Chuyện về điệp viên Ba Quốc: Vụ ám sát Hoàng thân Sihanouk

Thứ Tư, 28/01/2015, 11:20
Là điệp viên đơn tuyến, hoạt động trong lòng địch từ năm 1950 đến 1974, bằng tài trí, mưu lược và lòng dũng cảm, Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức - còn có tên khác là Trần Văn Quốc (Ba Quốc) đã luồn sâu vào bộ máy lãnh đạo chóp bu của chính quyền Sài Gòn - từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu để kịp thời cung cấp cho cách mạng những tin tức quý giá, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Được sự đồng ý của gia đình ông, chúng tôi xin nêu lại một số những chiến công của ông Ba Quốc, trích từ những ghi chép tổng kết của ông trong thời gian này…

1. Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Sở Nghiên cứu chính trị, trực thuộc Tổng thống phủ (thời Ngô Đình Diệm), Trần Kim Tuyến quyết tâm biến cơ quan này thành công cụ bảo vệ chế độ qua việc bổ nhiệm những kẻ thân tín vào các chức vụ chỉ huy, tiến hành tiêu diệt các đảng phái, tôn giáo chống đối, xây dựng và thao túng các tổ chức chính trị, các nghiệp đoàn đồng thời cài cắm người vào giới sinh viên, học sinh, công nhân… nhằm mục đích phát hiện cơ sở cách mạng.

Về tổ chức, ngoài Văn phòng Giám đốc, Sở Nghiên cứu chính trị được chia thành 4 phòng là: Phòng Nhân viên, Phòng Điều tra hành chính và chính trị, Phòng Đoàn thể và Phòng Ngoại vụ. Bên cạnh đó, còn có Ban 2, chuyên thực hiện những vụ tra tấn, thủ tiêu, ám sát.

Ông Ba Quốc khi là phụ tá của Phó Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị.

Theo ông Ba Quốc, tiêu chuẩn chọn lựa nhân sự vào các phòng này rất khắt khe nên ngoài các trưởng, phó phòng là người do anh em Diệm, Nhu giới thiệu sang, hầu hết nhân viên đều do một số linh mục Thiên Chúa giáo tiến cử. Và mặc dù hình thức tổ chức là như vậy nhưng trong công việc, tùy theo tính chất, Trần Kim Tuyến trực tiếp giao cho từng người, ai làm nấy biết, người làm việc này hầu như không biết việc của người kia.

Thời điểm ấy, ông Ba Quốc đã được cách mạng cài cắm vào làm nhân viên của Phòng Điều tra hành chính và chính trị. Theo ông, nếu muốn được địch tin cậy thì phải hội đủ 3 yếu tố là đạo Thiên Chúa, đảng viên đảng Cần lao và là người miền Trung.

Trong ghi chép tổng kết của mình, ông viết: "Một hôm, Trần Kim Tuyến gọi tôi vào, khuyên tôi nên theo đạo Thiên Chúa vì ông ta có ý định cử tôi đi Malaysia học một khóa về chống du kích do chuyên gia người Anh là Robert Thompson trực tiếp giảng dạy. Việc vào đạo tôi đồng ý nhưng đi Malaysia thì tôi từ chối, viện cớ mình có bệnh tim mà thật ra, tôi muốn ở lại để chờ móc nối liên lạc".

Khi thấy ông Ba Quốc đồng ý vào đạo, Trần Kim Tuyến viết thư giới thiệu ông  với linh mục Nguyện - là cha đỡ đầu của Tuyến để linh mục Nguyện dạy ông học giáo lý,  đồng thời nhờ Hoàng Ngọc Điệp - là Phó giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị đỡ đầu cho ông vì theo luật lệ Thiên Chúa giáo, nếu muốn vào đạo thì phải được một người khác - là tín đồ Thiên Chúa giáo đỡ đầu.

