Xếp bút nghiên lên đường kháng chiến
- Người viết tiếp về huyền thoại Biệt động Sài Gòn
- Lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định và ký ức Mậu Thân hào hùng
- Người phụ nữ - nguyên mẫu phim “Biệt động Sài Gòn” từ chối danh hiệu Anh hùng2
Chiến công đó bắt nguồn từ truyền thống dân tộc dưới sự lãnh đạo của một tổ chức chính trị chân chính – Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại. Già, trẻ, gái, trai nhất tề đứng dậy; lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân chống giặc, trong đó có hàng vạn học sinh, sinh viên trong vùng địch tạm chiếm đã xếp bút nghiên lên đường kháng chiến.
Tác giả bài viết này sinh ra thời kháng Pháp, lớn lên chống Mỹ xâm lược. Với 10 năm công tác, chiến đấu ở chiến trường miền Nam (1965-1975), gắn bó với 4 cụm tình báo chiến lược: Cụm B48, B49, V8, H67 (A20), trong đó có hơn 6 năm ở H67 – đơn vị Anh hùng của Đoàn tình báo J22.
Ở tất cả các đơn vị trên, ngoài công tác nghiệp vụ chính, đều được lãnh đạo giao thêm nhiệm vụ: Tạo điều kiện quan hệ, tiếp xúc, nghiên cứu báo chí để tập hợp tình hình giới văn nghệ sĩ, ký giả, học sinh sinh viên trong các đô thị miền Nam, đặc biệt là địa bàn Sài Gòn.
Bởi thế, thời đó dân Bắc chính hiệu, bám trụ tại các căn cứ vùng giáp ranh với địch, có thể nói tôi hiểu “hơi bị kỹ” về các thành phần trên. Sự hiểu biết đó vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vừa bổ túc kiến thức để khi cần, được đưa vào hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn. Cái vốn hiểu biết của tôi về phong trào học sinh sinh viên, ngoài tư liệu trên báo chí, còn được bổ sung, minh họa thêm từ người trong cuộc mà người đó sau này trở thành cán bộ của H67.
Nguyệt “cách cách”
Kỷ niệm lần thứ 73 (25/10/1945 – 25/10/2018) truyền thống Lực lượng Tình báo Quốc phòng, tôi được đồng chí Tư Cang – Anh hùng Lực lượng Tình báo, nguyên Cụm trưởng H63 (đơn vị anh hùng) thuộc đoàn Tình báo J22, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Đoàn J22 có thư mời vào Nam Bộ dự gặp mặt truyền thống.
Qua thông báo trên điện thoại của Trần Minh Tâm (Sáu Tâm) thành viên Ban liên lạc – “Anh Ba (Ba Dương – tên thường gọi ở chiến trường của tôi) – cố gắng vô nghen. Năm nay Ban liên lạc quyết định tổ chức gặp mặt truyền thống tại địa bàn hoạt động của H67 chúng ta, thị trấn Châu Thành tỉnh Bến Tre. Gồm tất cả các cụm tình báo thuộc đoàn J22 hoạt động tại chiến trường đồng bằng sông Cửu Long”.
Thu Nguyệt (Nguyệt cách cách), hàng ngồi, thứ hai từ phải sang, trong buổi gặp mặt truyền thống Cựu chiến binh Đoàn J22 năm 2018. |
Thông tin tới muộn, tôi vội đáp chuyến bay chiều hôm trước tại Hà Nội, để 9 giờ sáng hôm sau kịp giờ khai mạc. Vì là người duy nhất từ miền Bắc vô nên tôi được ưu ái bố trí ngồi hàng ghế đầu cùng Trưởng ban Tư Cang và lãnh thêm phần vinh hạnh được thay mặt các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cụm H67 phát biểu ý kiến mà cơ bản là giới thiệu anh chị em của đơn vị mình từ cán bộ lãnh đạo Cụm, lực lượng trong căn cứ, lực lượng hoạt động bí mật hợp pháp trong lòng địch, những cơ sở bí mật, những bà con cô bác đã từng giúp đỡ đơn vị thời chinh chiến có mặt trong cuộc hội ngộ hôm đó.
