Ông già bá đỏ, người anh hùng lưng trần, chân đất

Thứ Sáu, 24/04/2015, 09:50
12 năm trước, cũng vào những ngày tháng Tư lịch sử, tôi theo Quốc lộ 1A về Cà Mau, tiếp tục hỏi đường về vùng quê Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, để tìm nhà Ông già bá đỏ. Hồi đó, đoạn Quốc lộ 1A từ TP Cà Mau đi Năm Căn đang trong giai đoạn xuống cấp nặng, chưa được đầu tư “ngon lành” như bây giờ. Thế nhưng nghe loáng thoáng câu chuyện về Ông già bá đỏ chân quê, mộc mạc và rất… Nam bộ, tôi như quên mất cái nắng như đổ lửa cùng hàng trăm “ổ voi” trên mặt đường đoạn cuối Quốc lộ 1A. Những ngày tháng Tư lịch sử, về lại mảnh đất cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc, tôi cứ nhớ kỷ niệm lần tiếp chuyện Ông già bá đỏ - người anh hùng lưng trần, chân đất đúng nghĩa...

Lần đó, khi tấp vào chợ Rau Dừa, thuộc xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước để hỏi đường, tôi may mắn gặp được chị Năm, con gái Ông già bá đỏ. Chị gọi ông bằng "tía". Giọng chị đặc sệt miền sông nước Cà Mau: "Cậu đi thẳng đi, bỏ hai cây cầu rồi hỏi thăm nữa. Vô gần tới đó, kêu tên tía tui, sẽ có người lấy xuồng qua rước!".

Người dân Cà Mau ít người biết tên thật của Ông già bá đỏ là Nguyễn Văn Tiết. Tính đến đầu năm 2003, theo tài liệu, sử sách địa phương, ông Tiết bước sang tuổi 95 nhưng trò chuyện với tôi, ông bảo: "Hình như tui chỉ mới 93 tuổi".

Ông nhớ lại: "Ba tui (cụ Nguyễn Văn Mọi - PV) gốc miệt Mỹ Phước Tây, Cai Lậy, Tiền Giang. Ổng kể khi trôi nổi về miệt Rau Dừa này, mới gặp mẹ tui (cụ bà Lâm Thị Út - PV). Ba mẹ tui đẻ ra hơn chục người con nhưng bệnh chết hồi nhỏ gần phân nữa. Tui tới thứ mười - Mười Tiết!".

Theo lời kể, cha mẹ ông trước kia là tá điền của Hội đồng Liệu, ở đợ mấy đời vẫn không thoát khỏi kiếp chăn trâu.

Tuổi thơ cùng cực và hoàn cảnh gia đình như thế nên thấy kẻ nào ức hiếp người dân nghèo cùng cảnh ngộ là ông ghét cay, ghét đắng. Cả hai thời kỳ chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ, nhà của ông vẫn nằm cheo leo bên kia kênh Rau Dừa.

Ngụm một hớp trà, ông hồi tưởng: "Thấy nó tới lập đồn bót, bồng súng tới lui tuần tra, lùng sục bắt bớ cán bộ mình, tui không chịu nổi". Vậy là ông chủ trương tuyên chiến với kẻ thù.

Tác giả và Ông già bá đỏ (ảnh chụp tháng 4/2003).

Theo tài liệu Anh hùng LLVTND do Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng biên soạn, từ năm 1955 đến ngày miền Nam giải phóng, Ông già bá đỏ làm nhiệm vụ giao liên xã. Trong điều kiện địch ra sức đánh phá, càn quét, bình định khốc liệt nhưng Ông già bá đỏ vẫn kiên cường bám đất, nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, ở đâu, lúc nào có điều kiện là ông tích cực đánh địch.

Ngày 30/12/1973, Ông già bá đỏ dùng mìn định hướng phục ở kênh Rau Dừa. Sau đó, ông bình tĩnh chờ 2 xuồng máy của địch vào đúng tầm, cho nổ mìn, nhiều tên địch bị tiêu diệt.

Suốt quá trình cầm súng chiến đấu, Ông già bá đỏ đã tham gia đánh 30 trận, diệt 30 tên, trong đó có một trung úy ngụy.

