Hệ lụy đau lòng từ mạng xã hội: Giải pháp ngăn chặn
Mắc tâm thần vì mạng xã hội
Nguyễn Hoài A., chỉ mới sinh năm 2009, trú tại quận Long Biên, Hà Nội, là một trong những bệnh nhân mới nhất tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Thường Tín, Hà Nội. Nếu chỉ nhìn qua vẻ bề ngoài ít người nghĩ rằng cô bé này lại là một con nghiện nặng của mạng xã hội.
Với vẻ mặt ủ rũ, chị Th., mẹ của Hoài A. kể lại với chúng tôi đây đã là lần thứ 3 chị phải đưa con đến bệnh viện tâm thần để nhờ các bác sỹ cai nghiện cho cháu. Lần đầu cách đây khoảng 4 năm, khi đó cháu mới chỉ có những biểu hiện khác thường như cứ ngủ dậy việc đầu tiên của cháu là tìm điện thoại vào trang youtube để xem các clip.
Mới 5-6 tuổi mà cháu đã sử dụng smartphone sành điệu hơn cả người lớn. Cháu có thể tìm rất nhanh những clip cháu thích như các con vật, giải cứu khủng long... Khi đó ông bà cháu thậm chí còn... tự hào vì cháu dùng "siêu" hơn cả ông bà.
TS.BS Tô Thanh Phương đang nghiên cứu hồ sơ một bệnh nhân nghiện thiết bị công nghệ. |
Sau một thời gian thì cháu có những biểu hiện nghiện nặng điện thoại, đúng hơn là các nội dung trên mạng xã hội như youtube, facebook... Ngày nào mà không được dùng điện thoại là cháu bứt rứt không yên, ăn được rất ít. Mỗi khi đến giờ đi ngủ thì vật vã hàng giờ đồng hồ mới ngủ được một chút. Giấc ngủ của cháu cũng không sâu mà thi thoảng cháu lại giật mình bừng tỉnh, gào khóc...
Gia đình đã phải đưa cháu đến một bệnh viện tư để kiểm tra, và phát hiện cháu có những rối loạn sức khỏe tâm thần. Các bác sỹ đã khuyên bố mẹ cần phải cách ly triệt để cháu điện thoại và các thiết bị công nghệ cao như ti vi, máy tính...
Bẵng đi một thời gian, khi học cuối bậc tiểu học thì Hoài A. được học vi tính, gia đình phải trang bị cho cháu một chiếc máy tính ở nhà để cháu thực hành bài tập. Chỉ được một học kỳ, bố mẹ phát hiện cháu lại có những biểu hiện lạ. Lực học sa sút, người gầy mòn, đầu óc thường xuyên ngơ ngơ như trên mây gió.
Hỏi thì cháu không nói, chỉ bảo dạo này có nhiều bài tập nên cháu cảm thấy áp lực hơn, phải học nhiều hơn. Tuy nhiên, những biểu hiện ngày một trầm trọng khiến chị Th. không thể ngồi yên.
Chị bí mật lắp camera tại nhà để có thể quản lý con, và phát hiện số thời gian cháu ngồi máy tính, vào mạng xã hội là rất nhiều, chỉ trừ lúc ăn và ngủ. Các môn học hầu như cháu chỉ qua loa đại khái, rồi lại bật máy tính, lướt mạng, check notification (kiểm tra thông báo có thông tin mới)…
Chị Th. buộc phải nói với chồng ngắt mạng. Song chỉ được vài ngày yên ổn sau đó lại thấy cháu ôm smartphone cả ngày. Kiểm tra điện thoại di động, phát hiện tần suất vào trang facebook lên đến cả chục giờ/ngày.
Khi bị tịch thu điện thoại, cháu ra sức xin lỗi và hứa sẽ học tập nhiều hơn, đi ngủ đúng giờ hơn để được sử dụng điện thoại. Anh chị thấy vậy đã mừng thầm. Nhưng cuối cùng Hoài A. bị phát hiện buổi tối cứ khi cả nhà tắt điện đi ngủ cháu lại trùm chăn tiếp tục sử dụng điện thoại để vào mạng xã hội.
Đến một ngày nọ, hai vợ chồng rụng rời tay chân khi phát hiện cháu có những biểu hiện bất ổn về tâm lý. Cháu bỏ học, cả ngày chỉ ru rú ở nhà. Hỏi gì không nói, chỉ lắc đầu rồi đi lại vật vờ như một bóng ma. Chị Th. đã phải xin nghỉ việc để ở nhà quản con...
Một bệnh nhân lên cơn co giật vì nghiện facebook, mạng xã hội. |
Bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, một vài năm trở lại đây bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị tâm thần với nguyên nhân do "nghiện" game, mạng xã hội.