Ông Ba Quốc viết tiếp: "Tôi cho Điệp biết vợ tôi vẫn còn tin đạo Phật nên không chịu vào đạo Thiên Chúa. Vì vậy, tôi nhờ mẹ và em hắn tìm cách khuyên nhủ vợ tôi. Rất phấn khởi, họ nhận lời liền vì họ coi đó là một bổn phận".

2. Chỉ một thời gian ngắn, quan hệ giữa gia đình ông Ba Quốc và gia đình Hoàng Ngọc Điệp đã trở nên thân tình và cũng chính vì vậy, Điệp xem ông Ba Quốc như một phụ tá. Lúc ấy, Sở Nghiên cứu chính trị đang tiến hành âm mưu ám sát Hoàng thân Sihanouk nên ông Ba Quốc được Trần Kim Tuyến cử đi Campuchia để cùng Hoàng Ngọc Điệp chỉ huy kế hoạch này.

Theo kế hoạch, Hoàng Ngọc Điệp đóng vai chủ một nhà buôn lớn, cùng vợ (là một cô gái điếm hạng sang) qua Phnôm Pênh chơi, còn ông Ba Quốc là thư ký.

Trong chuyến đi, nhiệm vụ của ông Ba Quốc là đến biên giới Việt Nam, Campuchia, gặp một người Pháp là liên lạc của một viên tướng Campuchia tên Đáp Chuôn - người đồng chủ mưu vụ ám sát Hoàng thân Sihanouk.

Trong bản ghi chép tổng kết, ông Ba Quốc viết: "Tôi theo đường bộ lên Tây Ninh, vào một đồn địa phương quân nằm sát biên giới Việt Nam, Campuchia. Tại đây, tên đồn trưởng có nhiệm vụ đưa tôi đến cột mốc 136.

Theo kế hoạch, lúc 2h sáng, nhân viên liên lạc người Pháp của tướng Đáp Chuôn giả như đi săn bị lạc, sẽ gặp tôi và đưa một lá thư của tướng Đáp Chuôn để tôi mang về Phnôm Pênh, giao cho Hoàng Ngọc Điệp".

Ông Ba Quốc và các đồng đội Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Với ông Ba Quốc, đây là một tình thế đặc biệt khó xử. Do chưa liên lạc được với cấp trên nên ông chưa rõ quan điểm của các nhà lãnh đạo miền Bắc trước âm mưu ám sát Hoàng thân Sihanouk là như thế nào.

Tuy nhiên, qua theo dõi báo, đài Hà Nội, ông thấy phía ta có thái độ ủng hộ Hoàng thân Sihanouk một cách rõ ràng. Nhưng nếu ông không cầm thư đến Phnôm Pênh thì chắc chắn ông sẽ bị đặt vào vòng nghi vấn. Ông viết: "Lúc ấy, tôi nghĩ mình cứ gặp liên lạc viên người Pháp rồi tùy cơ ứng biến".

May mắn thay, khi gặp tên đồn trưởng địa phương quân, ông Ba Quốc được hắn cho biết, đồn biên phòng của Campuchia trước kia nằm cách biên giới 7km thì nay đã di chuyển lên, chỉ còn cách biên giới 2km, đèn pha chiếu suốt đêm, thỉnh thoảng lính biên phòng Campuchia còn nã hàng tràng đại liên sang phía Việt Nam: "Tên đồn trưởng dẫn tôi băng rừng đến điểm hẹn. Chờ hơn 1 tiếng, không thấy liên lạc viên người Pháp, tôi quay về báo cho Hoàng Ngọc Điệp biết tình hình".

Tuy vậy, Hoàng Ngọc Điệp vẫn cho tiến hành kế hoạch ám sát Hoàng thân Sihanouk. Theo đó, Điệp bố trí hai người Hoa từ Hồng Kông sang Campuchia, mang quà do người bạn thân của Hoàng thân Sihanouk gửi tặng ông hoàng. Bên trong hộp quà được đặt bom, đúng giờ Hoàng thân Sihanouk nhận quà thì bom nổ.

