Xét xử sai phạm tại NH Đại Tín: Đối tác bất nhất, tố cáo lẫn nhau

Thứ Tư, 16/05/2018, 15:13
Từ nội dung tố cáo của Công ty Phương Trang, Cơ quan điều tra đã xác định bà Hứa Thị Phấn có hành vi lập chứng từ khống nhằm rút tiền từ Ngân hàng Đại Tín rồi đẩy dư nợ sang Phương Trang hàng ngàn tỷ đồng.

Khi Tòa chuyển sang xét hỏi hành vi "cố ý làm trái...", gây thiệt hại 5.256 tỷ đồng cho Ngân hàng Đại Tín, bà Hứa Thị Phấn đã có hàng loạt đơn "tố" ngược lại lãnh đạo của Công ty Phương Trang...

Rút ruột - đẩy nợ

Theo cáo trạng, bà Phấn đã chỉ đạo lãnh đạo và các cán bộ, nhân viên Đại Tín thực hiện các hành vi lập và hạch toán chứng từ thu, chi khống không sử dụng tiền mặt, thực hiện giao dịch, hạch toán khống trên hệ thống smartbank, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục... để bà Phấn lấy được tiền và sử dụng bất hợp pháp số tiền 5.256 tỷ đồng. Sau đó, lợi dụng việc công ty Phương Trang dùng tài sản đảm bảo, muốn vay tiền mở rộng kinh doanh, bà Phấn đã chỉ đạo buộc công ty Phương Trang ký trước hồ sơ vay và giải ngân không thông báo cho Phương Trang.

Các bị cáo tại phiên toà.

Tiếp đó bà Phấn đã không giải ngân hoặc giải ngân không đủ tiền vay cho công ty Phương Trang, lấy tiền sử dụng, sau đó lập các chứng từ chi khống để cấn trừ với các chứng từ thu khống để không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với sổ sách, che giấu hành vi phạm tội, đẩy dư nợ khống cho công ty Phương Trang.  Kết quả điều tra xác định, công ty Phương Trang chỉ thực nhận hơn 3.936 tỷ đồng. Số tiền gốc còn lại là 5.465 tỷ đồng, ngân hàng hạch toán là khoản dư nợ vay của công ty Phương Trang đến nay không thu hồi được.

Tại toà, nhóm bị cáo liên quan đều khai làm theo chỉ đạo của bà Phấn thông qua Bùi Thị Kim Loan (thư ký riêng và là kế toán công ty Phú Mỹ) và các lãnh đạo trực tiếp. Thông thường vào thời gian đầu mỗi ngày, Vũ Thị Như Thảo (Phó giám đốc phụ trách kế toán - nguồn vốn) thông báo cho phòng kế toán hôm nay có khoản giải ngân của công ty Phương Trang và chỉ đạo cho Lâm Kim Thu, Huỳnh Thị Băng Tâm phân công kế toán giao dịch Văn Thị Hồng Thi, Lê Thị Tuyết Oanh... tính và liệt kê các khoản gốc và lãi các khoản vay của công ty Phương Trang và nhóm Phú Mỹ đến hạn.

Sau đó, theo chỉ đạo của bà Phấn, Loan trực tiếp gọi điện hoặc làm việc trực tiếp với kế toán giao dịch yêu cầu lập các chứng từ khống, nộp khống tiền để tất toán gốc và lãi các khoản vay đến hạn của các cá nhân và công ty thuộc nhóm Phú Mỹ, nộp khống tiền vào các tài khoản thanh toán hoặc tài khoản tiết kiệm của các cá nhân thuộc nhóm Phú Mỹ và nhóm Phương Trang.

Sau đó kế toán giao dịch chủ động hạch toán trên hệ thống smartbank, in chứng từ thu và ký với vai trò giao dịch viên lập phiếu, chuyển cho kiểm soát kế toán kiểm tra và ký kiểm soát trên chứng từ.

Kiểm soát kế toán sẽ chuyển chứng từ sang bộ phận ngân quỹ để bộ phận này lập bảng kê thu khống tiền mặt vào quỹ và hạch toán khống việc thu tiền mặt trên hệ thống smartbank để tạo nguồn. Đến cuối ngày, bộ phận kế toán và bộ phận ngân quỹ của chi nhánh lập chứng từ khống chi giải ngân các khoản vay của công ty Phương Trang và hạch toán chi khống trên hệ thống để cấn trừ với các chứng từ thu khống trên, đảm bảo số liệu trên sổ sách và tồn quỹ không bị chênh lệch.

