Dũng tướng Nguyễn Hữu Vị

Thứ Sáu, 09/01/2015, 18:40
Dũng tướng Nguyễn Hữu Vị chưa qua trường lớp võ bị nhưng vẫn tài tình chỉ huy đơn vị chủ lực cấp trung đoàn, sư đoàn. Sự điều binh tài tình của ông đã bẻ gãy hàng loạt chiến thuật, chiến lược của quân Mỹ trên chiến trường Trung Nam Bộ. Nhờ có nhãn quan quân sự thiên phú, nhiều lần ông đã "phù phép" trận địa, dụ dẫn địch động binh vào nơi tử lộ.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVTND) Nguyễn Minh Đậu - nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 261A, sĩ quan thuộc quyền ông -  từng nói rằng: "Anh Tám Vị là Trung đoàn trưởng tạo nên một thời hoàng kim của Trung đoàn. Anh đủ quyền lực tối cao định mệnh bất cứ kẻ thù nào dám nghênh chiến".

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị, năm 1985.

Tướng quân bần nông

Ông sinh năm 1930 trong một gia đình bần nông ở làng Châu Bình, huyện Ba Tri (nay là xã Châu Bình thuộc huyện Giồng Trôm), Bến Tre. Ông là con thứ 8, áp út. Dù nghèo nhưng má ông "đẻ sồn sồn năm một".

Ông thường kể mình sinh ra vào những ngày mưa dầm lụt lội và tuổi thơ trôi qua trong một cái chòi mục nát, ăn đói, mặc rách quanh năm. Những năm thuộc địa, xã Châu Bình nghèo đến mức cơm ăn, áo mặc là vật xa xỉ. Người dân Châu Bình không chấp nhận cái bất công giàu nghèo đã rủ nhau đi ăn trộm trâu của giới địa chủ. Nhà nào không ăn trộm thì cũng chứa trâu ăn trộm. Từ nguyên cớ đó, Châu Bình được dân tứ chiếng gọi là xã "ăn trộm trâu". 

Thuở đó, xã chỉ có một lớp học dạy đến lớp tứ sơ học (tương đương lớp 2 bây giờ) là hết chữ. Tám Vị học hết lớp tứ với sáu ông thầy. Học xong lớp tứ, ông trở thành "thầy giáo" giúp ông thầy trường làng dạy lại lớp ngũ (lớp 1). Ngoài giờ dạy, ông phải lãnh trâu chăn dắt kiếm tiền phụ giúp mẹ.

Khi nhắc về cái chết của mẹ, ông rưng rưng: "Má tôi chết năm 49 tuổi. Bà cao một thước bảy nhưng chỉ kiếm được mấy tấm ván dài một thước năm. Khi liệm người ta phải đặt chân má cong lên. Nhà không có miếng vải the, chỉ đắp mặt má bằng một tờ giấy quyến".

Từ thuở nhỏ, Tám Vị thường được người lớn kể về truyền thống yêu nước, bất khuất của Bến Tre như người anh hùng Tán Kế Lê Quang Quan đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở vùng Ba Châu vào những năm 1867 - 1868; chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu;  ông giáo làng Phan Tòng (là liệt sĩ đầu tiên của Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống Pháp...).

Từ năm 1927, Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội thành lập chi bộ ở làng Tân Xuân ở cách làng Châu Bình không xa. Và năm 1930, chi bộ Đảng đầu tiên của Bến Tre ra đời tại đó.

Nhờ sống trong không khí yêu nước nên từ bé Tám Vị đã ý thức được kiếp nô lệ của dân tộc trong tay thực dân. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ 2 năm 1946, ông đã xin tham gia. Nhiệm vụ đầu tiên trong cuộc đời làm cách mạng giải phóng dân tộc của ông là giao - bảo, tức vừa làm giao liên vừa làm bảo vệ cho Huyện ủy Ba Tri. Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1956, ông bị địch bắt trong một chuyến công tác và bị cầm tù ở nhiều nhà lao: Bến Tre, Pleiku, Quy Nhơn, Phú Lợi. Năm 1960, ông được trả tự do. Ngay sau đó ông trở lại Ba Tri tham gia vào đơn vị vũ trang tuyên truyền "Bạch Binh" và được giao nhiệm vụ chỉ huy trung đội.

