Phúc thẩm vụ "thảm sát ở Bình Phước": Tội ác không thể dung thứ

Thứ Tư, 20/07/2016, 15:20
Ngày 18-7-2016, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ thảm sát 6 người ở Bình Dương, tuyên y án tử hình đối với Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến. Trần Đình Thoại nhận mức án 16 năm tù.

Theo nội dung vụ án, sáng 5-7-2015, Dương cùng Trần Đình Thoại đến nhà ông Lê Văn Mỹ (Chơn Thành, Bình Phước) với mục đích giết người cướp tài sản nhưng âm mưu bất thành. Sau đó,  Thoại không đi nữa nhưng vẫn mua dao giúp Dương gây án. Đến rạng sáng 7-7-2015, Dương rủ Tiến cùng đi. Từ Hóc Môn, cả hai chạy xe máy xuống Bình Phước, sau đó đột nhập vào căn biệt thự của ông Mỹ.

Tại đây, theo "chỉ đạo" của Dương, Tiến  đã dùng dây siết cổ, khống chế 6 nạn nhân để Dương ra tay sát hại. Sau khi gây án chúng cướp tiền và một số tài sản của nạn nhân trị giá gần 50 triệu đồng.

Ngày 17-12-2015, TAND tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, lưu động và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến án tử hình, Trần Đình Thoại 16 năm tù về 2 tội danh Giết người và Cướp tài sản. Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại đã làm đơn kháng cáo.

Hành vi không thể dung thứ

Đại diện gia đình các bị hại có yêu cầu tòa xem xét dấu hiệu "không tố giác tội phạm" của bà Trần Thị Trinh, dì ruột Nguyễn Hải Dương, vì cho rằng bà này biết Dương thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó gia đình bị hại cũng yêu cầu Hội đồng xét xử (HĐXX) phải tăng hình phạt đối với Trần ĐìnhThoại vì "không tố cáo hành vi của Dương khi biết âm mưu" mà còn mua dao cho Dương thực hiện tội ác.

Các bị cáo nghe Viện Kiểm sát luận tội.

Đầu phiên xử, tòa thông báo bà Trần Thị Trinh xin vắng mặt do mới sinh con, không đủ sức khỏe tham dự. Trong khi đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị tiếp tục phiên xử vì hồ sơ vụ án đã thể hiện rất rõ vai trò của bà Trinh thì Luật sư Lê Văn Nam (bảo vệ bị cáo Tiến) yêu cầu tòa hoãn xử, phải triệu tập bà này do có nhiều tình tiết cần hỏi liên quan đến mối quan hệ giữa Dương và Tiến trong cuộc sống hàng ngày. Sau ít phút hội ý, HĐXX đồng quan điểm với VKS.

Là người đầu tiên được tòa hỏi, Tiến cho biết chấp nhận tội cướp tài sản, xin giảm án tử hình về tội giết người. "Bị cáo hoàn toàn không có ác tính, không cố ý hành động, đi chung với Dương vì tưởng mục đích đòi nợ. Dương chỉ nói lên nhà ông Mỹ có hai cha con, khống chế thằng nhỏ tao vào nhà rồi đi ra", Tiến nói. Thoại cũng xin giảm án vì "bị cáo chỉ giúp sức cho Dương mua con dao và cho mượn balô".

Trả lời thẩm vấn của HĐXX về việc từng chở Trinh đến nhà ông Mỹ vào đêm trước khi vụ án xảy ra, Dương cho biết vì trời tối nên chở dì đi cùng, sau đó để bà Trinh đứng ở ngoài đường, cách nhà bị hại khoảng 500m nên bà này không hay biết kế hoạch trả thù của mình.

