Đêm văn nghệ mừng xuân

Thứ Hai, 08/02/2016, 11:35
Cái đêm văn nghệ mừng Xuân, đón Tết ấy diễn ra ngày nay, hẳn là chuyện bình thường như bao cuộc vui khác. Song, nó lại diễn ra vào thời điểm cách đây trên 40 năm tại căn cứ bám trụ của đơn vị chúng tôi ở chiến trường sông nước Bến Tre thuộc địa bàn ấp 1, xã An Phước, huyện Châu Thành vào dịp tết Nhâm Tý (1972). Giai đoạn căng thẳng, ác liệt ở các căn cứ vùng giáp ranh nó trở thành "sự kiện đặc biệt" đối với người trong cuộc.


Đó là thời điểm địch tăng cường càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng của ta; dồn dân vào "ấp chiến lược" nhằm ngăn cản quan hệ của quần chúng với "Việt cộng", thực hiện âm mưu thâm độc "tách cá khỏi nước" (quân với dân như cá với nước); triển khai kế hoạch khai quang địa hình, xây dựng đồn bốt sâu trong vùng căn cứ cách mạng. Ta, kiên quyết bám trụ chống càn, giữ dân giữ đất với tinh thần "một tấc không đi, một ly không rời".

Múa trống của H67 tại đêm văn nghệ phục vụ nhân dân đón tết ở vùng ven xã An Phước, Châu Thành, Bến Tre.

Thực hiện 2 mũi giáp công: Quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị - đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng đấu tranh chống càn quét bắt lính, chống dồn dân vào khu gom, đòi dân sinh dân chủ, đòi trở về nhà xưa, vườn cũ để thu hoạch cây trái và tăng gia xản xuất… Muốn vậy, phải tạo mọi điều kiện tiếp xúc nhằm củng cố niềm tin của quần chúng với cách mạng. Trong bối cảnh địch tăng cường bao vây phong tỏa, để thực hiện tốt chủ trương trên quả là điều nan giải. Vì vậy, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã tổ chức cuộc họp liên cơ (các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn) bàn biện pháp phối hợp thực hiện.

Cuộc họp diễn ra thật sôi nổi và đi tới thống nhất như sau:

Việc bao vây bức hàng, bức rút đồn bốt của địch do du kích địa phương đảm nhiệm; Công tác bám trụ chống địch càn vào căn cứ, giao đơn vị chúng tôi làm nòng cốt, các đơn vị bạn phối hợp; Việc nắm và cung cấp tình hình an ninh địa bàn, do Ban An ninh huyện chịu trách nhiệm. Nội dung cuối cùng, nan giải nhất là làm thế nào tập hợp được đông đảo quần chúng để thực hiện mũi giáp công chính trị đạt hiệu quả cao, chiếm thời gian thảo luận lâu nhất.

Cuối cùng, ông Năm Tuyến đại diện đơn vị chúng tôi - Đoàn nghiên cứu địa hình của tỉnh (tên ngụy trang của Cụm tình báo chiến lược H67) đề xuất ý kiến: "Tranh thủ 3 ngày hưu chiến (hai bên ngừng chiến đấu) trong dịp tết, sẽ tổ chức một đêm văn nghệ mừng Xuân, đón Tết trong vùng căn cứ của ta, mời bà con sống trong vùng địch kiểm soát về dự. Đoàn nghiên cứu địa hình xin "đăng cai" địa điểm và các tiết mục văn nghệ". Pháo tay nổi lên, mọi người reo hò hoan nghênh sáng kiến của ông  Năm Tuyến.

Sở dĩ đại diện đơn vị chúng tôi dám "mạnh tay" xung phong như vậy là ông dựa vào thực lực của đơn vị mình. Cả đơn vị với trên 20 người, thì có tới hơn phân nửa là thanh niên trẻ, nhiều anh em từ miền Bắc mới được bổ sung, trong đó có nhiều "cây văn nghệ" mà ông đã "mục sở thị". Rồi nữa, đơn vị có một cái lán rất to xây dựng ở gần ven đồng ấp 1, làm nơi nghỉ ngơi cho anh em khi ra sản xuất ở ven đồng, thực hiện chủ trương tự cung tự cấp. Nơi đó làm "hội trường" thì quá thuận lợi vì đã có hầm tránh phi pháo xung quanh.

Nội dung cuối cùng của cuộc họp là phân công trách nhiệm các đơn vị và địa phương. Mỗi đơn vị cử ít nhất 5 người phối hợp với du kích xã làm công tác tuần tra, canh gác nhằm đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn; việc củng cố lán hội trường, xây dựng sân khấu biểu diễn, giao cho Đoàn thanh niên địa phương phối hợp đơn vị chúng tôi thực hiện. Nữ đoàn viên thanh niên địa phương đảm nhận công tác lễ tân.