Trận “Khổng Minh tọa lâu”

Trước thắng lợi của Đồng Khởi đợt 1, Khu ủy Khu 8 ban hành chỉ thị lấy ngày 23/9/1960 là ngày các tỉnh trong toàn Khu thực hiện kế hoạch Đồng Khởi đợt 2. Chấp hành chỉ thị, Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre giao nhiệm vụ cho các thị trấn, thị xã phải đẩy mạnh hoạt động để thu hút quân địch, phân tán bớt sức đối phó của địch ở nông thôn.

Ngày 21 và 22/9/1960, hàng vạn nhân dân Bến Tre được huy động vào các chợ tung tin Tiểu đoàn 502 sắp đánh lớn đồng thời mua gạo, muối, dầu lửa để… dự trữ. Khắp nơi tràn ngập người đi chợ làm giá cả tăng vọt.

Ngày 23/9/1960, theo kế hoạch - bất ngờ dân ngừng đi chợ, tiểu thương dẹp quầy hàng, đóng cửa tiệm. Khắp các thị trấn trong tỉnh Bến Tre lặng ngắt như tờ. Các lực lượng quân đội, cảnh sát và hệ thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tại Bến Tre như nín thở chờ đợi điều tồi tệ nhất xảy ra.

Thời điểm đó, trung đội du kích của Tám Vị có hơn 10 người được giao nhiệm vụ giải phóng đồn Long Mỹ (Giồng Trôm) có 36 tay súng. Đồn này do thiếu úy Thanh - một sĩ quan bảo an nổi tiếng "dữ dằn" chỉ huy.
Đại Đội trưởng Nguyễn Hữu Vị (phải) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội.

Trong tình hình "không khí tang tóc" bao trùm khắp Bến Tre, thiếu úy Thanh hạ lệnh lính trong đồn "tử thủ chờ tiếp viện. Thằng nào đảo ngũ, tao bắn bỏ mạng". Hắn hạ lệnh cho binh sĩ nấp sẵn trong các lô cốt, công sự chong súng đợi quân ta tấn công vào.

Lượng sức mình, sức địch, Tám Vị không mạo hiểm đánh trực diện. Trước tình thế căng thẳng đó, ông Lê Minh Đào - Tỉnh đội trưởng Bến Tre - yêu cầu Tám Vị đi thẳng vào đồn thuyết phục thiếu úy Thanh đầu hàng.

Trước khi Tám Vị vào đồn, một người của ta bắc loa kêu gọi: "Các anh đã bị lực lượng quân sự hùng hậu của chúng tôi bao vây. Chúng tôi yêu cầu các anh đầu hàng để tránh tang tóc cho 36 gia đình binh sĩ trong đồn. Để các anh yên tâm, chúng tôi sẽ cử người vô đồn thương lượng".

Nhớ lại khoảnh khắc đó, ông kể: "Tôi mặc áo cụt tay, quần đùi, không mang vũ khí. Anh Ba Đào cử một người lính tên Hùng Chín mang súng tiểu liên theo bảo vệ. Tôi quay lại nói với Hùng Chín: “Em quay về đi, cây súng này làm sao bảo vệ được anh trong đồn. Em phải sống bởi còn ba má em nữa, nếu có hy sinh chỉ mình anh thôi". Hùng Chín quay trở ra, một mình tôi đi thẳng vào đồn”.