Trả lời Luật sư Lê Văn Nam, Dương cho biết Tiến là người hiền lành ít nói và hay đi chơi chung với mình. "Tiến thường nghe lời bị cáo. Tiến không phải người ăn chơi lêu lổng, bị cáo chỉ nói giúp đi lấy lại tiền. Trước khi gây án, bị cáo rủ Tiến đi uống bia để lấy can đảm", Dương thừa nhận đã "cầm dao, trợn mắt bắt Tiến làm theo ý mình". Về việc này, Tiến khai: "Tinh thần bị cáo không được ổn định. Bị cáo đòi về nhưng Dương không cho về". Trước đó, khi được Dương rủ "đi lấy lại tiền đã góp vốn với ông Mỹ", Tiến đã từng từ chối: "Mày muốn lấy tiền nợ thì nhờ công an chứ tao không giúp"…

Đại diện VKSND cho rằng, lời khai của các bị cáo phù hợp với kết quả điều tra, thực nghiệm hiện trường... Việc áp dụng các quy định pháp luật xét xử các bị cáo là phù hợp. Với Tiến, ngay sau khi được Dương rủ đi cướp tài sản, anh ta đã đồng ý ngay. Sau đó giúp sức tích cực cho Dương gây án. Tiến ăn năn hối hận, thành khẩn khai báo, gia đình có công... Tuy nhiên, do tính chất vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo phạm tội vào nhiều tình tiết tăng nặng nên cần phải áp dụng mức án cao nhất.

Còn Thoại đã mua dao cho Dương và bỏ mặc hậu quả xảy ra. Hành vi của Thoại là đồng phạm tội giết người, cướp tài sản. Cấp sơ thẩm xét xử hai tội danh này là có căn cứ, mức án 16 năm tù là thỏa đáng, không có cơ sở tăng nặng hay giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo.

Với bà Trinh, người có nghĩa vụ liên quan, qua xác minh, đại diện VKS nhận định: "Trinh không biết những lần Dương mượn xe đi đâu làm gì, cũng không biết bên trong balô đựng gì. Lời khai của Dương và Trinh là phù hợp, không có chứng cứ nào cho thấy bà Trinh biết hành vi của Dương cũng như giúp sức cho Dương... nên không có dấu hiệu về tội không tố giác tội phạm". Sau khi vụ án xảy ra, bà Trinh còn hỏi Dương có liên quan hay không, Dương còn mắng dì: "Bà điên à?".

Bị cáo Vũ Văn Tiến (bên trái) và bị cáo Trần Đình Thoại.

VKS đề nghị tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác toàn bộ kháng cáo của Tiến, Thoại và gia đình các nạn nhân.

Khi tranh luận với VKS, Luật sư Lê Văn Nam đã nêu ra 5 vấn đề mấu chốt tòa chưa xem xét. Thứ nhất tòa sơ thẩm không quan tâm xem xét yếu tố Tiến phạm tội vì bị đe dọa cưỡng bức tinh thần. Thứ hai chưa xem xét mức độ tính chất giữa người chủ mưu cầm đầu với người buộc phải thực hiện. Thứ ba là tòa áp dụng hình phạt định khung tăng nặng không phù hợp. Tiếp theo là tòa chưa thật sự lưu tâm cân nhắc khi lượng hình, áp dụng hình phạt cao nhất là chưa phù hợp.

Cuối cùng là tòa chưa xem xét tính nhân văn khoan hồng của pháp luật. Bản án tử hình là chưa phù hợp, chỉ nên áp dụng tù chung thân đã đủ sức răn đe, nhằm thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Đại diện VKSND cấp cao cho rằng bị cáo Tiến siết cổ để Dương đâm nhiều nhát vào 6 nạn nhân gia đình ông Mỹ. Trong đó, cháu Vỹ, Tố Như không có tiền nhưng hung thủ vẫn cố giết. Như vậy, bị cáo quá coi thường, man rợ, giết người vô cớ và đây là tình tiết phạm tội mang tính chất côn đồ.

"Tiến phạm tội do bị Dương lừa gạt, đe dọa, cùng với nhận thức pháp luật kém, thiếu bản lĩnh nên bị Dương điều khiển. Tiến có ít nhất 5 lần tỏ thái độ không đồng tình, đòi bỏ về. Tiến khác Dương, bị cáo còn tính người, Tiến chỉ là công cụ của Dương nhằm thực hiện hành vi phạm tội", luật sư đề nghị HĐXX không đánh đồng với hành vi phạm tội của Tiến với Dương, giảm án tử hình cho Tiến.