Nhân vật tôi giới thiệu đầu tiên đó là Nguyễn Thu Nguyệt, cựu cán bộ H67, đại diện cho gia đình có tới 5 người là cán bộ của đơn vị - cha cô, Tướng Nguyễn Đức Tới (Sáu Trí), điệp viên gạo cội của A20 (H67) nằm trong tổng nha cảnh sát quốc gia của chế độ Sài Gòn. Ông đã có công xây dựng nhiều cơ sở bí mật cài cắm trong các cơ quan quan trọng của chính quyền Nam Việt Nam thu thập nhiều thông tin có giá trị.
Sau này được rút về căn cứ làm Cụm trưởng A20 (H67) rồi được bổ nhiệm làm Đoàn trưởng Đoàn J22; phu nhân của ông là giao thông viên hợp pháp số 1 của H67, những chuyến chuyển tài liệu quan trọng từ nội thành về cửa ngõ căn cứ bám trụ của đơn vị tại Mật khu Bời Lời đều do bà đảm nhận; người thứ ba là ông Tám Thanh (Nguyễn Thanh Nam), em ruột Tướng Sáu Trí, vợ ông cũng là giao thông viên của H67. Hai người đều hoạt động tại Sài Gòn, ngoài thu thập tin tức tình báo, họ còn có công rất lớn trong việc tìm chọn địa điểm đặt 2 đài vô tuyến của H67 đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Sau Tết Mậu Thân, ông Tám Thanh được rút về căn cứ làm Cụm phó H67 còn phu nhân của ông đảm nhận một lưới giao thông liên lạc tại Sài Gòn; nhân vật thứ 5 trong gia đình là Nguyệt (Thu Nguyệt – Minh Nguyệt).
Tết năm 1970, sau khi đơn vị đã chuyển vùng căn cứ bám trụ từ Bời Lời Tây Ninh về An Phước – Châu Thành – Bến Tre để đánh lạc hướng theo dõi của địch, căn cứ tạm ổn định, chia thành 2 khu vực: Khu A là bộ phận căn cứ; Khu B là khu vực cách ly dành để đón cán bộ hợp pháp từ Thành về, gọi là khu “Không nhiệm vụ miễn tới”. Một chiều cuối năm, Cụm trưởng Bảy Vĩnh đưa một khách nữ sang khu A, giữa lúc anh em đang quây quần bên bàn trà, Cụm trưởng tươi cười giới thiệu – “thông báo các đồng chí biết đây là cháu Nguyệt vừa ở Thành về, từ nay sẽ là thành viên của khu A”. Pháo tay nổi lên.
Cụm trưởng và cô gái trở về khu B bỏ lại phía sau những xì xào bình luận – “Cha… tăng cường quân số kiểu này kể cũng như không! Đào tơ liễu yếu vậy đâu có hợp với khu A”, “Đừng có lo bao đồng vậy! Trời sinh voi sinh cỏ, ở căn cứ thiếu cha gì việc” – “Việc chi… cấp dưỡng hả? đã có chị Sáu Dồi! Y tá hả… đã có y sĩ Tư Lợi, không còn chỗ đâu nghen”…
Trước tình cảnh đó, tuy mới gặp lần đầu, nhưng tôi hiểu rất kỹ về quá trình công tác và gia đình Nguyệt, liền trấn an mấy anh lính trẻ - “Chớ có bình luận tào lao vậy! Các cậu có biết cô đó là ai không?” – Tất cả mọi cặp mắt đổ dồn về phía tôi – “Cách cách đó, hiểu chưa!” – “Cách cách là sao, anh Ba!...” – “Khổ chưa!... là con gái rượu của Đoàn trưởng J22 đó! Thâm niên công tác các cậu còn chạy dài không kịp” – “Cha!... zậy từ nay ta kêu cổ là “Nguyệt cách cách” được không anh Ba!... – “Được quá đi chớ! “Pháo tay nổi lên quyện cùng tiếng cười của lớp lính trẻ vang vọng trong rừng dừa. Tôi thầm nghĩ đó là phát kiến hay, khỏi lăn tăn là Thu Nguyệt hay Minh Nguyệt, ấy là chưa kể còn cô Ba Nguyệt con ông Mười ở ấp 2 mà sau này là dâu của đơn vị.
