Chuyện quà tặng của các nguyên thủ

Thứ Sáu, 06/09/2019, 20:16
Khi các nguyên thủ quốc gia và quan chức cao cấp các nước gặp nhau thường là có trao đổi quà tặng. Trên thực tế việc trao đổi những món quà lưu niệm là chuyện bình thường trong nghi thức ngoại giao nhưng những món quà đủ các loại lại là những câu chuyện hứng thú mà người ta hay bàn đến.


Món quà đặc biệt

Tháng 12 năm 1949, nhà lãnh đạo của Trung Quốc mới đi thăm nước ngoài lần đầu tiên là Chủ tịch Mao Trạch Đông sang Liên Xô. Thành quả của lần đi thăm này là ký kết được hiệp ước "Hiệp ước hữu nghị và đồng minh Trung - Xô" làm cho nước Cộng hòa nhân dân mới ra đời giành được sự ủng hộ vô cùng to lớn. Trong chuyến thăm này, món quà Trung Quốc nhận được là mô hình bằng nhựa kiến trúc khu nhà ở của Nguyên soái Stalin.

Ấm trà tử sa Trung Quốc tặng cho các nhà lãnh đạo dự hội nghị G20.

Phía Trung Quốc đáp lễ bằng bắp cải trắng, cà rốt, hành tây, tỏi và lê đặc sản Sơn Đông, tổng cộng là 10 tấn. Ngoài rau quả còn có tranh thêu chân dung Stalin, đồ sứ Cảnh Đức, hàng sơn mài Phúc Kiến, đồ thêu Hàng Châu, rượu Mao Đài Quý Châu, thuốc lá thơm Thượng Hải và 12 đôi đũa bằng ngà voi...  

Trong lịch sử ngoại giao hiện đại, quà tặng tương tự như vậy có lẽ là rất hiếm ở trên thế giới nhưng khi nước Trung Quốc vừa mới thành lập, tình hình kinh tế đang khó khăn lấy rau quả làm quà tặng xem ra không mấy quý giá nhưng nó lại biểu thị được đầy đủ sự chân thành của các nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ.

Những món quà không mấy thú vị

Tháng 5 năm 2013, ông thủ tướng Anh sang Nga và gặp tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi, ông Cameron đã tặng tổng thống Nga một món quà thậm chí có phần gây sốc. Tổng thống Nga tặng ông Cameron một chai rượu trắng Armenia và ông Cameron đáp lễ bằng món quà là bức ảnh hai người đang xem trận thi đấu judo ở Olympic London!

Trước đó, khi ông Putin sang thăm London, bên lề các cuộc hội đàm về vấn đề quốc tế ông Cameron đã mời ông Putin đến xem trận thi đấu Judo của Thế vận hội đang được tổ chức tại London. Mọi người đều biết ông Putin là một cao thủ judo đai đen và ông còn là chủ tịch danh dự của Liên đoàn judo Quốc tế.

Ông Putin và ông Cameron vừa xem trận đấu vừa vui vẻ trò chuyện. Trận đó, khi vận động viên người Nga đánh bại đối thủ, ông Putin đã đứng lên hoan hô cổ vũ. Các phương tiện truyền thông của Anh quốc cho rằng ngay cả ông Putin là người yêu thích môn judo nhưng với bức ảnh này làm quà tặng thì đúng là "thiếu đi trí tưởng tượng".

Tháng 3 năm 2012, ông Cameron đến thăm Hoa Kỳ đã tặng ông Obama một chiếc bàn bóng bàn. Ông thủ tướng Anh đã tuyên bố một cách hùng hồn rằng chiếc bàn bóng này là "sản phẩm chính hiệu Anh quốc". Món quà tặng này quả là thích hợp khi thế vận hội sắp được tổ chức tại London nhưng có điều là sau đó các nhà báo phát hiện ra là chiếc bàn bóng đó thực tế lại là một sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Tượng điêu khắc gỗ - quà tặng của Ấn Độ.

Ông Obama tặng lại ông Cameron một chiếc lò nướng có giá trị khoảng 2 ngàn bảng cũng biểu thị rằng nó là sản phẩm "Mỹ quốc chính hiệu." Hai món quà đó dường như là hai món quà có tính chất cá nhân nhưng lại thể hiện mối quan hệ mật thiết của hai quốc gia.

Trên thực tế là ông Obama và ông Cameron đều không thể dùng món quà đó, bởi vì giá trị những món quà đó đều vượt quá hạn ngạch quà tặng mà Mỹ, Anh quy định người nhận được sử dụng. Các phương tiện truyền thông đã nói một cách khôi hài: "đây là những món quà vô tích sự".

Muốn sở hữu phải mua lại quà tặng

Một số quốc gia có quy định rất cụ thể về việc nhận và tặng quà biếu. Các nhân viên công tác của chính phủ Mỹ chỉ được nhận quà biếu có giá trị dưới 300 đôla (tổng thống cũng không ngoại lệ.) Quà tặng có giá trị hơn quy định phải được bàn giao cho chính phủ trong vòng 60 ngày.

Chính phủ Anh quốc cho phép các quan chức và nguyên thủ quốc gia chỉ được nhận quà biếu có giá trị dưới 140 bảng Anh. 

Đối với Trung Quốc, nhân viên công tác không được nhận quà biếu có giá trị hơn 200 nhân dân tệ. Một số nước còn có quy định được nhận quà tặng với giá trị rất thấp như Đức là 50 euro; Pháp là 35 euro.

Singapore còn có quy định nghiêm ngặt là những nhân viên công tác của chính phủ chỉ được nhận quà biếu giá trị dưới 50 đôla Singapore.

Luật Canada còn khắt khe hơn quy định các nhân viên chính phủ không có quyền được nhận quà tặng nếu vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Như vậy những người nhận được quà biếu có giá trị hơn mức quy định mà muốn sở hữu nó thì phải bỏ tiền túi ra mua lại thì mới được sử dụng.

Nguyễn Đình Thiêm (theo "Xinhuanet.com")
.
.