Yamaguchi – Người sống sót sau 2 vụ nổ bom nguyên tử

Thứ Hai, 15/10/2018, 12:26
Ngày 6-8 rồi tiếp theo là ngày 9-8-1945, theo lệnh của Tổng thống Truman, Không quân Mỹ đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, giết chết ngay lập tức hơn 200.000 người. Khoảng 1,2 triệu người chết trong những tháng năm sau đó vì nhiễm phóng xạ.

Trong số những nạn nhân của 2 quả bom ấy, có kỹ sư Tsutomu Yamaguchi. 3 ngày sau khi hứng chịu thảm kịch Hiroshima, định mệnh lại khiến ông có mặt ở Nagasaki khi quả bom thứ 2 rơi xuống; nhưng cả 2 lần ông đều thoát chết một cách lạ lùng…

Quả bom đầu tiên…

7 giờ 30 phút ngày 6-8-1945, Tsutomu Yamaguchi, kỹ sư hàng hải 29 tuổi ngồi trên tàu điện đến xưởng đóng tàu của Hãng Mitsubishi nằm cạnh bờ biển thành phố Hiroshima để kiểm tra lần cuối các bản vẽ thiết kế một tàu chở dầu.

Ông kể lại với tạp chí Times: "Tôi từ Nagasaki đến Hiroshima 3 tháng trước theo một hợp đồng với Mitsubishi Heavy Industry. Dự tính của tôi là lúc xong việc, tôi sẽ tranh thủ về thăm vợ là Hisako và đứa con trai Katsutoshi, sống ở thành phố Nagasaki".

Ông Tsutomu Yamaguchi, chụp năm 2006 tại Liên Hiệp Quốc.

Sau khi hoàn tất kiểm tra, Yamaguchi cùng hai kỹ sư khác là Akira Iwanaga và Kuniyoshi Sato đi bộ đến ga xe lửa nhưng mới được một đoạn ngắn, Yamaguchi sực nhớ ra rằng mình quên mang theo "hanko" - là giấy phép đi lại trong thời chiến - nên ông quay về xưởng đóng tàu để lấy nó.

Ông kể tiếp: "Lúc ấy là 8 giờ 15 phút. Tôi nghe tiếng ù ù trên cao. Ngẩng mặt lên, tôi thấy một chiếc máy bay 4 động cơ thả xuống một vật gì đó bằng dù. Nó màu đen, hình dạng giống trái bí". Theo phản xạ, Yamaguchi vừa nhảy xuống một mương nước thì ngay lập tức, bầu trời rực lên một thứ ánh sáng chói chang khổng lồ, tựa như ánh đèn ma nhê trong máy chụp hình rồi sau đó là một tiếng nổ khủng khiếp. Sóng xung kích của vụ nổ hất Yamagughi ra khỏi mương nước, ném ông xuống một ruộng khoai tây cách đó khoảng 50m khiến ông ngất đi.

Mất gần 20 phút, Yamaguchi mới mở mắt ra được. Xung quanh ông tối đen. Vụ nổ nguyên tử đã tạo ra một đám mây khổng lồ hình nấm cùng với khói bụi từ những công trình dưới mặt đất bị phá hủy đã khiến mặt trời bị che lấp hoàn toàn. Cái mà ông nhìn thấy được là những đám lửa, cháy sáng rực bầu trời phía tây thành phố. Và mặc dù ở cách xa tâm nổ 3km nhưng sức nổ và nhiệt độ của quả bom đã làm cho mặt, tay ông bỏng nặng. Ông nói: "Lúc tỉnh lại, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Nó giống như khi người ta bắt đầu chiếu phim, trên màn ảnh chỉ có những khoảng trắng đen nhấp nháy và không hề có bất kỳ một âm thanh nào…".

Cố gắng đứng dậy, Yamaguchi khó nhọc lê bước. Một lát, ông thấy hai người bạn là Akira Iwanaga và Kuniyoshi Sato ngồi bên lề đường. Cả hai cũng còn sống nhưng một phần áo quần của họ biến đi đâu mất, cơ thể họ lộ ra những vùng da đỏ như tôm luộc vì bỏng.

Đám mây hình nấm bốc lên lúc quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki (ảnh của quân đội Nhật).

Bước thêm một đoạn nữa, Yamaguchi ngỡ ngàng trước những gì còn lại của xưởng đóng tàu Mitsubishi. Giàn đà thép khổng lồ xoắn lại như thể người ta xoắn những sợi mì. Một con tàu neo gần bờ bị sóng xung kích của vụ nổ thổi lật úp, vỏ tàu bẹp nát. Xác chết nằm la liệt với đủ mọi tư thế, phần lớn là chết cháy.

