Central Park Five, một vụ án gây chấn động nước Mỹ
- Vụ bê bối dược phẩm chấn động nước Mỹ
- Vụ mua bán người gây chấn động nước Mỹ
- Vụ án gây chấn động nước Mỹ
Tối cùng ngày, một phụ nữ da trắng 28 tuổi tên là Trisha Meili ra ngoài chạy bộ trong công viên. Cô được phát hiện bị đánh đập, cưỡng hiếp dẫn đến hậu quả đa chấn thương và hôn mê suốt 12 ngày.
Và trong thời gian đó, 5 thanh niên (3 người gốc Phi và 1 người gốc Mỹ Latinh) ở Công viên Trung tâm bị cảnh sát bắt giữ và vụ việc đã thu hút sự chú ý của người dân thành phố New York và cả nước Mỹ. Năm thanh niên tuổi từ 14 đến 16 bỗng nhiên liên quan, bị kết tội và bỏ tù trong khi không có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh họ liên quan đến vụ Trisha Meili.
Kể từ đó, cả 5 nạn nhân được mọi người biết đến là “Central Park Five”(Năm người trong Công viên Trung tâm). Nhưng họ thật sự không bao giờ phạm tội.
Một vụ án oan gây chấn động New York và nước Mỹ
“Central Park Five” là 5 thiếu niên bao gồm: Kevin Richardson, 14 tuổi; Raymond Santana, 14 tuổi; Antron McCray, 15 tuổi; Yusef Salaam, 15 tuổi; và Korey Wise, 16 tuổi. Richardson và Santana là 2 người đầu tiên bị cảnh sát bắt giữ với lý do có hành vi đe dọa, tấn công và trấn lột người qua đường. McCray, Salaam và Wise bị bắt vào ngày hôm sau.
5 nạn nhân trong vụ án “Central Park Five”. |
Trọng tâm sớm chuyển sang cô gái chạy bộ tên là Trisha Meili, và 5 thiếu niên bị cảnh sát thẩm vấn ít nhất 7 giờ mà không có cha mẹ bảo trợ, trước khi những lời thú tội với cảnh sát được quay video làm… bằng chứng.
Trong video, tất cả đều thừa nhận đã chạm vào hoặc kiềm chế Meili trong khi một hoặc nhiều người khác tấn công cô. Vì bằng chứng ADN từ tinh dịch được tìm thấy tại hiện trường không khớp với bất kỳ ai trong số 5 thiếu niên cho nên các công tố viên chỉ dựa vào các cuộc thẩm vấn ban đầu của cảnh sát. Nhưng, sau đó cả 5 thiếu niên đã rút lại những lời khai trước đó đồng thời nhấn mạnh rằng họ đã bị cảnh sát ép buộc đưa ra những lời thú tội hoàn toàn sai sự thật.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 của tờ báo Anh The Guardian, Salaam nói: “Tôi nghe thấy họ đánh đập Korey Wise ở phòng bên cạnh. Rồi họ đến nhìn tôi và nói: “Cậu nên biết sẽ là người tiếp theo”. Nỗi sợ hãi khiến tôi cảm thấy như mình đã thực sự gây ra tội ác”. Sau 2 phiên tòa, cả 5 thiếu niên bị kết các tội bao gồm: có ý định giết người, cưỡng hiếp, tấn công và cướp. Bản án dành cho cả 5 người là từ 6 đến 13 năm tù.
Thành phố New York trong thập niên 1980 và 1990 nguy hiểm hơn nhiều so với ngày nay. Mối quan hệ chủng tộc đặc biệt căng thẳng - đặc biệt là khi dính dáng đến cảnh sát. Trong khi đó, ông Donald Trump - khi đó là một ông trùm bất động sản ở New York - dường như được thuyết phục để tin chắc là 5 thanh thiếu niên có tội. Ông Trump lúc đó đã chi 85.000 USD cho 4 quảng cáo toàn trang trên tờ New York “Daily News” có tiêu đề: “Mang lại hình phạt tử hình, mang lại cảnh sát của chúng tôi”.
Ông Trump viết: “Tôi thù ghét những kẻ giết người này và tôi sẽ luôn như vậy. Tôi không tìm cách phân tích tâm lý hay tìm hiểu họ. Tôi đang tìm cách trừng phạt họ”.
Phát biểu của ông Trump có lẽ kích thích thêm bầu không khí của tỷ lệ tội phạm cao và mối quan hệ phân biệt chủng tộc trong thành phố trong thập niên 1980.