Ông kể tiếp: "Tới cửa đồn, lính chĩa mũi súng vô đầu gối tôi lạnh toát, quát: Đi đâu? Tôi đáp: Bộ anh không nghe loa phía bên ngoài cử người vô gặp cảnh sát Thanh thương lượng à? Người lính dẹp súng, tôi đi thẳng vô phía trong phòng. Thiếu úy Thanh bước tới đưa tay bắt. Tôi không bắt tay, Thanh rụt tay lại e ngại hỏi: Ông vô đây với mục đích gì? Tôi đáp: Tôi được lệnh của chỉ huy vô đây mời ông đưa anh em ra hàng để tránh đổ máu vô ích cho 36 gia đình. Vì tình nghĩa đồng bào, tôi mong ông xử lý đúng đắn nhất. Thiếu úy Thanh làm thinh một hồi rồi hứa tới sáng sẽ đưa người ra. Tôi không đồng ý, bảo phải ra liền. Thanh phân bua: “Bây giờ trời tối, lộn xộn tôi không kiểm soát được. Ông cứ chờ tới sáng”.

Đang giằng co một hồi thì có tiếng loa của anh Ba Đào vọng vô cho hay sẽ cử tiếp một người mang thư cho tôi. Bức thư nhỏ như lòng bàn tay ghi mấy chữ: Nếu nó đã hứa ra thì đồng ý đi, ép nó cùng đường sẽ giết mình. Tôi làm bộ suy nghĩ một lúc rồi gật đầu: Thôi, sáng ông ra cũng được, nhưng đã hứa thì giữ lấy lời để cứu nhiều sinh mạng đồng bào. Cảnh sát Thanh cho người mang ra một thùng đạn bảo: Gửi anh Tám làm tin. Tôi thấy thùng đạn phát thèm nhưng phải làm bộ lịch sự cảm ơn mà rằng: Ở bên ngoài, chúng tôi có nhiều lắm, đủ sức đánh ông tới bại trận. Ra đến cửa, tôi bắt tay chào Thanh: Mong các anh giải quyết trong hòa bình để chồng vợ đừng phải xa nhau. Tôi bước ra khỏi đồn".

Không ngờ tối hôm đó, quân ta bắt được một người lính đưa thư cầu viện của thiếu úy Thanh lên quận. Hóa ra, hắn chỉ vờ chấp thuận đầu hàng. Để "hớp hồn" địch, ta phát loa đọc nguyên văn bức thư cầu viện của hắn. Đến khoảng 3 giờ sáng, ta dùng trung liên, súng phóng lựu đánh liên tục vào đồn.  Đến hừng đông, thì thiếu úy Thanh bung cờ trắng chịu giao nộp vũ khí đầu hàng.

Vừa gặp quân ta, thiếu úy Thanh đề nghị cho gặp lại "anh Tám hồi hôm". Sau cuộc trò chuyện, ông Tám Vị đề nghị với ông Ba Đào tìm cách sử dụng thiếu úy Thanh.  Được Ba Đào đồng ý, Tám Vị gặp Thanh nói thẳng: "Anh Thanh à, tôi biết anh dữ chứ không hiền nhưng tôi muốn anh quay về hợp tác với sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Chúng tôi cầm tù anh không có lợi gì cho sự nghiệp cách mạng đâu". Viên cảnh sát tù binh xúc động viết một tờ cam kết, hứa sẽ hợp tác với cách mạng, thường xuyên cung cấp tin tức địch cho ta. Sau khi được thả, cảnh sát Thanh đã giữ đúng lời hứa. Tiếc rằng, chỉ một thời ngắn sau đó anh ta chết trận.

Trận đánh này, nếu địch ngoan cố không đầu hàng, trung đội của Tám Vị cũng khó mà giải phóng được đồn.

Đối đầu với trung tá Roy

Còn rất nhiều giai thoại về tài nghệ chỉ huy trận mạc của Tám Vị gắn liền với biết bao chiến tích trên chiến trường Bến Tre, trong đó có trận đầu ra quân thắng lớn của Tiểu đoàn 516 ở Lộ Thơ (Thành Triệu).

Căn cứ vào tình hình thực tế chiến trường, ngày 15/4/1964, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định thành lập Tiểu đoàn 516 giao cho Tám Vị làm Tiểu đoàn trưởng.

