Hào Anh, bây giờ là tù tội

Thứ Hai, 13/07/2015, 10:55
Sáng ngày 6/7 vừa qua gần như tất cả các trang báo mạng đều đưa thông tin cậu thanh niên 19 tuổi có tên Nguyễn Hoàng Anh, ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau bị Cơ quan Công an huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng tạm giam 2 tháng đề điều tra về hành vi "Trộm cắp tài sản".

Chiều ngày 6/7, trao đổi với PV Chuyên đề ANTG - Trung tá Phan Hồng Nguyên, Phó trưởng Công an huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Nguyễn Hoàng Anh bị bắt tạm giam vào ngày 16/5/2015 (tức là cách thời điểm báo chí loan tin gần 7 tuần) về hành vi trộm cắp tài sản. Nguyễn Hoàng Anh cư trú tại địa bàn huyện Đơn Dương từ sau Tết Nguyên đán 2015 cùng một người chị họ. Chị em Hoàng Anh làm công nhân cho một xưởng nước tương đóng trên địa bàn huyện.

Ngày 16/5, chủ phòng trọ nơi Hoàng Anh đang thuê ở phát hiện Hoàng Anh mang về một cái máy tính để bàn với điệu bộ khả nghi. Thông tin này nhanh chóng được trình báo với Cơ quan Công an. Khi lực lượng Công an tiến hành xác minh, điều tra, Hoàng Anh đã khai nhận hành vi phạm tội".

Có thời gian Hào Anh làm bốc vác để mưu sinh.

1. 5 năm trước, vào tháng 6/2010, những hình ảnh về vụ bạo hành trẻ em tại trại tôm giống ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau khiến dư luận choáng váng. Nạn nhân của hành vi vô nhân tính ấy có tên là Nguyễn Hoàng Anh, hay còn gọi là Hào Anh, sinh năm 1996. Năm năm sau, Hào Anh vướng vào tù tội.

Bản lý lịch của Hào Anh, có thể tóm gọn như sau: Cha bỏ đi khi vừa mới chào đời. Mẹ có chồng khác. Năm 2008, khi mới 12 tuổi, Hào Anh đi làm mướn cho chủ trại tôm giống. Suốt hai năm liền từ năm 2008 cho đến năm 2010, bị vợ chồng chủ trại tôm hành hạ bằng cách: đánh, bẻ răng, dùng bàn ủi nóng gí vào người, ép uống nước tiểu… cùng nhiều trận đòn như đòn thù khác. Hào Anh sẽ mãi mãi ở cái chốn địa ngục trần gian ấy nếu Hào Anh không phải nhập bệnh viện huyện cấp cứu sau một vụ bạo hành, và tại bệnh viện huyện người ta đã sốc khi chứng kiến vô số những vết thương trên cơ thể của Hào Anh. Thông tin về vụ bạo hành như thời Trung cổ này nhanh chóng được báo giới loan tin.

Cơ quan Công an vào cuộc điều tra và bắt giữ vợ chồng chủ trại tôm giống, nơi thuê mướn Hào Anh. Nếu hai vợ chồng chủ trại tôm không bị bắt tạm giam, thì e rằng họ khó sống được trước cơn phẫn nộ của dư luận vào thời điểm đó. Khi mọi thứ đang đến cao trào, thì mẹ Hào Anh lặng lẽ làm đơn xin bảo lãnh cho vợ chồng chủ trại tôm. Tuy nhiên, lá đơn này đã bị từ chối vì Cơ quan Công an nhận định hành vi bạo hành này là nghiêm trọng. Hào Anh được đưa vào bệnh xá của Công an tỉnh để chăm sóc, và tiếp đến là được chuyển sang Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau. Hào Anh được cho đi học lớp 5 để bổ túc lại văn hóa.

Thế nhưng, mẹ ruột của Hào Anh đã xin cho con mình rời khỏi Trung tâm. Lúc này, Hào Anh có được hơn 800 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng, đó là số tiền mà những nhà hảo tâm đã đóng góp, giúp đỡ cho Hào Anh kèm theo quy định "Đến 18 tuổi, Hào Anh sẽ được toàn quyền sử dụng số tiền này". Hào Anh về ở với mẹ và cha dượng, các em cùng mẹ khác cha. Ban đầu, Hào Anh đi học nghề mộc.

Sau, nghỉ hẳn để đi làm bốc vác kiếm tiền đưa cho mẹ. Khi vừa qua tuổi 18 vào tháng 9/2014,  Hào Anh đã bị phạt hành chính vì hành vi ngược đãi cha mẹ khi đuổi mẹ ruột ra khỏi nhà với số tiền 200 nghìn đồng. Đây là căn nhà mà Hào Anh đã mua đất và xây cất bằng tiền của các nhà hảo tâm trước đây.