Để hoàn thành nhiệm vụ giao liên, đưa đón cán bộ Cách mạng đi lại hoạt động an toàn trong điều kiện địch phong tỏa gắt gao, tuần tra canh gác chặt chẽ, bản thân Ông già bá đỏ cùng con cháu đào nhiều hầm bí mật để giấu cán bộ. Công trình được sử sách ghi nhận mãi cho đến bây giờ vẫn còn đó là tuyến kênh 1.400 mét nối từ vườn ra sát bờ kênh cho cán bộ ta di chuyển, làm chiến hào tiêu diệt địch.

Lần chúng tôi đến thăm, Ông già bá đỏ chống gậy dắt tôi ra công trình kỷ niệm này, tự hào về sáng kiến của mình. Ông nói: "Không nghĩ ra cách này, cán bộ mình dễ gì qua mắt tuần tra của tụi nó (địch). Nó đứng từ bót Rau Dừa, thả ống nhòm, hễ thấy có người khả nghi là nó kêu ngay biệt kích đến săn lùng".

Sự lợi hại của chiến hào này là khi cán bộ ta không còn sử dụng, ông biến nó thành hầm chông, mìn. 19 tên địch đã bị tiêu diệt tại đây.

Hòa bình trở lại, Ông già bá đỏ tiếp tục cuộc sống đạm bạc cùng với thửa ruộng, bờ kênh, với chuyện đồng áng như bao người nông dân khác của xứ này.

Năm 2003, một Mạnh Thường Quân ở TP HCM kết hợp cùng chính quyền địa phương xây tặng ông ngôi nhà tình nghĩa nằm bên bờ kênh Rau Dừa, cạnh ngôi nhà cũ mấy mươi năm về trước theo ý nguyện của ông. Ngôi nhà nhỏ, đơn sơ và những vật dụng cũng hết sức mộc mạc như con người ông. Một chiếc quạt con, một chiếc tủ thờ, bộ ván kê kích bằng gốc đước, một chiếc thùng đạn nhỏ đựng giấy tờ liên quan. Tôi nhìn đồng hồ điện, ông mới sử dụng 60 Kwh.

Trước hôm chúng tôi băng đồng, nhảy xuồng ghé nhà thăm, ông cùng con cháu đốn mấy cây dừa. Rồi ông cởi trần, mặc quần đùi nhảy ùm xuống kênh móc đất. Hỏi ra mới biết là do ông lo xa: "Nước chảy nó lở dữ quá. Hổng đắp mơi mốt nó thành biển luôn!".

Gần một buổi chuyện trò với chúng tôi, Ông già bá đỏ tiết lộ về một "thứ đặc biệt". Chúng tôi thật sự bất ngờ và xúc động khi được biết về một "tấm giấy thông hành" có lẽ có một không hai trên… thế giới này. Không theo luật, lệ nào cả nhưng ấy cũng là cái tình của những cán bộ đương chức tại Cà Mau đối với một Anh hùng lưng trần, chân đất đúng nghĩa như ông. Hiểu được tình cảm này, Ông già bá đỏ nâng niu, nhờ con cháu ép nhựa kỹ rồi cất trong chiếc thùng đạn bằng sắt.

Xin được trích nguyên văn nội dung "tấm giấy thông hành" của… cấp tỉnh do Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Lê Hoàng Ngon cấp cho Ông già bá đỏ đề ngày 24/7/2001: "Kính gởi chủ phương tiện vận tải hành khách đường bộ và đường thủy nội địa tỉnh Cà Mau. Ban giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau xin giới thiệu ÔNG NGUYỄN VĂN TIẾT (ÔNG GIÀ BÁ ĐỎ), 90 TUỔI, LÀ ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN, thương binh, hiện đang cư ngụ tại xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Nay vì tuổi cao sức yếu, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn và đang nằm trong diện neo đơn, từ nay trở đi, Ông già bá đỏ đi lại sinh hoạt trên các tuyến đường nội tỉnh, kính mong các chủ phương tiện cảm thông, nhiệt tình giúp đỡ ông được giảm, miễn phí đi đường khi có nhu cầu của ông. Ban giám đốc Sở GTVT Cà Mau xin ghi nhận và cảm ơn các ông (bà) là chủ các phương tiện vận tải nội tỉnh…".

Những tấm giấy thông hành đặc biệt có một không hai trên thế giới.