Ông Ba Quốc viết: "Cùng lúc đó, Trần Kim Tuyến lại giao cho tôi thêm một nhiệm vụ nữa là bắt Trịnh Quốc Khánh - lúc bấy giờ là Tổng bí thư Dân xã đảng của Hòa Hảo. Lợi dụng chuyện ấy, khi nắm được thời gian tiếp khách của Hoàng thân Sihanouk, tôi bàn giao tất cả công việc lại cho đại úy Lê Thành Hữu, người cùng đi với Hoàng Ngọc Điệp với lý do tôi còn phải thực hiện nhiệm vụ kia. Đó là lý do chính đáng, không ai nghi ngờ gì".

Vụ ám sát Hoàng thân Sihanouk diễn ra đúng như kịch bản nhưng ông hoàng vẫn bình an vô sự mà nguyên nhân là quả bom hẹn giờ đã được ông Ba Quốc cài đặt lệch giờ, còn đại úy Lê Thành Hữu bị Bộ Nội vụ Campuchia bắt giam. Qua nhiều trung gian, Bộ Nội vụ CamPuchia cuối cùng đồng ý cho chính quyền Sài Gòn chuộc Hữu với giá 7 triệu đồng tiền Sài Gòn lúc đó.

Sở dĩ có việc âm mưu ám sát Hoàng thân Sihanouk là vì từ năm 1953, người Pháp buộc phải đàm phán với Sihanouk đồng thời thừa nhận nền độc lập của Campuchia nhưng thực tế họ vẫn khống chế quốc gia này về các mặt chính trị, quân sự. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi vang dội tại Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ngồi vào bàn đàm phán.

Kết thúc Hội nghị Geneve, Campuchia may mắn không bị chia cắt như Việt Nam, được giữ thế trung lập và đây cũng là mục tiêu của Hoàng thân Sihanouk. Ông muốn biến Campuchia thành một "Thụy Sĩ của châu Á".

Trở thành quốc gia trung lập, Hoàng thân Sihanouk không chấp thuận cho Mỹ sử dụng đất Campuchia làm căn cứ. Vì thế, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm rất ghét Sihanouk. Do không thuyết phục được Sihanouk, một mặt người Mỹ sử dụng viện trợ để lôi kéo một số nghị sĩ Quốc hội, quan chức, tướng lĩnh Campuchia, mặt khác yểm trợ cho chính quyền Sài Gòn đưa quân vào vùng đông bắc Campuchia, sâu tới 9 km.

Khi Hoàng thân Sihanouk yêu cầu người Mỹ nêu ý kiến cho Ngô Đình Diệm rút quân thì phía Mỹ trả lời rằng họ không thể can thiệp vào cuộc tranh chấp giữa hai nước láng giềng. Từ đó, quan hệ giữa Campuchia với Mỹ trở nên căng thẳng.

Trước khi Sở Nghiên cứu chính trị của Trần Kim Tuyến thực hiện âm mưu ám sát Hoàng thân Sihanouk, với sự hậu thuẫn của CIA, Ngô Đình Nhu đã chỉ thị cho Ngô Trọng Hiếu - trùm mật vụ phụ trách khu vực miền Trung và Trần Kim Tuyến tìm cách lật đổ Sihanouk. Bằng tiền bạc, Hiếu và Tuyến đã mua chuộc được tướng Đáp Chuôn nhưng cuộc đảo chính thất bại vì binh lính dưới quyền Đáp Chuôn không tuân lệnh ông ta.

Sau vụ việc này, Hoàng thân Sihanouk công khai ủng hộ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Ông cho phép Bộ đội Giải phóng được sử dụng lãnh thổ Campuchia để lập căn cứ, vận chuyển vũ khí, lương thực, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ông Ba Quốc cùng ông Mười Thương, người tiến hành ám sát Ngô Đình Diệm.