Trước khi xảy ra việc Hào Anh đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi nhà, Hào Anh vướng vào hàng loạt câu chuyện được truyền thông nêu tên khác, từ nghiện game, cho đến nghi vấn ăn trộm điện thoại, rồi tính tình thô lỗ, quấy phá, có bạn gái sớm, mua xe gắn máy đắt tiền… Đỉnh điểm là theo như lời tố cáo của chính mẹ Hào Anh vào thời điểm Hào Anh đuổi mẹ ra khỏi nhà thì: "Nó quậy dữ quá, đập phá đồ đạc và đuổi hai vợ chồng tôi ra khỏi nhà. Hiện tại thì tiền bạc trong tài khoản đã hết, không biết tới đây sẽ sống ra sao nữa".

Rồi mẹ Hào Anh còn nói nhiều về số tiền mà gia đình bạn gái Hào Anh đã mượn, nói về những lần Hào Anh vác dao dọa chém cha dượng…

Sau khi bị dư luận phản ứng rất dữ dội về hành vi mà theo đám đông là bất chấp đạo hiếu này, Hào Anh có viết thư xin lỗi. Trong thư có đoạn: "Mẹ tha lỗi cho con, con hứa sẽ không làm cho ba mẹ phải buồn, phiền lòng và khóc vì con nữa. Con xin hứa từ nay con sẽ không phụ lòng tin của mọi người dành cho con. Con sẽ trở thành một người tốt giúp ích cho xã hội cũng như các nhà hảo tâm đã giúp đỡ con. Con sẽ đi làm kiếm tiền phụ giúp ba mẹ và các em. Con sẽ không còn như một đứa trẻ hư hỏng, ăn chơi, đua đòi như trước". Hào Anh cũng nhuộm tóc đen thay cho quả đầu vàng. Hào Anh cũng tỏ ra ăn năn nhờ báo giới gửi lời xin lỗi mọi người quan tâm đến Hào Anh.

Đây là những gì mà Hào Anh đã từng trải qua.

2. Tôi không biết cảm giác của Hào Anh vào năm 12 tuổi sẽ là như thế nào khi bị vợ chồng chủ trại tôm tra tấn? Tôi cũng không biết chắc nếu mình là Hào Anh liệu mình có đủ khả năng để vượt qua được những năm tháng khủng khiếp mà Hào Anh đã từng phải chịu đựng hay không? Tôi lại càng không dám chắc hơn tư duy của tôi sẽ như thế nào nếu số phận đã thản nhiên ném tôi vào hoàn cảnh mà Hào Anh đã trải qua? Nhưng tôi tin chắc rằng, không một ai đã trải qua những năm tháng khủng khiếp của cuộc đời ấy mà lại không chịu bất cứ sự tổn thương nào về mặt tâm lý!

Hào Anh không chỉ bị bạo hành về thể xác, Hào Anh còn bị bạo hành về mặt tinh thần một cách vô cùng tàn nhẫn. Và có phải vì thế chăng mà với những di chấn để lại, quá khó để Hào Anh có thể phát triển theo một chiều hướng tích cực mà đám đông mong muốn?

Cách đây chưa đầy một năm, vào tháng 9/2014, tại căn nhà trọ thuộc khu phố Nội Hóa 2, phường Bình An, Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương xảy ra một vụ bạo hành trẻ em rất nghiêm trọng. Bé gái tên Ngân, gần 4 tuổi. Ngân bị mẹ và người tình thay phiên nhau đánh đập, cháu nhập viện trong tình trạng tím tái mặt mày, hoảng loạn. Ngay lập tức, rất nhiều người hảo tâm đã quyên góp ủng hộ tiền giúp cháu vượt qua khó khăn. Thời điểm này, trùng với thời điểm Hào Anh đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi nhà.

Trong bài viết về vụ việc này của mình tôi có nhắc đến ý: "Tôi không thiển cận đến mức đưa ra yêu cầu vô lý rằng, đám đông nên giữ chặt túi tiền của mình trước những hoàn cảnh khốn khó. Vì tiền, không phải lúc nào cũng là công cụ để giải quyết toàn bộ vấn đề. Thế nhưng, chắc chắn là nếu không có tiền, chẳng vấn đề nào có thể được giải quyết xác đáng. Tuy nhiên, cách xài tiền của cá nhân được giúp đỡ để làm sao có được một hiệu quả tích cực, một tương lai tích cực là điều mà hầu như ít người quan tâm đến!? Tôi có thể kể hàng chục câu chuyện liên quan đến những hoàn cảnh đáng thương vẫn mãi mãi được vo tròn thành hoàn cảnh đáng thương, dẫu đã được giúp đỡ rất nhiều tiền. Hãy cho cháu Ngân một tương lai từ số tiền mà cháu được các nhà hảo tâm ủng hộ, để đảm bảo rằng tiền là phương tiện để giúp cháu hòa nhập cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng một cách thuận tiện hơn. Đừng để tiền chỉ là tiền, hãy để tiền trở thành một cơ hội tốt. Muốn như vậy, ai đó trong đám đông phải nghĩ ra cơ chế giám sát tiền dành cho đối tượng được thụ hưởng. Tiền ấy, sẽ biến thành giáo dục, thành chế độ an sinh… để từ đây, thúc đẩy được một sự tích cực trong tương lai".

