các nhân viên đại sứ quán Liên Xô) tới gần 300 lần để trao thông tin mật cho họ.
Có thể thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với nữ thư ký của Bộ Ngoại giao Na Uy qua việc, các quan chức lãnh đạo hàng đầu của tình báo Xôviết tại đây – trong đó có Leonid Lepeskin và Gennady Titov – đã trực tiếp đứng ra điều hành nguồn tin trên.
Từ năm 1971, một sĩ quan tình báo cao cấp khác là Victor Grusko đã được điều sang liên lạc trực tiếp với Haavik thay thế cho Lepeskin. Grusko – đầu năm 1990 từng là Trung tướng, Phó chủ tịch KGB – đã viết như sau trong cuốn sách “Số phận người điệp viên” của mình: “Chúng tôi vừa đi dạo trong rừng, vừa trò chuyện trong khoảng 20 phút. Cuối buổi gặp, cô ấy đã trao cho tôi nhiều tài liệu mật… Chúng tôi đánh giá cao đóng góp của cô ấy, cho dù những thông tin nhận được không phải xếp vào loại quá gây ấn tượng. Nhưng nguồn tài liệu khổng lồ nhận được từ cô ấy thường rất đều đặn và động chạm tới nhiều vấn đề chúng tôi đang quan tâm…”.
Cuối cùng trong một cuộc gặp bí mật với nhân viên đại sứ quán Xôviết Aleksander Prinsipalovy (người được cử thay thế cho Titov đang nghỉ phép) tại một khu ngoại ô Oslo chiều tối ngày 27-1-1977, Haavik đã bị các nhân viên phản gián Na Uy bắt quả tang.
Họ thu được trong người Prinsipalovy một phong bì chứa khoảng 2.000 cron tiền Nauy (theo tỉ giá thời đó chỉ vào khoảng 300 USD) dành cho Haavik. Cần nói thêm là trong suốt quá trình hoạt động, điệp viên Greta không bao giờ đòi hỏi cũng như nhận những khoản tiền lớn nào của tình báo Xôviết.
Sau khi trình hộ chiếu ngoại giao, Prinsipalovy được trả tự do. Nhưng sau đó có tới 5 nhà ngoại giao Xôviết bị trục xuất khỏi Na Uy. Bản thân Titov cũng bị cấm quay trở lại đất nước này sau khi nghỉ phép. Còn Haavik (lúc này đã 64 tuổi) bị tống vào một phòng giam cách ly tại thành phố Drammen (gần Oslo). Bà đã thừa nhận về việc hoạt động tình báo cho Liên Xô và những chi tiết về công việc của mình ngay trong những lần thẩm vấn đầu tiên.
Phiên tòa xét xử Haavik dự kiến được bắt đầu vào tháng 11 năm đó, với khả năng nữ điệp viên này phải nhận mức án cao nhất là 21 năm tù. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau khi bị bắt – ngày 5-8-1977 – Haavik được phát hiện đã chết trong buồng giam cách ly. Khám nghiệm của bác sĩ cho thấy, nguyên nhân của cái chết là do đột quị. Mãi tới 30 năm sau, Kozlov mới biết được về số phận bi kịch của người tình cũ.
Nguyên nhân phát hiện
Một chi tiết đáng quan tâm nữa là làm sao phản gián Na Uy lại có thể lần ra được Haavik? Nguyên nhân thực ra là kết quả của một loạt những sự kiện mang tính xâu chuỗi trong một thời gian dài.
Quảng cáo cho bộ phim “Iskyss”. |
Ngay từ tháng 12-1961, một kẻ phản bội từ KGB hoạt động tại Phần Lan là Anatoli Golisyn đã chạy sang Mỹ và khai báo cho người Mỹ không ít tên tuổi các điệp viên quan trọng của Liên Xô. Trong đó, Golisyn đã khẳng định tại Na Uy đang có một nguồn tin quan trọng của KGB. Ban đầu, thông tin này của tên phản bội không nhận được sự quan tâm quá đặc biệt.
Mọi chuyện đã nhanh chóng thay đổi sau khi lên nắm quyền tại bộ phận phản gián của CIA là James Angleton, người tỏ ra rất kiên trì trong việc điều tra những điệp viên Xôviết đã xâm nhập được vào các cơ quan mật vụ phương Tây. Angleton tất nhiên không thể không chú ý tới thông tin của Golysin về Na Uy và thông báo chuyện trên cho đồng nghiệp tại nước này là Asborn Brun.
Mối nghi ngờ ban đầu tuy nhiên lại rơi vào Ingeborg Lygren, người từng thay thế Haavik làm việc tại Đại sứ quán Na Uy tại Moscow. Sau khi trở về nước, Lygren trở thành thư ký của viên chỉ huy cơ quan tình báo quân sự Wilhem Evanga.
Nữ thư ký này bị bắt giữ vào tháng 9/1965. Tuy nhiên, phiên tòa mở ra để xét xử Lygren đã không thành công do không tìm ra bất cứ bằng chứng thuyết phục nào về việc cô ta có hoạt động gián điệp cho Liên Xô. Chứng cớ chính được đưa ra chỉ là chuyện quan hệ tình ái của Lygren với một tài xế người Liên Xô tại đại sứ quán Na Uy ở Moscow, và dường như qua người này cô ta đã được KGB tuyển mộ. Nhưng kết quả điều tra về sau lại cho thấy, Lygren không hề cộng tác với KGB mà lại với… CIA.
Chính vì chuyện này, lãnh đạo Brun và Evange của hai cơ quan mật vụ Na Uy – Cơ quan tình báo quân sự (E-tjenesten) và Cơ quan phản gián của cảnh sát (POT) – thường xuyên đố kỵ lẫn nhau đều bị sa thải.
Nhưng chỉ huy mới Ernulf Tofte lên nắm quyền thay cho Brun vẫn tiếp tục điều tra kỹ càng hơn. Sau khi có được xác nhận của hai kẻ phản bội khác từ KGB – Yuri Nosenko và Oleg Gordievski – về “một người phụ nữ nào đó từng làm việc cho đại sứ quán Na Uy tại Moscow”, mối nghi ngờ lần này tất nhiên đã tập trung vào Haavik.
Lý do đơn giản là chỉ có duy nhất bà có những đặc điểm giống với Lygren – đều cùng làm việc tại đại sứ quán Na Uy tại Moscow và đều biết tiếng Nga. Đáng tiếc là dù Cơ quan tình báo Xôviết đã áp dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ nguồn tin quí giá nhất của mình tại khu vực Scandinavia, nhưng Haavik cuối cùng vẫn bị phát hiện vì những kẻ phản bội.
Dù đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng số phận của hai nữ điệp viên Gunvor Haavik và cả Ingeborg Lygren vẫn được cả Na Uy nhắc tới, với không ít những tác phẩm văn học và tư liệu về cuộc đời của họ. Đáng chú ý nhất trong số này là cuốn sách có tên “Iskyss” (Nụ hôn băng giá) của nhà văn nổi tiếng Alf Jacobsen tại Na Uy đã được dàn dựng thành phim.