Nhìn thấy một phụ nữ đứng úp mặt vào bức tường ở một góc phố, Yamaguchi tiến lại hỏi thăm nhưng không thấy bà trả lời, ông vỗ vào vai thì bất ngờ bà đổ uỵch xuống. Mũi, miệng, tai, mắt bà là những vệt máu đen đặc. Bà chết vì sức ép của vụ nổ cộng hưởng bởi những bức tường, nhưng quần áo vẫn còn nguyên.

Quả bom thứ hai

Cùng với Akira Iwanaga và Kuniyoshi Sato, cả ba tìm đến một hầm trú ẩn vì sợ quân Mỹ sẽ có những đợt ném bom tiếp theo. Yamaguchi kể với tạp chí Times: "Trong hầm, người chết lẫn lộn với người sống. Chúng tôi qua đêm với tiếng rên la thảm thiết của những người bị thương".  Sáng hôm sau, ông cùng 2 người bạn đi về phía ga xe lửa mà bằng một phép lạ nào đó, nó vẫn hoạt động. Chuyến tàu đưa Yamaguchi qua một vùng đầy ác mộng với những đám cháy, những tòa nhà vỡ vụn, những cây cầu đổ sụp cùng những xác chết tan chảy trên vỉa hè. Trong toa tàu nơi ông ngồi, la liệt những hành khách bị bỏng và hầu như không ai còn nguyên vẹn. Một phi công trong bộ quần áo bay, khuôn mặt cháy gần hết, hai mắt bị mù, hơi thở thoát ra nghe như tiếng ấm nước sôi bịt nắp. Ông kể: "Tàu chạy suốt đêm và lại có thêm nhiều người chết. Lúc ấy tôi không hề biết rằng 16 tiếng sau vụ nổ, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã có một bài phát biểu trên đài phát thanh, nói về sức mạnh của quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, cùng những lời cảnh báo rằng nếu Nhật Bản không đầu hàng vô điều kiện, nước Nhật sẽ còn phải hứng chịu nhiều lần những trận bão lửa như đã xảy ra ở Hiroshima…".

Các tòa nhà bê tông cốt thép của Bệnh viện Đại học Y Nagasaki sau khi quả bom nguyên tử thả cách đó 800m (ảnh của Không quân Mỹ).

Sáng 8-8, Yamaguchi về đến Nagasaki rồi được vợ đưa vào bệnh viện. Bác sĩ Nagumo, một bạn học hồi phổ thông với ông nhanh chóng rửa các vết bỏng, cắt những mảng da hoại tử rồi băng lại. Đến sáng ngày 9, mặc dù còn rất đau nhưng Yamaguchi vẫn bảo vợ ông đạp xe chở ông đến văn phòng đại diện của hãng Mitsubishi ở Nagasaki.

Kể lại với tạp chí Times, ông nói: "Tôi chỉ đề nghị chi nhánh Nagasaki báo cáo về Tokyo những gì đã xảy ra ở Hiroshima, và về xưởng đóng tàu đã tan tành nhưng giám đốc chi nhánh lại muốn tôi tường thuật sự kiện ngày 6-8. Nghe tôi nói xong, ông ấy tỏ vẻ không tin, thậm chí còn cho rằng tôi đã quá cường điệu vì một quả bom không thể phá hủy cả một thành phố".

Và trong khi Yamaguchi đang cố gắng giải thích thì bên ngoài cửa sổ lóe lên một thứ ánh sáng rực rỡ rồi liền ngay sau đó, tất cả những tấm kính ở các cánh cửa vỡ tan bởi sóng xung kích đi ngay sau tiếng nổ, hất Yamaguchi và tất cả mọi người vào góc phòng. Đó là thời điểm quả bom nguyên tử thứ 2 được người Mỹ thả xuống Nagasaki, cách trụ sở chi nhánh hãng Mitsubishi 3km.

Trong tích tắc, Yamaguchi có cảm tưởng rằng đám mây hình nấm đã theo ông từ Hiroshima về đây. May mắn là bức tường của văn phòng chi nhánh hãng Mitsubishi khá dày nên Yamaguchi chỉ bị thương nhẹ.