Có bạn đọc phản hồi với tôi rằng đó là giáo điều, vì ngoài tiền thì biết giúp cháu Ngân bằng cái gì thiết thực hơn? Cách đây vài năm, những bậc thiện nhân giúp đỡ Hào Anh cũng cùng tâm trạng này, tôi nghĩ vậy.

Đúng là trong đời sống này nếu không có tiền người ta sẽ khổ sở rất nhiều. Thậm chí, là loay hoay suốt mà không biết giải quyết hoàn cảnh của mình ra sao. Thế nhưng tôi vẫn bảo lưu quan điểm: "Tiền, không phải lúc nào cũng là công cụ để giải quyết toàn bộ vấn đề".

Nếu Hào Anh (Vẫn luôn biết với chữ nếu, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi thế giới -  N.K.L.) nhận được một sự giáo dục dựa trên nền tảng chuyên sâu về tâm lý, biết đâu Hào Anh sẽ khác? Nếu Hào Anh bị truyền thông lãng quên hoàn toàn đi sau lần nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều sự hảo tâm biết đâu Hào Anh sẽ khác? Nếu Hào Anh có một gia đình đúng nghĩa theo câu "gia đình là tế bào của xã hội" biết đâu Hào Anh sẽ khác? Tiếc rằng, Hào Anh hoàn toàn không có những chi tiết bắt đầu bằng chữ "nếu" mà tôi vừa nêu. Bởi sinh ra trên đời sự tự tu dưỡng phải luôn lấy làm trọng, mà Hào Anh thì biết tự tu dưỡng vào đâu?

Xoay quanh Hào Anh là những cá nhân luôn muốn quan sát Hào Anh sẽ sinh sống ra sao với số tiền mà Hào Anh đã được giúp đỡ sau biến cố của đời mình. Xoay quanh Hào Anh là một ma trận thông tin được các nhà báo sẵn sàng chuyển tải đến bạn đọc (Thật ra, bạn đọc đừng trách các nhà báo đã quá quan tâm đến Hào Anh, bởi chính vì Hào Anh luôn là cái tên kích thích được sự tò mò của bạn đọc. Và không nhà báo nào lại đi từ chối một đề tài mà tạo được sự hứng khởi từ bạn đọc). Hào Anh, đã không còn có thể phát triển, vui buồn sướng khổ như một cá nhân bình thường nữa. Hoàn toàn không thể là một cá nhân bình thường.

Hào Anh bị cơ quan Công an huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng bắt tạm giam 2 tháng về hành vi trộm cắp tài sản.

3. Rất khó để hy vọng Hào Anh sẽ trở thành một công dân gương mẫu với hoàn cảnh sống lẫn hoàn cảnh cá nhân như vậy. Trách Hào Anh là không nỡ, dẫu biết hành vi trộm cắp là hành vi đáng bị lên án trong xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật. Có điều, vụ việc Hào Anh cho phép các nhà quản lý thêm lần nữa nhìn lại cách thức mà họ tham gia vào quá trình giúp một cá nhân không may vướng phải một bi kịch. Những câu chuyện như thế này, hy vọng sẽ không còn bị lặp lại thêm nhiều lần nữa.

Hào Anh, 19 tuổi rồi. Hào Anh đã là một thanh niên đủ tuổi chịu trách nhiệm hành vi theo quy định của pháp luật rồi. Hào Anh không còn là cậu thiếu niên bị bạo hành như cách đây 5 năm nữa. Hào Anh lại càng không có cơ hội để nhận được sự bao dung hay thương cảm của đám đông nữa. Hào Anh tự chịu trách nhiệm cho hành vi sai trái của Hào Anh. Chỉ có điều, đừng mắng Hào Anh, dẫu sao Hào Anh cũng là một cá nhân rất đáng tội nghiệp trong cái mớ bòng bong mà Hào Anh đã mắc phải.

Hào Anh có được sống một cuộc sống bình yên không? Chắc là sẽ được với điều kiện Hào Anh trở nên vô danh. Vô danh như những cậu thanh niên miền Tây vì mưu sinh phải rời xa quê nhà, vô danh như cây lúc trời tự sinh tự diệt, vô danh như nhánh lục bình trôi dập dềnh trên sông. Còn bao giờ  Hào Anh mới có thể vô danh, tôi tuyệt đối không có câu trả lời.

Thế nhưng, tự đáy lòng mình tôi vẫn tin rằng những bậc Mạnh thường quân không vì một Hào Anh trót không có lối hành xử như họ mong muốn mà lại dửng dưng hay quy chụp với những trường hợp khó khăn khác. Chỉ mong rằng, lấy Hào Anh để có một kinh nghiệm tốt hơn trong việc hành thiện mà thôi.

Còn lòng tốt không bao giờ là thừa, lòng tốt không bao giờ bắt buộc phải kèm theo điều kiện.

Thật xót xa, Hào Anh bé bỏng ngày nào.

Ngô Kinh Luân
.
.