3. Năm 1960, sau khi bắt liên lạc được với cơ sở, ông Ba Quốc ngày càng thâm nhập sâu vào Sở Nghiên cứu chính trị và được Trần Kim Tuyến đặc biệt tin tưởng. Có lần, Tuyến còn cho ông xem hồ sơ về 7 đầu mối gián điệp ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định mà người Pháp bàn giao lại cho người Mỹ sau Hiệp định Geneve.  Bí mật chụp ảnh những hồ sơ này, ông gửi về căn cứ rồi được chuyển ra Hà Nội. Kết quả là 7 đầu mối gián điệp ấy đều lên xe vào trại giam.

Cuối năm 1960, tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân tại nông thôn và thành thị nổi lên mạnh mẽ. Cùng với cao trào Đồng Khởi ở Bến Tre, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, kết hợp  đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để mở rộng vùng giải phóng. Tại Sài Gòn, nội bộ chính quyền Ngô Đình Diệm bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt.

Ngay cả với Trần Kim Tuyến, người có công rất lớn trong việc củng cố chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng vẫn bị Ngô Đình Cẩn tìm mọi cách loại bỏ. Trong ghi chép tổng kết của mình, ông Ba Quốc viết: "Trong nhiều cuộc nói chuyện, Trần Kim Tuyến không giấu tôi quan điểm chính trị của ông ta. Ông ta không tán thành chế độ gia đình trị và cho rằng Ngô Đình Nhu phạm nhiều sai lầm, cụ thể như đàn áp Phật giáo. Ông ta giao cho tôi nhiệm vụ liên lạc với các lãnh tụ Phật giáo để phát động phong trào chống Diệm - Nhu, lập kế hoạch lật đổ".

Tuy nhiên, kế hoạch ấy không thành, Trần Kim Tuyến bị đưa đi làm đại sứ ở Le Caire, Ai Cập, còn ông Ba Quốc sang Phủ Đặc ủy trung ương tình báo.

Chuyển sang Phủ Đặc ủy trung ương tình báo, ông Ba Quốc phải đối đầu với một kỹ thuật đáng sợ của CIA: Đó là máy phát hiện nói dối. Bằng cách ghi lại nhịp tim, tần số hô hấp, huyết áp, sự co giãn của đồng tử…, máy sẽ phát hiện ra nếu người bị kiểm tra trả lời một câu hỏi nào đó không đúng sự thật.

Theo ông Ba Quốc, tối hôm trước ngày bị kiểm tra, ông không ngủ được vì phải tìm cách đối phó: "Tôi nghĩ đến các diễn viên kịch, điện ảnh, người ta nhập vai ra sao để có thể diễn xuất y như thật? Trong lý lịch của tôi, tôi khai cha tôi là địa chủ, bị cách mạng xử lý nên tôi tưởng tượng ra con trai của một địa chủ gian ác bị cách mạng xử lý thì anh ta ghét cộng sản như thế nào? Vì vậy, tôi quyết định nhập vai thành anh ta...".

Bắt đầu cuộc trắc nghiệm với máy phát hiện nói dối, chuyên viên Phủ Đặc ủy trung ương tình báo trung ương gắn vào tay, vào ngực, vào đầu ông rất nhiều dây nhợ. Dựa vào bản khai lý lịch của ông, chúng đặt ra nhiều câu hỏi vu vơ nhưng trong đó, chúng gài vào những cái bẫy: "Tôi nhập vai rất trơn tru, bình thản. Chúng hỏi tôi 13 câu rồi cho qua, không hỏi nữa. Có người bị hỏi nhiều hơn nhưng cũng có người chỉ hỏi 4 câu là đã bị loại, mặc dù anh ta là Công giáo toàn tòng, không dính dáng gì đến cộng sản…".

Và từ đó, ông Ba Quốc chính thức là người của Phủ Đặc ủy trung ương tình báo Sài Gòn.

(Còn nữa)

Vũ Cao
.
.