Thế là từ đó tôi có thêm một nguồn trực diện khai thác tư liệu về Sài Gòn những năm mà phong trào học sinh sinh viên xuống đường biểu tình chống Mỹ xâm lược chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nổi lên như vũ bão, đặc biệt là giai đoạn 1965-1966 để đến nỗi một nhà buôn nước ngoài (thực ra là một viên tình báo có cỡ) đặt chân tới Sài Gòn đã hồn nhiên nhận xét: “Coi chừng, Mặt trận Giải phóng miền Nam cộng với phong trào biểu tình của học sinh sinh viên sẽ dẫn tới sụp đổ chế độ Sài Gòn”.
Vì vậy mà Tổng thống Việt Nam Cộng hòa chỉ lệnh cho các đơn vị chức năng thẳng tay dập tắt. Giao cho Nha chiến tranh tâm lý chủ trò lái học sinh sinh viên vào sinh hoạt về cái gọi là “chương trình mùa hè” để quên lãng đấu tranh. Ai tiếp tục xuống đường sẽ bị bắt và xử lý ngay.
Tình hình văn nghệ sĩ, ký giả, học sinh sinh viên ở các đô thị miền Nam, ngoài tìm hiểu qua nguồn công khai, thực ra trước đó tôi đã bổ sung trực diện qua Tám Tiến, cán bộ từ J22 bổ sung về đơn vị, công tác ở bộ phận do tôi phụ trách. Tiến quê ở Phú An Hòa, Châu Thành, Bến Tre, sinh trưởng tại Sài Gòn vì ba má đã sinh sống ở đó từ lâu. Tiến có thân hình dáng bộ hơi “dị”, xếp vào diện “cao hơn tây – gầy hơn ta”, cao cỡ trên một mét tám mươi, gầy nhom, khóe mắt sâu cộng với cái mũi dọc dừa quá khổ, anh em đơn vị đặt cho cái biệt danh “Tám mũi dài – Tám cò ngảng” là vậy.
Nguyệt về, họ trở thành cặp đôi đồng hương “nhị vị Sài thành”, lại chung cảnh ngộ “xếp bút nghiên lên đường kháng chiến”, họ dễ đồng cảm kết thân, bởi vậy, tôi trở thành thân thiết với cặp đôi này.
Hỏi về phong trào học sinh sinh viên giai đoạn cao điểm, cô gái hồn nhiên kể: “Thiệt đả (vui thích) anh Ba! Thời đó tụi em ùa xuống đường, cảnh sát cản ngăn cũng không ngán. Từ ngã sáu, dọc đường Cộng hòa (Nguyễn Văn Cừ) tới ngã tư Võ Tánh (Nguyễn Trãi) người đông nghẹt vì trên đường có mấy trường đại học. Dẫu rằng sát nách Tổng nha, rất gần cảnh sát đô thành, mặc loa phóng thanh gào thét, mặc dùi cui, hơi cay… không ai tỏ ra lo sợ. Sau này, bọn chúng dùng nhiều thủ đoạn bắt giữ nhiều sinh viên, gán cho cái tội chủ mưu tiếp tay cho Việt cộng; tăng cường mật vụ ở các trường thực hiện âm mưu ngăn chặn từ xa… Phong trào dần lắng xuống, nuối tiếc một thời tranh đấu. Bất mãn trước tình cảnh đó, tụi em quyết định xếp bút nghiên, năn nỉ ba má cho vào cứ theo các chú đánh địch”.
Châu về hợp phố
Nguyệt được giao thông viên hợp pháp đưa về căn cứ của H67 tại mật khu Bời Lời với “vai diễn” ngụy trang là sinh viên về Tây Ninh ăn tiệc cưới của gia đình bà con. Căn cứ Bời Lời chỉ là tạm dừng chân để mấy ngày sau cô được bố trí theo giao liên của A12 về “R”. Chắc là có sự tính toán chiến lược của Đoàn trưởng J22, Nguyệt được tham dự khóa đào tạo hiệu thính viên (đài phát sóng vô tuyến điện).
Xong khóa học, thuần thục nghiệp vụ, cô được “đánh” vô Sài Gòn, thuộc biên chế của H67 cùng với Nguyễn Thị Hoa (quê Tân Trụ, Long An) một nhân viên cơ công (sửa chữa điện đài) về “nhập tịch” H67. Lúc đó là trước Tết Mậu Thân, hai cô được Cụm trưởng Bảy Vĩnh giao nhiệm vụ đột kích Sài Gòn. Hai người sắm vai nữ sinh Sài Gòn về thăm quê, nay trở lại đô thành (cố nhiên là có giấy tờ tùy thân hợp pháp đàng hoàng).