Chạy ra khỏi tòa nhà, Yamaguchi băng qua những con phố đổ nát, những xác chết với đủ mọi tư thế và những người bị bỏng đang vùng vẫy điên cuồng. Cuối cùng, ông tìm thấy vợ con trốn trong một đường hầm, cơ thể cả hai chỉ bị xây xát. Ông nói: "Đó là sự kỳ lạ của số phận. Tôi đã thoát chết ở Hiroshima và bây giờ, một lần nữa tôi lại thoát chết ở Nagasaki. Không những thế, vợ con tôi cũng thoát chết trong lúc xung quanh khu nhà tôi, chẳng ai còn sống vì khi bom nổ, họ đều ở trong nhà".

Những ngày sau đó, chất phóng xạ bắt đầu tác động lên cơ thể Yamaguchi. Ông liên tục nôn mửa, những vết bỏng lúc nào cũng rỉ nước, và sau này tóc ông rụng sạch. Ngay cả khi Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng vào ngày 15-8, Yamaguchi cũng không hề có cảm xúc. Ông nói: "Tôi sốt cao, không ăn được dù chỉ là cháo loãng. Có lúc tôi nghĩ tôi không sống nổi. Vợ tôi cũng thế. Bà ấy bị chất phóng xạ hành hạ cả ngày lẫn đêm".

Hồi sinh và di chứng

Tuy nhiên, không giống như rất nhiều nạn nhân bị phơi nhiễm phóng xạ, Yamaguchi và vợ ông dần hồi phục, thậm chí ông bà còn sinh thêm được 2 người con vào năm 1950 và 1953. Và mặc dù có 165 người là nạn nhân của cả 2 quả bom nguyên tử cũng sống sót nhưng Yamaguchi là người duy nhất được Chính phủ Nhật Bản công nhận là "Nijyuu Hibakusha - người bị đánh bom hai lần".

Quân đội Nhật điều tra thiệt hại ở Nagasaki, 2 tháng sau khi quả bom nguyên tử rơi xuống.

Sau khi hồi phục, Yamaguchi quay lại làm việc tại xưởng đóng tàu Mitsubishi ở thành phố Nagasaki vẫn với cương vị là kỹ sư thiết kế. Trong những ngày tháng ấy, ông lặng lẽ viết hồi ký, kể lại sự sống sót kỳ diệu của mình và những đau đớn về mặt tinh thần mà ông cùng 260.000 người Nhật Bản khác - cũng là nạn nhân của hai quả bom nguyên tử - phải gánh chịu. Năm 2000, cuốn hồi ký "Ikasareteiru Inochi - Người sống sót 2 lần" chính thức ra mắt, trở thành một phần của phong trào chống vũ khí hạt nhân.

Năm 2005, con trai Yamaguchi là Katsutoshi chết vì bệnh ung thư. Con gái ông -  Naoko - sống trong tình trạng quặt quẹo, ốm yếu; còn vợ ông là bà Toshiko bị bệnh máu trắng, hậu quả lâu dài của sự nhiễm phóng xạ. Năm 2006, Yamaguchi xuất hiện trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để kêu gọi thế giới giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trong bài phát biểu, ông nói: "Sau những khủng khiếp đã qua đi, giờ đây nước Mỹ có 8.000 đầu đạn hạt nhân mà mỗi đầu đạn có sức tàn phá gấp 20 lần quả bom đã ném xuống Hiroshima, Nagasaki. Chưa hết, câu lạc bộ hạt nhân lại có thêm những thành viên mới là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, chưa kể các "tân binh" vừa gia nhập như Israel, Pakistan, Ấn Độ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Ngay cả các chính trị gia Nhật Bản cũng đã gợi ý rằng một ngày nào đó, quốc gia này cũng cần có bom nguyên tử. Tôi là người đã 2 lần sống sót nên vì vậy, tôi cầu mong rằng đừng bao giờ có quả bom thứ ba…".

Những ngày cuối đời, Yamaguchi sống với vợ và cô con gái trong tình trạng một tai bị điếc, mắt mờ vì bệnh đục thủy tinh thể và bệnh bạch cầu cấp. Trả lời tạp chí Times, ông nói: "Sau khi tôi chết, tôi muốn thế hệ tiếp theo của những "Hibakusha - Người bị đánh bom" biết về những gì đã xảy ra với chúng tôi. Ông đã mất ngày 4-1-2010, lúc 93 tuổi vì ung thư dạ dày. Năm 2015, đến lượt vợ ông là bà Hisako, qua đời vì ung thư gan, thận.

Vũ Cao (theo Times)
.
.