Bình luận về 4 quảng cáo trên báo chí của ông Donald Trump, Salaam sau đó nói với tờ The Guardian: “Tất cả chúng tôi đều sợ hãi. Gia đình chúng tôi sợ hãi. Người thân của chúng tôi sợ hãi. Đối với chúng tôi, việc đi bộ lang thang ngoài phố dễ trở thành mục tiêu tấn công từ phía sau. Đây có phải là thập niên 1950 với loại công lý bệnh hoạn mà họ muốn – một ai đó từ nơi tối tăm của xã hội chắc chắn sẽ đến nhà chúng tôi, kéo chúng tôi khỏi giường và treo chúng tôi trên cây trong Công viên Trung tâm”.
Tên tội phạm thực sự
Nhưng rồi điều không thể tưởng tượng đã xảy ra: Năm 2002, kẻ giết người và kẻ hiếp dâm hàng loạt tên là Matias Reyes thú nhận chính hắn là kẻ tấn công đơn độc trong vụ án “Central Park Five” năm xưa. Matias Reyes có thể cung cấp chi tiết mà chỉ có hung thủ của tội ác mới biết, đồng thời xét nghiệm ADN cũng chứng minh hắn ta là kẻ gây ra vụ cưỡng dâm Trisha Meili.
Alexandra Templer thủ vai Trisha Meili trong bộ phim “When They See Us”. |
Matias Reyes từng bị kết án về một chuỗi các vụ cưỡng hiếp, giết người và vẫn đang ở trong tù. Một trong những tội ác mà Reyes bị kết tội là một vụ hiếp dâm khác xảy ra vào 2 ngày trước vụ Trisha Meili nhưng hắn không bao giờ là nghi phạm trong vụ án “Central Park Five”.
Reyes sau đó nói: “Tôi biết thật khó để mọi người hiểu, tại sao một người thực sự dám ra mặt để chịu trách nhiệm về một tội ác. Lúc đầu tôi rất sợ, nhưng cuối cùng tôi cảm thấy tự thú là điều đúng đắn”.
Reyes không bao giờ bị truy tố vì những tội ác mà “Five” bị buộc tội vì thời hiệu đã qua. Năm 2019, hắn ta vẫn còn ở tù với bản án chung thân mặc dù dự kiến sẽ có một phiên tòa tạm tha dự kiến vào năm 2022.
Tuy nhiên, với thông tin mới này, luật sư Robert Morgenthau đã đề nghị tất cả 5 thiếu niên bị kết án ngày xưa - hiện đã trưởng thành - được xóa bỏ mọi cáo buộc chống lại họ - có nghĩa là các bản án của họ sẽ hoàn toàn vô hiệu.
Và vì vậy, vào ngày 19-12-2002, cả 5 “nạn nhân” của hệ thống tư pháp và cảnh sát phân biệt chủng tộc của Mỹ là Antron, Kevin, Yusef, Raymond và Korey đã được minh oan và trắng án.
Sau khi được trả tự do, 5 người bị buộc tội oan đã đệ đơn kiện dân sự chống lại thành phố New York và nhận được 41 triệu USD trong thỏa thuận giải quyết bồi thường. Korey Wise nhận được số tiền bồi thường cao nhất là 12,2 triệu USD vì là người lớn tuổi nhất và vì vậy đã phải trải qua thời gian dài nhất trong tù. Còn lại 4 người khác nhận được 7,1 triệu USD cho mỗi người.
Phát biểu trong một bộ phim tài liệu năm 2012 về vụ án, Korey Wise nói: “Bạn có thể tha thứ nhưng bạn sẽ không quên. Bạn sẽ không quên những gì bạn đã mất. Không có đồng tiền nào có thể mang thời gian quay trở lại. Không có đồng tiền nào có thể trả lại cuộc sống đã bị mất hoặc quãng thời gian đã bị tước đoạt”. Kể từ khi được miễn tội và ra tù, Korey tiếp tục sống ở thành phố New York, nơi ông làm diễn giả và là người ủng hộ cải cách tư pháp hình sự.
Năm 2015, Korey đã quyên góp 190.000 USD cho Dự án Vô tội của Đại học Colorado, sau đó đổi tên thành Dự án Vô tội Korey Wise theo Luật Colorado để vinh danh ông. Yusef mới 15 tuổi khi bị buộc tội oan. Không giống như 4 người kia bị ép cung, ông chưa bao giờ thú nhận bằng văn bản hoặc băng video – nhưng ông cũng bị kết án oan sai.
Giống như Kevin, Antron và Raymond, Yusef bị kết án từ 5 đến 10 năm trong một cơ sở cải huấn thanh thiếu niên và cuối cùng đã ở tù hơn 6 năm. Hiện nay, Yusef sống ở Georgia cùng vợ và 10 đứa con. Ông là một nhà thơ, nhà diễn thuyết và là người ủng hộ cải cách tư pháp hình sự. Yusef cũng đã nhận được nhiều giải thưởng khác bao gồm Giải thưởng Thành tựu trọn đời của cựu Tổng thống Barack Obama năm 2016.