Hai luật sư bào chữa cho Thoại cũng không đồng ý quan điểm cấp sơ thẩm xử bị cáo tội giết người. Thoại không giúp sức, bàn bạc gì với Dương. Việc anh ta mua dao không phải đồng ý với việc Dương đi giết người mà chỉ giúp sức cướp. "Việc giúp sức này cũng không đáng kể, bởi nếu không có dao của Thoại thì Dương cũng có dao khác", luật sư nói. Các luật sư cũng nêu quan điểm không đồng ý với tòa sơ thẩm khi áp dụng các tình tiết tăng nặng như giết nhiều người... đối với Thoại.

Em gái của nạn nhân bà Ánh Nga cho rằng, các bị cáo đều có ý đồ, động cơ khi gây án: "Dương vì không được vào gia đình tôi nên đã ra tay tàn bạo. Còn Tiến nếu là người tốt thì lúc Dương lên lầu có thể bàn với anh rể tôi cách giải thoát cho họ, đằng này anh ta vẫn giúp sức cho Dương. Thoại tuy không trực tiếp tham gia nhưng đã mua dao cho Dương. Hành vi của các bị cáo đã quá rõ ràng".

Nỗi đau đọng lại

Có mặt tại tòa từ rất sớm, bà Thi, mẹ của bị cáo Vũ Văn Tiến lọt thỏm giữa khoảng sân rộng lớn của tòa, đôi mắt bà đỏ hoe luôn hướng về phía cổng. Thấy nhóm người nhà ông Mỹ ôm di ảnh 6 nạn nhân bước vào, từ đằng xa bà Thi chắp tay trước ngực, liên tục vái lạy xin họ tha thứ cho con trai mình. Trong suốt thời gian phiên xét xử phúc thẩm, bà Thi không ngừng khóc, không dám ngước lên nhìn đứa con đang đứng trước vành móng ngựa.

Người thân ôm di ảnh nạn nhân tại phiên tòa phúc thẩm.

Tập hợp được gần 10.000 chữ ký của người dân có ghi rõ họ tên, số điện thoại hoặc địa chỉ nhà rõ ràng, đóng thành 3 cuốn tập dày, cha mẹ bị cáo Tiến đã giao cho Luật sư Lê Văn Nam (người bào chữa cho Vũ Văn Tiến trong phiên sơ thẩm tại Bình Phước). Kết thúc phiên tòa, Tòa y án tử hình đối với Vũ Văn Tiến, bà Thi nói: "Nếu lấy mạng tôi ra mà thay thế cho mạng của con được, tôi cũng đồng ý". Bà vẫn còn một tia hy vọng đó là làm đơn xin Chủ tịch nước ân xá.

Người cha già mái tóc bạc trắng của bà Nguyễn Thị Ánh Nga lặng im trong suốt phiên phúc thẩm. Để quên đi những đau thương mất mát, gia đình, người thân của những người xấu số đã có ý định phá bỏ ngôi biệt thự, nơi xảy ra vụ thảm sát, để họ không còn phải nhớ lại những cảnh đau thương. Nhưng cuối cùng họ vẫn giữ lại ngôi nhà, chỉ thay đổi một vài kết cấu để có nơi đặt bàn thờ các nạn nhân.

Chỉ vào những di ảnh, người nhà ông Mỹ cho biết, sau vụ án gia đình cố gắng dần vượt qua nỗi đau. Bé Na (con gái út của ông Mỹ và bà Ánh Nga) được dì đưa lên TP HCM học với mong muốn bé không bị ảnh hưởng từ thảm họa của gia đình.

"Cháu còn quá nhỏ để hiểu mọi chuyện nhưng thỉnh thoảng vẫn hỏi cha mẹ, thường ôm di ảnh cha mẹ mỗi khi nhớ. Đành rằng người chết không thể sống lại được, nhưng cứ nghĩ đến người thân, đến những mất mát gia đình chúng tôi phải gánh chịu suốt một năm qua, làm sao gia đình có thể tha thứ cho những kẻ thủ ác".

Đức Hà
.
.