Đài “Sài Gòn 2” tại cơ sở bí mật nội thành năm 1968. |
Trinh sát địa bàn đưa 2 người ra cửa ngõ Gia Tân rồi họ ung dung lên xe đò vào thành phố. Họ thướt tha trong chiếc áo dài màu thiên thanh, hai chiếc cặp y hệt nhau, lép kẹp bởi bên trong chỉ có ví đầm, phấn son và mấy cuốn truyện tình lãng mạn. Các trạm kiểm soát có vẻ gắt gao nhưng thấy 2 cô đều cầm sẵn căn cước, thẻ sinh viên trong tay, các chú lính chỉ liếc mắt đưa tình rồi bỏ qua không thèm mở cặp kiểm tra. Hai người với hai tâm trạng khác nhau – Nguyệt, nôn nóng trở về với thành phố tuổi thơ sẽ được gặp má và người thân sau bao năm xa cách, trở về với vị thế của một chiến sĩ giải phóng quân hoạt động giữa sào huyệt địch.
Còn Hoa, lần đầu tiên vào thành phố, vào hang ổ địch, may nhờ có Nguyệt trấn an nên vợi bớt phần lo lắng. Xế chiều là họ đã về tới nhà Nguyệt. Ngày hôm sau ông Tám Thanh đã tới đón 2 cháu đi Thảo Cầm Viên (thực ra là tới địa chỉ đặt đài phát sóng). H67 đã được trang bị một đài từ mấy năm trước, đặt bí số là “Sài Gòn 1”, nhưng đài này phải ngưng hoạt động vì có dấu hiệu không an toàn, máy thu bị hỏng nặng. Lần này trang bị bộ mới, địa chỉ mới bí số là “Sài Gòn 2”.
Người đã có mặt nhưng máy móc còn nằm tại căn cứ Bời Lời. Phải tới trước Tết Mậu Thân 2 ngày mới chuyển được tới nhà an toàn trong thành phố. Vào đúng thời điểm địch kiểm tra gắt gao các cửa ngõ vào Sài Gòn, việc chuyển an toàn một đài phát sóng với trọng lượng gần 20kg trên quốc lộ 22 quả là mạo hiểm, kỳ công vô cùng.
Máy về, hai cô gái bắt tay vào lắp đặt, đúng giờ quy định, lên sóng dò tìm đài bạn ở trung tâm. Khi đã bắt được liên lạc là tắt máy luôn. Phải có lệnh của chỉ huy mới sử dụng. Với Nguyệt, cô nắm chắc nguyên tắc ngặt nghèo của đài phát sóng trong lòng địch. Chủ yếu là thu nhận chỉ đạo của cấp trên.
Lộ tọa độ đặt đài, có thể nói một trăm phần trăm là khi phát sóng không chấp hành đúng quy định về thời gian phát sóng (từ 3 tới 5 phút). Quá thời gian đó, sẽ bị cơ quan phản gián điện đài của địch phát hiện ngay. Trừ trường hợp khẩn cấp, lưới giao thông liên lạc trực tiếp bị phong tỏa, mới sử dụng đài phát nội dung về trung tâm, nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy chế trên.
Hai cô “sinh viên rởm” bám trụ Sài Gòn cho tới khi kết thúc chiến dịch mới được rút về căn cứ sau khi tháo dỡ, cất giấu điện đài.
Nghề tình báo có tới tám, chín mươi phần trăm số vụ bị lộ là do công tác giao thông liên lạc, một mắt xích cực kỳ quan trọng.
Vậy mà suốt quá trình hoạt động, chiến đấu của H67 với hàng chục điệp viên trong các mục tiêu quan trọng, hàng chục giao thông viên và 3 đài phát sóng, một đài tại căn cứ và 2 đài trong lòng địch, vẫn đảm bảo tuyệt đối an toàn, góp phần vào thắng lợi huy hoàng của dân tộc để trở thành Cụm Tình báo Anh hùng, trong đó có công của cán bộ, chiến sĩ điện đài mà điển hình là đài trưởng Vũ Minh Lĩnh trong căn cứ bám trụ của đơn vị và Nguyễn Thu Nguyệt, Nguyễn Thị Hoa trong đài phát sóng bí mật tại Sài Gòn.