Để "lên tiếng chào sân" với địch, đêm 18/4/1964, Tám Vị cử đại đội 2 phối hợp với cơ sở nội tuyến "tiễu trừ" cứ điểm Xã Diệu (xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri) do Cai tổng Trương Công Huẩn chỉ huy. Ta san bằng cứ điểm, diệt và bắt hơn 200 tên địch, thu hơn 100 súng.
Một cựu binh Mỹ tìm gặp Tám Vị năm 1991 tại Bến Tre.

Sau trận đánh ra mắt, Tiểu đoàn 516 hành quân về căn cứ Giồng Trôm mở rộng vùng giải phóng ở khu vực Tây Châu Thành, bảo đảm trạm giao liên liên tỉnh Bến Tre - Mỹ Tho được thông suốt. Về đến cứ điểm mới, Tám Vị cho 2 đại đội "đập" ngay 2 trận xóa đồn An Hóa và xua Tiểu đoàn 41 Biệt động quân của địch có biệt danh là Tiger Spanker, tức Cọp Bay ra khỏi vùng căn cứ Nhơn Trạch.

Thời điểm này, viên trung tá Mỹ cố vấn Tiểu đoàn Cọp Bay là Roy S Lombardo nhận được tin tình báo cho biết "có một tiểu đoàn Việt Cộng chính quy không rõ phiên hiệu đang di chuyển vào vùng trách nhiệm". Trong kế hoạch "lùng và diệt" của quân đội VNCH, Tiểu đoàn Cọp Bay chịu trách nhiệm "làm cỏ Việt Cộng" ở khu vực Trúc Giang (tức Giồng Trôm).

Nhận được tin, Roy hung hăng tuyên bố: "Sẽ quét Tiểu đoàn Việt Cộng này ra khỏi vùng trách nhiệm trong 24 giờ". Ông ta lệnh cho thiếu tá Lê Bảo Toàn - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cọp Bay xua quân vào vùng Nhơn Trạch bằng xuồng cao tốc ngay trong đêm.

Mọi động thái hạ trại của Tiểu đoàn Cọp Bay đều nằm trong tầm quan sát của Tám Vị và các trinh sát. Một số anh em nôn nóng yêu cầu đánh cấp tập ngay khi địch còn chân ướt chân ráo.  Tám Vị bình tĩnh bảo tiểu đội cối lấy sẵn thước ngắm vào mục tiêu bộ chỉ huy tiểu đoàn của địch rồi… chờ đợi. Bằng kinh nghiệm trận mạc, ông biết rõ khi đang đổ quân, địch luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Biệt động quân là lực lượng chiến đấu cơ động nên được trang bị hỏa lực cá nhân đến tận răng. Đánh lúc này sẽ không tránh khỏi thương vong cho anh em.

Nằm chịu trận cho muỗi đốt đến nửa đêm, Tám Vị hạ lệnh khai hỏa. Nhờ đã có sẵn thước ngắm, các khẩu cối của ta nã trúng ngay lều chỉ huy của địch.

Viên thiếu tá Lê Bảo Toàn bị thương ngay loạt cối khai hỏa đầu tiên. Trung tá Roy thoát chết nhưng tiêu tán thần hồn nằm bẹp dí dưới đất mở bộ đàm gọi cầu viện liên tục. Đội hình Cọp Bay bị xé nát hoàn toàn. Trong cơn bấn loạn, các đơn vị địch ném lựu đạn sát thương nhau rất nhiều.

Đánh "hù dọa" chớp nhoáng, Tám Vị lệnh cho đơn vị rút êm thấm ra khỏi trận địa. Khi đơn vị đã về đến căn cứ an toàn, mọi người vẫn còn nghe tiếng súng của địch bắn vào nhau đì đùng. Các loại pháo yểm trợ của địch từ hậu cứ Sư đoàn 7 bắn bao vây, chôn chân Tiểu đoàn Cọp Bay đến sáng.

Trời vừa hừng sáng, Roy gọi trực thăng vào hốt hết Tiểu đoàn Cọp Bay về vùng an toàn.

Hoàng Kiệt
.
.