Bị cáo Vũ Thị Như Thảo khai: tất cả việc thu chi khống là bị cáo Loan gọi điện qua và bảo làm. Vì Loan là thư ký của bà Phấn nên khi Loan chỉ đạo thì các nhân viên trong ngân hàng đều thực hiện, không riêng gì bị cáo. Quyền lực của bà Phấn là tuyệt đối và bao trùm nên bảo làm gì thì cấp dưới phải nhắm mắt làm theo. Thảo trình bày: "Mới vào làm, không biết bà Phấn là ai, bà Phấn qua, bị cáo không biết nên không chào. Ngay sau đó bị cáo đã bị ban điều hành nhắc nhở. Có lần vì trời mưa, bị cáo đi làm trễ giờ nên bị bà Phấn gọi vào để phê bình. Mọi người đều nói bà Phấn là chủ ngân hàng này".

Đại diện ủy quyền cho công ty cổ phần đầu tư Phương Trang tại tòa khẳng định: trong tổng số 16.486 tỷ đồng ngân hàng Đại Tín đã giải ngân trên sổ sách của 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc 35 tỷ đồng và 1 khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp, từ trước đến nay công ty Phương Trang chỉ thực nhận 3.936 tỷ đồng trong tổng số 9.436 tỷ đồng dư nợ gốc tại ngân hàng Đại Tín.

Từ năm 2012 đến nay công ty Phương Trang đã tố cáo bà Phấn và ngân hàng Đại Tín lợi dụng việc công ty có nhiều bất động sản, có nhu cầu vay tiền để đầu tư kinh doanh nên đã bị buộc ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt, lợi dụng các hồ sơ vay đã ký trước chưa giải ngân hoặc mới giải ngân một phần đã rút tiền của ngân hàng ra sử dụng, đẩy nợ cho công ty Phương Trang.

Trả lời câu hỏi của toà về cách thức nhận tiền giải ngân, đại diện công ty Phương Trang xác nhận là nhận tiền tại phòng làm việc của bà Hứa Thị Phấn tại lầu 6 chi nhánh Lam Giang - ngân hàng Đại Tín. Chủ tọa hỏi: "Vì sao tiền vay ngân hàng nhưng lại nhận tiền tại phòng làm việc của bà Phấn?". Đại diện công ty Phương Trang cho rằng "công ty nhận thức rất rõ là vay tiền ngân hàng và rất tin tưởng ngân hàng. Công ty nhận tiền đúng nơi ngân hàng chỉ định".

Tố ngược lãnh đạo Phương Trang

Từ năm 2013 đến nay, bà Phấn cũng có rất nhiều đơn tố cáo ông Nguyễn Hữu Luận (chủ tịch), Phạm Đăng Quan (Tổng giám đốc công ty Phương Trang) và nhóm Phương Trang với nội dung: vào năm 2009, qua giới thiệu của ông Trịnh Thanh Cao, bà Phấn quen biết với ông Luận, ông Quan.

Hai bị cáo Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam.

Bà rất tin tưởng vào quy mô, tầm cỡ hoạt động lớn của công ty Phương Trang. Đặc biệt khi bà phải đi lại bằng xe lăn, ông Luận có đưa chiếc xe ô tô Maybach cho bà sử dụng để đi lại cho thuận tiện. Đáp lại, bà Phấn đã giao căn hộ Penthouse tại khu Sài Gòn Pearl trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, có giá trị cao hơn chiếc xe và làm thủ tục sang tên cho ông Luận. Tuy nhiên đến nay ông Luận vẫn không sang tên chiếc ô tô trên cho bà Phấn.

Bà Phấn còn tố cáo ông Luận, ông Quan và công ty Phương Trang thường xuyên đến trao đổi và mượn bà Phấn rất nhiều khoản tiền từ vài tỷ đến vài trăm tỷ, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Việc vay mượn được thực hiện theo hình thức vay - trả - xóa nợ trong một thời gian dài. Giấy mượn nợ được hủy ngay sau khi thanh toán đầy đủ.

Mục đích vay là để giải chấp tài sản tại ngân hàng TMCP Sài Gòn và các ngân hàng khác đem thế chấp vay tiền tại ngân hàng Đại Tín, tiền vay được tại ngân hàng Đại Tín một phần trả nợ cho nhóm Phú Mỹ (chính là số tiền 4.944 tỷ đồng bà Phấn bị khởi tố) và phần còn lại công ty Phương Trang sử dụng. Đến nay, ông Luận, ông Quan vẫn còn chiếm đoạt của bà Phấn tổng số tiền 1.062 tỷ đồng và 400.000 USD.

Tuy tố cáo như vậy, nhưng ngoài bản photo 6 giấy nhận tiền 748 tỷ đồng từ Bùi Kim Loan và 2 giấy nhận 400.000 USD từ bà Phấn, bà Phấn không cung cấp được gì thêm chứng minh ông Luận, ông Quan và công ty Phương Trang vay tiền của bà Phấn. Mặt khác, liên quan đến khoản tiền 1.669 tỷ đồng, bà Phấn thừa nhận sử dụng rồi cấn trừ thông qua khoản giải ngân 2.000 tỷ đồng trái phiếu của công ty Trường Vĩ (thuộc công ty Phương Trang).