Tôi còn được nghe người dân Cà Mau kể thêm rằng, ban đầu, Ông già bá đỏ đi lại trong huyện, mấy ông xe Honda ôm không biết mặt ông nên tính tiền, thế là ông chạy lên huyện gặp cán bộ nào cũng thắc mắc. Vậy là Đội giao thông huyện Cái Nước viết giấy giới thiệu gởi các chủ phương tiện, kể cả cánh tài xế xe ôm trên bờ, vỏ lãi dưới sông. Từ đó, hễ thấy Ông già bá đỏ muốn đi đâu, ai cũng nhiệt tình chở… miễn phí.

Sau lần đó, ông thỉnh thoảng có chuyến lên TP Cà Mau chơi. Ra khỏi địa bàn huyện Cái Nước, nhiều chủ phương tiện chưa biết mặt ông nên lại tính tiền. Lần này, ông biết "tấm giấy thông hành" trước chỉ có giá trị trên địa bàn huyện Cái Nước nên nhờ người dẫn tới Sở GTVT, xin "nâng cấp" giấy từ "cấp huyện" lên "cấp tỉnh". Lãnh đạo Sở này và những người biết câu chuyện ai cũng không nín được cười nhưng thương Ông già bá đỏ nên nghĩ ra cách cấp cho ông một tờ thông hành đặc biệt...

Câu chuyện mộc mạc gắn liền với cái tên Ông già bá đỏ càng ngày được người dân Cà Mau và vùng lân cận biết đến. Người bịch trà, người túi bánh ngọt, người chiếc áo,… đến thăm ông chẳng cần chờ đến lễ, tết.

Từ biệt căn nhà nhỏ của Ông già bá đỏ nằm cheo leo bên bờ kênh Rau Dừa, tôi nghiệm ra một điều: Những người nông dân Việt Nam bao đời nay bám đất, bám làng sống, thấy điều trái tai gai mắt là không chịu nổi. Với giặc ngoại xâm thì họ căm thù sâu sắc. Vậy là họ theo Cách mạng, nhất tề đứng lên đánh giặc, bất chấp hy sinh tính mạng. Tiềm chất anh hùng ấy, dường như khắp làng quê Nam Bộ này ở đâu cũng gặp. Ông già bá đỏ là hiện thân của chí khí Anh hùng lưng trần, chân đất… 

Vùng quê Hưng Mỹ giờ đã đổi khác rất nhiều. Chiều tối ngày 30/3 vừa qua, ông Ngô Minh Thủ - Chủ tịch UBND xã Hưng Mỹ cho chúng tôi biết, từ năm 2005, xã được chia tách thành hai xã Hưng Mỹ và Hòa Mỹ. Nhà của Ông già bá đỏ giờ thuộc xã Hòa Mỹ. Đến nay, Ông già bá đỏ đã theo ông, theo bà tính tới 30/11/2015 này đã được 12 năm.

Những ngày tháng Tư lịch sử, nhớ đến những người lưng trần, chân đất nhưng một lòng thủy chung, sắt son theo Cách mạng và Bác Hồ, tôi có đôi dòng thay cho nén hương thắp lên mộ phần của ông…

Nhớ lần đó, tôi hỏi sao người ta gọi bác là Ông già bá đỏ? Ông cười móm mém: “Vì tui khoái cây súng bá đỏ mà cán bộ của mình cho, bắn quân cướp nước nên bà con đặt rồi thành danh!”. Sao mắt trái bác bị hư? - tôi hỏi, ông cười khà khà: “Cũng tại khói súng của cây bá đỏ!”.

Bác bắn, tiêu diệt được bao nhiêu tên địch? Ông nói không chần chừ: "Cứ thấy là lấy súng ra bắn! Đâu có đếm!”.

Quả thật ông không nhớ. Ông cũng thú thật: “Tui dốt đặc cán mai, đâu có biết chữ”.

Điều hết sức cảm động nữa là ông rất quý cái tên "Ông già bá đỏ" mà người dân vùng quê Hưng Mỹ dành cho. Một cán bộ xã Hưng Mỹ kể với tôi: "Khi được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký tuyên dương Anh hùng LLVTND vào ngày 6/11/1978, bấy giờ ông đang là du kích của xã. Nghe cán bộ nói đã có thông báo gởi về xã rồi, ông vẫn hỏi: “Nhà nước có ghi Nguyễn Văn Tiết còn gọi là Ông già bá đỏ” theo như hồi làm hồ sơ đề nghị Anh hùng không? Nghe anh em trả lời “có”, Ông già bá đỏ cười mãn nguyện!”.

Thái Bình
.
.