Theo bác sĩ, thời gian trước đây các bệnh nhân nghiện mạng xã hội thường tìm đến các quán net nhưng gần đây, Internet ngày càng phổ biến, nhà nào có điều kiện là có thể lắp mạng nên các bạn trẻ thậm chí còn nghiện ngay cả ở nhà. Các bệnh nhân đến viện thường rơi vào các trạng thái đã mắc trầm cảm với các biểu hiện như thất thần, trạng thái đờ đẫn, không tập trung, cơ thể suy nhược, có bệnh nhân bị sút cân nghiêm trọng...
Còn nhớ đầu năm 2018, chúng tôi có mặt tại phòng khám lâm sàng Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 và gặp một bệnh nhân 13 tuổi nghiện điện thoại nặng mới nhập viện khám và điều trị. Đó là một cậu bé có dáng người khá cao to nhưng khuôn mặt thì lại rất ù lỳ, thiếu sinh khí. Cậu được ông nội dẫn vào, chẳng thèm chào hỏi ai, lơ đãng nhìn khắp nơi. Vẻ lờ đờ của cậu chỉ biến mất khi thấy một người chúng tôi sử dụng smartphone để nhắn tin.
Trong khi các bác sĩ làm những xét nghiệm với cậu bé, chúng tôi được nghe tâm sự của ông nội cháu tên Trần Văn Đ., trú tại Phú Xuyên, Hà Nội. Mấy tuần nay cháu nội của ông là Trần Anh T., sinh năm 2005, hiện đang sống cùng bố mẹ tại Hà Đông có những biểu hiện rất đáng lo ngại.
Đó là việc học của cháu ngày càng sút kém. Cháu không thể có được sự tập trung để làm bất cứ một việc gì. Đồng thời, cháu bộc lộ sự ham mê các thiết bị công nghệ như điện thoại di động, máy tính bảng… một cách điên cuồng. Ở nhà hở ra một phút là cháu lấy điện thoại di động hay máy tính bảng ra và "vuốt, vuốt". Khi bị người lớn thu lại thì cháu phản ứng rất dữ dội. Thậm chí còn… văng tục luôn cả với bố mẹ.
Rồi khi được gửi về nhà ông bà nội thì cháu cũng chỉ rình rình mượn điện thoại để vào mạng, chơi game.
"Nó có thể chơi giờ này sang giờ khác, từ sáng đến tối, quên ăn quên ngủ. Khi ông bà đòi lại điện thoại thì nó nổi giận, đập phá đồ đạc. Tôi còn tìm thấy trong cặp cháu hàng chục thẻ game các loại. Có đêm nó lừa lúc ông bà đang ngủ mò dậy lấy trộm điện thoại để chơi. Khi bị phát hiện, nó còn dọa… nhảy xuống ao tự vẫn nếu không được chơi điện thoại!" - ông Đ. buồn rầu kể.
Kiểm soát sớm để ngăn chặn hậu quả
Theo một khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có đến hơn 97% trong số 424 học sinh trong độ tuổi 15-18 có sử dụng mạng xã hội Facebook. Liên tiếp xuất hiện nhiều vụ học sinh nghiện Facebook quá nặng phải cưỡng chế nhập viện, thậm chí có trường hợp phát điên vì bị cấm dùng Facebook.
Để tránh việc bị nghiện mạng xã hội, cha mẹ cần quản lý thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của con. |
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nhóm bạn cùng ngồi chung bàn uống cà phê, nhưng mỗi người lại chăm chú vào chiếc điện thoại thông minh trên tay để "check in", lướt "phây", up ảnh…
Mọi người đều chú tâm vào thế giới ảo thay vì giao tiếp, trò chuyện với nhau. Sự lệ thuộc quá nhiều vào Facebook, Youtube, Instagram hay Twitter đã khiến không ít cư dân mạng, trong đó phần lớn là những người trẻ quay cuồng trong "thế giới ảo" mà quên rằng, cuộc sống thực tại mới chính là cuộc sống đúng nghĩa của mình.
Với nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn học sinh, sinh viên, việc lên Facebook đã trở thành một hoạt động mang tính phản xạ, bản năng. Cứ rảnh lúc nào là các bạn lại lôi điện thoại ra lướt "phây", tỏ ra vui vẻ, háo hức khi đọc các bình luận khen ngợi những dòng trạng thái mà họ đã viết hay những bức ảnh mà họ đã up trên "phây".
Rồi họ cũng tỏ ra bực tức, cáu bẳn khi nhận những lời bình luận khiếm nhã hay thiếu thiện chí. Cứ như vậy, trạng thái vui - buồn, tích cực - tiêu cực luôn đan xen nhau. Tình trạng này kéo dài sẽ làm cho tinh thần của người sử dụng dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, stress. Cuộc sống của nhiều người đã bị thế giới ảo chi phối lúc nào không hay.
Theo một chuyên gia tâm lý, có rất nhiều nguy cơ khi để trẻ em, lứa tuổi vị thành niên sử dụng thiết bị công nghệ để chơi game hay vào mạng xã hội với thời lượng dài. Đối với nữ sinh khi tham gia mạng xã hội chính là việc được công khai hình ảnh cũng như cảm xúc của bản thân với một cộng đồng bạn bè, trường lớp hay trong một nhóm cùng sở thích mà các em tham gia. Tuổi mới lớn khiến các em khao khát được khẳng định cái tôi cá nhân.