Công tác chuẩn bị được triển khai trước Tết một tuần. Đơn vị chúng tôi quân số được chia đôi. Một nửa tham gia công việc chung. Một nửa tập trung vào xây dựng tiết mục và tập dượt văn nghệ. Lúc đầu ai cũng lo - đào đâu ra tiết mục cho đủ 2 giờ biểu diễn. Vì thời gian lãnh đạo địa phương phát biểu trước bà con chỉ gói gọn trong 30 phút. Thật không ngờ, đêm 29 Tết tổng duyệt để đêm giao thừa biểu diễn chính thức thì có tới một phần ba tiết mục dư thừa.

Cuối cùng chỉ chọn 10 tiết mục chính với đa dạng các loại hình nghệ thuật. Múa, có múa lân, múa sạp, múa trống; dân ca có dân ca quan họ Bắc Ninh với nhiều làn điệu, cùng nhiều làn điệu dân ca Nam Bộ và vọng cổ. Tân nhạc, với nhiều bài ca nổi tiếng thời đó như: “Bài ca may áo”, “Qua sông” (tốp nữ), “Chiếc khăn tay”, “Lên ngàn “ (đơn ca nữ), “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (tốp ca nam), “Tiếng đàn ta lư” (đơn ca nam).

Tiệc trà đầu năm của H67 chúc Tết (Xuân Quý Sửu), tại căn cứ An Phước, Châu Thành, Bến Tre.

Đặc biệt là bản “Trước ngày hội bắn” (song ca nam nữ). Chọn mãi không có cô nào dám "dũng cảm" nhập vai, cuối cùng phải chọn một nam giới đóng giả gái. Lính ta tài thật, hóa trang khéo tới mức như một đôi trai gái người Mông vào mùa hội thi bắn. Cũng khèn bè, xòe ô, váy xòe rực rỡ như ai. Chỉ tới khi "cô gái" cất lời hát đối, mọi người cười ngất vì mới lòi cái giả ra.

Ngày 30 Tết - thời điểm thực hiện hưu chiến trên toàn chiến trường miền Nam. Khoảng gần trưa, lãnh đạo địa phương triệu tập cuộc họp gấp để nghe Trưởng ban An ninh huyện thông báo tình hình: "Địch thực hiện ngừng bắn nhưng sẽ đẩy mạnh kế hoạch "Thiên nga phụng hoàng" trong dịp Tết. Tung lực lượng "Thiên nga" trà trộn vào vùng giải phóng để thu thập tin tức tình báo, đầu độc, ám sát cán bộ của ta. Đây là đội quân đặc biệt, họ lựa chọn toàn những cô gái trẻ, có nhan sắc đưa đi đào tạo tại Trường Tình báo Cây me ở Sài Gòn để phục vụ cho "kế hoạch Phụng hoàng" và được gọi là đội quân "Thiên nga" là vậy. Nói nôm na đó là "đội quân mỹ nhân kế" để tung vào vùng kiểm soát của ta thực hiện cái gọi là "nhiệm vụ đặc biệt".

Trước tình hình đó, cuộc họp đi tới thống nhất một loạt biện pháp an ninh nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cuộc tiếp xúc quần chúng và đêm liên hoan văn nghệ mừng Xuân: Các đơn vị bổ sung thêm quân số cho lực lượng tuần tra canh gác; giao nhiệm vụ cho các cơ sở bí mật trong khu gom dân xem có bao nhiêu người lạ mặt xuất hiện và có kế hoạch giám sát; công tác lễ tân đã giao cho các nữ đoàn viên ngoài khu gom dân đảm nhiệm, nay chuyển giao cho đơn vị chúng tôi với lý do - "bà con cô bác, các chị, các em về dự liên hoan mừng xuân tại căn cứ cách mạng, tất cả đều là khách, đây là dịp để anh chị em các Cơ quan, đơn vị được phục vụ; chương trình nghị sự được bổ sung thêm nội dung, đó là cơ quan An ninh thông báo tình hình an ninh địa bàn, trong đó có công bố lệnh trừng trị một tên mật vụ chỉ điểm nằm vùng tại tuyến đường giao liên qua khu vực ấp 5 khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta bị bắt và hy sinh. Việc làm đó với mục đích răn đe những người đã và đang trực tiếp làm tay sai cho địch, kể cả những phần tử "Thiên nga" nếu đã trà trộn vào địa bàn.

Cuộc liên hoan kéo dài tới giao thừa năm ấy và đảm bảo tuyệt đối an toàn. Bà con cô bác hết lời khen ngợi quân cách mạng ca hay, múa giỏi như văn công. Một số tiết mục văn nghệ đã phải biểu diễn tới lần thứ hai.

Đó là cuộc gặp gỡ nặng tình quân dân. Nó trở thành kỷ niệm sâu sắc đối với chúng tôi trong những năm tháng bám trụ chiến đấu tại quê dừa Đồng Khởi.

Ký của Khổng Minh Dụ
.
.