Câu chuyện “Central Park Five” được dựng thành phim
Năm 2019, cả 5 thanh thiếu niên bị kết án oan ngày xưa đã trở thành những người đàn ông mạnh mẽ ở độ tuổi 40. Hầu hết trong số họ đã rời khỏi thành phố New York và chuyển đi nơi khác sinh sống.
Từ trái qua phải: Kevin Richardson, Antron McCray, Raymond Santana, Korey Wise, and Yusef Salaam chụp chung với nữ đạo diễn Ava Duvernay (giữa) tại buổi ra mắt bộ phim “When They See Us”. |
Salaam nói: “Chúng tôi đã bị kết án vì màu da của chúng tôi. Mọi người nghĩ những điều tồi tệ nhất về chúng tôi. Đặc biệt là ông Donald Trump”.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Donald Trump được Hãng tin Mỹ CNN tra vấn về 4 thông báo quảng cáo mà ông đã cho đăng tải trên cáo báo trong năm 1989 về vụ “Central Park Five”. Ông Trump trả lời: “Họ thừa nhận có tội. Cảnh sát thực hiện cuộc điều tra ban đầu nói rằng họ có tội. Việc vụ án được giải quyết với rất nhiều bằng chứng chống lại họ là quá đáng”.
Giờ đây, câu chuyện “Central Park Five” đã được dựng thành bộ phim truyền hình Netflix gồm 4 phần tựa “When they see us” (tạm dịch: Khi họ nhìn chúng tôi). Năm 2015, Raymond Santana tìm đến nữ đạo diễn Ava Duvernay qua Twitter, hỏi liệu bà có bao giờ cân nhắc biến câu chuyện “Central Park Five” thành bộ phim hay không.
Và cuối cùng bộ phim được viết và đạo diễn bởi Ava DuVernay - người đạo diễn bộ phim “A rinkle in time” của Disney. Ava DuVerney từng thực hiện những bộ phim như “Selma kể về Martin Luther King Jr; và “Thứ 13”, một bộ phim tài liệu về hệ thống nhà tù Mỹ.
“When they see us” giới thiệu câu chuyện về “Central Park Five” cho đối tượng khán giả mới - nhưng ngay cả đối với những người lớn tuổi đã biết câu chuyện buồn ngày xưa, việc xem bộ phim là trải nghiệm hết sức khó khăn. Nạn nhân Trisha Meili hồi phục hoàn toàn một cách kỳ diệu sau những chấn thương kinh hoàng nhưng vẫn không có ký ức về vụ tấn công.
Trisha Meili viết một cuốn sách tựa “I Am the Central Park Jogger”. |
Về sau, Trisha Meili viết một cuốn sách tựa “I am the Central Park Jogger” (tạm dịch: Tôi là người chạy bộ trong Công viên Trung Tâm) phát hành năm 2003. Cuốn sách sau đó trở thành một “diễn giả có động cơ” và “người biện hộ” cho các nạn nhân của vụ án tấn công tình dục.
Ngay sau vụ tấn công ở Công viên Trung tâm, Trisha Meili đã bỏ công việc là một nhân viên ngân hàng đầu tư để làm việc với những người sống sót sau các vụ tấn công tình dục. Mãi cho đến ngày nay, trên người Trisha Meili vẫn còn một số vết sẹo từ vụ tấn công và mất khứu giác.
Bộ phim của Netflix tái hiện một thời kỳ đen tối với hàng loạt cuộc bạo động, sự thù ghét, mâu thuẫn giữa người da trắng và da đen. Vụ việc tấn công, cưỡng hiếp tại công viên năm 1989 chỉ là ngòi nổ bùng phát cuộc chiến phân biệt chủng tộc gay gắt tại nước Mỹ. Bối cảnh phim được xây dựng từ khi bắt đầu vụ án vào năm 1989 đến năm 2014 khi kết thúc ổn thỏa sự kiện tại thành phố New York.
Ngay trước khi bộ phim mới của Netflix công chiếu, tất cả 5 người mang án oan (Antron, Kevin, Yusef, Raymond và Korey) được xem đầu tiên. Nữ đạo diễn Ava DuVernay mô tả với Hãng tin Mỹ CBS News rằng đó là một trải nghiệm cảm xúc khó tả cho tất cả những người liên quan. Nữ đạo diễn phát biểu: “Tôi đã trải qua nhiều cảm xúc đáng nhớ trong cuộc đời làm nghề. Nhưng tôi có cảm xúc đặc biệt khi ngồi đằng sau 5 người đàn ông trong một phòng chiếu nhỏ, chứng kiến họ xem một câu chuyện mà chúng tôi đã mất 4 năm để thực hiện. Họ khóc, tôi khóc. Họ cổ vũ, họ nắm tay nhau”.