Trong đó, bà Phấn sử dụng 1.240 tỷ đồng là tiền công ty Phương Trang trả cho bà Phấn khi nhận chuyển nhượng dự án Bình Điền, thông qua hợp đồng chuyển nhượng 100% vốn góp của công ty TNHH MTV TM - DV Bất động sản Phú Mỹ từ bị cáo Ngô Kim Huệ. 

Thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng dự án trên, dự án Bình Điền đang được thế chấp bảo lãnh cho công ty Trường Vĩ phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu tại ngân hàng Đại Tín - chi nhánh Sài Gòn theo hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba ký giữa ngân hàng Đại Tín - chi nhánh Sài Gòn với công ty Phú Mỹ và công ty Trường Vĩ.

Ngô Kim Huệ (cháu bà Phấn) và Lâm Kim Dũng (cháu rể bà Phấn).

Tại toà, đại diện công ty đầu tư Phương Trang và hai ông Nguyễn Hữu Luận, Phạm Đăng Quan khẳng định: chiếc xe Maybach là của công ty Thiên Tân (một trong 18 công ty của Phương Trang) và có cho bà Phấn mượn cho tiện việc di chuyển. Về căn hộ Penthouse tại khu Sài Gòn Pearl trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, từ trước đến nay bà Phấn không chứng minh được đây là tài sản của mình và cho ông Luận căn nhà này.

Thực tế, căn hộ trên ông Luận là chủ sở hữu từ trước đến nay. Về khoản 2.000 tỷ đồng trái phiếu của công ty Trường Vĩ, đại diện Phương Trang cho biết từ trước đến nay chưa nhận được đồng nào từ khoản giải ngân này nên đề nghị HĐXX giải toả kê biên số tài sản trên. Liên quan các tài sản đang bị kê biên khác, đại diện công ty Phương Trang cho biết sẽ trình bày cụ thể trong ngày xét xử kế tiếp.

Để có căn cứ giải quyết vụ án, quá trình điều tra CQĐT đã trưng cầu cơ quan chuyên môn tiến hành giám định chữ ký và chữ viết tên. Kết luận giám định số 4358 ngày 4-10-2017 Viện Khoa học hình sự Bộ Công an xác định, 9 cá nhân ký và viết tên trên các phiếu thu và giấy nộp tiền khống được gửi đi giám định không phải do họ viết và ký tên.

Chữ viết tên tại mục khách hàng của Hà Quốc Cường và Khổng Đức Tường là do Bùi Thị Kim Loan viết. Số còn lại không đủ cơ sở để kết luận chữ ký và chữ viết có phải do Loan viết ra hay không. Kết luận giám định số 6402 ngày 29-12-2017 Viện Khoa học hình sự Bộ Công an xác định: Nguyễn Kim Hiếu không ký và viết tên trên các phiếu thu khống gửi giám định, chữ viết này có các đặc điểm giống chữ viết của Bùi Thị Kim Loan nhưng không đủ cơ sở để kết luận là do Loan viết ra.

Tiền rút ra được đưa về phòng làm việc của bà Phấn

CQĐT đã lấy lời khai của các lái xe, bảo vệ tham gia áp tải 4.554 tỷ đồng cùng thủ quỹ Ngô Thị Ngân (nguyên thủ quỹ chính ngân hàng Đại Tín - chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang, cháu dâu bà Phấn).

Việc rút tiền mặt từ ngân hàng Nhà nước, quá trình vận chuyển, mọi thủ tục, giấy tờ, chứng từ và kiểm đếm nhận tiền đều do Ngân trực tiếp thực hiện. Tham gia áp tải tiền cùng thủ quỹ Ngân 28 lần với tổng số tiền 3.827 tỷ đồng, anh H.T.K. khai, có 10 lần Ngân yêu cầu lái xe vận chuyển tiền sau khi rút từ ngân hàng Nhà nước về thẳng chi nhánh Lam Giang.

Theo yêu cầu của Ngân, K. hỗ trợ vận chuyển các bao tiền lên phòng làm việc của bà Phấn tại lầu 6. Ở đó, ngoài K., Ngân, còn có bà Phấn, Loan và một số người lạ không biết tên. Có khi tiền được để lại hết nhưng cũng có lần sau khi kiểm đếm, tiền cho vào bao, K. được Ngân yêu cầu mang xuống xe và chở về công ty Phương Trang. Những người còn lại cũng có lời khai tương tự.

A.Huy
.
.