Rồi những xu hướng thời trang tuổi teen, cảm xúc tuổi teen, tò mò giới tính tuổi teen… mà người lớn thường lờ đi hoặc áp đặt thì chính mạng xã hội sẽ là nơi thôi thúc các em được bày tỏ, thắc mắc và sẽ nhận được vô vàn câu trả lời, hướng dẫn. Chỉ cần mở điện thoại và "vuốt" là các em có thể tìm hiểu được vấn đề mà không phải nghe lời cáu kỉnh, mắng mỏ từ bố mẹ, ông bà.
Chính vì thế mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung rất dễ gây "nghiện". Còn nam sinh thường bị lôi cuốn bởi những trò game trên điện thoại. Các em luôn khao khát chinh phục những thử thách mới, nên càng ngày lại càng phải dành nhiều thời gian, công sức hơn, và rồi bị nghiện lúc nào không hay.
Theo các bác sỹ thuộc Bệnh viện tâm thần Trung ương 1, để có thể phát hiện kịp thời con em nghiện thiết bị, các bậc phụ huynh cần phải luôn luôn theo sát những biểu hiện của con cháu. Nếu thấy các cháu sử dụng quá nhiều (dù chưa có dấu hiệu mất tập trung hay mệt mỏi) cũng phải tìm cách hạn chế bớt thời lượng sử dụng.
Nếu cháu đã nghiện rồi thì cần đưa đến các trung tâm để điều trị sức khỏe tâm thần. Cũng không nên cho cháu sử dụng lại smartphone, thậm chí điện thoại "cục gạch" cũng không bởi rất dễ bị tái nghiện.
Cần tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, thể chất ngoài trời. Đặc biệt, không nên cho trẻ "có riêng" một thiết bị công nghệ cá nhân như smartphone, máy tính bảng… Dưới 18 tuổi thì có thể cho các cháu tiếp xúc, nhưng với thời lượng càng ít càng tốt.
Những điều nhắc nhớ khi tham gia mạng xã hội
Tháng 6-2015, nữ sinh N.T.A.T. ở Cẩm Mỹ, Đồng Tháp đã uống thuốc sâu trước sức ép của mạng xã hội sau khi bị bạn trai có tên Phạm Đình Lộc tung "clip nóng" lên mạng.
Sự việc bắt đầu khi Đình Lộc tung clip ghi lại cảnh quan hệ giữa đối tượng này và nạn nhân lên mạng xã hội. Rất nhanh sau đó, nhiều cư dân mạng đã tải lên các diễn đàn hoặc trang mạng cá nhân của mình rồi đồng loạt xỉ vả nạn nhân.
Họ chê trách, lên án, bình phẩm cô gái trẻ này bằng những lời lẽ cay nghiệt, tàn độc, mà không xem xét đến khía cạnh A.T. chỉ là nạn nhân. Những hành động đó đã làm cho nạn nhân rơi vào trạng thái bế tắc, không lối thoát và sinh ra suy nghĩ tiêu cực.
Trước khi tìm đến cái chết, A.T. đã đăng những dòng trạng thái lên trang Facebook của mình: "Mọi người có thôi ngay không, em sai em nhận hết. Đừng bàn tán nữa, im cả đi. Mấy người không biết nghĩ à, mấy người ép người khác vào đường cùng đúng không? Tôi van lạy mấy người hãy tha cho tôi!".
Những điều nhắc nhớ khi tham gia mạng xã hội Tháng 6-2015, nữ sinh N.T.A.T. ở Cẩm Mỹ, Đồng Tháp đã uống thuốc sâu trước sức ép của mạng xã hội sau khi bị bạn trai có tên Phạm Đình Lộc tung "clip nóng" lên mạng. Sự việc bắt đầu khi Đình Lộc tung clip ghi lại cảnh quan hệ giữa đối tượng này và nạn nhân lên mạng xã hội. Rất nhanh sau đó, nhiều cư dân mạng đã tải lên các diễn đàn hoặc trang mạng cá nhân của mình rồi đồng loạt xỉ vả nạn nhân. Họ chê trách, lên án, bình phẩm cô gái trẻ này bằng những lời lẽ cay nghiệt, tàn độc, mà không xem xét đến khía cạnh A.T. chỉ là nạn nhân. Những hành động đó đã làm cho nạn nhân rơi vào trạng thái bế tắc, không lối thoát và sinh ra suy nghĩ tiêu cực. Trước khi tìm đến cái chết, A.T. đã đăng những dòng trạng thái lên trang Facebook của mình: "Mọi người có thôi ngay không, em sai em nhận hết. Đừng bàn tán nữa, im cả đi. Mấy người không biết nghĩ à, mấy người ép người khác vào đường cùng đúng không? Tôi van lạy mấy người hãy tha cho tôi!". |